Bao giờ doanh nghiệp hết “khổ”?
Kiểm tra chuyên ngành tốn hơn tiền thuế
Phát biểu tại Hội nghị Đối thoại về những rào cản, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách thuế, hải quan thời gian qua, bà Trịnh Tú Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Đô cho hay: Mấy năm gần đây, nhờ những thay đổi về chính sách thuế, hải quan nên hoạt động của An Đô nói riêng và của cộng đồng doanh nghiệp nói chung đã trở lên thuận lợi, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện, được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chính sách thuế, hải quan cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, gây cản trở, khó khăn đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Cũng theo bà Tú Anh, An Đô là một doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực là nhập khẩu dệt may và thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình hoạt động, An Đô thấy rất mệt mỏi vì kiểm tra chuyên ngành hàng hóa thông quan. Ví như việc nhập khẩu dệt may, chỉ tính riêng 9 tháng năm 2015, An Đô đã phải nộp chi phí kiểm tra lên đến 620 triệu đồng. Ngoài ra, để thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình tiến hành kiểm tra chuyên ngành, công ty cũng phải cắt cử riêng nhân viên chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này. Công việc nghe thì có vẻ nhẹ nhàng nhưng kỳ thực khổ cực vô cùng. Ngày nào cũng thế, từ sáng đến tối muộn cứ phải chạy ngược xuôi để lấy mẫu, lo thủ tục và chờ kết quả.
Việc kiểm tra hàng hóa ngày nào cũng vậy. Có ngày công ty 3 bộ tờ khai cho cùng một loại hàng hóa nhưng cũng phải kiểm tra khiến chi phí phát sinh rất lớn. 10 xe hàng của công ty phải chờ ở cửa khẩu để chờ kiểm tra, doanh nghiệp sẽ mất tiền phí bến bãi lên đến 5 triệu đồng, rồi cả tiền chi phí cho lái xe... Nhiều mặt hàng sử dụng ít vải như ô che nắng cũng phải qua kiểm tra chuyên ngành, gây ra phiền lụy cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi nhập 4 mẫu vải/ngày với trọng lượng từ 200 đến 300kg mà mất tới 8 triệu tiền kiểm tra hàng. Trong khi nhập 1 tấn vải chỉ có vài triệu tiền thuế. Và chính bởi sự bất hợp lý này mà nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ tìm cách trốn lậu thuế cho nhanh, đỡ mất chi phí và cũng đã mất thời gian. Và điều này cũng khiến những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng phải chịu sự cạnh tranh không đàng hoàng” - bà Tú Anh nhấn mạnh.
Còn theo đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Citicom, từ đầu năm tới nay, công ty tốn gần 1 tỉ đồng chi phí kiểm tra chuyên ngành. Và nếu giảm tần suất kiểm tra hay đổi sang phương thức kiểm tra theo xác suất thì sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cả về thời gian và bớt chi phí trong bối cảnh doanh nghiệp đang hết sức khó khăn hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận: Kiểm tra là cần thiết nhưng đúng là tỉ lệ kiểm tra còn ở mức cao, lên đến 38%. Mặc dù kiểm tra nhiều, mất nhiều thời gian nhưng công tác kiểm tra chuyên ngành lại vẫn chưa khiến người dân, doanh nghiệp yên tâm và cũng chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, thời gian lưu kho quá lâu.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, ngành tài chính, hải quan cần giảm tần suất và yêu cầu đối với kiểm tra chuyên ngành.
“Chúng tôi sẽ đầu tư phương tiện, con người với cơ chế sửa đổi để làm sao khâu kiểm tra tại cửa khẩu nhanh nhất có thể” - Thứ trưởng Tuấn nói.
Thu thuế cần thu cả lòng người
Như đã đề cập ở trên, nhiều chính sách thuế, hải quan còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, theo bà Tú Anh, lực lượng hải quan và chế độ cho lực lượng này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Chính vì vậy, ngành thuế, hải quan cần phải đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó đẩy nhanh quá trình xử lý các thủ tục hành chính. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động mà còn góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch cho nền kinh tế.
Trao đổi với Năng lượng Mới bên lề hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định: Thuế và hải quan là 2 lĩnh vực trọng yếu của đất nước, có tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và cũng là trọng tâm cải cách của Chính phủ. Và thời gian qua, ngành thuế cũng là một trong những lực lượng tiên phong đi đầu trong việc cải cách hành chính, thuế, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự nỗ lực của ngành thuế trong việc điều chỉnh chính sách thuế - đó là những nỗ lực trong việc điều chỉnh suất thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu… góp phần tăng thu ngân sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay.
Đồng thời, ông Lộc cũng đưa quan điểm: Cải cách ngành thuế, hải quan không phải là câu chuyện của riêng ngành tài chính, hải quan là câu chuyện của cả nền kinh tế, của cả cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp những chương trình cải cách của Chính phủ, Bộ Tài chính phải trở thành hành vi ứng xử hàng ngày của công chức ở cơ sở. Và để làm được như vậy cần có kỷ luật thực hiện nghiêm túc, có chính sách đảm bảo, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường kỷ luật thực hiện, tăng cường vai trò kiểm soát của những người cao nhất đối với việc thi hành của cán bộ công chức.
Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí trong lộ trình tăng lương tối thiểu đang được xem xét, ông Lộc cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giãn lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, để doanh nghiệp có lộ trình thích ứng đối với chi phí trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
“Chúng tôi luôn quan niệm rằng, các doanh nghiệp coi nộp thuế là quyền lợi, vinh dự và trách nhiệm của các doanh nghiệp. Về phía các cơ quan thuế, Chính phủ cũng quan niệm rằng “thu được thuế nhưng phải thu được lòng dân” - ông Lộc nói.
Theo ông Cao Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đến ngày 20-10-2015, hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai cho 63 tỉnh, thành phố với trên 506.000 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,95% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng. Một số Cục Thuế đạt tỷ lệ cao như: Cục Thuế TP Đà Nẵng: 100%, Cục Thuế TP Hà Nội: 99%, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh: 99%. |
Thanh Ngọc