Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bàn về thu nhập và tham nhũng

07:02 | 21/07/2012

1,624 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tham nhũng mà được bao che thì rất nguy hiểm. Không thể quy kết rằng, do thu nhập thấp, đời sống khó khăn mà tham nhũng.

Báo chí vừa đưa tin các đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã được trang bị máy tính bảng iPad 2. Và dự án công nghệ thông tin hiện đại này cho các dân biểu thủ đô như thông tin trên tờ Tuổi trẻ, tốn khoảng 6,04 tỉ đồng. Trước thắc mắc việc thay vì trang bị máy tính xách tay bằng máy tính bảng iPad 2 cho các đại biểu, khi máy tính bảng là thiết bị giải trí, hiệu quả công việc như soạn thảo văn bản không thể bằng máy tính xách tay, một vị lãnh đạo HĐND thành phố cho rằng, iPad 2 vẫn “đáp ứng đầy đủ chức năng của máy tính và rất tiện lợi cho việc trao đổi thông tin giữa đại biểu và Trung tâm Thông tin của HĐND”. Xin nhớ rằng, đa số đại biểu HĐND là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chắc rằng đã có máy tính xách tay để làm việc. Phóng viên dự kỳ họp kể rằng, máy tính bảng iPad 2 được cấp đúng hôm chất vấn UBND nên có vẻ như các đại biểu bận nghiên cứu máy tính bảng nên ít chất vấn. Phải “học” cách dùng iPad 2, với các đại biểu lớn tuổi chắc không dễ dàng, nhưng đây là chế độ mà, nếu “cụ” không dùng được thì cho cháu mượn chơi games cũng tốt chứ sao!? Nếu bây giờ cả 63 tỉnh đều “chịu chơi” trang bị iPad 2 cho các dân biểu theo chế độ thì ngân sách sẽ gánh thêm bao nhiêu tiền, chắc sẽ là 300 tỉ đồng.

Câu chuyện máy tính bảng iPad 2 cho dân biểu Hà Nội, nếu có gì đáng bàn thì bất quá cũng chỉ là “chút chút” đầu tư công không đáng là bao. Tất cả đã có trong chế độ quy định! Mà đã là chế độ thì miễn bàn nhé!

Không có thông tin nên không biết đầy đủ các chế độ lương, phụ cấp của dân biểu Hà Nội chuyên trách và các khoản phụ cấp khi họp hành, làm việc, đi lại của các đại biểu kiêm nhiệm để biết các dân biểu có đủ sống hay không?

Còn nhớ mới đây, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đã tâm sự thật lòng rằng, lương thứ trưởng cũng không đủ sống! Có người bật cười mà rằng, hình như ở câu này in thiếu chữ. Câu nói của ông cựu Thứ trưởng phải hiểu là với mức lương thứ trưởng, các quan chức ở ta cũng không thể nào sống sung túc, sang trọng. Xin nhớ rằng, mức lương thứ trưởng chỉ gấp 9-10 lần lương tối thiểu, nhưng các vị có phụ cấp chức vụ, có xe công vụ (mà thực chất thì được sử dụng như xe riêng, lại không mất tiền xăng, lương lái xe và chi phí cho xe), được mua nhà giá ưu đãi, chữa bệnh không mất tiền và ốm đau nặng có thể được đi chữa ở nước ngoài… Cho nên thu nhập thực tế của các vị là “khủng”, chứ không phải “còm”.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, vấn đề lương bổng, thu nhập và tham nhũng lại được đặt ra. Trước hết, hiện tượng những công chức, viên chức cấp thấp ở các cơ quan công quyền, hưởng mức lương thấp không đủ sống nên phải tìm cách kiếm thêm thu nhập qua những phong bì “bồi dưỡng” của công dân, doanh nghiệp khi có công việc liên quan. Đây là dạng tham nhũng vặt nhưng quy ra thóc cũng đủ nâng cao mức sống. Tham nhũng vặt đã được mặc nhiên chấp nhận theo kiểu “sống chung với lũ” dù tác hại lương tâm cao hơn lương thực!

Ai đó cho rằng, nâng lương cho công chức, viên chức lên gấp 2-3 lần hiện nay thì sẽ chống được tham nhũng vặt là không tưởng. Một khi còn người muốn được việc cho mình nên chấp nhận chi phong bao thì chừng đó vẫn còn tham nhũng vặt. Hôm nay cấp thấp tham nhũng vặt, nay mai lên chức cao hơn sẽ tham nhũng nhiều hơn, bạo liệt hơn. Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử mà người lĩnh án tù, thậm chí án tử hình, đâu có mấy kẻ nghèo túng, thu nhập thấp! Ai dám bảo ông phó giám đốc sở, ông chủ tịch quận, ông giám đốc chi nhánh ngân hàng… ra tòa vì can tội tham nhũng do thu nhập thấp?

Các chuyên gia cho rằng, lòng tham của những con người đó là vô hạn. Họ đã giàu rồi nhưng lại luôn muốn được giàu thêm. Quyền lực tạo ra một khoản thu nhập cho người có nó nên không ít trường hợp phải chạy chọt để có chức, quyền và đã phải chi phí không ít. Đó là một khoản “đầu tư” và khi đã có chức, có quyền, người ta phải tìm cách thu hồi.

Như vậy, có thể thấy thu nhập thấp không phải là nguyên nhân chính của nạn tham nhũng. Nói như vậy không có nghĩa là không quan tâm gì đến thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức. Bởi không thể hô hào một người cống hiến khi họ không có thu nhập để trang trải những nhu cầu ở mức trung bình của xã hội.

Tuy nhiên, điều cần hơn là phải có sự công khai, minh bạch trong quản lý và điều hành. Chẳng hạn, rất cần công khai, minh bạch về thu nhập của cán bộ, công chức. Vì sao một công chức bình thường, một cảnh sát giao thông với quân hàm cấp úy... mức lương rất khiêm tốn nhưng lại dễ dàng mua nhà lầu, xe hơi đắt tiền hoặc chu cấp cho con đi du học nước ngoài mỗi năm tới hàng trăm ngàn đôla Mỹ?

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật có thể khẳng định rằng, công tác chống tham nhũng nói chung và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 nói riêng trong nhiệm kỳ qua chưa đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí” như đã đề ra. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Ngoài ra, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được thực hiện nghiêm. Nhiều cấp ủy, chính quyền còn nể nang, né tránh trong việc xử lý. Việc kê khai tài sản, thu nhập tuy đã thực hiện ở nhiều nơi nhưng vẫn còn hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn rất hạn chế, hiệu quả thấp.

Vào các dịp lễ, tết, người ta lợi dụng phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc để biếu xén “trên mức tình cảm” vẫn diễn ra khá phổ biến. Hẳn vì vậy, nhiều Đảng bộ tỉnh, huyện đã có văn bản cấm biếu xén nhân dịp lễ, tết. Tuy nhiên, không có thông tin về xử lý các vi phạm quy định này. Một giám đốc doanh nghiệp kể rằng, ông chỉ chi “cò con” để chúc tết lãnh đạo địa phương có 3.000USD, thua xa các doanh nghiệp khác. Hãy nhẩm tính xem, nếu có vài chục doanh nghiệp chúc tết “cò con” thì một cái tết vị này thu được bao nhiêu “bổng”?

Tham nhũng khó chống còn bởi số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn ít. Trong 5 năm qua, nhiều địa phương không phát hiện được vụ án tham nhũng nào qua kiểm tra, thanh tra… Pháp luật chưa nghiêm và một số cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp, các ngành, lãnh đạo ở Trung ương chưa nêu gương về đạo đức, lối sống. Nhiều cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận của mình.

Dư luận công dân cho rằng, hiện nay việc công khai minh bạch còn tù mù, đặc biệt là công khai các dự án thì làm sao nhân dân giám sát được. Có nơi, người tham nhũng thì được về hưu, còn người tố cáo thì bị trù dập. Tham nhũng mà được bao che thì rất nguy hiểm. Không thể quy kết rằng, do thu nhập thấp, đời sống khó khăn mà tham nhũng.

Thọ Vinh

Năng lượng Mới số 139, ra thứ Sáu ngày 20/7/2012