Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 19/7 - 25/7
Tổ máy 1 Nhiệt điện Nghi Sơn 2 hoà lưới điện quốc gia
Tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 hoà đồng bộ vào lưới điện quốc gia. |
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) vừa thực hiện hòa đồng bộ tổ máy số 1 thành công vào lưới điện quốc gia, đánh dấu nỗ lực của chủ đầu tư, tổng thầu và các nhà thầu thi công trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tổ máy số 1 của dự án được khởi công lắp đặt kết cấu thép lò hơi vào ngày 1/3/2019; hoàn thành thử áp lò hơi vào ngày 1/9/2020; đốt lửa lần đầu thành công vào ngày 5/3/2021; hòa điện đồng bộ - 28,5 MW vào ngày 16/7/2021 và đạt công suất 110% (665 MW) vào ngày 19/7/2021 vừa qua; dự kiến vận hành thương mại vào tháng 12/2021. Tổ máy 2 được khởi công lắp đặt kết cấu thép vào tháng 7/2019; hoàn thành thử áp lò hơi vào tháng 1/2021, hiện đang hướng tới mục tiêu đốt lửa lần đầu trong tháng 8/2021.
EVNNPC dự kiến đầu tư hơn 6 nghìn tỷ đồng cho lưới điện 110kV
EVNNPC xét duyệt chủ trương đầu tư 67 dự án lưới điện 110kV tại 20 tỉnh, thành phố miền Bắc. |
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vừa tiến hành xét duyệt chủ trương đầu tư 67 dự án lưới điện 110kV tại 20 tỉnh, thành phố miền Bắc. Theo đó, 67 dự án này có tổng mức đầu tư trên 6 nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2023.
67 dự án đã có đầy đủ phương án đầu tư xây dựng, có quy hoạch được các cấp thẩm quyền phê duyệt và được đánh giá là quan trọng trong việc quản lý vận hành lưới điện cũng như sự phát triển của các địa phương.
Chủ trương đầu tư cơ bản đã thống nhất, tuy nhiên EVNNPC đề nghị các ban chuyên môn một lần nữa rà soát lại phương án đầu tư của các dự án trên để đảm bảo phương án được lập một cách khoa học, bài bản, cập nhật sát với tình hình hiện tại và có tính đến sự phát triển “dài hơi” của địa phương trong những năm tiếp theo; tránh đầu tư sớm gây lãng phí các nguồn lực, đồng thời tính toán hiệu quả kinh tế, đầu tư trước khi thực hiện.
EVNCPC giảm hơn 34 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng trong tháng 6
Nhân viên ngành điện hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục giảm tiền điện |
Trong kỳ hóa đơn tháng 6/2021 - tháng đầu tiên của đợt 3 thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết đã giảm hơn 34,115 tỷ đồng cho 3.288 khách hàng trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên.
Theo đó, EVNCPC giảm hơn 33 tỷ đồng cho 3.118 khách hàng sử dụng điện là cơ sở lưu trú du lịch được giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất; giảm 100% tiền điện với gần 203 triệu đồng cho 36 khách hàng là các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; giảm 20% tiền điện với gần 659 triệu đồng cho 112 khách hàng là các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 và gần 143 triệu đồng cho khách hàng thông qua 22 đơn vị bán lẻ điện trên địa bàn.
Tiêu thụ điện tại miền Nam giảm mạnh
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Tiêu thụ điện khu vực miền Nam giảm mạnh khi 19 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong 2 ngày đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh/thành phố, công suất đỉnh của toàn HTĐ miền Nam đã giảm tới gần 3.000 MW so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Đánh giá chung, mức độ tiêu thụ điện ở khu vực miền Nam đã giảm khoảng 17% về công suất đỉnh và giảm 15% về sản lượng điện ngày so với mức trung bình ngày thường của tuần trước đó. Mức độ tiêu thụ điện của khu vực miền Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì giảm trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh/thành phố.
Hơn 30% công suất nguồn điện gió không kịp vận hành thương mại trước 31/10/2021
25/106 nhà máy điện gió tổng công suất 1.912,05MW không thể vận hành thương mại trước 31/10 như dự kiến. |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có thông tin cập nhật về tình hình ký kết hợp đồng mua bán điện và tiến độ công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió trong năm 2021. Trước đó, đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió, tổng công suất hơn 8.144MW.
Căn cứ báo cáo tiến độ của các chủ đầu tư đến ngày 22/7, có 13 nhà máy điện gió tổng công suất 611,33MW đã đưa vào vận hành thương mại. Có 106 nhà máy điện gió tổng công suất 5.621,50MW dự kiến đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021.
Tuy nhiên, đến ngày 22/7, mới có 61 nhà máy điện gió tổng công suất 3.487,8MW gửi công văn đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm theo đúng quy định trước 90 ngày. Có 25 nhà máy điện gió tổng công suất 1.912,05MW không thể vận hành thương mại trước 31/10.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện gió tại Bạc Liêu
Thi công một dự án điện gió tại Bạc Liêu. |
Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh và dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu.
Cụ thể, hỗ trợ hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 1 (50MW), Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 - giai đoạn 2 (50 MW), Nhà máy điện gió Đông Hải 1 - giai đoạn 2 (50MW) dự kiến trong tháng 7/2021; Nhà máy điện gió Hòa Bình 2 (50MW), Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (80MW), Nhà máy điện gió Kosy - Bạc Liêu (40MW) dự kiến trong tháng 10/2021. Khi các dự án điện gió này đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong phát triển công nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...
Cùng với đó, Sở Công Thương Bạc Liêu cũng tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2021…
Năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục là trọng tâm hợp tác Việt - Đức
Năng lượng tái tạo tiếp tục là trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới. |
Mới đây, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng đã có buổi tiếp và làm việc cùng đoàn công tác của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) do ông Sebastian Paust, Tham tán hợp tác phát triển dẫn đầu.
Ông Sebastian Paust cho biết, hiện nay Đức và Việt Nam đã và đang hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, công tác bảo vệ môi trường, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng là trọng tâm của những nỗ lực hợp tác phát triển của Đức tại Việt Nam. Theo đó, năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục trở thành trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Đến nay, thông qua các tổ chức như Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (GIZ) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Đức đã hỗ trợ các dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ Euro, gồm các dự án đã được thực hiện và các dự án đã cam kết.
Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ Đức cũng như KfW dành cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích phát triển và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, và đang từng bước cải thiện cơ cấu nguồn điện theo hướng ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.
Lâm Anh
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/8: Diễn biến giá dầu sau căng thẳng leo thang ở Trung Đông
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế ngày 30/7: Israel không muốn leo thang căng thẳng, giá dầu ngay lập tức biến động
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 23/4: Gazprom phải đóng cửa nhiều giếng khí đốt
-
Nhịp đập năng lượng ngày 31/12/2023
-
Nhịp đập năng lượng ngày 30/12/2023
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Bản tin Năng lượng xanh: Sự trở lại của Tổng thống Trump có thể làm chậm lại chứ không ngăn sự bùng nổ năng lượng sạch của Mỹ
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Từng bước tiến tới tự chủ công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo