Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bản hùng ca Anh bộ đội Cụ Hồ xây dựng ngành Dầu khí

11:54 | 08/05/2019

4,217 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Ngành Dầu khí đang là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong đó Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là doanh nghiệp hàng đầu, doanh thu hằng năm lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng, đóng góp khoảng gần 30% GDP. Chắc ít người hình dung được, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thịnh vượng ngày nay đã trải qua những ngày đầu vô cùng gian khó.

Và, để có ngành công nghiệp dầu khí như ngày hôm nay, đã có sự đóng góp lớn lao về trí tuệ, công sức, mồ hôi, thậm chí cả xương máu của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội. Gặp những chứng nhân của thời lịch sử ấy, chúng tôi càng thêm cảm phục tinh thần, ý chí, tính kỷ luật và sự trong sáng, vô tư của Bộ đội Cụ Hồ...

“Tổng động viên” cho ngành Dầu khí

Những năm sau khi giải phóng miền Nam, cả nước bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để tạo động lực phát triển cho đất nước, một yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được một ngành công nghiệp khai thác dầu khí, thực hiện theo mong ước của Bác Hồ.

Năm 1976, Chính phủ đã bổ nhiệm Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) làm Bộ trưởng phụ trách dầu khí. Ngay sau đó, Tổng cục Dầu khí được giao tiếp quản các cơ sở vật chất và tài liệu của các công ty dầu khí tại miền Nam. Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã có những đóng góp to lớn về chủ trương hợp tác dầu khí với nước ngoài, tạo tiền đề xây dựng cơ sở hạ tầng của ngành Dầu khí, đã để lại những dấu ấn mang “cá tính Đinh Đức Thiện” trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam.

Rất may mắn, chúng tôi đã gặp được ông Đỗ Ngọc Ngạn, đã ngoại bát tuần, nguyên là thư ký của Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, hiện nghỉ hưu tại TP Vũng Tàu - nơi ngành công nghiệp dầu khí đang lớn mạnh từng ngày. Quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, tốt nghiệp Khoa Xăng dầu thuộc Học viện Hậu cần Vận tải ở Liên Xô, đã mang quân hàm Trung tá, giữ chức vụ Tham mưu trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần).

ban hung ca anh bo doi cu ho xay dung nganh dau khi

Bộ trưởng Đinh Đức Thiện (thứ 3 bên trái) thị sát Vũng Tàu trước khi quyết định đặt căn cứ Dịch vụ Dầu khí Tổng hợp tại đây

Sang ngành Dầu khí, ông Ngạn làm Vụ trưởng Vụ Lao động, đến năm 1991 thì nghỉ hưu. Nối tiếp con đường của cha, hai con ông cũng từng là bộ đội và giờ đây cũng đang công tác, phục vụ trong ngành Dầu khí. Kể chuyện năm xưa, ông nhớ lại: Khoảng cuối năm 1975, cuộc họp tổng kết ngành xăng dầu phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh có tướng Đinh Đức Thiện dự. Sau cuộc họp, ông Đinh Đức Thiện nói với Đại tá Phan Tử Quang, Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần: “Cho cậu Ngạn đi với tớ”. Thế là sau đó, ông Ngạn trở thành thư ký cho ông Đinh Đức Thiện. “Mình là người lính, trên điều động đi đâu thì đi chứ chẳng lăn tăn, thắc mắc gì, mặc dù lúc đó, mình đang rất tâm huyết với ngành xăng dầu quân đội”.

Theo lời ông Ngạn, từ khoảng năm 1977 đến năm 1981, đã có rất nhiều cán bộ quân đội được điều sang ngành Dầu khí, tiêu biểu là: Trung tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn I chuyển sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí; Thiếu tướng Tô Ký, Chính ủy - Tư lệnh Quân khu 3 được điều sang làm phái viên Bộ trưởng phụ trách dầu khí ở miền Nam; Đại tá Đặng Quốc Tuyển, Phó chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế (Bộ Quốc phòng) kiêm Tư lệnh Binh đoàn 14 chuyển sang làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí, phụ trách mảng cán bộ và đời sống; Đại tá Phạm Văn Diêu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế (Bộ Quốc phòng) sang làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí phụ trách về xây dựng công trình ngầm, cảng biển; Đại tá Phan Tử Quang, Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần) chuyển sang làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí phụ trách về xây dựng và lao động; Đại tá Trần Sanh, Phó cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần) sang làm Viện trưởng Viện Dầu khí, sau là Chánh văn phòng Tổng cục Dầu khí; Đại tá Trần Thái Vĩnh, Cục trưởng Cục Hậu cần của Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển sang làm Giám đốc Công ty Vật tư Vận tải Dầu khí; Thượng tá Hoàng Lộc, Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 1 sang làm Bí thư Đảng ủy Viện Dầu khí, sau làm Bí thư Đảng ủy Tổng cục Dầu khí...

Khi muốn đưa giàn khoan ra ngoài Cồn Thoi - Cồn Ngạn (huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định), yêu cầu đặt ra là phải có phương tiện thủy bởi giàn khoan này nặng đến mấy trăm tấn. Phương tiện thủy để vận chuyển được khối lượng ấy, chỉ có quân đội mới có. Bộ trưởng Đinh Đức Thiện liền viết thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong được mượn phương tiện của quân đội để làm nhiệm vụ ấy. Thế là mọi chuyện được giải quyết rất nhanh chóng...

Vị đại tá và chiếc áo đi mượn

ban hung ca anh bo doi cu ho xay dung nganh dau khi
Ông Nguyễn Xuân Đống thời trẻ

Thời ấy, cán bộ quân đội rất có duyên với nhiệm vụ lo đời sống cho ngành Dầu khí. Chuyện Thiếu tướng Tô Ký chạy tiền, lo lương thực cho ngành Dầu khí vẫn còn in đậm trong tâm trí của những cán bộ ngành Dầu khí thời kỳ đó. Ấy là năm 1977, ngành Dầu khí gặp muôn vàn khó khăn, phải “giật gấu, vá vai” để lo đời sống cho người lao động. Được tin Thiếu tướng Tô Ký chuẩn bị nghỉ hưu, biết được uy tín và cái chất “anh Ba” Nam Bộ của vị tướng này, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện quyết ra Bắc một chuyến để xin Thiếu tướng Tô Ký “đầu quân” vào ngành Dầu khí. Lúc hai “thầy trò” Đinh Đức Thiện, Đỗ Ngọc Ngạn vào Tổng cục Chính trị thì vừa hay gặp Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ trưởng Thiện liền ngỏ lời. Thế là sau đó, ông Tô Ký được điều sang ngành Dầu khí theo diện biệt phái, quân đội vẫn trả lương. Mấy năm công tác ở ngành Dầu khí, ông Tô Ký trở thành “cây đũa thần”, cực kỳ đắc dụng trong việc chăm lo đời sống cho anh em. Ông là phái viên Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, được phân công ở miền Nam lo chuyện “chạy gạo, chạy tiền” cho ngành. Ông Tô Ký đi khắp nơi xin mua lợn, xin gạo, xin thịt để về nuôi công nhân trong ngành. Thời ấy, mang được gạo, thịt từ tỉnh này sang tỉnh kia đâu có dễ, ấy thế mà mấy anh công an chỉ cần nhìn thấy xe của ông Tô Ký hoặc người lái xe chìa tờ giấy ghi tay, ký tên “Tô Ký” thôi, chẳng có dấu má gì sất, nhưng vì nể trọng nên thường tránh đường cho xe đi.

Ông Đỗ Ngọc Ngạn kể rằng, khó khăn nhất của thời kỳ đầu là phải xây dựng được chế độ, chính sách cho cán bộ, công nhân, người lao động ngành Dầu khí. Tuyển được công nhân nhưng lương và phụ cấp không đủ sống thì họ “chạy” thôi. Tổng cục Dầu khí đề nghị nâng lương của cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí cao hơn mức đang quy định. Các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đồng ý. Nhưng vẫn có một số ý kiến bên dưới phản đối kịch liệt. Để thuyết phục phía Liên Xô cũng không đơn giản. Khi đàm phán với ông Hatlkin, chuyên gia Liên Xô, ông Phan Tử Quang, Phó tổng cục trưởng đã cởi phăng áo ra ngay giữa cuộc họp và nói: “Tôi là đại tá quân đội cũng vẫn phải đi mượn áo đây này!”. Có lẽ, chuyện phải đi mượn áo để mặc không phải là chuyện hiếm ở nước ta hồi ấy. Sau đó, trước những lý lẽ có tính thuyết phục cao được đưa ra, các bên liên quan đã chấp nhận nâng lương cho cán bộ, công nhân viên dầu khí.

Lại nói đến ông Nguyễn Xuân Đồng, người trồng lúa. Sau khi từ nông trường ở Phụng Hiệp (Cần Thơ) ra, ông công tác tại Tổng cục Dầu khí tại Hà Nội, trải qua nhiều cương vị. Ông về hưu năm 1990 với chức vụ cao nhất là Ủy viên thường vụ Đảng ủy, Phó chánh văn phòng của Tổng cục Dầu khí. Năm 2011 vừa qua, ông được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2012 này, ông vừa tròn 65 năm tuổi Đảng. Hiện nay, cả gia đình ông, gồm 3 thế hệ đang ở trong một căn hộ chung cư tại khu tập thể của ngành Dầu khí ở đường Thái Thịnh, Hà Nội. Rất tiếc là ông không hề có một bức ảnh nào của thời đi nông trường cho ngành Dầu khí. Nhắc đến ảnh, ông cười nói: “Hồi ấy, chân lấm, tay bùn, cốt sao hoàn thành tốt nhiệm vụ, lấy đâu ra máy ảnh mà chụp”.

Dời non, lấp biển, dựng cơ đồ

Sau khi Binh đoàn 318 Dầu khí giải thể, đáng tiếc là ban liên lạc của Binh đoàn chưa được thành lập, nên để tìm được những nhân chứng, tôi đã mất khá nhiều thời gian để liên hệ, tìm kiếm. Phải khó khăn lắm tôi mới tìm được Đại tá Trương Trí Công, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị của Binh đoàn. Chúng tôi cũng đã vào Vũng Tàu để gặp các ông Bùi Xuân Chung, Đào Văn Tự, Phạm Hữu Chức - các cán bộ của Binh đoàn 318 năm xưa và ông Đỗ Trích - nguyên cán bộ của Tổng cục Xây dựng Kinh tế - Bộ Quốc phòng được điều xuống Vũng Tàu giám sát theo dõi việc xây dựng công trình dầu khí do quân đội thực hiện.

Các ông nhớ lại rằng, chính Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã khoanh một vòng tròn lớn trên bản đồ, đánh dấu nơi dự tính sẽ đặt căn cứ. Chỗ đó trên thực địa là một rừng sú vẹt và đầm lầy rộng mênh mông. Nhìn hiện trạng đó, mấy ai hình dung ra bằng cách nào, bằng phương tiện nào, nhất là lực lượng nào để có thể giải phóng mặt bằng rộng lớn và phức tạp ấy. Các công ty dân sự chào thua vì không đủ nhân lực và máy móc. Thế là quân đội được huy động gánh vác nhiệm vụ gian nan này.

ban hung ca anh bo doi cu ho xay dung nganh dau khi

Đoàn công tác thuộc Tổng cục Dầu khí và cán bộ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo ra thăm giàn khoan số 1 mỏ Bạch Hổ (ông Đỗ Ngọc Ngạn thứ 5 từ trái sang)

Một cuộc chuyển quân rầm rộ lập tức được thực hiện. Sư đoàn 318 của Quân khu 4 đang ở Nghệ An thì được lệnh chuyển vào Vũng Tàu để xây dựng căn cứ dầu khí. Sư đoàn 336 đang làm nhiệm vụ ở bên nước bạn Lào cũng được lệnh chuyển về. Tương tự, Trung đoàn 526 (trung đoàn vận tải trực thuộc Bộ Quốc phòng), Trung đoàn 693 (tiền thân là Trung đoàn 4 Công an nhân dân vũ trang - nay là Bộ đội Biên phòng) ở Tây Ninh giáp biên giới với Campuchia, Bệnh viện 264 (cấp trung đoàn) và một số tiểu đoàn độc lập nữa như: Tiểu đoàn công binh, thông tin... cũng lần lượt được điều về Vũng Tàu. Tất cả các đơn vị nói trên hợp lại dưới một cái tên mới: Binh đoàn 318 Dầu khí (gọi tắt là Binh đoàn 318). Bộ Quốc phòng quản lý quân số, con người, còn nghiệp vụ thì do Tổng cục Dầu khí chỉ đạo. Binh đoàn 318 Dầu khí có vị trí và quyền hạn như một quân đoàn. Nói về quân số của Binh đoàn 318 Dầu khí, các nhân chứng chưa đưa ra con số thống nhất. Có ý kiến nói hơn một vạn quân, có ý kiến nói 2 vạn quân.

Bộ tư lệnh Binh đoàn này gồm: Tư lệnh là Đại tá Nguyễn Cận; Chính ủy là Đại tá Trần Nguyên Độ (sau đó ông Trần Nguyên Độ được phong Thiếu tướng, Tư lệnh kiêm Chính ủy); Phó tư lệnh là Đại tá Nguyễn Cư, Đại tá Trương Chí Công. Tên giao dịch với bên ngoài của Binh đoàn 318 Dầu khí là: Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí. Cái tên này theo ông Trương Trí Công là có từ quyết định của Tổng cục Dầu khí từ năm 1979. Tư lệnh của Binh đoàn đồng thời là Tổng giám đốc, Phó tư lệnh là Phó tổng giám đốc.

Nhiệm vụ của con cháu Sơn Tinh

Mùa hè năm 1979, các đơn vị của Binh đoàn 318 Dầu khí bắt đầu về đóng ở Vũng Tàu để tiếp quản toàn bộ phần đất mà các đơn vị quân đội trước đây chuyển lại cho Binh đoàn. “Lúc ấy, bộ đội về tràn ngập thị xã Vũng Tàu. Thậm chí có cảm giác, quân còn đông hơn cả dân, đi đâu cũng thấy bộ đội”, ông Đào Văn Tự nhớ lại.

Lúc đó, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo vừa được thành lập. Ngoài nhiệm vụ xây dựng các công trình dầu khí ở Vũng Tàu, Binh đoàn 318 Dầu khí còn xây dựng các công trình quốc phòng khác, đồng thời thực hiện sửa chữa và mở rộng sân bay Cỏ Ống ở Côn Đảo.

Vũng Tàu không có mỏ đá, mà đại công trường cần rất nhiều đá. Binh đoàn 318 liền xây dựng mỏ đá ở hai xã An Ngãi và Phước Tỉnh của huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Mỏ đá ấy tồn tại suốt từ năm 1980 cho đến năm 1993 mới dừng, nó đã góp phần xây dựng cả thành phố Vũng Tàu.

Ông Phạm Hữu Chức nguyên là Thiếu tá, Phó chính ủy Trung đoàn 693 nhớ lại, lúc đó những người làm công tác tư tưởng như ông phải luôn xuống từng trung đội để động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn. Ông thường nói với anh em: “Công việc vất vả ngày hôm nay là để góp phần chiến thắng nghèo đói, xây dựng đất nước ngày mai đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, vì thế các đồng chí phải nỗ lực vượt qua khó khăn”. Ý chí đã giúp người lính vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời chiến, lại một lần nữa là điểm tựa để họ vượt qua những gian khổ lúc dựng xây đất nước... Về sau, công trường của Binh đoàn 318 Dầu khí mới được cấp một số trang bị tân tiến, phương tiện vận tải cũng đầy đủ hơn. Trong đó, công nghệ búa máy đóng cọc do Liên Xô viện trợ lần đầu tiên được đưa vào sử dụng.

Ở bến cảng lúc đó được xác định là có vòng xoáy của sông Dinh tạo thành túi bùn. Nhưng không ai có thể ngờ túi bùn ấy lại lớn đến thế và có tác hại ghê gớm thế. Nhiều chỗ bùn lầy quá sâu, lúc làm móng phải nối cọc thì mới đủ độ dài cần thiết. Vào mùa mưa dông, có khi mưa xối xả đến mấy ngày, cát dưới đáy biển vận động mạnh, hàng cọc đã đóng xuống bị sức mạnh của thiên nhiên xô lệch hẳn, rồi đất lún khủng khiếp, bao nhiêu đất đổ xuống cũng bị hao hụt dần, thế là lại công dã tràng. Những người chiến sĩ nhìn công trình mất bao mồ hôi, công sức, nay bị hủy hoại mà lòng đau nhói. Sau đó, bằng các biện pháp kỹ thuật, binh đoàn đã khắc phục được các khó khăn, như vậy việc san nền mới xong.

Đến cuối năm 1983, bãi sú vẹt đã được dọn sạch, một phần của cảng cũng đã hoàn tất việc san lấp mặt bằng. Trước yêu cầu của tình hình mới, tháng 11/1983, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập Liên hiệp Xây lắp Dầu khí trên cơ sở các đơn vị của Binh đoàn 318 Dầu khí. Binh đoàn 318 Dầu khí giải thể. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được tham khảo nguyện vọng: Một là nếu tình nguyện thì ở lại làm tại Liên hiệp Xây lắp Dầu khí. Nếu không, Bộ Quốc phòng cho chuyển về quân đội làm công tác khác...

Công cuộc dựng xây ngành Dầu khí vẫn đang được tiếp nối bởi những thế hệ ngày nay. Những người chiến sĩ vẫn đang ngày đêm xây dựng, bảo vệ ngành công nghiệp dầu khí, bảo vệ chủ quyền, thềm lục địa, bảo vệ tài nguyên và nguồn lực phát triển cho đất nước không chỉ cho thế hệ này mà cho cả các thế hệ mai sau.

Trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện nay có hơn 4.300 người là cựu chiến binh và cựu quân nhân. Vì thế, cái chất bộ đội trong ngành Dầu khí vẫn còn rất đậm. Mỗi khi gặp gian khó, thử thách, cái chất bộ đội mới thể hiện rõ nhất giá trị của mình. Bao hàm trong cái chất ấy chính là tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, chịu khó, chịu khổ, sáng tạo, quyết đoán, can trường, sẵn sàng hy sinh cái riêng vì mục tiêu chung...

Hồ Quang Phương