Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bàn cờ Trung Đông có gì khác sau khi Mỹ rút quân?

06:39 | 29/12/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của Mỹ, các cường quốc Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đã tranh thủ tiêu diệt những kẻ thù của họ trước khi Mỹ định hình một kế sách mới tại Trung Đông, mở màn bằng chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Donald Trump tới Iraq.  

Israel tấn công Syria kiểu mới

Ngày 19/12, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter: “Chúng ta đã thắng tổ chức Nhà nước Hồi giáo”. Rồi sau đó, trong một đoạn video, chủ nhân Nhà Trắng nói: “Chúng ta đã chiến thắng. Đã đến lúc các đội quân của chúng ta trở về nhà. Tất cả họ sẽ trở về, và họ sẽ về ngay từ bây giờ”. Sau tuyến bố rút hết 2.000 lính Mỹ khỏi Syria trong 60-100 ngày tới, Tổng thống Trump cho biết sẽ giảm khoảng một nửa trong số 14.000 quân Mỹ ở Afghanistan.

Cách rất xa nước Mỹ, nơi cả một nền chính trị và quân sự đang tranh cãi về các quyết định trên của Tổng thống Trump, tại Syria, Israel bắt đầu mở các cuộc tấn công nhằm vào các quyền lợi của đối thủ Iran tại Syria.

Lúc chiều tối ngày 25/12, các chiến đấu cơ Israel bay trên không phận Lebanon khu vực giáp biên giới với Syria đã bắn tên lửa vào một số khu vực gần thủ đô Damascus của Syria trúng vào một kho võ khí và làm bị thương ba quân nhân chính phủ. Cuộc tấn công này kéo dài chưa từng thấy, hơn 1,5 giờ. Cơ quan thông tấn nhà nước Lebanon, National News Agency, trước đó loan tin các chiến đấu cơ Israel bay ở cao độ thấp qua nhiều nơi ở vùng Nam Lebanon. Tổ chức Syrian Observatory for Human Rights, có trụ sở đặt tại Anh và theo dõi cuộc chiến ở Syria, nói rằng các máy bay Israel nhắm vào ba vị trí nằm về phía Nam Damascus, là nơi đặt kho vũ khí của thành phần phiến quân Hezbollah ở Lebanon và các đơn vị quân đội Iran.

ban co trung dong co gi khac sau khi my rut quan
Israel tấn công Syria từ không phận Lebanon đêm 25/12

Cuộc tấn công này là lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tuần trước rằng Mỹ sẽ rút hết 2.000 quân nhân ra khỏi Syria, một hành động khiến một phần ba khu vực nhiều dầu thô ở phía Đông Syria trở thành nơi tranh giành của các thế lực quốc tế. Tiếp theo tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng Israel “sẽ tiếp tục có hành động ngăn chặn việc Iran củng cố vị thế quân sự ở Syria, và nếu cần Israel cũng sẽ mở rộng hoạt động của mình ở nơi này”.

Đây cũng là cuộc tấn công Syria đầu tiên của Israel sau khi xảy ra sự cố máy bay trinh sát IL-20 của Nga bị trúng tên lửa S-200 của phòng không Syria ngày 17/9/2018 nhưng Moscow cáo buộc lỗi chính thuộc về Israel. Sau vụ này, Nga đã chuyển trước thời hạn cho Syria hệ thống phòng không S-300 và nhiều thiết bị chiến tranh điện tử khác để ngăn chặn các cuộc tấn công của không quân Israel. Từ đó đến nay, Israel chưa tiến hành cuộc tấn công nào nhắm vào lãnh thổ Syria do lo sợ bị hệ thống phòng không mới của nước này bắn hạ. Trong cuộc tấn công ngày 25/12, không quân Israel không dám bay vào không phận của Syria mà chỉ dám bay trên khu vực biên giới giữa Lebanon và Syria.

ban co trung dong co gi khac sau khi my rut quan
Tên lửa Syria bắn trả máy bay Israel

Cuộc tấn công này mặc dù khá bất ngờ nhưng không gây nhiều thiệt hại. Các cơ quan truyền thông nhà nước Syria nói rằng phần lớn các tên lửa do máy bay Israel bắn ra đều bị hệ thống phòng không của quân đội Syria bắn hạ. “Lực lượng phòng không Syria đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng tên lửa vào vùng biển phía nam và phía tây của Damascus vào tối 25/12, một phần của tên lửa đã bị bắn hạ”, nguồn tin từ quân đội Syria cho biết.

Nguồn tin cho biết thêm: "Máy bay của Israel bị tấn công từ không phận Lebanon. 8 trong số 10 tên lửa đã bị bắn hạ, chủ yếu ở phía tây Damascus, gần biên giới Syria-Lebanon. Chúng tôi biết trước sẽ có vụ tấn công này của Israel. Cả ngày hôm trước máy bay quân sự của họ quần đảo trên bầu trời Lebanon".

Một nguồn tin khác trong quân đội Syria cho biết rằng, hệ thống S-300 vừa được Nga chuyển tới Syria không tham gia đẩy lùi cuộc tấn công. Hệ thống S-200 đã được sử dụng. Trước cuộc tấn công, quân đội Israel đã thực hiện các thao tác nhằm đánh lạc hướng chú ý ở Lebanon. "Một trong những tên lửa của hệ thống phòng không Syria đã truy đuổi một máy bay Israel đến tận lãnh thổ của kẻ thù cho đến khi nó bị hệ thống chống tên lửa "vòm sắt" tấn công", nguồn tin của Syria cho biết.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 26/12 cho biết các cuộc tấn công của không quân Israel đã được thực hiện tại thời điểm máy bay chở khách dân sự không thuộc Nga đang hạ cánh xuống sân bay Beirut (Lebanon) và Damascus (Syria). Ông Konashenkov nhấn mạnh rằng để ngăn chặn thảm kịch, quân đội Syria đã sử dụng các biện pháp phòng không và chiến tranh điện tử, giúp các kiểm soát viên không lưu ở Damascus đưa máy bay chở khách ra khỏi khu vực nguy hiểm và chuyển đến sân bay dự bị Khmeimim.

Ngày 26/12, Bộ trưởng Bộ Công chính và Giao thông vận tải Lebanon, ông Yusef Finyanos tuyên bố Chính quyền Lebanon có kế hoạch đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vụ máy bay của không quân Israel xâm nhập không phận nước này để tấn công Syria. "Đã thỏa thuận được rằng Lebanon sẽ nộp đơn kiện khẩn cấp lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống Israel và thông qua nghị quyết bảo vệ Lebanon và các công dân đất nước", ông Yusef Finyanos viết trên Twitter.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng các cuộc tấn công của Israel vào khu vực Damascus là vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước này và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhân vật chính tại Syria?

Israel không phải là “kẻ cơ hội” duy nhất sau khi Mỹ rút lui khỏi Syria. Ngày 21/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hứa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục truy đuổi “hai mối đe dọa khủng bố”: lực lượng dân quân người Kurd và những thành viên thánh chiến cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tối 22/12/2018, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu điều quân tăng viện đến phía bắc Syria, gần một khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát, nhằm xóa sổ lực lượng bị Ankara coi là khủng bố. Trả lời AFP, ông Rami Abdel, Giám đốc tổ chức Syrian Observatory for Human Rights, cho biết “khoảng 35 xe tăng và rất nhiều vũ khí hạng nặng đã vượt qua đồn biên phòng Jarablos vào đầu buổi tối (22/12) và hướng về một khu vực gần sông Sajour, chảy qua Jarablos và Minbej, cách không xa chiến tuyến nơi chiến binh người Kurd đồn trú”.

Ankara lo ngại sắc tộc Kurd nối kết hình thành một lãnh thổ rộng lớn sát biên giới phía nam và hậu thuẫn cho phong trào cánh tả PKK của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị xem là khủng bố. Từ năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần tấn công lực lượng Người Kurd ở miền bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát toàn vùng Afrin sau cuộc tấn công thứ hai vào đầu năm 2018 khiến hơn 1.500 người chết.

Đến ngày 25/12, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đạt được thỏa thuận liên quan đến thành phố Manbij ở miền bắc Syria. Theo đó, từ nay cho đến khi lực lượng Mỹ triệt thoái khỏi Syria, hai bên cùng đảm trách an ninh tại Manbij và dân quân YPG người Kurd phải rút đi. Trong những ngày tới, một phái đoàn ngoại giao và quân sự cấp cao Mỹ sẽ đến Ankara để phối hợp các hoạt động trên thực địa.

Theo AFP, đối với Ankara, việc Hoa Kỳ rút quân là cơ may để tăng cường ảnh hưởng tại miền bắc Syria và diệt trừ lực lượng người Kurd. Vai trò của ông Recep Erdogan trở nên nổi bật nhờ Mỹ rút quân, và ông muốn thủ lợi tối đa. Theo nhiều viên chức Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã thuyết phục được đồng nhiệm Mỹ Trump tin tưởng vào khả năng của Ankara, một mình thừa sức tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng của IS. Tổng thống Trump cũng xác nhận là ông tin cậy vào đồng nhiệm Erdogan để diệt trừ tận gốc tổ chức IS.

Thế nhưng, hầu hết giới phân tích đều không chia sẻ thái độ lạc quan của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Erdogan là nạn nhân của chính bản thân mình khi bán cho Donald Trump ý tưởng là Thổ Nhĩ Kỳ đủ sức triệt thánh chiến. Lý do là, cho dù có được Mỹ trợ giúp trực tiếp đi nữa, thì phải mất nhiều thời gian mới có thể lập được một lực lượng Arập thân Thổ Nhĩ Kỳ đủ đông, đủ mạnh để bảo vệ miền đông Syria, theo nhận định của chuyên gia Nicolas Heras, thuộc viện nghiên cứu New American Security, với AFP. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng viễn chinh. Những căn cứ cuối cùng của IS nằm trong sa mạc thuộc miền đông và miền trung Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đến 400km. Còn nhiệm vụ tiêu diệt cơ sở IS gần biên giới Iraq sẽ do quân đội Syria và dân quân Shia Iraq phụ trách. Bản thân quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, sau hai chiến dịch quy mô vào năm 2016 và 2018 chỉ quanh quẩn khu vực gần biên giới, không triệt tiêu được nhóm thánh chiến Al Qaida có tên mới là Hayat al-Cham (HTS). Do vậy, theo chuyên gia Pháp Fabrice Balanche, khả năng cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là “ngăn chặn tổ chức IS trỗi dậy bằng biện pháp khóa biên giới và thỉnh thoảng tung quân đột kích đối phương”.

Chính sách mới của Mỹ tại Trung Đông?

Quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của Tổng thống Trump đang gây nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ và các đồng minh của nước này. Không ai biết liệu ông Trump có bỏ Trung Đông để thực hiện lời hứa “nước Mỹ trước hết” cho đến khi có chuyến thăm bất ngờ của ông tới Iraq. Ngày 26/12, Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania đã cắt ngắn kỳ nghỉ lễ và bất ngờ đến Iraq để thăm các quân nhân Mỹ đang đồn trú. Ngoài lý do chính thức là nhằm thực hiện lời hứa sẽ đến một trong những vùng chiến tranh mà ông vẫn cho rằng là lỗi lầm lớn lao, tốn tiền của chính phủ Mỹ, chuyến thăm của ông Trump tới Iraq hàm chứa một thông điệp khác. Đó là Mỹ sẽ chuyển quân từ Syria và Afghanistan qua Iraq.

ban co trung dong co gi khac sau khi my rut quan
Tổng thống Trump và phu nhân bất ngờ thăm Iraq ngày 26/12

Mỹ có khoảng 5.200 quân ở Iraq vốn tập trung huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq để đảm bảo rằng IS không thể trỗi dậy lần nữa. Ông Trump chưa thông báo kế hoạch rút quân Mỹ ở Iraq hiện nay. Theo Reuters, ông Trump phát biểu ở Iraq hôm 26/12 rằng ông không có ý định rút quân khỏi Iraq. Tổng thống George W. Bush bốn lần đến Iraq sau khi ra lệnh đưa quân Mỹ đến quốc gia này năm 2003. Tổng thống Barack Obama đến Iraq một lần.

Chuyên gia chiến lược quân sự Iraq Ahmed al-Sharifi nói rằng việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria chỉ là một động thái, sau đó họ sẽ chuyển đến căn cứ ở nước láng giềng Iraq. “Người Mỹ đã mở rộng căn cứ của họ ở Erbil. Một phần quân đội sẽ được gửi đến căn cứ Ain al-Asad giữa Baghdad và biên giới Iraq-Syria. Vì vậy, người Mỹ vẫn có thể theo kịp tình hình ở Syria. Lý do pháp lý cho hoạt động này là một thỏa thuận hợp tác giữa Baghdad và Washington. Ngoài ra, Washington có một nhiệm vụ từ Liên Hợp Quốc, mà họ đã nhận được từ khi bắt đầu chiến dịch hoạt động chống lại IS”, ông Ahmed Al-Sharifi nói. Về phần mình Thiếu tướng Iraq Abdel Karim Khalaf cho biết đến nay vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về việc quân đội Mỹ sẽ được chuyển đến Iraq.

Ngày 26/12, hãng tin Anadolu dẫn lời Farhan Duleimi, thành viên của Hội đồng địa phương tỉnh Al-Anbar thuộc Iraq cho biết Mỹ quyết định xây dựng hai căn cứ quân sự mới ở phía tây Iraq cách biên giới Syria khoảng 100 km. Theo ông Duleymi, căn cứ thứ nhất sẽ nằm ở phía bắc làng Ar-Ruman, khu vực Kaim, căn cứ thứ hai ở phía đông khu vực Roux. Ông nói thêm rằng đây là những khu vực quan trọng chiến lược mà quân đội Mỹ sẽ hỗ trợ lực lượng Iraq để đảm bảo an ninh biên giới.

ban co trung dong co gi khac sau khi my rut quanKhông có chuyện ông Trump thay đổi quyết định rút quân khỏi Syria
ban co trung dong co gi khac sau khi my rut quanTổng thống Trump chỉ cần lắng nghe “bản năng của mình”
ban co trung dong co gi khac sau khi my rut quanNga nói gì trước việc Mỹ rút quân khỏi Syria?
ban co trung dong co gi khac sau khi my rut quanMỹ rút quân khỏi Syria: Người mừng, người lo

Th.Long

AFP