Ba vụ thảm sát không thể lãng quên (Kỳ 1)
“Tìm và diệt”
Giờ đây khi xem những bộ phim Hàn Quốc, nhiều người lớn tuổi ở Hòa Hiệp vẫn thắc mắc sao lính Đại Hàn hồi qua xứ mình nó đen thủi đen thui mà giờ người nào cũng trắng trẻo, đẹp đẽ vậy. Vì 47 năm trước, những người Đại Hàn đặt chân lên xứ này không để lại một ấn tượng gì tốt đẹp, mà chỉ có tội ác chất chồng tội ác. Trước đó, trong quy định của quân đội Đại Hàn khi sang miền Nam Việt Nam làm lính đánh thuê cho Mỹ là “bình định, hành quân càn quét, bảo vệ các căn cứ quân sự của Mỹ và các đường giao thông chiến lược”; hoạt động chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng duyên hải Trung Trung Bộ như Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Chiến lược quân sự mà quân đội Mỹ áp dụng ở Việt Nam lúc đó là “tìm và diệt”. Để phối hợp thực hiện chiến lược này, rút kinh nghiệm đối phó từ cuộc chiến tranh du kích với Bắc Hàn, quân đội Hàn Quốc đã áp dụng chiến lược quân sự “Căn cứ chiến thuật đại đội” - một hệ thống căn cứ phòng thủ tứ phương. Do đó, quân đội Hàn Quốc đã chiến lũy hóa căn cứ cấp đại đội của mình nhằm ngăn chặn sự công kích của đối phương, đồng thời cũng áp dụng chiến thuật tác chiến “xâm nhập ban đêm” để chống lại tình trạng “ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản” trong thế trận “chiến tranh nhân dân” ở nước ta.
Để đáp ứng nhu cầu vật chất cho lính Mỹ và chư hầu tại chiến trường Phú Yên, Mỹ gấp rút xây dựng khu căn cứ hậu cần Vũng Rô - Đông Tác. Lính đánh thuê Hàn Quốc được Mỹ dùng làm lực lượng mũi nhọn trong nhiệm vụ tìm, diệt và bình định.
Những viên đạn còn sót lại trong mộ được các gia đình tìm thấy khi di dời
Nằm trong chiến lược “tìm và diệt”, kể từ khi đến Việt Nam cho đến năm 1969, quân đội Hàn Quốc đã thực hiện 474 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên và 264.335 cuộc hành quân thông thường. Cùng với những cuộc hành quân, càn quét là những vụ thảm sát dân thường Việt Nam của binh lính Hàn Quốc mà chủ yếu tập trung vào năm 1966-1967, khi chúng thực hiện càn quét, dồn dân nhằm lập vành đai trắng khủng bố tâm lý đối với Việt cộng vì hoạt động của họ mà thường dân bị sát hại; còn đối với dân thường, nếu chứa chấp Việt cộng thì bị trừng phạt nặng nề.
Tôi quay lại Vũng Tàu thuộc xã Hòa Hiệp Nam, nơi còn “Bia căm thù” cao sừng sững. Cách đây 47 năm, ngày 2/1/1966, khi quân Đại Hàn vừa đặt chân đến đây, nghi có cộng sản nằm vùng, chúng đã dồn dân vào một khu đất và xả súng giết chết 37 người, trong đó có một cụ già tên là Đào Khánh, còn lại là phụ nữ và trẻ em. Chị Lương Thị Phơi bụng mang dạ chửa, bị bắn gãy chân. Vết thương hành hạ cùng nỗi hoảng sợ, chị đã sinh con ngay trên vũng máu.
Anh Nguyễn Kỳ Tuấn (Phó chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội của xã Hòa Hiệp Nam) cho biết, trong 4 người còn sống sót sau vụ thảm sát này có Nguyễn Thị Trưng, hiện đang định cư tại Mỹ, bà Lê Thị Hạnh (dì ruột của anh Tuấn) hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, còn anh và chị Nguyễn Thị Liền đều cư ngụ tại địa phương.
Anh còn nhớ cảnh nằm lẫn lộn giữa người chết và người bị thương. Chiều xuống khi lính Đại Hàn rút đi hết, du kích xã về tìm người còn sống và bị thương đưa đi trốn ở hang Xã, núi Cấm, Vũng Tàu (hang được đào từ nửa quả núi dưới thời chống Pháp, giờ đang chờ đợi để xây dựng thành khu di tích lịch sử - PV) còn người chết thì tiến hành chôn cất. Sau này, phát hiện dân cư ngụ trong hang Xã, lính Đại Hàn xịt hơi cay vào, mọi người bị ngộp chui ra và chúng đưa đi.
Tiếp sau đó, quân đội Hàn Quốc thảm sát 42 dân thường vô tội ở núi Một, xóm Soi, thôn Thọ Lâm vào ngày 14/5/1966, trong số đó gia đình ông Phạm Trung chịu đau thương nhất. Giờ đây đã 86 tuổi nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn, ông kể mà ánh mắt như đầy lửa. Hôm đó, tên phiên dịch Ngô Tải dẫn một tiểu đội Đại Hàn ra núi Một để tìm cộng sản. Chúng bắt vợ của một chiến sĩ cộng sản nằm vùng (bà Lê Thị Thỡi) ra chỉ hầm bí mật: “Hầm bí mật của chồng mày nằm là hầm nào”. Viên phiên dịch Ngô Tải hỏi. Bà Thỡi nói không biết, chúng vả liên tiếp vào mặt bà, máu miệng chảy ra.
Chúng đe dọa: “Nếu hôm nay mày không chỉ thì mày chết”, bà Thỡi sợ quá chỉ hầm bí mật rồi dẫn con đi. Vừa chỉ xong tên phiên dịch Ngô Tải đến kéo nắp hầm lên thì ăn phải quả lựu đạn của hai chiến sĩ cộng sản bên dưới và chết tại chỗ, một tên lính Đại Hàn đứng gần bị đứt mất bộ phận sinh dục. Ngay sau đó, chúng gọi trực thăng đến chở người bị nạn đi băng bó rồi cho rải quân bắt hết dân trong làng không phân biệt già - trẻ, trai - gái dồn vào một đám đất vuông khoảng 150m2.
"Bia căm thù” được đặt tại xóm Vũng Tàu, thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, nơi ghi dấu tội ác thảm sát của lính Hàn Quốc
Hai chiến sĩ cộng sản thì bung nắp hầm bỏ chạy nhưng không thể trốn chạy trước một tiểu đội lính Hàn Quốc được trang bị đầy đủ súng ống. Nên sau một hồi rượt đuổi, hai chiến sĩ cộng sản đã bị chúng xả đạn giết chết. Không dừng lại ở đó, trong cơn tức giận, chúng quay ra xả đạn giết hết dân trong làng. Sau trận xả đạn đầu tiên vẫn còn một số đàn bà, trẻ em bị thương bò lết ra xung quanh nhưng chúng quay lại lần nữa và xả đạn giết sạch.
Cuộc thảm sát đó, gia đình ông Phạm Trung mất tất cả 10 người gồm cha, mẹ, vợ, 4 đứa con, hai đứa em ruột, một đứa cháu. Lúc tiếng đạn bắn nghe rát mặt thì ông đang ở bên kia sông, cách nơi xảy ra vụ thảm sát khoảng 4 cây số. “Sáng đó tôi còn ra đồng cuốc đất, cuốc bờ làm ruộng, tát nước và khi mặt trời lên được hai cây sào thì về nhà uống nước. Gần đến nhà thì thấy tụi Đại Hàn tràn xuống, tôi lánh ra đồng trốn luôn. Ai có ngờ”. Nói đến đây, giọng ông nghẹn lại. “Cứ ngỡ chúng đi tìm cộng sản thôi chứ ai ngờ đâu chúng dồn hết dân thường và giết sạch, trong đó có 10 người thân trong gia đình tôi. Thật quá nhẫn tâm”.
Được sống và kể lại
Chiến tranh, trong sự tang thương chết chóc vẫn có những điều kỳ diệu, anh Nguyễn Kỳ Tuấn sống sót qua vụ thảm sát ở Vũng Tàu là nhờ tình mẫu tử. Mẹ ông lấy thân mình che đứa con trai 7 tuổi để hứng làn đạn oan nghiệt và chết trước mắt con mình. Anh còn nghe các chú du kích kể lại, chiều hôm đó còn có bé Liền vẫn ngậm vú mẹ trong khi mẹ đã chết và thật kỳ diệu em vẫn sống sót.
“Hồi nhỏ tôi hay đội mũ tai bèo, trước khi mất, mẹ tôi xé cái mũ ra và bỏ 800 đồng vào và nói khi nào con gặp người quen thì hãy đưa còn gặp người lạ thì đừng đưa. Rồi mẹ tôi chết. Tôi đi lang thang sau đó du kích xã về, đưa tôi xuống hang Xã ẩn náu, tay tôi vẫn ôm khư khư cái mũ cho đến khi gặp được cậu tôi. Hôm sau, chúng bắt trẻ em đưa lên Đông Tác - Phú Lâm giam vì cho rằng, chúng tôi là con của cộng sản. Một ngày sau được thả về, mặt mày, tay chân tôi vẫn còn dính máu”, anh Tuấn như đang sống trong những ngày tháng tuổi thơ dữ dội đó. Trong gia đình anh, ngoài mẹ, còn có mợ và con của cậu trạc tuổi anh đều bị giết, còn lại là hơn 30 gia đình, mỗi nhà mất 1 đến 2 người.
Ông Phạm Trung (86 tuổi) có 10 người thân bị giết trong vụ lính Đại Hàn thảm sát dân thường ở xóm Soi làm 42 người chết
Còn vụ thảm sát ở núi Một, xóm Soi, Thọ Lâm, Hòa Hiệp Nam thì có 42 người bị giết hại, cũng đa số là phụ nữ và trẻ em. Nhà ông Phạm Trung có 10 người bị sát hại nhưng may mắn là ông còn đứa con trai tròn 6 tuổi, nhờ núp sau lùm tre dày mà sống sót, ngày đó anh Phạm Thảo sợ hãi khóc đến không còn nước mắt. “Chúng bắn xong rồi đến khi mặt trời lặn thì rút đi, tôi quay về làng để tìm người thân nhưng không còn ai. Tranh thủ chôn trong đêm rồi sáng mai rút đi chứ đâu dám ở lại làng, mà làng có còn gì đâu, chúng đốt sạch rồi”, ông Phạm Trung nhớ lại.
Dường như tội ác thấu cả trời xanh nên khoảng 10 giờ trưa hôm ấy, trời đổ cơn mưa giông rất to giữa trưa hè oi bức. Nước mưa quyện với máu của bao thường dân vô tội chảy tràn cả mặt ruộng. Tanh không thể tả nổi. Ông còn nhớ: “May mà sau khi chúng giết mọi người, 3 ngày sau tự nhiên làng tôi không một tiếng súng nên bọn tôi mới về chôn hết tất cả mọi người. Hồi đó, vợ tôi mới sinh con được 4 tháng, bắn rồi, con tôi leo lên bụng mẹ tìm vú bú chứ nó nhỏ quá có biết gì đâu, thế mà chúng lại xả súng bắn lần hai làm con tôi chết mà miệng còn ngậm vú mẹ. Chúng ác lắm”. Cứ thế ông lẩm bẩm. “Ác lắm. Chúng ác lắm”.
Giữa tháng 3, đất đồng khô nẻ mà đào 44 huyệt mộ chôn cất trong trạng thái lo lắng là lính Đại Hàn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cứ thế, từng huyệt mộ được đào một cách vội vã thì từng ấy con người còn trong trạng thái bê bết máu nằm xuống mãi mãi ở núi Một, xóm Soi, Thọ Lâm, Hòa Hiệp.
Anh Nguyễn Kỳ Tuấn là 1 trong 4 đứa trẻ sống sót sau vụ thảm sát ở Vũng Tàu làm 37 người chết
Ngoài đứa con trai Phạm Thảo của ông Phạm Trung may mắn sống sót thì có hai mẹ con bà Nồng, nhờ nhanh trí mà ngã xuống trước khi chúng xả súng nên hai mẹ con bà đều sống. Nhưng mẹ bà Nồng đã mất cách đây mấy năm, còn cô gái ngày ấy 2 tuổi được mẹ lấy máu trét lên đầy người để đánh lừa tụi lính đánh thuê Đại Hàn tôi không có may mắn gặp trong dịp này.
Hỏi ra mới biết, ông Phạm Trung là một chiến sĩ cộng sản kiên trung nằm vùng tại cơ sở nhưng đến tháng 2/1971 thì bị lộ và bị bắt đưa đi đày ở Côn Đảo, mãi sau khi hòa bình lập lại mới được trở về quê hương. Tôi lặng người trước câu chuyện của gia đình ông. Một câu chuyện chưa có hồi kết. Nó còn dai dẳng và ám ảnh nhiều cuộc đời, nhiều số phận sau chiến tranh mà ông là một trong những nhân chứng sống còn lại.
Tiếp sau đó là vụ thảm sát đẫm máu tại Cồn Rẫy, thôn Đa Ngư, gần 40 đồng bào đang đi làm ăn trên sông Bàn Thạch bị chúng xả đạn giết hết. Nguyên nhân của các vụ thảm sát đẫm máu này, theo ông Trần Văn Ngãi, một du kích địa phương thời chống Mỹ cho rằng: “Hồi đó chủ trương của mình là làm cách mạng thì bám vào dân. Phải có dân ở lại làng để giấu cán bộ cách mạng nên khi bị lính Đại Hàn phát hiện thì lực lượng du kích địa phương nổ súng chống lại chúng. Rồi chúng kết luận là dân ở đây chứa chấp cộng sản nên chúng tập trung dân lại, đánh đập, giết hại…”.
Khi gặp ông Đào Duy Ngừa, bộ đội thoát ly ra Bắc năm 1954, năm 1963 bí mật về Nam hoạt động cách mạng thì biết thêm nguyên do đưa đến những vụ thảm sát dân thường đẫm máu ở Hòa Hiệp liên tục trong năm 1966 vì cách đó không xa, khoảng 10km là khu vực núi Đá Bia. Đây là cơ sở cách mạng, trong đó có lực lượng vũ trang, lực lượng bán vũ trang, lực lượng chính trị, tiếp đến là khu Bãi Xép, rồi qua một con sông (giờ có cây cầu Đà Nông bắc qua con sông này, nối liền tuyến đường từ sân bay Đông Tác xuống khu di tích Vũng Rô. Nơi đây, trước năm 1975 là bến đậu của các con tàu không số của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển) là đến các thôn Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm nên người dân ở vùng này luôn nằm trong tình trạng bị nghi ngờ là cộng sản nằm vùng hay che chở cho Việt cộng.
Anh Phạm Thảo - đứa con duy nhất còn sống sót của ông Phạm Trung (thương binh 4/4)
Hằng năm, khi tiết trời bắt đầu oi ả, những cánh đồng đã gặt xong, chỉ còn trơ lại rạ khô, người dân ở hai thôn Thọ Lâm, Đa Ngư nhớ lại những thảm cảnh ngày xưa trong các đám giỗ tập thể. Ngày 24/3 âm lịch, ông Phạm Trung giỗ cha, mẹ và vợ, còn người con trai duy nhất của ông thì giỗ chị gái và ba đứa em. Anh Thảo còn nói: “Thương nhất là cả nhà bà dì tôi đều bị giết hết nên giờ mỗi lần giỗ chị và các em đều mời cả dì và 6 người con của dì về cùng”.
Nói về cảm xúc những ngày ấy, anh Thảo cũng như bao người dân ở Hòa Hiệp đều cho rằng: “Chiến tranh qua rồi. Giờ có thù ghét, có trả thù cũng đâu có được gì. Sau chiến tranh, có lần tụi Hàn Quốc về làng, rồi chính quyền địa phương xin tiền để xây bức tường xung quanh núi Một, xóm Soi, ghi lại ngày tháng, tên tuổi những người bị thảm sát. Tụi nó gật đầu xong rồi đi luôn đến giờ”. Anh còn cho biết thêm là, trước đó có Bí thư xã Ngô Văn Sơn nói để làm khu di tích chiến tranh nhưng rồi sau chẳng thấy ai nói gì nữa cả. Cũng đáng tiếc, giờ thì đất đai quanh khu này được ủi làm các đìa tôm hết rồi. Mồ mả người thân cũng dời ra nghĩa trang.
Anh Nguyễn Kỳ Tuấn cũng cho rằng: “Chiến tranh thì phải chấp nhận thôi chứ có ai muốn vậy đâu. Có đòi hỏi quyền lợi thì có được gì. Thế hệ cha anh nó làm chứ tụi nó có làm đâu mà đòi tụi nó. Hàn Quốc thì đánh thuê cho Mỹ”. Anh Tuấn còn nhớ năm 2003, khi tổ chức khánh thành Công viên Hòa Bình Hàn - Việt, họ có nhờ ông cung cấp danh sách và mời tất cả những gia đình có thân nhân bị giết trong 3 vụ thảm sát đến dự lễ. Thế hệ sau hối lỗi và tạ tội thay cho thế hệ trước vì những lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Nghiên cứu thuộc Tổng cục Chính trị (Quân đội Nhân dân Việt Nam), có hơn 5.000 thường dân Việt Nam đã bị lính Đại Hàn thảm sát. Còn theo phát biểu của bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973 thì tổng số vụ thảm sát đó lên đến 3.000 vụ. Tuy nhiên, căn cứ trên cơ sở thực tế khi đi điền dã và các nguồn tư liệu khác, tác giả cuốn luận án tiến sĩ "Mối quan hệ Việt - Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955-2005)" Ku Su-jeong thống kê được khoảng 9.000 dân thường bị giết hại trong tổng số 80 vụ thảm sát do binh lính Hàn Quốc gây ra. Chính Ku Ju-jeong viết: "Số lượng cũng như tính chất tàn bạo của các vụ thảm sát này thực sự là một vết hoen ố trong quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Hàn". |
(Xem tiếp kỳ sau)
Phóng sự của Thiên Thanh