Tận dụng hệ thống tài chính sẵn có để phát triển thị trường carbon
(PetroTimes) - Theo lộ trình, thị trường carbon tại Việt Nam sẽ vận hành thí điểm vào năm 2025. Vậy Việt Nam đã có cơ chế, chính sách gì để phát triển thị trường carbon, giúp xanh hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp (DN)? Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường để làm rõ vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ |
PV: Thưa ông, thị trường carbon là công cụ kinh tế quan trọng thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Để phát triển, vận hành thị trường carbon, Việt Nam cần có những chính sách cụ thể như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Trên thế giới, thị trường carbon được phát triển với hai hình thức. Thứ nhất là thị trường tuân thủ (mua - bán tín chỉ carbon dựa trên cơ chế hình thành trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu), tương tự như các quy định của Việt Nam sẽ triển khai thí điểm từ năm 2025. Theo đó, nếu doanh nghiệp phát thải nhiều hơn hạn ngạch được cấp thì phải mua tín chỉ carbon để bù trừ. Chính vì vậy, đối với thị trường này, yêu cầu bắt buộc các DN phải tham gia để thực hiện tuân thủ liên quan đến giảm phát thải carbon.
Đối với thị trường tự nguyện (hình thành dựa trên việc mua - bán tự nguyện tín chỉ carbon), hiện nay trên thế giới chủ yếu tuân theo các quy định liên quan đến báo cáo bền vững của DN để nâng cao uy tín, sự hấp dẫn của hàng hóa, dịch vụ DN cung cấp. Người tiêu dùng trên thế giới cũng như các thị trường chứng khoán toàn cầu hiện nay đã yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo về phát triển bền vững. Trong đó, yêu cầu về hạch toán carbon là quan trọng.
Có thể nói, từ sau khi Việt Nam ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đây đã là nền tảng để Việt Nam phát triển thị trường carbon. Với luật này, chúng ta đã có một hệ thống chính sách hoàn thiện để thị trường tín chỉ carbon tuân thủ có thể hoạt động trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ hội của Việt Nam trên thị trường tự nguyện lớn hơn thị trường tuân thủ rất nhiều, bởi chúng ta có diện tích rừng và biển lớn, có khả năng tăng hấp thụ carbon ở các khu vực rừng và biển này. Do đó, cơ chế, chính sách trong thời gian tới phải tạo điều kiện để cho đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân và cộng đồng địa phương ở các khu vực này được tín chỉ carbon.
Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu về niêm yết trên thị trường thế giới; yêu cầu của EU (từ tháng 1-2024) liên quan đến báo cáo bền vững; yêu cầu của các nước như Anh, Mỹ và các nước khác (bắt đầu áp dụng từ tháng 7-2024)…, các DN bắt buộc phải tham gia vào thị trường tuân thủ để đáp ứng được yêu cầu về dạng phát thải carbon của mình. Sự phát triển của thị trường tự nguyện trong thời gian tới cũng sẽ ngày càng yêu cầu cao hơn đối với DN.
Bên cạnh thị trường tuân thủ, chúng ta cần phải hỗ trợ DN vừa và nhỏ trong việc thực hiện thống kê, kiểm kê và báo cáo carbon để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia vào thương mại đầu tư toàn cầu.
PV: Còn đối với việc tổ chức thị trường carbon, theo ông, sàn giao dịch tín chỉ carbon phải vận hành thế nào để thu hút các DN tham gia?
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Thị trường carbon của chúng ta sẽ được tổ chức theo mô hình của thị trường tài chính và việc tổ chức sẽ được thực hiện đơn giản hơn vì thị trường tài chính hiện khá hoàn chỉnh, đầy đủ các yêu cầu liên quan. Chúng ta có thể tận dụng hệ thống tài chính hiện có, như các hệ thống giao dịch chứng khoán…, để thực hiện giao dịch tín chỉ carbon. Quá trình giao dịch cũng được thực hiện như tất cả các hàng hóa khác. Việc tổ chức giao dịch, lưu ký, kiểm soát, giám sát giao dịch tín chỉ carbon được thực hiện hoàn toàn như thị trường tài chính.
Do đó, việc Việt Nam tổ chức thị trường carbon trong thời gian tới sẽ không có vấn đề gì khó khăn, ngoài vấn đề chúng ta tạo lập hàng hóa (tín chỉ carbon) và quá trình định giá tín chỉ carbon được thực hiện một cách công khai, minh bạch, bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn trên thị trường toàn cầu cũng như thị trường Việt Nam.
Cần Giờ sẽ là cơ hội để thực hiện việc bán tín chỉ carbon |
PV: Việt Nam đã nhận được 51,5 triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng đang có của Việt Nam…, đặc biệt là rừng ngập mặn Cần Giờ tại TP HCM?
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Thời gian qua, Việt Nam đã được nhận 51,5 triệu USD đầu tiên từ Ngân hàng Thế giới (WB), đây là một dự án được thực hiện lâu dài suốt từ năm 2015 và tổ chức thống kê, kiểm kê, xác nhận tín chỉ carbon trong giai đoạn 2018-2020. Đến nay Việt Nam đã giao cho WB 10,3 triệu tín chỉ carbon. 95% phần phát thải carbon WB nhận được sẽ chuyển giao lại để Việt Nam thực hiện các cam kết. Vì vậy, giá trị của tín chỉ carbon chúng ta tạo ra trong dự án này là rất lớn, mặc dù giao dịch chỉ ở mức 5 USD. Tới đây, WB tiếp tục thực hiện các dự án mới triển khai ở khu vực Tây Nguyên và dự kiến chúng ta sẽ giao dịch được ở mức 10 USD/tín chỉ carbon.
Thời gian tới cũng có rất nhiều nước phát triển sẽ hỗ trợ chúng ta khai thác tín chỉ carbon liên quan tới biển, đất ngập nước, liên quan tới việc cô lập và tách lập carbon trên biển. Chính vì vậy, các khu vực giàu đa dạng sinh học, có khả năng hấp thụ carbon như Cần Giờ sẽ là cơ hội để chúng ta có thể thực hiện việc bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, có bán được tín chỉ carbon hay không thì là một quá trình, từ việc xây dựng dự án tiền khả thi đến thống kê, kiểm kê ban đầu, cho đến thực hiện dự án để giảm phát thải, tăng hấp thụ và đồng thời thực hiện thống kê, kiểm kê vào giai đoạn dự án kết thúc để xác định được số tín chỉ carbon tạo ra từ dự án. Đó là cả một quá trình đầu tư công phu, đòi hỏi phải có sự tham gia của chuyên gia mới thực hiện được thành công dự án.
Theo yêu cầu của cam kết giảm phát thải toàn cầu, dự án tạo tín chỉ carbon phải thực chất làm giảm sự phát thải hoặc tăng hấp thụ carbon toàn cầu. Vì thế, chúng ta phải tăng các yêu cầu liên quan đến việc quản lý rừng, giữ rừng, để rừng có độ tuổi cao hơn; lưu trữ carbon, cô lập carbon; cũng như giữ được tín chỉ carbon ở chất lượng cao hơn. Bên cạnh việc tạo ra tín chỉ carbon, dự án giảm phát thải và tăng hấp thụ còn phải bảo đảm các yêu cầu về mặt xã hội, đó là bảo đảm điều kiện làm việc cho người lao động trong các dự án.
Chính vì vậy, các dự án này sẽ đem lại mục tiêu kép, một mặt đem lại nguồn lợi cho người dân để trang trải cuộc sống, nâng cao chất lượng cuộc sống, bên cạnh đó sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu về giảm phát thải.
PV: Xin cảm ơn ông!
Có thể nói, từ sau khi Việt Nam ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đây đã là nền tảng để Việt Nam phát triển thị trường carbon. Với luật này, chúng ta đã có một hệ thống chính sách hoàn thiện để thị trường tín chỉ carbon tuân thủ có thể hoạt động trong thời gian tới. |
Phương Ngân (thực hiện)