“Cuộc chiến nảy lửa” đất hiếm
Kỳ VII: Thế thống trị của Trung Quốc sẽ bị phá vỡ?
Nhiều quốc gia đã tự khai thác, đa dạng chuỗi cung ứng đất hiếm, có nguy cơ phá vỡ thế thống trị của Trung Quốc.
Kỳ V: Ám ảnh quá khứ đau buồn |
Kỳ VI: Cần chiến lược cho đất hiếm Việt Nam |
Năm 2022, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu- theo Khảo sát Địa chất Mỹ. |
Tính đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới nhờ nỗ lực phát triển ngành công nghiệp này trong nhiều thập kỷ. Năm 2022, nước này chiếm khoảng 70% sản lượng - theo Khảo sát Địa chất Mỹ. Bắc Kinh đã thể hiện sự sẵn sàng tận dụng sức ảnh hưởng của mình trong ngành đất hiếm toàn cầu để theo đuổi các mục tiêu chính trị, gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với nhiều quốc gia phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc.
Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành đất hiếm là kết quả của nhiều thập kỷ thực hiện các chính sách, cải cách công nghiệp để nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ môi trường và trấn áp hoạt động khai thác trái phép. Những biện pháp này đã thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc, cho phép Trung Quốc chiếm phần lớn thị trường đất hiếm toàn cầu. Bên cạnh đó, nguồn cung đất hiếm trong nước giá rẻ đã mang lại cho các nhà sản xuất Trung Quốc cơ hội mở rộng quy mô các sản phẩm chủ chốt.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã từng nói: “Trung Đông có dầu mỏ, còn Trung Quốc có đất hiếm”. Các chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng tận dụng ảnh hưởng của mình trong ngành đất hiếm toàn cầu để theo đuổi các mục tiêu chính trị. Chuyên gia nói thêm, Trung Quốc đang có kế hoạch đảm bảo an ninh đất hiếm để thống trị nguồn cung toàn cầu và gây sức ép lên Mỹ trong cuộc cạnh tranh giữa 2 nước. Trước đây, trong bối cảnh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm một cơ sở đất hiếm ở tỉnh Giang Tây, điều mà nhiều người hiểu là lời cảnh báo đối với Mỹ.
Dù một số cường quốc đã tìm cách hạn chế nguy cơ bị gián đoạn chuỗi cung ứng đất hiếm bắt nguồn từ Trung Quốc, họ vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đất hiếm của quốc gia này. Điển hình như các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ đặc biệt lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đối với ngành công nghiệp quốc phòng của họ, vốn sử dụng đất hiếm trong nhiều công nghệ, từ sóng siêu âm và thiết bị liên lạc đến tên lửa và động cơ phản lực.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã tìm cách tái lập vị thế là một trong những nhà cung cấp đất hiếm trên thế giới. Sau khi đóng cửa nhiều năm, mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ nằm ở Mountain Pass, California, đã có chủ sở hữu mới vào năm 2017 và tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, số lượng đất hiếm mà công ty này khai thác vẫn được gửi đến Trung Quốc để xử lý. Chính phủ Mỹ cũng đã thực hiện những thay đổi chính sách đáng chú ý, bao gồm việc bổ sung đất hiếm vào danh sách các khoáng sản được coi là quan trọng đối với an ninh kinh tế và quốc gia vào tháng 5 năm 2018.
Dù Trung Quốc tiếp tục nỗ lực duy trì sự thống trị trong ngành đất hiếm toàn cầu, nhưng khả năng Bắc Kinh đơn phương phá vỡ chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu có thể sẽ bị xói mòn trong những năm tới. Bởi vì, một số sáng kiến đang được tiến hành có thể thành công trong việc thành lập các nhà cung cấp đất hiếm mới bên ngoài Trung Quốc. Nhiều quốc gia đang tìm cách giảm nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc. Đặc biệt, EU đã tài trợ cho một sáng kiến phát triển quy trình tái chế chất thải nam châm vĩnh cửu thành hợp kim và vật liệu mới, nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và giúp châu Âu đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Tại Mỹ, công ty MP Materials đã bắt đầu tự xử lý các khoáng sản đất hiếm được khai thác thay vì xử lý tại Trung Quốc. |
Hoạt động khai thác nguyên liệu đất hiếm thô bên ngoài Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây khi mỏ Mountain Pass của Mỹ và các mỏ khác trên thế giới tăng sản lượng. Kết quả là tỷ trọng sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc đã giảm mạnh, từ mức cao 97,7% năm 2010 xuống còn 62,9% vào năm 2019 - mức thấp nhất kể từ năm 1995. Tỷ trọng dự trữ đất hiếm toàn cầu của Trung Quốc cũng giảm từ 50% xuống 36,7% trong thời gian qua. Tuy nhiên, vị thế của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp oxit, kim loại và nam châm vĩnh cửu ưu việt vẫn chưa bị suy giảm, nhưng điều này có thể xảy ra trong những năm tới.
Tại Mỹ, công ty MP Materials đã bắt đầu tự xử lý các khoáng sản đất hiếm được khai thác thay vì xử lý tại Trung Quốc. Ông James Litinsky, đồng Chủ tịch MP Materials, hãng sở hữu mỏ đất hiếm Mountain Pass đánh giá: “Hãy thừa nhận thực tế rằng Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm và họ sẽ tiếp tục thống trị nó trong nhiều năm nữa”. Tuy nhiên, ông cho hay Mountain Pass có thể tự sản xuất sản phẩm đất hiếm riêng mà không cần Trung Quốc.
Ngoài ra, vào tháng 4/2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã bật đèn xanh tài trợ ban đầu cho liên doanh giữa Tập đoàn Lynas của Australia và Tập đoàn Blue Line có trụ sở tại Hoa Kỳ để xây dựng một cơ sở xử lý đất hiếm ở Texas. Điều này cho phép Tập đoàn Lynas vận chuyển nguyên liệu đất hiếm từ cơ sở chế biến ở Malaysia sang Mỹ để xử lý, thay vì đưa tới Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản (thông qua JOGMEC) đang tìm cách đầu tư vào các sáng kiến của Hoa Kỳ và Australia, có thể bao gồm cả cơ sở mới ở Texas. Những bước đi này là một phần trong mục tiêu đã được Tokyo công bố nhằm giảm hơn nữa sự phụ thuộc của Nhật Bản vào nhập khẩu đất hiếm của Trung Quốc xuống dưới 50% vào năm 2025.
Dù chưa rõ liệu những bước đi nói trên của nhiều quốc gia có đủ sức đe dọa đến địa vị thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu hay không, nhưng nhiều chuyên gia có lý do để tin tưởng vào một tương lai mà các thế lực khác trỗi dậy sẽ phá thế độc tôn của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Sau Trung Quốc, đến Trung Đông bị Mỹ hạn chế xuất khẩu chip AI |
"Ông nói Đông, bà nói Tây", Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa thật sự muốn đến với nhau? |
Mỹ chơi “bài độc” với Trung Quốc! |