Cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu
(PetroTimes) - Từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, khí đốt đã bị sử dụng làm vũ khí kinh tế giữa Nga và châu Âu. Cuộc chiến khí đốt diễn ra trong bối cảnh giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh do nguồn cung bị thắt chặt cùng với nhu cầu gia tăng sau đại dịch Covid-19.
Ngày 22-2-2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố đình chỉ hoạt động đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga với Đức để trả đũa hành động Nga công nhận các lãnh thổ ly khai ở miền Đông Ukraine.
Nord Stream 2 là át chủ bài của các cuộc chiến địa chính trị và kinh tế. Nord Stream 2 luôn là vấn đề xung đột giữa Mỹ và Đức, quốc gia nhập khẩu hơn một nửa lượng khí đốt tiêu thụ từ Nga. Nord Stream 2 cũng khiến các nước châu Âu bị chia rẽ.
Tổng thống Nga, Chủ tịch EU và Thủ tướng Đức |
Sự kiện Nga tấn công vào Ukraine ngày 24-2-2022 đã gây ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng, làm giá khí đốt tự nhiên và dầu mỏ tăng vọt.
Ngày 2-3-2022, Liên minh châu Âu (EU) đã “đá” 7 ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế Swift, đồng thời loại bỏ 2 cơ sở tài chính lớn có mối quan hệ chặt chẽ với lĩnh vực hydrocarbon. EU đã có nhiều quyết định nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Hiện Đức, Italia, Áo và Hungary là những khách hàng lớn của Nga. Khoảng 40% lượng khí đốt đi vào châu Âu đều nhập khẩu từ Nga.
Ngày 8-3-2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấm nhập khẩu hydrocarbon của Nga.
Gần như đồng thời, Anh tuyên bố ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga vào cuối năm 2022. EU thì đặt mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga từ năm 2022...
Vào ngày 23-3-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định cấm châu Âu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng USD hoặc euro, để trả đũa quyết định đóng băng khoảng 300 tỉ USD dự trữ ngoại tệ của Nga ở nước ngoài.
Cuối tháng 3-2022, Tổng thống Putin tuyên bố các khách hàng “không thân thiện”, đặc biệt là các nước châu Âu, muốn mua khí đốt của Nga sẽ phải mở tài khoản bằng đồng rup tại các ngân hàng Nga để thanh toán hóa đơn. EU không công nhận quyết định này. EU cho biết, đó là hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga.
Ngày 27-4-2022, Tập đoàn Gazprom (Nga) đã đình chỉ tất cả các chuyến hàng đến Bulgaria và Ba Lan, lý do chưa nhận được thanh toán bằng đồng rup.
Chủ tịch EU Ursula von der Leyen đã tố cáo đây là “hành động tống tiền bằng khí đốt”.
Ngày 21-5-2022, Nga cắt dòng khí đốt đi đến Phần Lan với lý do Phần Lan từ chối thanh toán bằng đồng rup và đề nghị gia nhập NATO. Hà Lan và Đan Mạch cũng bị Nga cắt khí đốt.
Ngày 30-5-2022, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU đã đạt được một thỏa thuận với mục tiêu giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga từ nay cho đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, EU đã hoãn việc thông qua lệnh cấm vận áp dụng với khí đốt.
Giữa tháng 6-2022, vì lý do kỹ thuật, Gazprom đã cắt giảm 60% lượng khí đốt giao đến Đức qua Nord Stream 1, gây bùng nổ giá khí đốt. Ngày 23-6-2022, Đức phát “báo động” nguồn cung khí đốt, vận động toàn quốc sử dụng biện pháp tiết kiệm.
Ngày 11-7-2022, Gazprom ngừng hoạt động Nord Stream 1 trong 10 ngày để bảo trì.
Ngày 18-7-2022, EU đã đạt được thỏa thuận với Azerbaijan để tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu trong vài năm. EU đang chuyển sang mua khí đốt từ Qatar, Na Uy và Algeria.
Ngày 25-7-2022, Gazprom thông báo việc giao khí đốt đến châu Âu thông qua Nord Stream 1 sẽ giảm mạnh, với lý do cần phải bảo trì turbine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi châu Âu “trả đũa” cuộc “chiến tranh khí đốt” bằng cách thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga.
Ngày 30-7-2022, Gazprom đã đình chỉ hoạt động vận chuyển khí đốt đến Latvia do Latvia vi phạm các điều kiện khai thác khí đốt.
Tuy chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trong hoạt động xuất khẩu năng lượng. Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Nga, nhờ giá khí đốt cao và sản lượng dầu tăng, lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng năm 2022 dự kiến sẽ tăng 38% so với năm 2021, đạt con số 337,5 tỉ USD, đóng vai trò hỗ trợ nền kinh tế của Nga. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát cao, số tiền này sẽ có khả năng giúp nâng lương cho người dân. Hơn nữa, Nga sẽ có điều kiện tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các dự báo của Bộ Kinh tế đã cho thấy Nga đang thích nghi khá tốt với các lệnh trừng phạt. Trước đây, Bộ Kinh tế đặt cảnh báo nền kinh tế Nga có nguy cơ bị suy giảm 12%. Đây là mức dữ liệu trầm trọng nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Theo báo cáo, sản lượng khai thác dầu ở Nga đã dần dần tăng. Cụ thể, khi Nga ngỏ lời mời tăng lượng mua, các khách hàng châu Á đã gật đầu đồng ý. Trên thực tế, sản lượng dầu nhập khẩu từ Nga sang Ấn Độ đang ở mức cao kỷ lục. Do đó, dự báo Nga có thể sẽ tăng sản xuất và xuất khẩu dầu đến cuối năm 2025.
Tiến sĩ Janis Kluge, cộng sự cấp cao tại Viện Quốc tế và an ninh Đức, cho biết: “Tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là rất không đồng đều. Trong một số lĩnh vực như công nghiệp ôtô, lệnh trừng phạt đã gây tác hại thảm khốc. Còn tác động lên ngành dầu mỏ thì không rõ ràng. Những lĩnh vực như IT và tài chính có mối quan hệ chặt chẽ nhất với phương Tây nên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Nga, trong năm 2023, doanh thu xuất khẩu năng lượng sẽ giảm. Ước tính doanh thu chỉ đạt 255,8 tỉ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn cao hơn năm 2021 (244,2 tỉ USD). Giá khí đốt xuất khẩu trung bình sẽ tăng gấp đôi, đạt 730 USD/1.000 m3. Sau đó, giá khí đốt sẽ giảm dần cho đến cuối năm 2025.
Gazprom dự kiến sản lượng khí đốt xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 170,4 tỉ m3 (bcm) trong năm 2022. Còn các dự báo được công bố vào tháng 5-2022 ước tính sản lượng sẽ chỉ đạt mức 185 bcm. Vào năm 2021, sản lượng khí đốt xuất khẩu là 205,6 bcm.
Như vậy, trong năm 2022, Nga dự kiến GDP sẽ giảm 4,2% và thu nhập khả dụng thực tế giảm 2,8%. Tóm lại, khoản lợi nhuận cao sẽ giúp Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chưa rõ cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu sẽ đi về đâu, nhưng một điều chắc chắn là châu Âu năm nay sẽ trải qua một mùa đông đầy khó khăn khi giá khí đốt leo thang mạnh và nguồn cung từ Nga ngày càng siết lại.
Tuy bị phương Tây trừng phạt, Nga vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trong hoạt động xuất khẩu năng lượng. Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Nga, nhờ giá khí đốt cao và sản lượng dầu tăng, lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng năm 2022 dự kiến sẽ tăng 38% so với năm 2021, đạt 337,5 tỉ USD. |
Song Phương (tổng hợp)