Tin tức kinh tế ngày 13/9: Quyết liệt phòng chống tình trạng 'đội lốt' hàng Việt
(PetroTimes) - Chính phủ Việt Nam quyết tâm chống gian lận thương mại; Ngân hàng nhà nước giảm lãi suất; Cần có nghị quyết xử lý nợ của 12 dự án yếu kém ngành Công Thương... là những tin tức kinh tế đáng chú ý trong ngày 13/9/2019.
Quyết liệt phòng chống tình trạng 'đội lốt' hàng Việt
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng. |
Chiều 13/9, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các hiệp hội ngành hàng nhằm lắng nghe các kiến nghị về đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Chủ trì cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Đề án này nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu. Bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới có nhiều biến động, thời gian qua, Việt Nam kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, xuất xứ trên thị trường Việt Nam cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các cơ quan chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp tích cực, quyết liệt, đồng bộ, cụ thể để chống gian lận thương mại, xuất xứ; mặt khác, triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)... để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tại cuộc làm việc, đại diện các hiệp hội ngành hàng khẳng định trong thời gian qua, các cơ quan của Việt Nam đã vào cuộc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là với hàng hóa có rủi ro gian lận thương mại, ngăn ngừa, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận.
Các ý kiến đều kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quy định, tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm cơ sở xác định hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam, hàng hóa gian lận xuất xứ.
Mặt khác, các đại biểu cũng đề xuất nhiều kiến nghị để hoàn thiện hơn dự thảo quy định về “Made in Việt Nam” mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến. Theo Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, tiêu thụ điện năng là một yếu tố rất quan trọng để xác định một cơ sở có sản xuất thực tế hay chỉ nhập hàng về rồi dán tem mác, cũng là một yếu tố chứng minh năng lực sản xuất của cơ sở đó đến đâu.
Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về chống buôn lậu, gian lận C/0
Hải quan Việt Nam cam kết chống gian lận thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ. |
Ngày 13/9, Đoàn công tác của cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã có buổi làm việc với Cục Hải quan TP HCM, VCCI và Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Hải quan về thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết, trong thời gian qua, Cục Hải quan TPHCM luôn chú trọng công tác cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên đối thoại hướng dẫn thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng.
Theo cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, một trong những vấn đề chính của Hải quan Hòa Kỳ đang đối diện là chống gian lận thương mại, trốn thuế. Trong đó, mặt hàng Hải quan Hoa Kỳ muốn tìm hiểu là mật ong xuất khẩu của Việt Nam.
“Khi nhận được tố cáo về gian lận, chúng tôi phải tiến hành điều tra xác minh để xác định hành vi gian lận, trốn thuế. Cục Điều tra nội an Hoa Kỳ duy nhất tại Việt Nam được đặt tại TP HCM sẽ làm việc với các đơn vị có liên quan”- đại diện cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ thông tin.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI tại TP HCM chia sẻ, bất cứ trừ trường hợp nào mà cơ quan Hải quan Hoa Kỳ nghi ngờ về C/O đề nghị gửi mail trao đổi để xác minh, các cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác hỗ trợ việc xác minh. Cần có sự kiểm soát, phối hợp giữa hai bên, bởi vì trước nguy cơ gian lận xuất xứ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cần có cơ chế khai báo để kiểm soát chặt chẽ. Những trường hợp nào hàng đi từ Việt Nam, khai báo từ Việt Nam thì sẽ có cơ sở để cơ quan Hải quan Hoa Kỳ kiểm soát, nhưng cũng phải loại trừ những trường hợp ghi xuất xứ Việt Nam, nhưng hàng lại không phải đi từ Việt Nam.
Trong thời gian qua, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong XNK hàng hóa, nhưng mặt hàng mật ong chưa có và mặt hàng này tỷ lệ xuất khẩu cũng rất nhỏ
Đây là cơ hội của Việt Nam để đẩy mạnh XNK hàng hóa sang Hoa Kỳ, ngăn chặn hàng hóa của bất kỳ nước nào muốn mượn đường hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ các thông tin có liên quan đến công tác này, rất mong muốn được tiếp tục hợp tác với Hải quan Hoa Kỳ” – ông Đinh Ngọc Thắng nhấn mạnh.
Cần có Nghị quyết để xử lý nợ cho 12 dự án nghìn tỷ?
Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ một trong những điểm sáng trong 12 dự án. |
Ông Đặng Thái Sơn – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức lãi suất mà ngân hàng thương mại cho vay 12 dự án yếu kém thuộc Bộ Công Thương hiện đang là “ưu đãi lớn nhất” so với các dự án khác.
Do vậy, để gỡ khó cho 12 dự án này Chính phủ cần ra một Nghị quyết cho phép các ngân hàng phân loại nợ và giữ nguyên nhóm nợ thì các dự án này mới có khả năng tiếp tục hoạt động.
Sau khi tiếp nhận 11/12 dự án, nhà máy từ Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, vấn đề trọng tâm nhất hiện nay, đó là những vướng mắc pháp lý để quyết toán hợp đồng cung cấp thiết bị và thi công( EPC) và cơ cấu lại các khoản nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất và xây dựng phương án thoái vốn.
Kết nối doanh nghiệp Việt-Nhật trong lĩnh vực thủy sản, thực phẩm
Ngành thủy sản Việt Nam được thị trường Nhật Bản coi trọng. |
Trong lần kết nối doanh nghiệp lần này, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản đặt trọng tâm vào các sản phẩm triển vọng có nhu cầu cao như thủy sản, sản phẩm thủy sản chế biến, thực phẩm chức năng...
Chiều 13/9, tại Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức chương trình "Kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản, thực phẩm Nhật Bản 2019" nhằm đẩy mạnh giao thương giữa hai nước trong lĩnh vực cả hai có nhiều thế mạnh. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt nam - Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Trong lần kết nối doanh nghiệp lần này, JETRO đặt trọng tâm vào các sản phẩm triển vọng có nhu cầu cao như thủy sản, sản phẩm thủy sản chế biến, thực phẩm chức năng, thực phẩm chế biến (bánh kẹo), thực phẩm cho trẻ em, wagyu (thịt bò Nhật)...
Gỡ khó cho xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc
Không hiếm lần nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc phải giải cứu. |
Đây là thông điệp được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 13/9.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những thành tích xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp về thương mại đầu tư nói riêng và kinh tế nói chung.
Trong đó, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam, đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê…, đồng thừoi vẫn đang là thị trường tiềm năng với một số mặt hàng nông sản khác.
Với những lợi thế về địa lý, đa dạng sản phẩm, cũng như cơ hội từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường khi Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) từ năm 2010, thì xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tình trạng tồn động, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xuất khẩu.
Đặc biệt, tập quán kinh doanh dựa trên thương mại qua biên giới, hay còn gọi là “tiểu ngạch” chiếm 30% dẫn đến việc một lượng nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc phụ thuộc vào thông qua các điểm thông quan chính là các cửa khẩu biên giới, hạn chế điều kiện tổ chức đưa hàng hóa vào sâu nội địa, giảm giá trị gia tăng của sản phẩm trong chuỗi.
Để giữ vững và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản trong nước sang thị trường Trung Quốc, thì vấn đề cần phải được các cấp, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người nuôi trồng thủy sản đặc biệt coi trọng, quan tâm đó là nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường này.
Bộ Công Thương cho rằng, thời gian tới cần phải tổ chức sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, cũng như chú trọng công tác quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm dịch.
“Dứt khoát là chúng ta phải từng bước giải quyết, không phải chỉ câu chuyện nhập siêu, mà phải giải quyết được cả câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa” như vừa qua”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành: Chính sách tiền tệ có được nới lỏng?
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Chiều ngày 13/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông báo về việc chính thức hạ lãi suất điều hành trên thị trường liên ngân hàng và thông qua một số biện pháp nghiệp vụ bắt đầu từ thứ hai 16/9 tới đây. Theo phân tích động thái này cùng hoà chung với phản ứng của hàng loạt NH TW trên thế giới, tuy nhiên cũng chỉ là liệu pháp mang tính tâm lý chứ chưa chắc đã nới lỏng tiền tệ.
NHNN hôm nay đã tuyên bố giảm một số loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua OMO và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng. Mức giảm cho các loại lãi suất trên là 0,25%. BVSC đánh giá động thái này không quá bất ngờ khi cách đây gần 2 tháng, NHNN đã có bước đi đầu tiên là giảm 0,25% lãi suất tín phiếu.
Đánh giá về động thái trên, công ty chứng khoán BVSC cho rằng trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều NHTW các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, NHNN Việt Nam cũng không muốn đứng ngoài xu hướng trên.
Tuy vậy, ở góc độ thực tế, tác động của việc giảm các loại lãi suất trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu..."Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) chứ không như FED hay ECB là điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất", BVSC viết.
Thêm vào đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt cắt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
"Do vậy, quyết định cắt lãi suất như trên của NHNN mang tính chất định hướng và tâm lý là chủ yếu, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì phải chờ các số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới. ", BVSC khẳng định.
Thành Công