Tin tức kinh tế ngày 12/9: Con người là trung tâm của phát triển bền vững
(PetroTimes) - Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, du lịch Việt Nam tiếp tục khởi sắc, xử phạt hàng loạt cá nhân vi phạm giao dịch chứng khoán... là những tin tức kinh tế nổi bật trong ngày 12/9/2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Con người là trung tâm của phát triển bền vững
PVN luôn hướng tới sự phát triển bền vững. |
Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030 đã diễn ra chiều 12/9, tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chủ trì phiên toàn thể của sự kiện quy mô lớn này.
Phát biểu tại Phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội. Do đó, chủ trương phát triển bền vững được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.
Thủ tướng nêu rõ, trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững; tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững, đặc biệt là "đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Con người là trung tâm của phát triển bền vững". Bên cạnh đó là các mục tiêu như: Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là nguyên tắc nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển.
TKV đề xuất giữ nguyên tuổi hưu và giờ làm việc tiêu chuẩn
Lãnh đạo ngành than đề xuất giữ nguyên giờ lao động vì đặc thù sản xuất. |
Tham gia ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại diện Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu và số giờ làm việc tiêu chuẩn 48h/tuần, đối với lao động khai thác than trong hầm lò.
Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, ông Lê Minh Chuẩn cho biết, về cơ bản TKV nhất trí điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 của Dự thảo: Kể từ 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của nam là 62 vào năm 2028.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xem xét có cơ chế phù hợp cho từng nhóm lao động. Cụ thể, TKV đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 115/NĐ - CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ (từ đủ 50 tuổi trở lên), được giảm 12 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.
Lý giải về đề xuất này, Chủ tịch TKV cho biết: Phần lớn người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò phải làm việc trong điều kiện lao động chật hẹp, thiếu dưỡng khí; công việc thủ công, rất nặng nhọc, nguy hiểm, chịu tác động của bụi, ồn, CO2; thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí mêtan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi-silic, bệnh bụi phổi-amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp. Hiện, số lượng lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò chiếm 22,1% - một tỷ lệ không nhỏ trong tổng số lao động toàn TKV với khoảng 21.556 người.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8/2019 đạt hơn 1,5 triệu lượt
Việt Nam tăng 4 bậc về năng lực cạnh tranh du lịch. |
Trong tháng 8 vừa qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tiếp tục tăng hơn so với tháng trước và cả cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8-2019 ước đạt 1.512,4 nghìn lượt người, tăng 14,9% so với tháng 7-2019 và tăng 14,3% so với tháng 8-2018
Trong đó, khách đến từ châu Á tăng 17,3%; từ châu Âu tăng 3,8%; từ châu Mỹ tăng 5,1%. Còn với khách tới từ thị trường châu Úc đã giảm 7,3% và châu Phi tăng 6,8%.
Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 11.309,2 nghìn lượt người, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 8.890,7 nghìn lượt người, tăng 5,6%; đường bộ đạt 2.246,7 nghìn lượt người, tăng 24,9%; đường biển đạt 171,8 nghìn lượt người, giảm 6%.
Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm
Công khai dữ liệu bảo hiểm là giải pháp hiệu quả chống gian lận. |
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan, hiện BHXH Việt Nam đang hoàn thiện đề án, trong đó đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện dịch vụ công mức độ 4 và việc xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm nhằm thực hiện nhiệm vụ
Từ năm 2009 đến nay, ngành BHXH đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 90% số lượng các thủ tục hành chính (TTHC) (từ 263 thủ tục xuống còn 28 thủ tục); giảm khoảng 60% thời gian thực hiện thủ tục theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (từ 335 giờ xuống còn 147 giờ); giao dịch điện tử với các đơn vị tham gia BHXH đạt trên 90%; thực hiện kết nối với gần 100% cơ sở khám chữa bệnh (gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh); tin học hóa hầu hết các lĩnh vực, nghiệp vụ chính của ngành; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 cho 19/28 TTHC.
Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam đã phát triển hệ thống phần mềm nghiệp vụ của Ngành làm cơ sở để xây dựng hệ thống CSDL quốc gia về Bảo hiểm; hiện nay đang tích cực xúc tiến việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với CSDL của các bộ, ngành, địa phương. Với những nỗ lực trên, BHXH Việt Nam hai năm liền giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (Việt Nam ICT Index) dành cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, được đánh giá là “một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách TTHC, ứng dụng CNTT và xây dựng CSDL quốc gia BHXH”.
BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC thông qua việc tiếp tục nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, TTHC gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối, khai thác các CSDL của các bộ, ngành. Cụ thể mục tiêu, cắt giảm tối thiểu 25% số TTHC đối với lĩnh vực chính sách BHYT và lĩnh vực chi trả BHXH so với năm 2018; Cắt giảm tối thiểu 20% thành phần hồ sơ; 35,47% số tiêu thức; 20,83% số biểu mẫu; rút ngắn thời gian thực hiện TTHC lĩnh vực chính sách BHXH so với năm 2018.
Người tiêu dùng nhiều nước ở châu Âu ưa chuộng hàng hóa thuần Việt
Một cửa hàng bán nông sản sạch tại Pháp. |
Chiều nay (12/9), tại Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào hỗ trợ doanh nghiệp thành phố tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu (EVFTA), do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM tổ chức, hơn 100 đại biểu đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam và doanh nhân kiều bào đã nêu nhiều ý kiến cụ thể để tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào châu Âu.
Theo nhiều đại biểu, nội dung của EVFTA đang được các ngành chức năng của thành phố cụ thể hóa, thông tin, từng bước tập huấn cho doanh nghiệp. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp phải nắm rõ lộ trình giảm thuế cho từng ngành hàng; xác định nguồn gốc hàng hóa, nguồn gốc nguyên phụ liệu và cách tính hàm lượng xuất xứ.
Từ đó, doanh nghiệp buộc phải thay đổi nguồn cung nguyên phụ liệu để đảm bảo xuất xứ và ưu đãi thuế, đặc biệt là phải đảm bảo quản lý chặt chẽ suốt quá trình sản xuất.
Từ thực tế sản xuất, kinh doanh ở châu Âu, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu cho rằng, có một số yếu tố chưa được doanh nghiệp Việt Nam chú trọng.
Cụ thể như, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa, doanh nghiệp chưa thực sự đi sâu khảo sát thị trường châu Âu để nắm bắt xu hướng tiêu dùng, từ đó định hướng sản xuất cho ra những sản phẩm được thị trường này ưa chuộng.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp cho biết: “Các nước Tây Âu như Pháp, Đức, Ý, họ chuộng các sản phẩm thuần Việt. Đừng quên, sản phẩm là một yếu tố cạnh tranh rất cao, họ còn quan tâm đến các yếu tố thuần túy Việt Nam, ngay từ tên sản phẩm. Do đó, tôi gửi đến các doanh nghiệp thông điệp là khi mình đã có hàng hóa đạt chuẩn rồi thì phải nghĩ đến người ta thích cái tên Việt Nam, chứ không phải tên nước ngoài”.
Hàng loạt cá nhân bị xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán
UBCKNN đưa ra quyết định xử phạt một loạt cá nhân làm sai luật khi giao dịch. |
Ngày 12/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 696/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Minh Đức (địa chỉ: 13 Nguyễn Khắc Cần, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội) do không báo cáo về việc dự kiến giao dịch, mức phạt là 45 triệu đồng.
Theo đó, ngày 26/03/2019, ông Nguyễn Minh Đức - phụ trách kế toán của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển KSH (mã chứng khoán: KSH) đã thực hiện giao dịch bán 192.510 cổ phiếu KSH nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về việc dự kiến giao dịch.
Ngày 05/9/2019, UBCKNN ban hành Quyết định số 252/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tiến (địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) do báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của công ty đại chúng và khi không còn là cổ đông lớn, mức phạt là 31,5 triệu đồng.
Cùng ngày, UBCKNN cũng ban hành Quyết định số 253/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Thắm (địa chỉ: Tường Sơn, Anh Sơn, Nghệ An).
Mức phạt là 31,25 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn khi sở hữu 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của công ty đại chúng và khi không còn là cổ đông lớn. Đồng thời, bà Thắm bị phạt tiếp 15 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn khi có sự thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.
Tùng Dương (TH)