Nhiều nông sản, thực phẩm tăng giá trở lại
(PetroTimes) - Nếu như từ đầu năm nhiều loại nông sản phải đối mặt với tình trạng rớt giá thảm hại do cung vượt cầu hay thịt lợn giá xuống thấp do dịch tả lợn châu Phi thì hiện giá của các mặt hàng này đã bắt đầu tăng trở lại, mang đến sự phấn khởi cho nhiều hộ nông dân.
Nguồn cung ít nên đẩy giá lúa lên
Theo nhiều nông dân ở tỉnh Hậu Giang, hai giống lúa chủ lực đang thu hoạch tại tỉnh là OM 5451 được thương lái mua lúa tươi tại ruộng có giá 5.100 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg và giống lúa RVT ở mức 6.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Nguyên nhân giá lúa tăng được giải thích là do lúa Đông Xuân đã thu hoạch gần hết, nguồn cung ít nên đẩy giá lúa lên.
Nguyên nhân giá lúa tăng được giải thích là do nguồn cung ít nên đẩy giá lúa lên |
Ngoài giá bán tăng thì năng suất lúa của bà con thu hoạch trong lúc này cũng ở mức cao, dao động từ 1 - 1,1 tấn/công. Nhờ giá bán và năng suất lúa như trên nên sau khi trừ chi phí sản xuất thì nông dân có được nguồn lợi nhuận khoảng 30-35 triệu đồng/hecta.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 75.000 hecta trong tổng số gần 78.500 hecta lúa Đông xuân đã xuống giống. Hiện còn khoảng 3.500 hecta lúa Đông xuân chưa thu hoạch tập trung tại huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp. Dự kiến, bà con ở hai địa phương này sẽ thu hoạch dứt điểm trong khoảng 10 ngày tới.
Dưa hấu thương lái đến tận ruộng thua mua với giá cao
Những ngày này, bà con ở Quảng Nam phấn khởi ra đồng thu hoạch dưa hấu, thương lái đến tận ruộng mua với mức giá cao.
Năm ngoái cũng vào thời điểm này, nông dân tỉnh Quảng Nam “méo mặt” vì giá dưa hấu giảm, không ít người bỏ mặc tại ruộng. Năm nay, bà con phấn khởi ra đồng thu hoạch dưa hấu, thương lái đến tận ruộng mua với giá từ 6.500 đồng đến 7.000 đồng/kg.
Hiện tại, người dân Quảng Nam đã thu hoạch khoảng 30% diện tích trồng dưa |
Tại cánh đồng dưa ở huyện Phú Ninh với nhãn hiệu dưa hấu Kỳ Lý, mặt hàng nông sản đầu tiên ở Quảng Nam được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Người dân cho biết, giá dưa năm nay ổn định. Đầu mùa khoảng 3.700 đồng/kg, nay tăng lên 6.500 đồng/kg.
Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam trồng hơn 360 hecta dưa hấu, chủ yếu tập trung các xã: Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành, thị trấn Phú Thịnh... Dự kiến, năng suất dưa toàn huyện ước đạt bình quân hơn 26 tấn/hecta, sản lượng đạt khoảng hơn 9.400 tấn. Hiện tại, người dân đã thu hoạch khoảng 30% diện tích trồng dưa. Bình quân, mỗi hecta, bà con có lãi khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng vì giá dưa hấu năm ngoái rớt thê thảm nên năm nay, nhiều hộ gia đình không dám trồng dưa.
Giá thịt lợn tự tin tăng nhờ công bố hết dịch tả
Sau khi nhiều tỉnh, thành phố công bố đã hết bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, giá lợn hơi ở các tỉnh khu vực phía Bắc đang tăng trở lại, hiện ổn định ở mức hơn 40.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tăng 5.000-7.000 đồng/kg tùy chất lượng lợn hơi khi xuất chuồng. Tại tỉnh Bắc Giang là 42.000 đồng/kg; các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam... giá 40.000 đồng/kg trở lên.
Người chăn nuôi lo lắng khi giá heo tăng sẽ dẫn tới việc nhập thịt từ nước ngoài về tiêu thụ |
Tương tự, tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng trở lại. Tại “thủ phủ heo” Đồng Nai, hiện giá heo hơi lên từ 45.000-47.000 đồng/kg, nhiều trại không có heo bán do thương lái tranh nhau mua. Nguyên nhân tăng giá do nguồn cung giảm, người tiêu dùng đã tiêu thụ thịt heo trở lại.
Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT dự đoán, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì giá thịt lợn có khả năng tăng hơn, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, phục vụ cân đối cung - cầu.
Hiện nay, điều người chăn nuôi lo lắng là khi giá heo tăng sẽ dẫn tới việc nhập thịt từ nước ngoài về tiêu thụ, điều này sẽ làm giá trên thị trường giảm mạnh, cũng như tạo nên nguy cơ về việc mang các mầm bệnh trên heo nếu không được kiểm soát tốt.
Minh Lê (tổng hợp)
Xuất khẩu nông sản - Con đường còn lắm cam go |
3 thách thức lớn nhất hàng nông sản Việt Nam phải đối mặt |
Đua nhau mở rộng diện tích, hàng loạt nông sản đua nhau rớt giá thảm hại |