Chỉ báo xấu trên “chứng trường”, bà Thanh Phượng từ bỏ mốc “ngàn tỷ”
Doanh nghiệp chứng khoán do bà Nguyễn Thanh Phượng lãnh đạo – Chứng khoán Bản Việt, trong năm 2018 đã vượt mốc lợi nhuận 1.000 tỷ đồng. Song với những dấu hiệu bất lợi ngay từ đầu năm 2019, một kế hoạch thận trọng đã được doanh nghiệp này đặt ra.
Kết phiên giao dịch 11/4, các chỉ số đã có sự hồi phục đáng kể vào cuối phiên trong bối cảnh bên mua – bên bán vẫn giằng co kịch liệt. Cụ thể, VN-Index tăng 4,04 điểm tương ứng 0,41% lên 129,47 điểm còn HNX-Index tăng 0,14 điểm tương ứng 0,13% lên 107,57 điểm.
Số mã tăng đã nhích lên con số 319 mã và có 42 mã tăng trần vào thời điểm kết thúc phiên trong khi số mã giảm là 283 mã và 24 mã giảm sàn.
Trong bối cảnh chung của thị trường, cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt vẫn ghi nhận giảm 600 đồng tương ứng 1,6% còn 37.000 đồng. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của mã này. Trong phiên trước, VCI giảm 1.100 đồng tương ứng 2,84%. Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu VCI đã mất hơn 55% giá trị.
Bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Bản Việt |
Giá cổ phiếu VCI suy giảm sau khi HĐQT công ty này công bố kết quả phiên họp bàn về kế hoạch kinh doanh năm 2019 theo phương án “đi lùi”.
Theo đó, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng lên kế hoạch, trong năm 2019, doanh thu dự kiến đạt 1.653 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng. So với thực hiện trong năm trước, kế hoạch lợi nhuận sau thuế của VCI giảm tới 17,3%.
Trước đó, trong năm 2018, VCI ghi nhận doanh thu hoạt động 1.821 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 822,2 tỷ đồng.
Sự thận trọng của VCI là dễ hiểu trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2019 vừa trải qua giai đoạn khởi đầu đầy thách thức với thanh khoản và thu hút vốn nước ngoại sụt mạnh trong quý I.
Trong quý I/2019, thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của VCI trên HSX đạt 10,05%, xếp thứ 3 toàn thị trường sau SSI (14,54%) và HSC (10,82%). Trong khi đó, trên HNX, công ty của bà Nguyễn Thanh Phượng gây bất ngờ vì bị “bật” khỏi top 10 môi giới và chỉ xếp thứ 7 về thị phần môi giới trên UPCoM.
Trở lại với thị trường chứng khoán, phiên này, khối lượng giao dịch đạt 129,47 triệu cổ phiếu tương ứng 2.614,35 tỷ đồng trên HSX và 21,17 triệu cổ phiếu tương ứng 255,66 tỷ đồng trên HNX. Thanh khoản nhìn chung đã có những nỗ lực nhất định vào phiên chiều nhưng vẫn khá thấp.
Phiên này, cặp cổ phiếu VIC và VHM gây ấn tượng mạnh khi đóng góp lần lượt tới 3,1 điểm và trên 1 điểm cho VN-Index. Ngoài ra, chỉ số cũng được hỗ trợ từ MSN, VJC, VNM, SAB… và ngược lại bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng giảm giá tại VCB, VPB, VRE, BVH, GAS.
Theo nhận định của BVSC, trong phiên cuối tuần, thị trường dự báo sẽ có biến động giằng co trong vùng 981-991 điểm. VN-Index cần vượt lên vùng kháng cự này nếu muốn có sự chuyển biến tốt hơn về mặt xu hướng ngắn hạn.
BVSC vẫn đặt kỳ vọng vào khả năng thị trường sẽ quay lại thử thách vùng kháng cự tâm lý 1000 điểm trong những phiên tiếp theo. Hiện tượng phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu sẽ tiếp tục diễn ra và có thể sẽ tạo ra khó khăn đối với hoạt động tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư trên thị trường.
Dòng tiền vẫn sẽ hướng sự quan tâm đến các nhóm ngành như công nghệ thông tin, dệt may, thủy sản, nhựa và một số cổ phiếu trong nhóm ngành bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ phải đối mặt với áp lực chốt lời. Trong khi, các cổ phiếu bluechips và nhóm ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục dao động theo hướng giằng co, đi ngang là chủ đạo.
Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng 35-45% cổ phiếu. Hạn chế việc mua cổ phiếu ở các mức giá cao trong phiên và chỉ mở các vị thế lướt sóng tại các vùng hỗ trợ cụ thể của từng cổ phiếu trong các phiên thị trường điều chỉnh. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng.
Theo Dân trí