Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ai nói bậy nói bạ nói quấy nói quá? (tiếp theo và hết)

09:26 | 01/09/2015

|
Bạn đọc: Xin phản hồi chớp nhoáng. Tôi đã đọc bài của ông An Chi nhan đề “Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng” trên Năng lượng Mới số gần đây. Tuy không hiểu thấu đáo những gì ông đã viết, tôi cũng cảm thấy ngờ ngợ về bộ từ điển “hoành tráng” của BS Nguyễn Hy Vọng. Nhưng ngôn từ mà ông dùng để nói về BS Vọng như “chém gió”, “chuyện tếu táo”, “hoang tưởng”, “hiểu trật đường rầy”, v.v... thì tôi thấy chua quá, cay quá. Năm Móc (Tân Định, TP HCM)

Ai nói bậy nói bạ nói quấy nói quá?

Ai nói bậy nói bạ nói quấy nói quá?

Bạn đọc: Xin phản hồi chớp nhoáng. Tôi đã đọc bài của ông An Chi nhan đề “Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng” trên Năng lượng Mới số gần đây. Tuy không hiểu thấu đáo những gì ông đã viết, tôi cũng cảm thấy ngờ ngợ về bộ từ điển “hoành tráng” của BS Nguyễn Hy Vọng. Nhưng ngôn từ mà ông dùng để nói về BS Vọng như “chém gió”, “chuyện tếu táo”, “hoang tưởng”, “hiểu trật đường rầy”, v.v... thì tôi thấy chua quá, cay quá. Năm Móc (Tân Định, TP HCM)

Quyển từ điển của Mary R. Haas đươc ghi rõ ràng là “With the assistance of [Với sự trợ giúp của - AC] George V. Grekoff, Ruchira C. Mendiones, Waiwit Buddhari, Joseph R. Cooke, Soren C. Egerod”. Còn từ điển của Nguyễn Hy Vọng? Tuyệt đối không có ai trợ giúp chăng? Nhưng ngay cả khi nó là công trình của một mình đốc tờ Vọng thì cái công của ông ta cũng chỉ là ở chỗ tập hợp dữ liệu chứ cái phần vắt óc để tìm cho ra từ nguyên đích thực thì… không có gì. Đốc tờ Vọng hoàn toàn khác BS Trần Ngọc Ninh với bộ Cơ cấu Việt ngữ và BS Bùi Minh Đức với bộ Từ điển tiếng Huế. Hai vị này không hề ba hoa và nói bậy nói bạ nói quấy nói quá như đốc tờ Vọng. Họ đâu có cần làm xằng như thế vì sách của họ tự nó đã có giá trị đích thực.Xin nêu thêm vài chi tiết đơn giản để khẳng định đốc tờ Vọng không đủ tư cách làm từ điển từ nguyên. Trong bài “Dính líu giữa tiếng Việt và tiếng Lào Thái”, ông ta đã so sánh:

“Ta và Khmer đã chung nhau tiếng đó từ mấy ngàn năm về trước.

xí quách < chi-wích / life / đời sống

Thí dụ: hết xí quách, tan tành xí quách cũng là tiếng chung của Thái, Lào, Miên [gốc Sanskrit].”

Dĩ nhiên là tiếng Khmer chi-wích thì do tiếng Sanskrit mà ra và nguyên từ (etymon) của nó là jīvita, có nghĩa là sự sống, sinh vật. Đến như xí quách mà bảo là tiếng Việt cùng gốc với chi-wích của Khmer thì ai ở trong Nam mà có đến ăn ở xe mì hoặc tiệm mì của người Hoa cũng phải “ôm bụng cười nửa phút” (nhưng không “nứt bọng đái”). Xí quách là do âm Quảng Đông chű quách của hai chữ Hán [猪骨] mà âm Hán Việt là “trư cốt”, có nghĩa là xương heo. Nước lèo dùng cho mì, hủ tiếu được nấu bằng xương heo và khi xài hết nước lèo thì còn lại là xương heo đã ninh rục trong thùng nước lèo. Những khúc xương còn dính thịt và những ống xương còn đầy tuỷ là món bình dân yêu thích của dân nhậu - mà chả cứ gì với dân nhậu; có một xị đế với một đĩa xí quách để lai rai thì chẳng còn cần biết Nguyễn Hy Vọng là ai. Xí quách mà chung gốc với Khmer chi-wích thì chỉ chứng tỏ Nguyễn Hy Vọng không đủ khả năng để làm “cognatic dictionary” mà thôi. Chỉ có Thái và Lào mới chung gốc với Khmer trong trường hợp này mà trong trường hợp này thì các từ hữu quan cũng chỉ là borrowings (từ mượn) chứ không phải cognates (đồng nguyên).

Sau đây là vài thí dụ đơn giản nữa. Trong bài “Đào sâu tiếng Việt”, đốc tờ Vọng khẳng định rằng tiếng Pali phloi cùng gốc với trời của tiếng Việt. Nhưng xin thưa ngay rằng tiếng Pali không có phụ âm kép “phl” và đây là chuyện sơ đẳng mà ai muốn làm từ nguyên học liên quan đến tiếng Pali cũng cần phải biết. “Trời” trong tiếng Pali là “ākāsa” hoặc “gagana”. Cũng liên quan đến tiếng Pali, trong bài “Bài toán của tiếng Việt”, đốc tờ nhà ta đã khẳng định: “Sa- mạc là tập trung tư tưởng, định thần , từ chữ “samadhi” / meditative incantation ”. Đúng ra thì tiếng Pali ở đây phải là samādhi (“a” dài [= ā] sau “m”) nhưng điều làm cho ta kinh ngạc là samādhi mà lại cùng gốc với “sa-mạc” (desert) thì không biết đốc tờ đã thấy nó ở quyển từ điển thần kỳ nào. Còn Tàu thì phiên âm samādhi thành “tam ma địa” [三摩地] hoặc “tam muội [三昧], là hai hình thức thường thấy nhất, để diễn dạt cái ý “định thần”, “tập trung tư tưởng”.

Sau đây là dẫn chứng cuối cùng để khẳng định rằng đốc tờ Vọng không đủ tư cách để làm từ điển từ nguyên. Vì quyển từ điển “quốc tế” của ông ta chưa đưa hết lên mạng nên chúng tôi xin trích mẩu so sánh về từ “gió” trong bài của Trần Mộng Tú viết về “Tác giả Nguyễn Hy Vọng và Nguồn gốc tiếng Việt” và chỉ lấy hai ngôn ngữ Thái và Lào cho đỡ rườm rà:

“Thái: wa-du/wa-giu/ph-giú/ kh-glol (chặp kh-glol là bắt gió/cạo gió).

Lào: ph-gio”.

Ta không biết những dữ liệu trên đây do ai cung cấp cho đốc tở Vọng hay ông ta lấy ở đâu ra nhưng phần tiếng Thái thì “thập cẩm” còn phần tiếng Lào thì lại là một món ăn ế vì không ai chịu nếm. Chúng tôi chỉ chọn hai ngôn ngữ này trong bảng so sánh để tập trung nêu bật cái dốt của anh đốc tờ phét lác. Trong phần tiếng Thái thì “kh-glol” là một đứa con vô thừa nhận vì ngôn ngữ này không có tổ hợp phụ âm đầu “kh-gl” còn “wa-du”, “wa-giu”, “ph-giú” thì thực tế chỉ là ba cách phiên âm khác nhau của “wayu” là một từ mà tiếng Thái Lan đã mượn của tiếng Sanskrit hoặc Pali “vāyu”, có nghĩa là “gió”. Với tiếng Lào thì “ph-gio” cũng là một kẻ vô thừa nhận vì ngôn ngữ này cũng chẳng có tổ hợp phụ âm đầu “ph-gi”. Nhưng cái khuyết điểm “hoành tráng” nhất của đốc tờ Vọng là ở chỗ ông ta không hề biết đến “lôm” của tiếng Thái cũng như “lôm” của tiếng Lào, đều có nghĩa là “gió”, đều thuộc từ vựng cơ bản của hai ngôn ngữ đó và đều đồng nguyên với “lồm” của tiếng Tày-Nùng, “lỗm” của tiếng Thái (Tây Bắc), v.v... “Gió” trong bốn thứ tiếng này, như đã ghi ở trên, mới đích thị là những từ đồng nguyên trong các ngôn ngữ Tày-Thái và nếu đã làm từ điển từ đồng nguyên thì phải dùng những từ này chứ không thề dùng “wayu” của tiếng Thái, là một từ vay mượn ở tiếng Sanskrit hoặc Pali. Sở dĩ đốc tờ Vọng nhà ta đưa ra những “wa-du”, “wa-giu”, “ph-giú”, “ph-gio” thì chỉ là để cho có dáng dấp của “gió” ở trong đó mà thôi.

Tóm lại, làm từ điển từ nguyên tuyệt đối không phải là hễ thấy có những từ cùng nghĩa và gần âm thì cứ vơ lấy mà nhét vào trong một cái bị gọi là “cognatic dictionary”, như đốc tờ Nguyễn Hy Vọng đã làm. Công việc này, Henri Frei cũng đã làm từ năm 1892 với quyển L’annamite, mère des langues (Tiếng An Nam, mẹ của các ngôn ngữ) trong đó “ăn thịt” của tiếng Việt đồng nguyên với tiếng Esquimau “estimantik”!

Năng lượng Mới số 451