Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ai nói bậy nói bạ nói quấy nói quá?

08:00 | 23/08/2015

|
Bạn đọc: Xin phản hồi chớp nhoáng. Tôi đã đọc bài của ông An Chi nhan đề “Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng” trên Năng lượng Mới số gần đây. Tuy không hiểu thấu đáo những gì ông đã viết, tôi cũng cảm thấy ngờ ngợ về bộ từ điển “hoành tráng” của BS Nguyễn Hy Vọng. Nhưng ngôn từ mà ông dùng để nói về BS Vọng như “chém gió”, “chuyện tếu táo”, “hoang tưởng”, “hiểu trật đường rầy”, v.v... thì tôi thấy chua quá, cay quá. Năm Móc (Tân Định, TP HCM)

An Chi: Lời lẽ của An Chi dù chua đến mấy và cay đến đâu thì vẫn nằm trong giới hạn của sự nghiêm túc. Chứ lời lẽ của BS Nguyễn Hy Vọng thì mới là bỉ ổi thượng thặng. Xin trích vài đoạn văn “mẫu” của ông đốc tờ này để bạn Năm Móc và các bạn khác có thể… thưởng lãm (những chữ in đậm là do An Chi nhấn mạnh).

Trong bài “Dính líu giữa tiếng Việt và tiếng Lào Thái”, ông ta viết:

“Mục đích bài này là để giúp ta bỏ đi cái ý nghĩ sai lầm của phần lớn các nhà học giả Hán Việt xưa nay đã tiêm nhiễm vào đầu óc họ, cho là “tiếng Việt do từ tiếng Tàu mà ra [sic] @ Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Phương, Huệ Thiên… và hàng tá các ông khác nữa”.

“Các ông khác” có phải là những lọ dầu cù là hay những ống kem đánh răng đâu mà đốc tờ Vọng trịch thượng đếm họ bằng cái cách nói “hàng tá”. Nguyễn Hy Vọng mắc chứng vĩ cuồng thô lậu; ông ta tưởng với bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt thì mình đang đứng trên đỉnh cao của học thuật chứ không ngờ rằng về mặt ngữ học thì bộ sách của ông ta chẳng có bao nhiêu giá trị.

Trong bài “Chỗ đứng của tiếng Việt trong thế giới”, ông ta viết:

“Ai không tin, xem quyển sách du lịch chính thức của họ in ra cho cả thế giới xem… cười chơi muốn nứt bọng đái luôn”.

Rồi ngay bên dưới, ông ta gọi các nhà lãnh đạo bằng cái danh ngữ mất dạy là bọn bắc cụ bắc bộ phủ mà quên rằng chính hai chữ “bắc cụ” của đốc tờ Vọng mới chứng tỏ rằng tác giả của nó là một kẻ thậm vô giáo dục, nếu không nói là vô loài. Cũng trong bài này, ông ta đã chế nhạo:

“Còn Việt ta thì trong nước dành nhau loạn cào cào khoe tiếng Anh bồi, Mỹ bồi trong các sách vở của chúng nó là childish garden [vườn trẻ] trong công viên Phan Thiết!”.

Đốc tờ Vọng chế nhạo như thế nhưng cái childish garden ở Phan Thiết bất quá cũng chỉ xuất hiện tại một địa phương nhỏ trong nước chứ với thâm niên 30 năm làm Từ điển nguồn gốc tiếng Việt như Nguyễn Hy Vọng mà gọi sách của mình là cognatic dictionary (Xin xem bài của An Chi trên NLM số 448) thì mới là họ “Bồi” cấp U-ết-xì-a.

Trong bài “Những con đường đi không tới”, ông ta viết: “Chém giết nhau đâu mấy sản, ngủ với nhau đêm này qua đêm nọ cả mấy triệu năm mới có được 7 ngàn triệu mạng người hôm nay đó chứ, mới có được 6 ngàn tiếng nói khác nhau đó chứ! (…). Cái sức sống, cái nếp sống quá mạnh của con người đã làm ra thế giới ngôn ngữ chứ đâu có phải ăn rồi chỉ lo xách đít di chuyển khắp nơi”.

“Ngủ với nhau đêm này qua đêm nọ”, kinh nghiệm bản thân chăng? Thật là trơ trẽn một cách khả ố. Rồi ở một đoạn bên dưới, đốc tờ Vọng lại viết:

“Mấy cái quyển sách về nhân chủng/anthropology toàn nói bậy nói bạ nói quấy nói quáchúng nó nghe ầm ầm!”.

Chẳng biết đốc tờ Vọng dùng hai tiếng “chúng nó” để chỉ ai chứ “mấy cái quyển sách về nhân chủng/anthropology” kia thì có giá trị gấp trăm lần bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt của Nguyễn Hy Vọng. Còn kẻ nói bậy nói bạ nói quấy nói quá thì chính là đốc tờ Vọng chứ chẳng phải là ai khác.

Trong bài “4.000 năm ròng rã buồn vui”, ông ta viết về dân số Việt Nam:

“Từ # 1 triệu người cách đây 2 ngàn năm, nay chúng ta đã là 83 triệu, đông hết biết luôn, sinh đẻ quá nhiều, chết bao nhiêu cũng không sao!”.

Đốc tờ Vọng nói như vậy, có lẽ cũng đồng điệu với tay hồng y Spellman, khi hắn ta kêu gọi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Việt Nam, cách đây 60 năm.

Trong bài “Cái nguồn và cái ngọn”, ông ta viết:

“Xin ôm bụng cười nửa phút, vì nó buồn cười quá! chong xáng vườn chè làm xao mà tiêu chuẩn cho nổi, chính chị chính em thì làm xao mà hiểu được ai là chị ai là em!, làm xao cho xướng thì hết mẹ nó cái xướng rồi”.

“Xướng” mãi thế nào được khi bị 27.500 mục từ trong “cognatic dictionary” của Nguyễn Hy Vọng ám ảnh?

Trong bài “Cái hệ lụy Tàu Việt”, đốc tờ Vọng viết:

“Viết đến đây tôi muốn lộn máu, đành tạm ngưng. Tôi thách mấy ông Hán Việt nô lệ chữ Tàu cho quá năm 2002, hãy công khai tranh luận với tôi về điểm này, độc giả sẽ là người làm trọng tài”.

Vì tức “lộn máu” lên đầu, không còn bình tĩnh nên đốc tờ Vọng mới dại dột thách thức như trên chứ ai thừa thì giờ, công sức mà đi tranh cãi với kẻ điên, thằng khùng. Và đốc tờ Vọng đã quên một cách đáng thương rằng, chính mình cũng nô lệ chữ Tàu. Chẳng thế mà vật tượng trưng tinh thần cho cá nhân là con triện vuông của Nguyễn Hy Vọng lại viết bằng chữ Tàu, phân nửa bên phải thì nguyên chữ “Nguyễn” [阮] màu trắng trên nền đỏ; phân nửa bên trái là hai chữ “Hy” [希] (trên), “Vọng” [望] (dưới) màu đỏ trên nền trắng (Xin x. ảnh [đen trắng]). Chạy trời không khỏi nắng, cuối cùng đốc tờ Vọng cũng phải nhờ đến chữ Tàu để làm con dấu. Huống chi, đốc tờ Vọng còn quá ngu ngốc nên cứ luôn mồm nhắc đến chuyện “tiếng Việt do từ tiếng Tàu mà ra” chứ điều mà hiện nay người ta đang nói - và tuyệt đối đúng - chỉ là các từ và hình vị Hán Việt trong từ vựng tiếng Việt chiếm một tỷ lệ khá cao. Chỉ có những kẻ dốt ngữ học và Việt ngữ học mới nhắm mắt phủ nhận điều này.

Trong bài “Khi hai tiếng nói sống chung với nhau > 2000 năm”, ông ta đã bịa đặt một cách khả ố:

“Ngay cả một cái Viện ngôn ngữ của [Việt Nam - AC] cũng sản xuất ra những từ điển đầu voi đuôi chuột, bịa ra những định nghĩa quái đản như là “chốc mòng” thì bảo nghĩa là “rộn rịp”! chững chạc thì bảo nghĩa là “ngay ngắn” [sic] thật là hết thuốc chữa! [Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê]”.

Thực ra, Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên đã giảng chính xác “chốc mòng” là “trông mong” với ghi chú “động từ; cũ; văn chương” còn “chững chạc” là “đứng đắn, đàng hoàng”, với ghi chú “tính từ”, chứ đâu có giảng bậy bạ, ngu xuẩn như đốc tờ Vọng đã bịa đặt một cách bỉ ổi. Từ điển của người ta “chững chạc” như thế mà ông ta lại mở mồm mở miệng nói là từ điển đầu voi đuôi chuột. Kẻ làm từ điển vừa cẩu thả vừa không có phương pháp chính là Nguyễn Hy Vọng với bộ Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, mà chúng tôi cũng đã vạch ra trong bài trước trên Năng lượng Mới số 448 & 449. Ở đây, xin nêu thêm vài chi tiết.

Trong bài “ANH TAM là gì”, nói về hai chữ (tạm đọc) là “song viết”, ông ta kể:

“May thay khi đọc đến quyển từ điển Lào của Russell Marcus thì tôi thấy hai chữ song viết lù lù ra đó, có nghĩa là cách ăn mặc và cách ăn ở. Tôi lại xem quyển từ điển Thái của Mary Haaj thì may thay cũng hai chữ đó sờ sờ trước mắt, trang 138 và tôi đã trình bày hai chữ đó, đương nhiên là viết bằng chữ Lào và Thái chứ không phải chữ Nôm, với học giả Đoàn Khoách”.

Xin thưa rằng không có Mary Haaj nào là tác giả của từ điển cả mà chỉ có Mary R. Haas nhưng quyển từ điển của bà Haas cũng không phải là “Thai Dictionary” vì bà chỉ làm quyển song ngữ Thai-English Student’s Dictionary do Stanford University Press ấn hành (bản đầu tiên là vào năm 1964) mà thôi. Chẳng những trật vuột trong lời kể trên đây, mà ở phần “Tài liệu tham khảo” trong bài “Tết là gì?”, đốc tờ Vọng cũng ghi: “Thai Dictionary, Mary Haaj, Stanford, CA 1964”. Rồi trong phần “Tài liệu tham khảo” hoành tráng hơn, thấy được tại trang //lhccshtd.org/, ông ta cũng ghi y chang: “Thai dictionary / Mary Haaj, Stanford, CA 1964”. Hiển nhiên là đốc tờ Vọng đã ghi sai từ tên quyển từ điển cho đến tên của tác giả. Trong “MARY R. HAAS 1910 - 1996 A Biographical Memoir” do Kenneth L. Pike viết, chúng tôi cũng chỉ thấy Pike ghi nhận như sau: “1964 Thai-English Student’s Dictionary Stanford: Stanford University Press.” Rồi trong bài ghi nhận của James A. Matisoff (University of California, Berkeley) nhan đề “Remembering Mary R. Haas’s Work on Thai”, tác giả này cũng chỉ nhắc: “In my opinion, Haas’s crowning achievement in Thai studies is her wonderful Thai-English Student’s Dictionary (1964)” (Theo ý kiến của tôi, thành tựu đỉnh cao của Haas là quyển Thai-English Student’s Dictionary tuyệt diệu (1964) của bà”.

Hai cái sai (“Thai Dictionary” & “Haaj”) của Nguyễn Hy Vọng cứ lặp đi lặp lại, ngay cả trong thư mục, khiến ta nghĩ rằng không biết có thật đốc tờ Vọng đã tận mắt nhìn thấy quyển từ điển của Mary R. Haas hay không, hay là người khác cung cấp thông tin cho ông ta còn chính ông ta thì đã nhớ tên sách và tên tác giả một cách trật vuột? Ông ta nói trang 138 nhưng không cho biết đây là trang 138 trong bản nào vì bản in lần đầu tiên của Thai-English Student’s Dictionary là vào năm 1964 nhưng nó cũng đã được in lại ngay trong năm đó, rồi những lần in sau đó là vào 1966, 1967. Từ 1967 đến nay, không biết có in thêm lần nào nữa không (vì chúng tôi dùng bản 1967).

Năng lượng Mới 450