Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Ai cứu người làng quặng?

08:36 | 19/10/2011

740 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các cô giáo ở Trường tiểu học Bản Thi cứ lần lượt mắc những chứng bệnh khó hiểu, sức khỏe ngày càng suy kiệt trong khi nỗi hoang mang, ám ảnh thì cứ ngày một tăng lên. Có những người đã rụng đến sợi tóc cuối cùng, có những người đã định vứt bỏ tất cả để bỏ xứ ra đi. Thế nhưng, qua nhiều năm, nguyên nhân dẫn đến bệnh tật của những người phụ nữ này vẫn chưa được lý giải thật rõ ràng để có biện pháp can thiệp. Ai sẽ là người cứu họ lúc này?

Bệnh tật cướp mất tuổi xuân

Sân Trường tiểu học Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn yên ắng hẳn đi khi tiếng trống điểm giờ ra chơi đã hết. Lũ trẻ ùa vào lớp để chuẩn bị cho tiết học mới.

“Ôi, cô Vy làm sao thế này!”, tiếng hét của một cậu học trò nào đó vang lên ở một góc lớp. Cô giáo Trịnh Thị Vy đứng trên bục giảng lảo đảo, viên phấn cô cầm trên tay rơi xuống đất. Không còn sức chống đỡ, cô Vy đổ gục xuống chân bục giảng.

Người ta vội vã đưa cô Vy sang Trạm Y tế xã. Ông Hoàng Thế Lùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã thở dài: “Khổ thân cô giáo, một tháng cô ấy phải đến đây cỡ chục lần. Cô Vy bị nhiễm chì nặng, sức khỏe đã suy kiệt trầm trọng”.

Chị Triệu Thị Coi, một trong nhiều nạn nhân bị nhiễm chì ở Bắc Kạn

Nhìn người đàn bà nằm trên giường bệnh khò khè thở, không một ai nghĩ rằng năm nay cô Vy mới 50 tuổi. Mái tóc bạc trắng, da tái xanh, bàn tay rạn chân chim. Cô Vy quê gốc ở Thái Thụy, Thái Bình. Năm 24 tuổi, cô lấy chồng rồi theo chồng lên đây, xin vào Trường tiểu học Bản Thi dạy học. Cũng năm ấy, đoàn khảo sát địa chất ở dưới tỉnh Bắc Kạn ồ ạt kéo nhau lên. Và rồi những đoàn xe chở quặng rầm rập theo nhau từ trong núi ra, biến xã Bản Thi thành một công trường khai thác quặng không lồ.

Dạy học được khoảng 2 năm, cô Vy thấy sức khỏe của mình có nhiều biểu hiện bất thường. Cổ họng cô nổi lên một cục u nhỏ, nuốt nước bọt rất rát, ăn uống rất khó khăn. Tiếng cô cứ khàn dần rồi mất hẳn. Người cô ngày càng gầy teo đi và kéo theo đó là những triệu chứng bệnh làm cô phát hoảng. Cô vội vã làm thủ tục ra Bệnh viện huyện Chợ Đồn khám bệnh. Cô ngồi bệt xuống ghế khi nhìn sổ khám bệnh của mình được bác sĩ ghi kín cả trang, liệt kê các thứ bệnh: thoái hóa 2 đốt sống cổ, rối loạn tuần hoàn máu não, viêm khớp cấp tính… Chỉ trong một thời gian ngắn, mái tóc cô từ chỗ phải bới mãi mới tìm ra sợi tóc trắng thì nay nó đã bạc phơ. Cô úp mặt vào gương khóc ròng rã mấy tháng trời.

Chỉ sau một thời gian đoàn khảo sát địa chất khai thác quặng, bệnh tật ở đâu ùa vào ngôi trường bé nhỏ nhanh đến nỗi người ta tưởng đang có một thứ dịch bệnh chết người nào đó. Cô Vương Thị Ngọc da xanh rớt, mỗi lần gội đầu tóc tút ra từng mảng. Chỉ trong vòng một tuần, mái tóc dài thướt tha, đen nhánh của cô Ngọc đã không còn một sợi. Mùa Đông cũng như mùa Hè, cô Ngọc phải đội mũ len sùm sụp mỗi khi ra đường. Cô ôm gối khóc thút thít khi đứa con gái nhỏ đi học mẫu giáo về cứ chạy vòng quanh nhà mà không nhận mẹ.

Cả Trường tiểu học xã Bản Thi có 18 cô giáo thì có đến 17 cô giáo mắc phải những căn bệnh khác nhau. Năm 1998, Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền, Bắc Kạn, một doanh nghiệp khai thác quặng trên địa bàn xã Bản Thi có tổ chức đợt xét nghiệm nhiễm độc chì cho cán bộ, công nhân viên. Xin xỏ mãi, 17 cô giáo được ké vào danh sách đi làm xét nghiệm. Kết quả gây bất ngờ cho nhiều người, cả 17 cô giáo đều bị nhiễm chì ở mức độ khác nhau, trong đó có 3 người ở mức báo động đỏ. Nhiễm nặng nhất là cô Hà Thị Chanh ở mức 18mg/l, cô Vương Thị Ngọc 16,4mg/l, cô Trịnh Thị Vy 14,1mg/l. Còn lại, các cô giáo đều bị nhiễm chì ở mức 6-10mg/l.

Bệnh tật lơ lửng trên đầu

Ở xã Bản Thi, vào đợt khai thác quặng cao điểm, không gian mờ mịt trong khói bụi. Hít phải thứ bụi đó, cổ họng như muốn két lại, ho khan như muốn xé họng ra. Cây na, cây ổi trong vườn héo hắt sống, ra được quả nào là “đẹt” ngay quả ấy. Cô Nguyễn Thị Thùy, 46 tuổi, giáo viên trong Trường tiểu học Bản Thi kể: “Môi trường sống ở đây bị bao vây bởi vô số bụi quặng, đất quặng. Đến nỗi con gà ăn phải thứ quặng đen xì ấy, không tiêu hóa được, chướng diều mà chết”.

Lý giải về nguyên nhân hàng loạt cô giáo tại Trường tiểu học Bản Thi bị nhiễm quặng, ông Hoàng Văn Lâm – Chủ tịch xã Bản Thi cho biết: “Trường tiểu học Bản Thi nằm ở vị trí thấp, gần như là cái rốn của địa bàn. Cả xã Bản Thi có 8 thôn thì có tới 5 thôn có một lượng quặng lớn đang trong thời kỳ khai thác. Chính vì thế, lượng quặng lẫn trong nước đổ về và ứ đọng tại khe suối chảy qua trường. Các cô giáo sử dụng nguồn nước này nên bị nhiễm chì rất nặng”.

Ông Hoàng Thế Lùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bản Thi

Bệnh tật nguy hiểm là thế nhưng mười mấy năm rồi chỉ duy nhất một lần 17 cô giáo được đi xét nghiệm mức độ nhiễm chì. Và cũng trong đợt đó, chỉ có 3 cô giáo bị nặng nhất được đưa xuống Quất Lâm (Nam Định) để tẩy chì. Cô Ngọc cho biết: “Đợt đó, sau khi đi tẩy chì về, sức khỏe của chúng tôi được cải thiện. Tôi uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và có đợt mái tóc của tôi đã mọc trở lại. Thế nhưng, sau đó vài năm, tình hình lại xấu đi. Tôi lại mắc bệnh trở lại và tóc tôi lại rụng như không có cách gì cứu vãn. Đến giờ này, tôi cũng không biết trong người mình lượng chì bị nhiễm là bao nhiêu”.

Đó là những cô giáo may mắn đã được đi tẩy chì một lần. Còn những người như cô Thùy, cô Thu, họ cũng biết chắc chắn rằng mình đã bị nhiễm chì. Nhiễm với tỉ lệ bao nhiêu thì họ mù tịt từ năm 1998 tới nay. Và tất nhiên, họ chưa một lần được đi tẩy chì. Cô Thùy cho biết: “Xét nghiệm hoặc đi tẩy chì cần áp dụng công nghệ cao nên rất tốn kém. Lương giáo viên dạy học thì làm sao đủ. Dù biết như thế nhưng chúng tôi đành tặc lưỡi ủ bệnh”.

Trước tình trạng đó, Trường tiểu học Bản Thi đã nhiều lần làm đơn lên Sở Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Đồn với hy vọng các cô giáo sẽ được hỗ trợ kinh phí để đi chữa bệnh bệnh. Nhưng những hy vọng ấy chưa một lần được hồi âm.

Quá hoảng sợ trước gánh nặng bệnh tật, nhiều giáo viên đã nghĩ đến cách “chạy trốn” khỏi vùng đất độc hại này. Cô Vy rưng rưng nước mắt kể: “Có đêm nằm ngủ, tôi choàng tỉnh dậy rồi quyết định ngay ngày mai tôi sẽ xin thôi việc để trở về quê cũ. Nhưng sáng dậy, mọi quyết định lại tan biến mất vì tôi nghĩ rằng về quê rồi, tôi sống ở đâu, làm gì để sống khi bệnh tật đầy người”.

Chồng cô Vy đã bỏ đi biệt tích cùng người đàn bà khác cũng vì mái tóc bạc trắng như bà lão của cô. Cô một mình, dặt dẹo sống nuôi con. Ngay khi đứa con gái vào học lớp 1, cô đã nhờ người họ hàng tìm trường rồi chuyển ngay con lên thị xã Bắc Kạn học. Cô con gái khóc lóc đòi về nhà vì nhớ mẹ. Cô Vy dậm chân vừa quát, vừa khóc: “Đời mẹ giờ còn mỗi con thôi. Con thương mẹ thì đừng đòi về đây, mắc phải bệnh tật như mẹ rồi bất hạnh cả đời”.

Nguy cơ cả xã bị nhiễm chì

Ông Hoàng Thế Lùng, Trạm trưởng trạm Y tế xã Bản Thi cho rằng: “Không riêng gì các cô giáo, người dân sống ở đây cũng đang có nguy cơ bị nhiễm độc chì. Họ cùng sử dụng chung một nguồn nước, cùng hít chung một bầu không khí nên khó có khả năng người này bị nhiễm mà người kia không bị nhiễm. Vấn đề là người dân chưa có ai đi làm xét nghiệm mà thôi”.

Trẻ em ở đây buổi sáng đến trường mặt mũi còn sạch sẽ, khi học về mặt đứa nào cũng lấm lem bụi bặm. Ông Lùng cho rằng: “Hàng năm, tỉ lệ trẻ em bị mắc các bệnh về họng, phổi, đường hô hấp là rất cao. Năm 2008, có cả thảy 189 em bị viêm họng đến trạm xá xã để chữa trị”.

Nguồn nước của Trường tiểu học Bản Thi

Đã từ bao đời nay, người dân xã Bản Thi vẫn thường sử dụng nguồn nước ăn uống sinh hoạt bởi con suối chảy từ thượng nguồn thôn Bản Cậu ra đến xã Nghĩa Thịnh. Nước từ suối múc lên trong vắt nhưng khi nấu sôi lên, cặn bám đầy đáy ấm. Sợ nước suối không sạch, họ đào giếng để lấy nước với hy vọng sẽ được sử dụng nguồn nước trong lành.

Nhà ông Ma Đình Phàn nằm sát cạnh Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền. Ông Phàn xanh xao, gầy yếu vì bị sỏi thận đã 10 năm nay dù đã dùng nước từ một cái giếng sâu 30 mét. Ông Phàn lấy ấm đun nước của nhà mình rồi cạy cho chúng tôi xem từng mảng cặn từ thành ấm, đáy ấm. Những mảng cặn ấy dày cộp cho dù ông rất chăm chỉ đánh rửa hàng ngày. Ông thở dài: “Nước giếng hay nước suối có khi cũng như nhau vì cùng chung một nguồn. Không có nước thì đành phải nhắm mắt mà dùng thôi”.

Ai xác định mức độ nhiễm độc?

Ông Lùng cho biết: “Tình trạng các cô giáo nhiễm độc chì là có thật, nhưng nhiễm từ nguồn nước hay không khí thì chưa ai xác định được. Trạm Y tế chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì của những cơ quan có chuyên môn về mức độ nhiễm chì trong nguồn nước cũng như trong không khí. Nếu nước có nhiễm chì thì chúng tôi cần phải được hướng dẫn cụ thể để có thể sống chung với nó, giảm thiểu tình trạng bệnh tật”.

Ông Hoàng Văn Lâm – Chủ tịch xã Bản Thi cho biết: “Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền tiến hành khai thác, chế biến quặng trên địa bàn xã Bản Thi cũng có một phần làm cho không khí không còn trong lành. Tôi nghĩ Ban Lãnh đạo xí nghiệp nên trích kinh phí để địa phương tiến hành làm sạch, khắc phục môi trường”.

Học sinh Trường tiểu học Bản Thi phải đem nước đi học

Nỗi ám ảnh về nguồn nước ở xã Bản Thi đã trở nên quá lớn với lũ trẻ trong trường tiểu học. Bây giờ, chúng không uống nước ở trường nữa mà khư khư cầm chai nước đi học. Nhà nào khá giả thì có thể mua được cho con mình nước lọc đóng chai, còn nhà nghèo thì vẫn phải dùng nước giếng đun sôi để nguội.

“Chúng tôi chỉ mong muốn mình được đi khám bệnh để biết được tình trạng sức khỏe của mình. Thế nhưng ước mơ đó không biết bao giờ mới thực hiện được”, cô Vy thở dài bảo.

Bà Nông Thị Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bản Thi cho biết: Đã từ hơn 10 năm nay, các cô giáo cho dù bị nhiều bệnh tật do nhiễm chì nhưng các cô vẫn cố gắng tham gia tích cực công tác giảng dạy. Thiết nghĩ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Đồn nên có một phần tiền hỗ trợ để các cô giáo có thể đi khám chữa bệnh.

Không lẽ các cơ quan chức năng ở Bắc Kạn làm ngơ không chịu vào cuộc để trả lại sự trong lành cho mảnh đất đã quá đỗi nhọc nhằn này.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền cho biết: Nhiều người cho rằng xí nghiệp chúng tôi khai thác quặng làm ảnh hưởng tới môi trường sống là hoàn toàn không chính xác. Bởi bản thân môi trường ở đây đã có quặng rồi. Về tình trạng của trường tiểu học, theo khảo sát địa chất của chúng tôi thì ngôi trường đang nằm trên một bãi quặng ngầm nên nguồn nước không đảm bảo. Theo tôi, thói quen sinh hoạt của người dân cũng ảnh hưởng đến việc nhiễm chì. Không rửa tay trước khi ăn, rau rửa không sạch sẽ lượng chì sẽ nhiễm trực tiếp vào cơ thể.

Chúng tôi cũng luôn tuyên truyền cho công nhân của chúng tôi biết cách bảo vệ mình khi lao động trong môi trường độc hại. Nên có thói quen sinh hoạt đúng mức, ăn chín uống sôi, ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên tiến hành đo lại nồng độ nhiễm độc trong nước để cho người dân bớt hoang mang và doanh nghiệp chúng tôi yên tâm hoạt động.

Vũ Minh Tiến