Ai "chống lưng" cho thương vụ "siêu khủng" của Vietjet Air?
Trong bối cảnh các doanh nghiệp nói chung của Việt Nam vẫn còn đối mặt với chồng chất những khó khăn thì việc “chi” 9,1 tỉ USD để “tậu” máy bay, là một thương vụ làm ăn thuộc hàng “siêu khủng”. Xung quanh thương vụ đình đám này, việc dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, về thực hư “nguồn vốn” đầu tư… cũng là điều dễ hiểu.
Trước những hồ nghi, lãnh đạo Vietjet Air phủ nhận tin đồn có đại gia rót vốn cho hãng này. Theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Vietjet Air, để triển khai, Vietjet Air đã có sự chuẩn bị cho thương vụ này từ 4 - 5 năm trước, với những kế hoạch ngắn, trung và dài hạn: “Nguồn tiền do chúng tôi thu xếp được, đến bây giờ chưa có một đại gia nào đứng đằng sau cả. Chúng tôi thỏa thuận với Airbus là nhận máy bay theo từng quý, từng năm, tiến độ thanh toán rải đều trong 9 năm, chứ không phải cùng lúc.
Vietjet Air đã chuẩn bị rất kỹ các phương án trước khi đặt bút ký thỏa thuận. Nhiều người nghĩ là chúng tôi phải đi gõ cửa các ngân hàng để vay tiền, lấy tài sản của công ty ra để đảm bảo cho khoản vay. Không có tài sản nào của Vietjet Air có thể đảm bảo để đi vay đến hơn 9 tỉ USD”.
Chiếc máy bay mới của Vietjet Air tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, số tiền Vietjet Air vay từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20% trong gói tài trợ mua máy bay; còn lại phần lớn là từ nguồn tài trợ tín dụng xuất khẩu của các nước - tài trợ của các chính phủ cho chương trình mua máy bay; vay các định chế tài chính và ngân hàng nước ngoài; tài trợ dự án và IPO để huy động vốn... Các nguồn tài trợ đều đã nằm trong kế hoạch tài chính của Vietjet Air, chủ yếu sẽ là các nguồn vốn nước ngoài vì chi phí lãi vay thấp hơn ở Việt Nam.
Vietjet Air là một hãng hàng không mới đi vào hoạt động chưa lâu, trong khi thị trường này tại Việt Nam đang cạnh tranh khá gay gắt. Vì vậy việc cân đối tiền lãi hàng tháng để trả khoản tiền vay lãi 9,1 tỉ USD – tương đương 8 – 9% GDP của Việt Nam, đối với một doanh nghiệp hàng không non trẻ như Vietjet Air sẽ là một thách thức “khổng lồ”.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc “huy động vốn” như vậy để triển khai kinh doanh sẽ khó khả thi cho cả Vietjet Air và đối tác. Cụ thể, với một khoản tiền cho vay trị giá hàng tỉ USD, các tổ chức tài chính nước ngoài đều phải nắm được nguồn đảm bảo thanh toán khá chắc chắn. Họ thường không cho các tổ chức kinh tế vay trực tiếp mà cần có sự bảo lãnh của một bên thứ 3 đủ uy tín.
Trong khi đó, với dự án đường bay giá rẻ tại Việt Nam chưa phát triển mạnh, thì khả năng khai thác hết công suất để tạo ra hiệu quả của 100 máy bay mới không cao. Do vậy việc Vietjet Air “tự lực tự cường” để thực hiện thương vụ này, đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam “mắt tròn mắt dẹt”.
Ngược lại, việc bán một chiếc máy bay cũng là điều… vô cùng khó. Do vậy trong thực tế các hãng sản xuất máy bay thường phải ký những “thoả thuận” chứ không phải “hợp đồng kinh tế”. Việc này nhằm trước hết là “giữ chân khách hàng” sau đó mới tính đến chuyện bán được cái nào thì bán. Do vậy “thương vụ” Vietjet Air đang triển khai vẫn phải đợi… hồi sau mới rõ.
Mọi câu hỏi được đặt ra cho thương vụ mua bán “khủng” này. Cuối cùng, “ông lớn” ngân hàng, đơn vị “chống lưng” cho đại gia Vietjet đã xuất hiện. Cụ thể, vào ngày 13/2, tại triển lãm hàng không (Airshow) đang diễn ra tại Singapore, Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) và Vietjet Air đã ký kết thỏa thuận hợp tác, trong đó BNP Paribas được chỉ định tham gia tư vấn thu xếp tài chính cho đơn hàng mua máy bay của Vietjet Air. Theo tin tức cụ thể, BNP Paribas sẽ thu xếp tài chính khoảng 270 triệu USD để Vietjet Air mua 3 chiếc máy bay trong năm 2014.
Vietjet Air cho hay, việc ký kết thỏa thuận với BNP Paribas là một trong những bước tiếp theo của hãng để thực hiện hợp đồng đặt mua và thuê 100 máy bay trong đó có 56 máy bay A320 và 7 máy bay A321, trị giá 9,1 tỉ USD vừa ký kết với Airbus tại Singapore Airshow vài ngày trước.
BNP Paribas là một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính hàng không, phục vụ 128 hãng hàng không và các công ty cho thuê máy bay trên thế giới. Đây là một trong những bước tiếp theo của Vietjet Air để thực hiện hợp đồng đặt mua và thuê 100 máy bay vừa ký kết với Airbus trong khuôn khổ sự kiện Airshow đang diễn ra ở Singapore.
Thực tế cho thấy việc cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay rất quyết liệt. Trong khi mức thu nhập của người dân chưa được cải thiện đáng kể. Hàng không tại Việt Nam dù đã “giá rẻ”, nhưng với đại bộ phận người dân, việc di chuyển bằng đường hàng không vẫn là điều xa xỉ. Nên có hãng hàng không mở ra một thời gian không cạnh tranh nổi đã phải chịu lỗ triền miên, thậm chí phải tuyên bố phá sản. Trong bối cảnh ấy, nhiều ý kiến cho rằng bằng việc công bố thương vụ “siêu khủng”, Vietjet Air đã có một chiêu quảng bá thương hiệu khôn ngoan, nhằm thể hiện “thực lực” của mình để lôi kéo khách hàng.
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: Trong sự việc này, chúng ta đang thực hiện theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp được tự do triển khai hoạt động và kế hoạch kinh doanh, miễn là việc này không phạm pháp. Tuy nhiên trong thương vụ này có một chi tiết cần lưu ý, đó là “hợp đồng kinh tế” của Vietjet Air là hợp đồng gì, giao hàng ngay hay trả chậm?
TS. Nguyễn Minh Phong
Không đồng tình với ý kiến phải có một “đại gia” bảo lãnh cho Vietjet Air, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mua được hàng của bên bán theo hình thức “thuê mua” mà không cần ngay một lúc phải có số vốn khổng lồ.
“Trong thương vụ này, nhiều khả năng Vietjet Air chỉ ký hợp đồng “thuê mua” trả chậm đối với các đối tác, chứ không đủ tiềm lực để kí hợp đồng kinh tế thông thường, trả ngay theo kiểu tiền trao cháo múc. Theo hợp đồng “thuê mua” do “bên mua” chưa đủ khả năng “thanh toán” hợp đồng, nên toàn bộ tài sản liên quan đến hợp đồng thuộc “quyền sở hữu” của bên bán. Nếu theo khả năng này, có nghĩa là Vietjet Air sẽ trả chậm số tiền 9,1 tỉ USD cho bên bán theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng.
Nếu vi phạm cam kết, thì bên bán được quyền thu hồi toàn bộ tài sản trên danh nghĩa họ đã bán cho bên mua. Như vậy có nghĩa là bên bán luôn nắm đằng chuôi, và nếu có rủi ro xảy ra thì họ cũng ở thế… không mất gì”, TS. Nguyễn Minh Phong dự đoán.
TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, khi mua một số lượng máy bay nhiều như vậy, chắc chắn Vietjet Air đã có sự tính toán rất kỹ để có thể triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nhưng trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam có sự cạnh tranh rất lớn, nhiều khả năng họ đã tính đến việc “vươn” ra nước ngoài; có thể tổ chức những đường bay quốc tế; hay cho thuê máy bay… điều đó là hoàn toàn hợp pháp.
Mặt khác TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, Vietjet Air hẳn không dại gì công khai hết “tiềm lực” của mình vì lo ngại gặp rủi ro cũng là điều… không cần thiết.
Thảo Phượng