Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

30 năm "cấm pháo" vẫn chưa... tiệt nọc

14:44 | 09/01/2024

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mấy năm nay cứ vào dịp Tết nguyên đán “căn bệnh” đốt pháo lại tái phát. Có cầu ắt có cung. Các vụ buôn lậu và sản xuất pháo nổ, pháo hoa xuất hiện liên tục, nhất là ở các tỉnh biên giới phía bắc, phía nam đất nước.
20 năm "cấm pháo" vẫn chưa... tiệt nọc
Ảnh minh họa

Còn nhớ cách đây tròn 20 năm, lần đầu tiên, có một giao thừa ở Việt Nam không tiếng pháo. Ai cũng thấy bâng khuâng, nhớ đến một phong tục đã in sâu trong đời sống người dân không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước châu Á. Xưa người Việt có thú vui ngày Tết, với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”, vậy “cấm pháo” có nên? Băn khoăn thế, nhưng rồi sau cái Tết Ất Hợi-1995, thì ai cũng nhẹ cả người. Tuyệt nhiên từ thành phố đến nông thôn không nhà ai đốt pháo. Và đương nhiên, không còn xảy ra các vụ tai nạn thương tâm do đốt pháo bất cẩn gây ra.

Nhân chuyện này, bà con ta bảo nhau rằng, phong tục, tập quán nào cũng đều đáng trân trọng, nhưng cái gì không còn phù hợp, cái gì gây phiền phức, tốn kém, mất an ninh, trật tự, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người thì bỏ đi là phải. Nói “Ý Đảng-lòng Dân” là việc lớn, còn những việc cụ thể như “cấm pháo” thì đúng là một minh chứng rõ nhất, khi có chủ trương đúng đắn, được quần chúng ủng hộ thì nhất định sẽ thành công.

“Cấm pháo” là câu cửa miệng. Chỉ thị số 406/TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Cấm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển sử dụng pháo. Đến năm 2015, trong Bộ Luật hình sự, Điều 190 quy định rõ: “Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ, pháo hoa nổ từ 6 kg trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 03 tỷ hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm”.

Thế là “cái lý” đã rõ như ban ngày. Ai cũng thấy hợp lý, chả ai muốn rước họa vào thân và gây hại cho người khác. Thế nhưng mấy năm nay tình trạng đốt pháo lại tái phát. Có cầu ắt có cung. Các vụ buôn lậu và sản xuất pháo nổ, pháo hoa xuất hiện liên tục, nhất là ở các tỉnh biên giới phía bắc, phía nam đất nước. Pháo lậu được mua bán, vận chuyển chủ yếu từ Trung Quốc, qua các cửa khẩu biên giới, thẩm lậu vào nội địa. Các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng đều báo cáo, tình hình buôn lậu các mặt hàng (trong đó có pháo nổ) diễn biến phức tạp.

Diễn biến phức tạp vì nó không theo một quy luật nhất định, vì khối lượng vận chuyển ngày càng lớn, vì người đi buôn lậu vốn chả hề có “kinh nghiệm” gì, bỗng nhiên bị rủ rê, lôi kéo, có khi chỉ vì đọc mấy dòng tin trên mạng xã hội thế là vay ít tiền giắt lưng, qua biên giới tìm ... hàng. Nguy hiểm nhất là đùa với tính mạng như việc thuê người làm pháo nổ.

Có mấy vụ việc nóng, mới xảy ra cuối năm 2023. Điển hình là Hải quan, Công an các tỉnh: Quảng Trị, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh... đã theo dõi phát hiện và bắt giữ vụ vận chuyển 700kg pháo nổ. Các đối tượng đã lợi dụng phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh, gia cố hầm hàng, khoang thùng để cất giấu pháo nổ, nhưng vẫn không qua mắt các lực lượng chức năng.

Vụ việc khác hoạt động liều lĩnh hơn, có địa bàn trải dài từ nam ra bắc. Ngày 1/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh thông báo, đã ra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 13 đối tượng để điều tra về tội buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Nhóm buôn lậu đã ngụy trang pháo nổ trong các thùng cá khô, vận chuyển, tiêu thụ tới gần 6 tấn pháo nổ tại TP Hồ Chí Minh, và các tỉnh Cà Mau, Long An, Vĩnh Phú. Một con số kinh hoàng! Nếu không phát hiện, bắt giữ thì hậu quả thật khôn lường.

Không hiếm vụ sản xuất, sử dụng pháo gây thương vong đã xảy ra. Mới nhất là vụ “gia công” pháo nổ ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình gây chết người. Đối tượng Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1996), trú tại Khối 1, thị trấn Bình Minh, Kim Sơn, đã học nghề làm pháo qua mạng, sau đó lùng mua thuốc nổ, dây cháy chậm, vỏ pháo về làm pháo. Linh đã thuê Mai Thị X. và Lương Thị G. đến hành nghề và xảy ra hậu quả thương tâm. Cả hai người làm thuê thiệt mạng, một người bị thương.

Hằng năm, càng vào dịp giáp Tết càng xảy ra nhiều vụ làm ăn phi pháp liên quan đến pháo nổ. Tiếc rằng, người làm ăn phi pháp số đông vốn là người lao động, chỉ vì không hiểu biết pháp luật, bị rủ rê, ham một chút lợi ích mà sa vào con đường tội lỗi. Khi bị bắt, nhiều người thành thật khai báo, lúc đầu họ chỉ được thuê mang hàng hóa sang nước ngoài, đến khi về tranh thủ mua vài “thùng pháo” để kiếm chút tiền lời tiêu pha dịp tết, không nghĩ rằng mình đã phạm pháp và chịu thiệt đơn thiệt kép.

Ở ta từng có nhiều nghị định, quy định, chỉ thị yêu cầu công dân tuân thủ pháp luật. Văn bản nào cũng có cơ sở khoa học, bám sát thực tiễn, thường xuyên bổ sung, sửa đổi cho sát tình hình mới. Công an, Hải quan là lực lượng chủ công trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi phạm pháp luật về pháo, nhất là đấu tranh ngăn chặn nạn thẩm lậu pháo trái phép vào Việt Nam qua tuyến biên giới. Thế nhưng tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, “bắt cóc bỏ đĩa” vẫn là căn bệnh trầm kha. Hô hào rất mạnh, biện pháp cụ thể, phân công rõ ràng, thế nhưng sai sót, khuyết điểm lắm khi không có địa chỉ, có người ví, “sai lầm, thất bại, chả khác gì đứa con rơi”.

Mỗi khi Tết đến từ tổ dân phố, xóm thôn, đến mỗi gia đình đều đăng ký, cam kết không mua bán, tàng trữ và đốt pháo nổ. Rồi phân công các đoàn thể kiểm tra, giám sát. Băng-rôn, khẩu hiệu đỏ rực khắp nơi kêu gọi mọi người tự giác, tuân thủ pháp luật. Vậy mà số vụ vi phạm thì nhiều khi năm sau cao hơn năm trước (!).

Phát hiện, xử lý dù tích cực đến đâu cũng chỉ là phần ngọn. Cái gốc vẫn là cơ chế, chính sách. Mà điều đó thì đã có rồi. Vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để các chủ trương, chính sách trở thành hiện thực trong cuộc sống? Làm thế nào để Tết Giáp Thìn sắp đến tình trạng buôn bán, đốt pháo được hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt? Khi chúng ta nói những điều lớn lao, tất cả vì kỷ cương phép nước, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân, xin hãy bắt đầu từ những công việc cụ thể, thiết thực. Càng thấm thía câu nói của các nhà kinh điển: Linh hồn của phép biện chứng duy vật là phân tích cụ thể một tình hình cụ thể.

Hải Đường