Xuất khẩu dầu của Iran tăng khi các bên nối lại đàm phán hạt nhân
Nhà máy lọc dầu Abadan ở vùng tây nam Iran. Ảnh: Reuters/Essam Al-Sudani. |
Xuất khẩu dầu của Tehran đã bị hạn chế sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế xuất khẩu dầu và nguồn thu liên quan của Chính phủ Iran.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran đã cố gắng thúc đẩy một lượng dầu xuất khẩu khi các bên trung gian tìm cách không tiết lộ nguồn gốc hàng nhập khẩu. Các công ty theo dõi tàu chở dầu cho biết Trung Quốc là điểm đến của đa số các chuyến hàng đó. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thảo luận với Trung Quốc về việc nhập khẩu dầu của Iran nhưng không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc. Bắc Kinh đã thúc giục Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, là vấn đề mà Trung Quốc phản đối.
Iran nói chung không công bố số liệu xuất khẩu dầu, do vậy, không có con số chính xác về xuất khẩu của Iran và thường chỉ có các con số ước tính của các công ty tư vấn. Theo ước tính từ các nhà tư vấn và phân tích dầu mỏ, Iran đã cố gắng tăng xuất khẩu dầu trong năm 2021.
Công ty tư vấn Petro-Logistics, chuyên theo dõi dòng chảy dầu, cho biết xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 12/2021 đã tăng lên hơn 1 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong gần 3 năm. Giám đốc điều hành Petro-Logistics Daniel Gerber cho biết sẽ khó duy trì mức xuất khẩu 1 triệu thùng/ngày liên tục trừ khi có sự thay đổi liên quan đến thỏa thuận hạt nhân.
SVB International, một công ty tư vấn theo dõi nguồn cung dầu của Iran, cũng ghi nhận sự gia tăng xuất khẩu dầu thô của Iran lên hơn 1 triệu thùng/ngày, nhưng cho là sự gia tăng trong tháng 1/2022. Theo ước tính của SVB, trong tháng 1/2022, xuất khẩu dầu thô của Iran đạt 1,085 triệu thùng/ ngày, tăng từ 826.000 thùng/ ngày trong tháng 12/2021. Chủ tịch SVB Sara Vakhshouri cũng cho rằng xuất khẩu dầu của Iran không thể tăng cao hơn nhiều nếu không có sự miễn trừ lệnh trừng phạt của Mỹ. Xuất khẩu dầu của Iran trong tháng 1/2022 là cao nhất kể từ khi chính quyền Trump rút lại các biện pháp miễn trừ vào năm 2019.
Các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo. Ảnh: Phái đoàn EU/EEAS/via Reuters. |
Bộ Dầu mỏ và Bộ Ngoại giao của Iran đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về mức xuất khẩu dầu của Iran. Trả lời câu hỏi về nhập khẩu dầu Iran của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc, đang tiến hành hợp tác bình thường với Iran "theo khuôn khổ pháp lý toàn cầu, hợp lý và hợp pháp".
Chuyên gia phân tích dữ liệu dầu khí Vortexa Analytics cho biết năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu trung bình 600.000 thùng/ngày dầu của Iran, chủ yếu được bán dưới dạng dầu thô từ các nguồn khác như Oman, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Malaysia. Con số này thấp hơn so với mức đỉnh trước khi có các biện pháp trừng phạt của Trump mà hải quan Trung Quốc ghi nhận vào năm 2017 là 623.000 thùng/ ngày.
Hôm thứ Ba (8/2/2022), vòng tám cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã được nối lại tại Vienna. Nếu các cuộc đàm phán thành công, Iran có thể tái khởi động hoạt động xuất khẩu dầu. Về lý thuyết, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ cho phép Iran đưa xuất khẩu dầu thô quay trở lại mức 2,5 triệu thùng/ngày, mức xuất khẩu đạt được trong năm 2018. Sự gia tăng xuất khẩu của Iran như vậy sẽ diễn ra trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt và đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong 7 năm qua là 94 USD/ thùng./.
Thanh Bình
-
Giá dầu hôm nay (11/11): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 11/11: Giá dầu thế giới giảm nhẹ đầu phiên
-
Chính sách thuế quan của ông Trump có thể dẫn đến nhu cầu dầu suy giảm?
-
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Giá điện khí LNG cần phải theo cơ chế thị trường
-
Thực hư kế hoạch sáp nhập 3 hãng khai thác dầu lớn nhất nước Nga