Xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ bứt tốc trong năm 2022?
Giá cà phê trên thị trường toàn cầu chịu sự tác động đáng kể từ dịch Covid-19 ở Việt Nam |
Hiện nay, giá cà phê trên toàn cầu đang chịu sức ép tăng giá ở mọi phân khúc, từ cà phê nguyên liệu, cà phê rang xay, cà phê viên nén, cho đến ly cà phê trong quán. Brazil mất mùa cà phê, Colombia biến động chính trị, Việt Nam và Indonesia đối phó dịch bệnh... tin tức từ tất cả các cường quốc sản xuất cà phê đều không thuận, trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới vẫn tăng liên tục.
Brazil được biết là quốc gia sản xuất cà phê đứng đầu thế giới, năm nay mất tới 1/3 sản lượng do thiên tai, và đó là lý do thứ nhất giải thích vì sao giá cà phê lại tăng cao đến vậy. Thiếu hụt nguồn nguyên liệu lại diễn ra đúng vào lúc nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng rất mạnh, ước tính cao hơn năm 2020 tới gần 10%. Tờ Svenska Dagbladet ra tại Thụy Điển dẫn lời giám đốc một công ty môi giới cà phê tại Mỹ, ông này nói rằng: "Trong suốt sự nghiệp của mình chưa khi nào thấy kịch tính như lúc này". Hạn hán ở Brazil vẫn tiếp tục và sẽ còn tác động đến cả vụ sau.
Lý do thứ hai là từ Việt Nam và Indonesia, hai quốc gia sản xuất cà phê đứng thứ 2 và thứ 4 thế giới. Tờ Thời báo Ireland viết rằng: "Xuất khẩu của các nhà sản xuất lớn khác như Việt Nam đã bị chậm lại do tắc nghẽn vận chuyển".
Đại dịch lan rộng tại châu Á buộc các nước trồng cà phê phải hạn chế di chuyển, phong tỏa, cách ly, đang tạo ra vô vàn vấn đề trong thu hái, chế biến, vận chuyển, bốc xếp… cộng thêm vấn đề thiếu container rỗng mãi vẫn chưa được giải quyết. Nông dân Việt Nam và Indonesia vẫn bị hạn chế đi lại trong lúc sắp phải thu hoạch quả cà phê tươi, nguy cơ ảnh hưởng cả tới dây chuyền chế biến từ nay cho đến mùa hè năm sau.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng xuất khẩu cà phê. Hiện nay, các khó khăn trong thu mua, lưu thông và tiêu thụ cà phê đang dần được tháo gỡ, các doanh nghiệp đang tập trung phục hồi sản xuất, để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cà phê.
Trong khi nguồn cung cà phê còn giảm tiếp vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu với mặt hàng này sẽ tăng trong những tháng tới. Đây sẽ là viễn cảnh ít nhất tại châu Âu và Mỹ khi các lệnh hạn chế phòng dịch Covid-19 nới lỏng, nhiều cửa hàng, chuỗi bán cà phê mở lại.
Trong báo cáo đánh giá thị trường mới nhất, Fitch Solutions nhấn mạnh tác động đáng kể từ dịch Covid-19 ở Việt Nam tới thị trường cà phê thế giới.
Cụ thể, tổ chức này cho rằng các biện pháp phong tỏa, giãn cách phòng dịch bệnh tại Việt Nam sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu. Theo đó, giá cà phê có thể duy trì ở mức "tương đối cao" trong cả năm sau.
Bất chấp thực tế còn nhiều khó khăn trước mắt, các chuyên gia phân tích thị trường vẫn tin tưởng những biện pháp hạn chế phòng dịch bệnh sẽ sớm được gỡ bỏ từng bước. Do đó, theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, những gián đoạn, đứt gãy tạm thời về xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chỉ là ngắn hạn.
Cũng tương tự, hoạt động sản xuất cà phê của Brazil cũng sẽ bật trở lại "khá nhanh", miễn là các điều kiện thời tiết cực đoan không tái diễn. Điều này có nghĩa chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu có thể bắt đầu lấy lại đà phát triển trong giai đoạn 2022/2023. Mức giá trung bình theo năm của cà phê arabica sẽ giảm khoảng 1,20 USD/pound trong năm 2023, theo Fitch Solutions.
"Chính sách hỗ trợ đang được triển khai của các nước sẽ hỗ trợ sản xuất tại nhiều quốc gia sản xuất (cà phê) ở châu Mỹ Latin và châu Á, trong đó có Colombia và Việt Nam" - Fitch Solutions nhận định. Tổ chức này tin tưởng mức tiêu thụ cà phê sẽ tăng cao tại nhiều thị trường chính yếu như EU và Nhật Bản.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia thì tình trạng này sẽ được giải quyết trong những tháng cuối năm. Quý IV này xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực. Các vướng mắc trong chuỗi cung ứng đang cần được khẩn trương tháo gỡ, mà trước mắt là trong lưu thông vận chuyển.
Để tận dụng cơ hội, Bộ Công Thương cho rằng, ngành cà phê cần tập trung vào một số giải pháp, trong đó, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với Bộ và các ngành chức năng để nắm bắt thông tin thị trường, thay đổi phương thức giao dịch, đa dạng hóa hình thức vận chuyển để phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cà phê đang là mặt hàng có mức tăng trưởng giao dịch mạnh nhất trong quý III, với giá trị giao dịch trung bình đạt trên 1.200 tỷ đồng mỗi phiên. Tốc độ tăng hơn 20% mỗi tháng thể hiện sự hấp dẫn của mặt hàng giao dịch này, nhưng phần lớn là do sức hút từ biến động lớn của giá cà phê trên 2 sở ICE London và ICE New York.
Đà tăng được hỗ trợ rất nhiều nhờ những lo ngại về nguồn cung, khi những bang sản xuất cà phê chủ đạo ở Brazil đều bị thiệt hại nặng nề vì hạn hán và sương giá bất thường. Mức giá cao kỉ lục trong 7 năm của cà phê Arabica đã khiến cho rất nhiều nhà rang xay cân nhắc chuyển sang sử dụng cà phê Robusta và đẩy giá của loại cà phê này lên theo.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 khiến cho tình trạng thiếu hụt container và giá cước vận tải leo thang, làm cho hàng kẹt cứng tại các cảng biển ở hai nước xuất khẩu lớn tại Đông Nam Á là Việt Nam và Indonesia, đã tiếp tục thúc đẩy giá cà phê bứt phá sau khi những lo ngại về thời tiết đã qua đi. Hai tập đoàn hàng đầu thế giới là Starbucks và Nestle đều cân nhắc tới việc tăng giá bán các sản phẩm của họ để bù lại mức tăng giá nguyên liệu đầu vào.
M.C
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp