Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Công ty Thủy điện Đồng Nai:

Xây dựng thành công mô hình điều khiển nhà máy điện thông minh

14:00 | 18/08/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung tâm quản lý vận hành xa (OCC) - mô hình điều khiển nhà máy điện thông minh đã được Công ty Thủy điện Đồng Nai xây dựng thành công trên cơ sở ứng dụng thành quả cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0.

Công nghệ kết nối số

Ý tưởng xây dựng Trung tâm quản lý vận hành xa được hình thành từ thuyết “vạn vật kết nối” (Internet of things) trong cuộc CMCN 4.0 và nhu cầu thực tế sản xuất của Công ty Thủy điện Đồng Nai. Công ty đang quản lý 2 nhà máy thủy điện nằm cách nhau khoảng 45km và cách trụ sở Công ty 100 km. Sự xa cách về địa lý và tình trạng “1 chốn 3 nơi” đã làm cho công tác quản lý, điều hành các nhà máy gặp khó khăn. Do vậy, Công ty đã có ý tưởng “kéo” 2 nhà máy về điều khiển tập trung tại một nơi duy nhất là trụ sở Công ty.

Xây dựng thành công mô hình điều khiển nhà máy điện thông minh
Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 - Nguồn ảnh: ĐVCC

Qua quá trình nghiên cứu, khảo sát và chọn lựa mô hình, đến năm 2017, Công ty đã xây dựng thành công Trung tâm OCC với nguyên lý kết nối đa chiều trên không gian mạng. Một mặt, Công ty tạo sự kết nối giữa 2 nhà máy riêng biệt, cho phép Trung tâm giám sát thông số thiết bị một cách trực quan, vận hành trực tiếp các tổ máy từ xa. Mặc khác, Trung tâm kết nối nhận lệnh huy động từ các trung tâm điều độ hệ thống điện cho cả 2 nhà máy, mở rộng kết nối thông tin thủy văn hồ chứa, thông tin thị trường điện... Tất cả các số liệu đều được hệ thống máy chủ xử lý tương thích, hiển thị theo logic, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, vận hành 2 nhà máy.

Ông Phạm Văn Cúc - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai cho biết, thực tế, các thiết bị của 2 nhà máy đều có mức tự động hóa cao, hạ tầng công nghệ được đầu tư cơ bản. Đây chính là cơ sở thuận lợi, sử dụng vận hành theo chế độ công nghệ số. Trong quá trình xây dựng Trung tâm OCC, khó nhất là việc tư duy và hoàn thiện ý tưởng. Công ty đã tham khảo mô hình nhà máy thủy điện thông minh trên thế giới, từ đó lựa chọn các chỉ tiêu phù hợp xây dựng trung tâm điều khiển sát với thực tế Việt Nam. Công ty cũng củng cố hệ thống hạ tầng truyền dẫn cáp quang, tạo đường truyền dự phòng độc lập, đặc biệt, tạo độ bảo mật hợp lý nhất với nhiều lớp an ninh thông tin, hỗ trợ điều khiển các tổ máy an toàn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đa mục tiêu, nhiều lợi ích

Hiện nay, Trung tâm OCC đã được vận hành thử nghiệm thành công và sẽ đi vào hoạt động chính thức trong thời gian tới. Hy vọng, đây chính là “bản lề” quan trọng, giúp Công ty đổi mới toàn diện mô hình vận hành, sản xuất, từng bước thích ứng với những thành quả của cuộc CMCN 4.0. Cụ thể, hiện nay Công ty đang phải tổ chức 2 ca trực vận hành riêng rẽ, tới đây, sẽ chỉ có 1 ca trực vận hành duy nhất tại Trung tâm OCC. Cùng với việc tinh giản bộ máy điều hành chung, Công ty cũng có thể tối ưu hóa nguồn nhân lực. Thay vì phải huy động 10 kỹ sư trực vận hành tại 2 nhà máy, Công ty chỉ cần khoảng 3 - 5 người làm chủ hệ thống điều khiển xa. Cùng đó, việc trực ca tại các nhà máy sẽ chỉ mang tính chất giám sát, bảo vệ thiết bị.

Đặc biệt, Trung tâm OCC được kỳ vọng sẽ phát huy vai trò quan trọng, hỗ trợ Công ty khi tham gia thị trường điện. Trước đây, các quyết định chào giá của Công ty thường có độ trễ, do phải thực hiện theo chu trình tổng hợp thông tin, báo cáo, chờ lãnh đạo ra quyết định. Tới đây, Trung tâm OCC với các thông số hiển thị trên màn hình đặt tại Văn phòng Công ty, lãnh đạo Công ty nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất, từ đó, đưa ra các quyết định chào giá tức thời từng giờ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả SXKD.

Theo ông Phạm Văn Cúc, để làm chủ được hệ thống phức tạp và những tính năng hiện đại, Công ty đã tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ kỹ sư vận hành, xây dựng quy trình vận hành hoàn chỉnh, tổ chức trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài EVN. Đồng thời, Công ty cũng dự liệu trước các kịch bản sự cố có thể xảy ra, từ đó, tiến hành diễn tập xử lý, dự phòng theo các phương án vận hành.

Cùng với việc chuẩn bị đưa vào vận hành chính thức Trung tâm OCC, Công ty Thủy điện Đồng Nai cũng đã có kế hoạch thành lập tổ nghiên cứu nâng cao tính năng tự động hóa của hệ thống điều khiển, giảm thao tác của con người trên hệ thống. Đồng thời, hướng đến một Trung tâm OCC thông minh, Công ty cũng sẽ ứng dụng các thuật toán phân tích để đưa ra dự báo hữu ích về phụ tải, lưu lượng nước về, dự báo giá thị trường điện; đồng thời, tạo thêm các giao thức kết nối hệ thống OCC với nhiều phần mềm khác của EVN để chia sẻ, tối ưu hóa dữ liệu cũng như tăng cường khai thác các tính năng, đáp ứng quy trình SXKD điện ngày một hiện đại.

Công ty Thủy điện Đồng Nai:

- Trụ sở: TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

- Quản lý 2 Nhà máy:

+ Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3: Công suất 2x90 MW, đặt tại xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông.

+ Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4: Công suất 2x170 MW, đặt tại xã Lộc Bảo, huyện Lộc Bắc, tỉnh Lâm Đồng.

Mai Anh

Công ty Thủy điện Đồng Nai hoàn thành kế hoạch
Thủy điện Đồng Nai đón Bằng khen của Thủ tướng