Xã đảo Ngọc Vừng hết “khát” điện
Kiểm tra máy biến áp trước khi lắp đặt trên đảo Ngọc Vừng.
Nhọc nhằn vì thiếu điện
Một ngày đầu tháng 12, theo kế hoạch đã định, tôi lên đường tìm về xã đảo Ngọc Vừng. Xã đảo Ngọc Vừng có diện tích hơn 40km2, cách đất liền 45km đường biển. Nơi đây ngày 12/11/1962, Bác Hồ đã đến thăm nhân dân và cán bộ trên đảo. Xã có 300 hộ dân, thuộc 5 dân tộc cùng chung sống. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính trên đảo là nông nghiệp và ngư nghiệp. Đặc biệt, nhờ sự ưu ái của thiên nhiên với một nguồn nước ngọt phong phú mà xã đảo có tới 25 ha đất trồng lúa, 10 ha đất trồng hoa màu. Về ngư nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản cũng rất phong phú, nhiều sản phẩm của xã đảo đã nức tiếng gần xa, trong đó phải kể đến ngọc trai. Ngọc trai ở Ngọc Vừng nổi tiếng là đẹp và sáng. Theo truyền thuyết xưa, vào ban đêm, tàu thuyền từ xa thường nhìn thấy cả ánh hào của trai biển trong một vùng sáng quang đảo. Xã đảo có tên Ngọc Vừng cũng bắt nguồn từ đó.
Thiên nhiên đã dành nhiều ưu đãi cho Ngọc Vừng nhưng vì thiếu điện nên từ nhiều đời nay, nhưng tiềm năng đó đã không được phát huy, cuộc sống của người dân thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Nguyễn Thị Phượng cho hay, nguồn điện trên đảo chủ yếu là dùng máy phát diezen, vài ba hộ dùng chung nhưng cũng chỉ đủ dùng xem tivi, mỗi ngày được vài ba tiếng. Ngoài ra, nguồn điện trên xã đảo còn dựa vào 250 tấm pin năng lượng mặt trời do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tỉnh Quảng Ninh và một Tổ chức phi Chính phủ tặng.
Theo bà Phượng, thiếu điện khiến những tiềm năng như du lịch, đánh bắt thuỷ hải sản của địa phương không thể phát huy. Thuỷ sản đánh bắt được thì bà con thường đem bán ngay ngoài biển vì đưa về thì không có chỗ bảo quản. Vậy nên, hiệu quả kinh tế rất thấp do bán không được giá. Còn du lịch, xã đảo có nhiều di tích lịch sử lâu đời, lại có bãi biển dài với nhiều cảnh quan đẹp nhưng cũng vì chưa có điện, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên chưa thu hút được khách du lịch.
Thiếu điện không chỉ kìm hãm Ngọc Vừng phát triển mà còn khiến việc học hành, khám chữa bệnh, rồi thì cả các hoạt động sinh hoạt cộng đồng... rất hạn chế. Chị Phạm Thị Dung (thôn Bình Minh, xã Ngọc Vừng) sinh ra và gắn bó với hòn đảo này 41 năm, kể: Trước đây, gia đình phải dùng điện bằng máy, chi phí rất tốn kém, khoảng 700 ngàn đồng/tháng nhưng cũng chỉ sử dụng được 1-2 tiếng buổi tối, còn chủ yếu vẫn là dùng ắc quy cho thắp sáng, xem tivi và chạy quạt... Tối đến nhà nào chỉ biết nhà đấy, cả xã đảo bị bao trùm bởi một màu đen quạch. Khó lắm mới nhìn ra được vài ánh đèn nhỏ lập loà trong đêm.
Rồi thì chuyện học hành của đám trẻ con trên xã đảo này cũng vậy, tối đến, nhà nào khá giả lắm thì cũng chỉ có thể chạy được vài ba tiếng đồng hồ, không đủ thời gian cho con trẻ học. Cô Phạm Thị Nga, giáo viên Trường THCS Ngọc Vừng nói: Nhiều khi lên lớp giảng bài mà nghĩ tội, không dám kiểm tra bài của bọn trẻ vì biết tối qua, chúng không có điện để mà học bài.
Hay như cái chuyện khám chữa bệnh của người dân nơi đây lúc ốm đau, bệnh tật cũng vậy, người bệnh lẫn bác sỹ, mỗi người một chiếc bình ắc- quy nhỏ xách trên tay!
Cuộc sống của người dân trên xã đảo Ngọc Vừng nhọc nhằn, vất vả bao đời nay là thế! Và như để chung tay, góp sức cùng ngành điện đưa điện ra đảo, người dân xã đảo, không ai bảo ai đồng loạt ký cam kết hiến đất cho đơn vị thi công nếu có đường dây đi qua. Theo thống kê của UBND xã Ngọc Vừng thì đã có hơn 100 hộ hiến đất, với hộ hiến nhiều nhất lên đến 40m2.
Háo hức điện
Ngọc Vừng đang trong những ngày khát điện, và có lẽ vì thế, thông tin xã đảo có điện trước Tết nguyên đán 2015 đã được người dân nơi đây đón nhận như là một sự kiện lịch sử, giây phút được sử dụng điện lưới quốc gia là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Trong dòng cảm xúc chung của người dân xã đảo trong những người chờ điện, chị Dung tâm sự: Có điện, nhà nhà đều sáng, đi lại thuận tiện vào buổi tối, không phải như trước đây nhà nào cũng tắt đèn đi ngủ sớm vì không biết đi đâu. Chúng tôi chỉ mong muốn ngoài đảo có điện lưới để người dân ở đây sẽ được hưởng thụ như đất liền. Phải nói từ đáy lòng mình, dân trong thôn không thể ngờ sắp được hưởng sự sung sướng này”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng Nguyễn Thị Phượng.
Không kém phần cảm xúc, anh Phạm Văn Hưng - người sinh ra và lớn lên ở thôn Bình Ngọc, xã Ngọc Vừng - bộc bạch: "Cách đây 11 năm, vì cuộc sống khó khăn, và cũng vì xã đảo chưa có điện, tôi đã mua đất ở Vân Đồn với ý định chuyển con cái vào đó học. Nhưng nay, khi điện lưới quốc gia đã ra đảo, chuyện học hành của bọn trẻ vì thế rồi sẽ tốt lên, tôi cũng không còn ý định rời nơi chôn rau cắt rồn của mình nữa".
Người dân xã đảo Ngọc Vừng đang đếm từng ngày để được sử dụng điện lưới quốc gia. Chị Phượng bày tỏ tin tưởng: Có điện, chắc chắn kinh tế-xã hội địa phương sẽ phát triển, người dân xã đảo sẽ có thêm điều kiện mở rộng hoạt động đánh bắt xa bờ, qua đó góp phần giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo. Lời Bác căn dặn khi đến đảo: “Người dân xã đảo phải làm giàu về kinh tế, tích cực cấy lúa, trồng màu, trồng cây, đánh cá…, dạy học cho các cháu, nâng cao đời sống cho mọi người trên đảo” sẽ trở thành hiện thực khi có điện.
Theo Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh Phùng Kim Đại, xã Ngọc Vừng chỉ là 1 trong số 5 xã của huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sẽ được đón điện lưới quốc gia vào cuối năm 2014 do Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý dự án. Dự án cấp điện ra 5 xã đảo này gồm Quan Lạn, Bản Sen, Minh Châu, Thắng Lợi và Ngọc Vừng tổng cộng 2.568 hộ được thực hiện sau dự án đưa điện lưới quốc gia ra phát triển kinh tế huyện đảo Cô Tô. Dự án được tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc quyết tâm thực hiện nhằm tạo cơ sở hạ tầng ban đầu cho việc xây dựng và phát triển Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trở thành một vùng đảo kinh tế năng động, một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ an ninh-quốc phòng và chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
Thanh Ngọc
-
Khôi phục cung cấp điện cho 98% khách hàng bị ảnh hưởng do bão
-
Hà Nội đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
-
Luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp điện cho các bệnh viện dã chiến mới
-
Khẩn trương khắc phục các sự cố điện do bão số 2
-
EVNSPC đốc thúc tiến độ xây dựng các công trình cấp điện cho Tổ hợp hóa dầu Long Sơn
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Các nỗ lực tích hợp năng lượng ở Đông Nam Á bị đe doạ