Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình:

“Vượt chướng ngại vật” để “cán đích” 2019?

19:00 | 16/06/2013

1,029 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa ký công văn yêu cầu UBND TP Hà Nội hoàn thành việc cấp phép cho dự án có số vốn đầu tư kỷ lục lên tới nửa tỉ USD phục vụ đăng cai Á vận hội 2019 tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Khu LHTTQG Mỹ Đình) vào trước ngày 15/6/2013. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Đề án “Thí điểm đặt cược thể thao” đã được giao tại Quyết định 2198/QĐ-TTg ngày 3/12/2010, trong năm 2013 để làm cơ sở xem xét cấp phép, tổ chức đặt cược đua xe đạp lòng chảo. Khu LHTTQG đang từng bước “vượt chướng ngại vật” để mong kịp “cán đích” trước thềm giải Asiad mà Việt Nam là nước đăng cai tổ chức.

Quy hoạch phân khu đầy hứa hẹn

Các bộ VH-TT&DL, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Tài nguyên và Môi trường cũng được Văn phòng Chính phủ yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội trong việc thẩm tra dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, trước đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã công bố Quy hoạch phân khu Khu LHTTQG, tỷ lệ 1/2000. Khu LHTTQG thuộc địa phận xã Mễ Trì và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội có quy mô tổng diện tích đất khoảng 170,55ha. Theo bản quy hoạch, sân vận động trung tâm có vị trí tạo lập không gian và khống chế không gian chung cho toàn bộ khu vực. Xung quanh là các điểm nhấn kiến trúc, như: Sân đua xe đạp lòng chảo với hình thức kiến trúc hiện đại, hài hòa với các công trình xung quanh; khách sạn thể thao kết nối với các hướng giao thông chính.

Các công trình này gắn kết với nhau thông qua hệ thống nhà cầu để tạo sự thuận lợi trong  thi đấu và nghỉ ngơi cho vận động viên và khán giả. Xung quanh công trình là không gian cây xanh, thảm cỏ tạo mỹ quan và bóng mát. Bên cạnh đó, khu liên hợp còn có: Sân thi đấu quần vợt với hình thức kiến trúc công trình có quy mô tương xứng; khu khách sạn, dịch vụ thể thao, trụ sở UB Olympic và các liên đoàn thể thao… tạo nên một quần thể các công trình với kiến trúc hiện đại, phục vụ hoạt động cho Khu LHTTQG Mỹ Đình và vùng phụ cận.

Sơ đồ toàn cảnh khu liên hợp thể thao Mỹ Đình

Chấp thuận hình thức đặt cược?

Có thể hiểu về đề án “Thí điểm đặt cược thể thao” nghĩa là Chính phủ đã “bật đèn xanh” cho phép thí điểm tổ chức đặt cược tại đây, theo đề nghị của đối tác Hàn Quốc. Cũng bởi sân vận động lòng chảo và hình thức đặt cược này đều nằm trong những công tác tổ chức chuẩn bị đăng cai ASIAN Games 2019, nên ngành thể thao trong nước đã sớm liên hệ và đạt được thỏa thuận liên doanh với một đối tác ở Hàn Quốc là Sports Platform. Theo những thỏa thuận cơ bản ban đầu, phía Việt Nam chỉ phải đóng góp 30% bằng mặt bằng đất đã giải tỏa sẵn tại Mỹ Đình, còn đối tác đầu tư 500 triệu USD để xây dựng các hạng mục, trước hết phục vụ đăng cai Asiad, rồi sau đó khai thác. Cụ thể, dự án này gồm một sân đua xe đạp lòng chảo đạt tiêu chuẩn quốc tế trị giá 250 triệu USD, cùng một tổ hợp khách sạn 5 sao cũng với kinh phí tương ứng.

Được biết, đối tác “xứ kim chi” đưa ra cam kết: sau 2 năm đầu khai thác sẽ nộp 30 triệu USD cho Quỹ Phát triển thể thao Việt Nam. Con số này sẽ được tăng lên 70 triệu USD kể từ năm thứ 8 và 150 triệu USD sau năm thứ 10. Ngoài ra, đối tác Hàn Quốc này cũng cam kết hỗ trợ tối đa việc tuyển chọn, đào tạo VĐV đua xe đạp lòng chảo cho Việt Nam.

Tất cả những thỏa thuận trên đều rất hấp dẫn và mang tính thuyết phục. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là sau tất cả những cam kết của đối tác nước ngoài, điều kiện cần và đủ để đạt được “tương lai” đó là: Trong các hoạt động của sân đua xe đạp lòng chảo này phải có hoạt động tổ chức cá cược theo mô hình đang được vận hành ở Hàn Quốc. Cũng chính bởi điều kiện này mà Bộ VH-TT&DL phải báo cáo lên Chính phủ. Sau thời gian cân nhắc, cử cán bộ chuyên trách nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng về mọi mặt, Chính phủ đã đồng ý thực hiện dự án sân đua xe đạp lòng chảo theo mô hình liên doanh với đối tác nước ngoài.

Trong đó, Chính phủ cũng “bật đèn xanh” cho phép thực hiện thí điểm tổ chức đặt cược môn này như đề nghị của đối tác đến từ Hàn Quốc. Đây là quyết định hướng tới mục tiêu phục vụ đăng cai Á vận hội 2019 cũng như xu hướng phát triển của thể thao nước nhà. Tuy nhiên, Chính phủ cũng yêu cầu ngành thể thao trong nước sớm hoàn thành đề án thí điểm đặt cược thể thao trình lên Chính phủ phê duyệt, để làm cơ sở cho việc áp dụng với môn đua xe đạp này. Nhiều chuyên gia dự đoán việc đặt cược đua xe đạp lòng chảo có thể sẽ được hoạt động chính thức ngay sau khi Á vận hội 2019 kết thúc. Nhiều người kỳ vọng sau sự kiện thể thao lớn này, Việt Nam sẽ có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thêm nữa, sẽ có thể đặt niềm tin nhiều hơn vào chất lượng các công trình bởi năng lực và kinh nghiệm của đối tác Hàn Quốc được đánh giá rất cao. Đối với những lo ngại sự biến tướng tiêu cực của hình thức đặt cược, các chuyên gia khẳng định việc lựa chọn thí điểm đặt cược đua xe đạp này cũng là bởi đây là loại hình thi đấu đơn giản, dễ tổ chức và quản lý. Cũng từ đây, rất có thể sẽ là bước khởi đầu để Việt Nam “hiện thực hóa” dự định thử nghiệm đặt cược thể thao cho môn “thể thao vua”: bóng đá - vốn đã được đề cập từ cách đây hơn chục năm. Dẫu vậy, việc “đi trước đón đầu” nghị định đặt cược thể thao mà Bộ Tài chính đang xây dựng lại thuộc về một đối tác nước ngoài cũng khiến nhiều người trong nước ngậm ngùi.

Những “chướng ngại vật” trong quản lý

Trước khi Văn phòng Chính phủ chính thức có công văn chỉ đạo cụ thể về các bước quy hoạch Khu LHTTQG thuộc địa phận xã Mễ Trì và xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, phục vụ công tác chuẩn bị cho Asiad 2019, dư luận trong nước đã xôn xao bởi quyết định chuyển quyền quản lý khu liên hợp thể thao này.

Với quyết định chuyển Khu LHTTQG Mỹ Đình về trực thuộc quản lý của Bộ VH-TT& DL, những người tham gia ban hành quyết định và một số luật sư cho rằng Bộ VH-TT&DL đã quyết định sai thẩm quyền. Theo tìm hiểu, cuối năm 2011, giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình là Cấn Văn Nghĩa đã có tờ trình gửi Bộ VH-TT&DL xin đưa đơn vị này về thuộc quản lý trực tiếp của Bộ VH-TT&DL thay vì Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) (đơn vị thuộc bộ). Mục đích của việc này được giải thích là nhằm tạo cơ chế thông thoáng, nhanh gọn để sớm triển khai các dự án trong giai đoạn 2 của khu liên hợp chuẩn bị cho Asiad 2019. Ngay lập tức, tờ trình này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, với nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người lo ngại cho sự phát triển và hoạt động của cụm công trình trọng điểm quốc gia này.

Tháng 8/2012 khi Việt Nam chính thức đăng cai Asiad 2019, ý tưởng đưa Khu LHTTQG Mỹ Đình về trực thuộc Bộ VH-TT&DL lại càng được những người trong cuộc thực hiện nhanh hơn. Đại diện Bộ VH-TT&DL phân tích: “Nếu muốn xây sân đua xe đạp lòng chảo, học viện golf, tổ hợp thương mại 5 sao... theo hướng xã hội hóa thì Bộ VH-TT&DL phải đứng ra mới khiến đối tác nước ngoài yên tâm. Khi khu Mỹ Đình còn trực thuộc Tổng cục TDTT thì mọi thủ tục còn phức tạp và bản thân Tổng cục TDTT cũng chỉ có thể tham mưu chứ không quyết được nên khó làm”.

Và rồi ngày 25/2/2013, ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký Quyết định số 774 chính thức đưa Khu LHTTQG Mỹ Đình về trực thuộc Bộ quản lý. Quyết định này căn cứ theo Nghị định 185 về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ VH-TT&DL và nghị quyết của ban cán sự Đảng Bộ VH-TT&DL. Và ngày 27/3, đoàn lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã công bố quyết định này tại Khu LHTTQG Mỹ Đình. Được biết, Bộ VH-TT&DL đã được lãnh đạo Bộ Nội vụ đồng ý với đề xuất trên, nhưng Quyết định số 774 chỉ mang tính tạm thời vì hiện nay Bộ VH-TT&DL đang được Chính phủ giao sửa đổi Quyết định 149 và một số quyết định khác trình Thủ tướng. Khi các quyết định trên được sửa đổi và Thủ tướng thông qua thì Bộ VH-TT&DL sẽ có quyết định chính thức.

Tuy nhiên, trong quyết định 66 của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/5/2008 quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT: Khu LHTTQG Mỹ Đình là một trong 18 đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL phải trình Thủ tướng quyết định thành lập, đổi tên, giải thể, sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức hành chính của Tổng cục TDTT. Ngoài ra, theo Quyết định số 149 của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/2/2008 về các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ VH-TT&DL: “Khu LHTTQG (trực thuộc Tổng cục TDTT) thuộc các đơn vị thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Nhiều ý kiến phản biện cho rằng: nếu căn cứ theo các quy định đã ban hành, khi Bộ VH-TT&DL sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để đưa Khu LHTTQG Mỹ Đình vốn đang trực thuộc quản lý của Tổng cục TDTT về Bộ VH-TT&DL thì bắt buộc phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải chỉ là ý kiến của Bộ Nội vụ. Trong khi đó, quyết định đưa Khu LHTTQG này từ Tổng cục TDTT về Bộ lại chỉ căn cứ trên Nghị định 185 và nghị quyết của Đảng bộ Bộ VH-TT&DL. Như vậy liệu quyết định này của Bộ VH-TT&DL có mang tính hợp pháp hay không?

Cho đến thời điểm này, không ít cán bộ trong ngành cũng cho rằng “Công trình trọng điểm quốc gia của ngành thể thao mà lại không thuộc quyền quản lý của Tổng cục TDTT thì thực sự là chuyện đáng buồn. Dường như Tổng cục đang mất dần những đơn vị chủ lực. Và liệu sự chuyển đổi quyền quản lý này có giúp Khu LHTTQG giải quyết triệt để những phức tạp trong quy hoạch, quản lý đất đai, những lùm xùm quanh chuyện cho thuê mặt bằng tràn lan và những xích mích trong “gà cùng một mẹ” về chuyện sử dụng sân Mỹ Đình để tổ chức các giải bóng đá…?

Được biết, từ cuối tháng 3, Khu LHTTQG Mỹ Đình đã yêu cầu các doanh nghiệp thuê địa điểm và mặt bằng phải chuyển đi để trả mặt bằng, chuẩn bị cho việc xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo. Nhà thầu Hàn Quốc dự tính sẽ khởi công ngay trong năm nay nếu không sẽ không thể hoàn thành kịp tiến độ để phục vụ Asiad 2019.

Tùng Lâm