Việt Nam bắt đầu quá trình “tốt nghiệp” ODA
20 năm, Việt Nam được vay 80 tỷ USD từ ODA
Viện trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn ngoại lực quan trọng cho các nước kém phát triển và đang phát triển trên thế giới; nguồn vốn này đã góp phần tạo lập nền kinh tế vững mạnh tại nhiều quốc gia. Ngày 7/8, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA tại Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và cùng phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Trong báo cáo tại hội thảo, hiệu quả sử dụng vốn ODA tại Việt Nam được đánh giá là tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại hội thảo đánh giá công tác triển khai ODA tại Việt Nam trong 20 năm qua. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, sự đóng góp của nguồn vốn ODA là vô cùng quan trọng, nguồn vốn này giúp nâng cao sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại kinh tế quốc tế. Qua đó, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến các tổ chức quốc tế, định chế tài chính quốc tế… trong việc hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA cao hơn nữa, và cần tìm kiếm nguồn vốn khác trong bối cảnh Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân trung bình.
Theo các số liệu báo cáo tại hội thảo, tính đến tháng 12/2012 đã có 20 hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức. Từ 2013, các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các Nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (chủ yếu từ các nước Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, ADB, WB). Kể từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD (bình quân 3,5 tỷ USD/năm), vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD (chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết).
Với khoảng 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua, điều này không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... Việc này tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương thì đã đến lúc phải chuẩn bị tinh thần để bước vào thời kỳ tiếp cận, huy động các nguồn vốn vay đắt hơn, với các điều kiện khắt khe hơn. Qua 20 năm nhìn lại thì thấy năng lực hấp thụ ODA của Việt Nam cũng như từng địa phương còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân so với mức đăng ký còn rất thấp, tính chung mới đạt khoảng 63%.
“Việt Nam đã từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây là một thành công lớn nhưng cũng đặt ra thách thức trong tương lai không xa là không còn nhận được ODA dồi dào như trước. Do đó phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn", ông Huệ nhấn mạnh.
“Không nên coi ODA là tiền cho không”
Trong hội thảo nhìn lại khoảng thời gian 20 năm triển khai nguồn vốn ODA tại Việt Nam, các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận đáng chú ý về vấn đề này. “Không nên coi ODA là tiền cho không. Đó là tiền vay, cho dù vay ưu đãi cũng phải trả nợ. ODA cũng không phải không có rủi ro, nhất là rủi ro tỷ giá”, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM nêu ý kiến.
Nguồn vốn ODA đóng góp rất nhiều trong việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, trong đó có TP Đà Nẵng. |
Điều này đúng với thực tế bản chất của nguồn vốn ODA ở Việt Nam được chia làm 3 hình thức gồm ODA viện trợ không hoàn lại, ODA vay ưu đãi và ODA hỗn hợp. Trong đó, chủ yếu là ODA cho vay ưu đãi, chiếm khoảng 80%. Mà đã gọi là vay thì sẽ phải trả nợ, dù cho lãi suất có ưu đãi. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), ODA có tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế hay không phụ thuộc rất lớn vào trình độ quản lý của mỗi nước, thể hiện bằng việc xây dựng các cơ chế chính sách, điều phối và sử dụng nguồn vốn này. Trừ những khoản ODA dành cho giáo dục, y tế, văn hóa (chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ) là không hoàn lại, còn ODA dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế là tiền vay và sẽ phải hoàn lại trong tương lai.
Bên cạnh đó, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu…, từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Các quốc gia có nguồn vốn ODA cho vay cũng tính toán tớinhững lợi ích và chiến lược như mở rộng thị trường, mở rộng hợp tác theo hướng có lợi cho họ. Và theo lý thuyết, các nước được viện trợ tuy có toàn quyền quản lý sử dụng nguồn vốn này nhưng dù không trực tiếp điều hành các dự án, nhưng nước viện trợ vẫn có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ của chuyên gia.
Cũng trong buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng nhận định: “Viện trợ không hoàn lại và những hình thức ưu đãi nhất của các nhà tài trợ sẽ trở nên ngày càng khan hiếm hơn trong bối cảnh Việt Nam là nước thu nhập trung bình. Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình “tốt nghiệp”.
Theo đánh giá của Trưởng Ban kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, việc sử dụng nguồn vốn ODA trong 20 năm qua tại Việt Nam vẫn còn tồn tại hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam “tốt nghiệp ODA” vào năm 2018 và những năm tiếp theo.
Tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự kiếnđịnh hướng về sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới. Cụ thể, đối với vốn ODA không hoàn lại sẽ sử dụng để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Đối với vốn vay ODA, sử dụng chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và những chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có thể tạo ra nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội quốc gia.
Đối với vốn vay ODA ưu đãi, sử dụng đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao...
Tại buổi đánh giá công tác triển khai ODA tại Việt Nam trong 20 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đánh giá cao vai trò của nguồn viện trợ phát triển chính thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Bên cạnh việc tìm giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn, đại diện Chính phủ cũng cam kết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến tiêu cực, sử dụng lãng phí nguồn vốn ODA, để những dự án ODA được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.
Hoàn trả tiền ODA là đúng thông lệ quốc tế | |
Cam kết ODA gần 6,5 tỷ USD cho Việt Nam | |
Sẽ đưa 9 dự án ODA khỏi danh sách giải ngân chậm |
Thanh Hiếu
Năng lượng Mới
-
Hơn 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng
-
Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU 2024: “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững”
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Việt Nam lọt top 20 quốc gia được du khách yêu thích nhất thế giới
-
Việt Nam - Lào hợp tác phòng chống tội phạm
-
Khai mạc triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế đầu tiên tại Việt Nam
-
Giá vàng hôm nay (7/11): Đồng loạt giảm mạnh
-
[Infographic] Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 6/11: VN Index tăng điểm mạnh mẽ giữa kỳ vọng kết quả bầu cử Mỹ
-
Giá vàng hôm nay (6/11): Thị trường thế giới tăng nhẹ