Vì sao Trung Quốc có nhiều tỉ phú... vào tù
Một phụ nữ đang mua sắm tại một cửa hiệu LV ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, Trung Quốc đã tạo ra được một lượng của cải lớn hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới. Trong vòng có 6 năm, số lượng tỷ phú của nước này đã tăng lên từ mức chỉ 15 người lên khoảng 250 người. Tuy nhiên, đối với một số người trong số này, sự giàu có giống như một giấc mơ ngắn ngủi.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, có tới 17% trong số các tỷ phú Trung Quốc được đưa vào xếp hạng Hồ Nhuận rốt cục phải ra tòa, ngồi tù, hoặc tệ hơn là tử hình.
Doanh nhân người Anh Rupert Hoogewerf lần đầu tiên công bố danh sách những người giàu nhất Trung Quốc trên tạp chí Hồ Nhuận vào năm 1999. Có nhiều ý kiến cho rằng, Hoogewerf thực hiện danh sách này nhằm “làm khó” những người giàu nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoogewerf lập luận rằng, chỉ có 1% những người lọt vào danh sách này là vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, danh sách Hồ Nhuận mới nhất đã chứng minh điều ngược lại so với những gì mà ông Hoogewerf nói.
Nhiều người có tên trong xếp hạng này chưa bị pháp luật “hỏi thăm”, nhưng đang “nghèo” đi nhanh chóng. Có gần một nửa trong số 1.000 người giàu nhất Trung Quốc đã chứng kiến tài sản của họ vơi đi, trong đó 37% có mức tài sản hao quá nửa. Tính chung trong cả năm 2012, Trung Quốc mất 20 tỷ phú so với năm 2011.
Nhận xét về “lời nguyên” của xếp hạng Hồ Nhuận, tờ Wall Street Journalviết: “Không lâu sau khi danh sách những người giàu nhất Trung Quốc được công bố, giá cổ phiếu công ty của những người có tên trong bản danh sách bắt đầu giảm. Các công ty này có nguy cơ cao bị Chính phủ cắt giảm trợ cấp, và lãnh đạo của các công ty đó có nguy cơ bị điều tra”.
Trường hợp của Zhou Zengyi là một ví dụ. Từng là người giàu thứ 11 của Trung Quốc, với giá trị tài sản ròng được tạp chí Forbes ước tính ở mức 320 triệu USD vào năm 2002, Zhou đã bị bắt giữ hai lần và hiện đang ngồi tù 16 năm. Vụ của Zhou thậm chí còn khiến Bí thư Thành ủy Thượng Hải Chen Liangyu mất chức.
Điều gì đứng sau những pha thăng trầm chóng vánh của những người giàu nhất Trung Quốc? Trong một môi trường kinh doanh mà các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng, nhiều tỷ phú, triệu phú của nước này đã phất lên thật nhanh mà không cần quan tâm nhiều tới luật pháp và các quy định. Tuy nhiên, cách làm giàu dễ dàng đó luôn có hai mặt.
Xu Ming, một tỷ phú từng là người giàu thứ 8 Trung Quốc, đã bị bắt giữ và điều tra từ tháng 3/2012 tới nay vì có liên quan tới cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ngoài ra, bốn nhân vật khác trong danh sách Hồ Nhuận cũng đã bị kết án với các tội danh về kinh tế, đang bị giam chờ xét xử, hoặc đã chính thức ngồi trong nhà đá.
Những vụ việc này cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu mạnh tay hơn với vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên, báo Economist nhấn mạnh rằng, ngày càng có nhiều vụ tham nhũng lớn bị đưa ra ánh sáng ở Trung Quốc, vẫn còn nhiều vụ nữa chưa bị phanh phui. “Nếu muốn, nhà chức trách Trung Quốc có thể tìm ra cơ sở để cáo buộc hầu hết những người giàu nhất nước này tội bẻ cong (nếu không muốn nói là vi phạm) các quy định pháp luật. Nhưng văn hóa luật pháp của Trung Quốc rất đề cao nguyên tắc “giết gà dọa khỉ”.
Một trong những số “con gà” như vậy là Gong Aiai, một cựu sếp ngân hàng sở hữu hơn 20 bất động sản với tổng trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 159 triệu USD. Sau khi các cuộc tìm kiếm trên Internet do người dân tiến hành phát hiện ra khối tài sản lớn của Gong, nhà chức trách Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác phải vào cuộc điều tra. Kết quả cho thấy, Gong đã sử dụng hộ khẩu giả để thực hiện các vụ thâu tóm bất động sản. Với tội này, Gong sẽ phải đi tù.
Vài tháng trước, cư dân mạng Trung Quốc nói rằng, một quan chức quản lý đô thị ở Quảng Đông sở hữu 21 căn nhà, một tài sản đáng ngờ xét tới mức lương hàng tháng của ông này chỉ ở mức 10.000 Nhân dân tệ.
Ở một đất nước mà còn có nhiều người sống chật vật, những vụ lộ tài sản lớn như vậy thường tiềm ẩn nguy cơ gây ra bất ổn định xã hội. Vì lý do này, Chính phủ Trung Quốc có lý do cả về để giám sát những công dân giàu có nhất.
Ông Ruchir Sharma, người đứng đầu bộ phận các thị trường mới nổi của Morgan Stanley Investment Management, lý giải: “Nếu một quốc gia sản sinh ra quá nhiều tỷ phú so với quy mô của nền kinh tế, thì sự tập trung tài sản này có thể dẫn tới sự đình trệ. Ở Trung Quốc, tài sản của những tỷ phú giàu nhất là cao, nhưng rất ít người ở nước này từng tích tụ được khối tài sản trên 10 tỷ USD. Trên thực tế, có lý do để tin rằng Bắc Kinh đang thực thi một luật bất thành văn để áp đặt một mức trần đối với tổng tài sản của những người giàu”.
Mối đe dọa từ mức trần này đã khiến nhiều người giàu Trung Quốc che giấu tài sản. Ông Wang Xiaolu, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Trung Quốc, ước tính rằng, nền kinh tế ngầm của Trung Quốc có quy mô 1,47 nghìn tỷ USD mỗi năm và đang tăng trưởng nhanh.
Điều này cho thấy, nhiều trong số những người giàu ở Trung Quốc đang vận dụng các chiêu thức nhằm che giấu giá trị tài sản thực sự của họ. Kết quả, bất bình đẳng về thu nhập ở Trung Quốc ngày càng lớn. Hơn 70% giá trị tài sản ở nước này hiện nằm trong tay chưa đầy 1% dân số.
Theo Dân trí
-
Ả Rập Xê Út có thể cắt giảm giá dầu tháng 12 cho châu Á
-
Rystad Energy: OPEC+ sẽ không khôi phục sản lượng dầu trong năm nay
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 1/11: Xung đột Israel - Iran tiếp tục tác động đến giá dầu
-
Giá dầu hôm nay (1/11): Dầu thô tiếp tục tăng giá
-
TS. Ngô Đức Lâm: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi