Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ biến động?

06:41 | 23/06/2013

817 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hơn 3 tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ chìm trong các cuộc biểu tình và bạo loạn dồn dập chống chính phủ. Đất nước nối liền lục địa Âu - Á, từng được coi là đất nước có mô hình Hồi giáo chính trị thành công trên thế giới đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi đảng Công Lý và Phát Triển (AKP) thắng cử và ông Recep Tayyip Erdogan lên cầm quyền từ năm 2002, khiến cả thế giới Arập choáng váng. Nguyên nhân là vì đâu?

“Hạt cát gây núi lở”

Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là một nước liên lục địa, nằm ở giữa châu Á và châu Âu, phía tây giáp Địa Trung Hải, phía bắc giáp Biển Đen, phía đông và đông bắc giáp các nước Gruzia, Acmenia; phía nam giáp Trung Đông. Do vị trí địa dư lạ thường này, Thổ Nhĩ Kỳ được ví như một trung tâm giao liên - nơi gặp gỡ, giao thoa và xung đột giữa các lục địa, nền văn hóa, tôn giáo và sắc tộc.

Thổ Nhĩ Kỳ có một chiều dài lịch sử với nhiều thăng trầm không chỉ gắn với đất nước này mà còn gắn với khu vực, thậm chí cả thế giới. Nơi đây là mảnh vụn sau cùng của đại đế quốc Ottoman theo đạo Hồi đã từng thống trị toàn cõi tiếp cận Âu - Á trong bảy thế kỷ liền, từ thế kỷ XIII đến năm 1923. Sau khi đế quốc Ottoman tan rã, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã “theo mới, triệt để theo mới”, với lãnh tụ Mustafa Kemal Attaturk và chủ trương xây dựng một chế độ thế quyền hiện đại theo chuẩn mực phương Tây. “Attaturk” có nghĩa là quốc phụ của dân Thổ. Thế quyền là quyền lực thế tục, khác với thần quyền là quyền lực của tôn giáo. Tinh thần hiện đại hóa xứ sở, với sức mạnh của quân đội, là dấu ấn của người sáng lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, được coi như cha đẻ của nước Thổ văn minh tân tiến. Hậu thân ngày nay kết tụ vào Đảng Cộng hòa Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ (CHP).

Người biểu tình mang theo quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ in hình lãnh tụ Mustafa Kemal Attaturk

Tuy nhiên, sau khi thắng cử năm 2002, lãnh đạo mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong đảng AKP muốn đề cao xu hướng thần quyền của Hồi giáo. Trong khi ấy, xã hội Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều thay đổi từ bên dưới mà bên trên không nhìn ra và vẫn tin rằng, yếu tố Hồi giáo Muslim mới là sức mạnh chủ lực. Ðảng AKP liên tục thắng cử nên ông Erdogan và cả Tổng thống Abdullah Gus, cũng từ đảng AKP và là ngoại trưởng của Erdogan từ 2003 đến 2007, cho rằng họ đi đúng hướng lịch sử và văn hóa theo tinh thần ái quốc và sức mạnh của Hồi giáo. Do đó, cuộc khủng hoảng đang xảy ra là một bất ngờ, cho đảng cầm quyền lẫn các quan sát viên Tây phương mặc dù ngoài những dị biệt sắc tộc, mâu thuẫn giữa chế độ thế quyền và xu hướng thần quyền vốn luôn là vấn đề văn hóa và chính trị trường kỳ của quốc gia này.

Ít ai ngờ rằng, một số hành động có vẻ như vô hại của các nhà bảo vệ môi trường trước việc chính quyền có ý định phá bỏ công viên Gezi ở Istanbul để xây dựng trung tâm thương mại đã biến thành làn sóng bạo loạn ở khắp các thành phố trên toàn quốc. Và cũng chẳng ai để ý đến chuyện biểu tình ngồi của các nhà bảo vệ môi sinh trên quảng trường Taksim của cố đô Istanbul hôm 28-5 nếu chính quyền của Thủ tướng Erdogan không ra lệnh cho cảnh sát đàn áp nhóm biểu tình chưa đến trăm người. Rõ là chính quyền Erdogan là coi thường các cuộc biểu tình bởi sau hành động đàn áp này, từ việc biểu tình để cứu mấy cây cổ thụ trong công viên Gezi, dân biểu tình - quy tụ thêm các lực lượng của đảng đối lập CHP và nhiều thành phần khác khác tham gia với số dân chúng xuống đường lên gấp trăm lần, tới 10 vạn người, đã tiến tới việc kết án nền tảng của cả chế độ và hệ thống cai trị của đảng AKP.

Và mặc dù chính phủ đã nhận lỗi là cảnh sát đã quá nặng tay và phải bị điều tra, đồng thời đề xuất tiến hành trưng cầu dân ý trước khi quy hoạch với công viên Gezi nhưng nhóm biểu tình có tên “Taksim Solidarity” vẫn bác bỏ đề xuất và kiên quyết bám trụ tại công viên Gezi với tất cả những yêu cầu đã đưa ra, trong đó có việc hủy bỏ dự án xây dựng trung tâm thương mại tại công viên Gazi.

Nội công hay ngoại công?

Rõ ràng, những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ suốt 3 tuần qua đang đặt ra thách thức lớn nhất với thập kỷ cầm quyền của AKP. Thủ tướng Erdogan quy tội cho các đảng phái đối lập và thế lực bên ngoài đã khai thác và xúi giục biểu tình. Chuyện đảng đối lập CHP tranh thủ cơ hội để kích động biểu tình, đòi chính phủ của ông Erdogan phải từ chức và bỏ phiếu sớm có lẽ không có gì ngạc nhiên nhưng chuyện thế lực bên ngoài can thiệp thì cũng không phải không có cơ sở. Ông Steve Heydemann, một nhà phân tích của Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho biết như sau về vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Heydemann nói: “Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng đối với vấn đề cuộc xung đột Syria sẽ diễn tiến như thế nào: các cuộc thương thuyết có bắt đầu hay không, hay là các nước Tây phương, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ đồng ý với nhau là sẽ thực hiện một chính sách chủ động hơn để kiềm chế những hoạt động của chế độ Assad”. Tuy nhiên, sự chú tâm của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột Syria đã bị phân tán vì vụ rối loạn trong nước, phát sinh từ các cuộc biểu tình chống chính phủ trong nhiều ngày qua.

Mặt khác, trên thực tế, những diễn biến bất ổn hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ không đơn thuần là phản ứng của người dân trước một dự án xây dựng gây tranh cãi của chính phủ. Nhìn lại diễn biến ở các nước từng bị “Mùa xuân Arập” quét qua thì những vụ việc tưởng chừng như rất nhỏ lại là cái cớ, là giọt nước tràn ly cho những bất bình tích tụ trong lòng người dân về cách thức điều hành đất nước của chính phủ cầm quyền. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Âu, hơn 8%/năm và không bị nạn thất nghiệp nặng nề đeo bám như các nước Arập Hồi Giáo, giới trẻ vẫn không hài lòng về định hướng Hồi giáo của quốc gia. Họ đã thẩm thấu và du nhập nhiều giá trị của xã hội Tây phương, nên chẳng vì lý do kinh tế, họ vẫn xuống đường biểu tình, vì lý do chính trị và văn hóa.

Theo các nhà phân tích, vào thời điểm hiện tại, Thủ tướng R.Erdogan có 3 lựa chọn. Thứ nhất, từ chức và tiến hành bầu cử trước thời hạn. Thứ hai, sử dụng những biện pháp mạnh tay hơn nữa để đàn áp các cuộc biểu tình. Thứ ba, chấp nhận hủy bỏ dự án xây dựng trung tâm thương mại tại công viên Gazi như đề nghị của nhóm “Taksim Solidarity”. Khả năng thứ nhất khó diễn ra mà nếu diễn ra thì đảng AKP cũng khó mất vị trí cầm quyền. Bởi dù bị các bên chỉ trích, tình hình ngày càng căng thẳng, đảng AKP cầm quyền vẫn giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri. Ông Erdogan vẫn duy trì được uy tín lớn, kết quả một cuộc thăm dò dư luận  mới nhất do Metropoll tiến hành, được công bố trên nhật báo Zaman, chỉ ra rằng, nếu các cuộc bầu cử được tổ chức tại thời điểm hiện nay, AKP sẽ tiếp tục dẫn đầu với khoảng 35,3% tỷ lệ ủng hộ trên tổng số phiếu.

Tuy nhiên, nếu chính quyền Ankara không nhanh chóng có được các biện pháp hữu hiệu xoa dịu tình hình thì kịch bản “Mùa xuân Arab” từng làm chao đảo Trung Đông và Bắc Phi thời gian qua nhiều khả năng sẽ tái diễn tại đất nước “ngã tư đường”, nơi gặp nhau của châu Á và châu Âu.

Sau nhiều tuần đối đầu có lúc quá khích với cảnh sát, những người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm ra một sự kháng cự mới đó là: đứng tại chỗ và im lặng, bắt chước theo cách của nghệ sĩ Erden Gunduz, người đã biểu tình lặng lẽ vào buổi tối trước đó và nhanh chóng được mệnh danh là “Người đàn ông Đứng”. Trong hơn 5 tiếng đồng hồ, Erden Gunduz đã nhìn chằm chằm vào bức chân dung của Kemal Attaturk, người sáng lập nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Cảnh sát cuối cùng đã bắt giữ nhiều người hưởng ứng Gunduz nhưng không rõ liệu nghệ sĩ này có bị tống giam hay không.


Linh Linh (tổng hợp)