Vì sao C.Ronaldo và Messi dần trở thành... "gánh nặng"?
Không hẹn mà gặp, ở lượt đi vòng 1/8 Champions League, Juventus đã thất bại với tỷ số 1-2 trước Porto, còn Barcelona thậm chí còn hứng chịu thảm bại nặng nề với tỷ số 1-4 trước PSG. Cả hai CLB Juventus và Barcelona đang có quá nhiều điểm chung ở thời điểm này.
Juventus và Barcelona đang phải gồng mình trả mức lương khổng lồ cho C.Ronaldo và Messi trong bối cảnh khủng hoảng tài chính nặng nề. |
Họ lép vế toàn diện ở trận chiến ở vòng knock-out Champions League. Họ đều đang dần phải chịu gánh nặng từ những siêu sao luống tuổi nhưng đắt giá. Họ đều thấy rạn nứt về vấn đề tài chính. Tại một thời điểm nào đó, C.Ronaldo và Messi đều sẽ lùi về hậu trường nhưng giờ thì chưa.
Bóng đá đôi khi trải qua những thời khắc khốc liệt. HLV huyền thoại Bill Shankly thậm chí không dám nói thẳng mặt Ian St John rằng đã đến lúc ngôi sao này cần phải ra đi. Sau 11 năm hoàng kim, Nobby Stiles thậm chí còn không nhận được sự tri ân từ Man Utd. Hay như West Ham sẵn sàng để huyền thoại Bobby Moore ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Như cựu HLV của Coventry và Derby, Harry Storer từng nói với Brian Clough rằng "trong bóng đá không ai có nghĩa vụ cảm ơn".
Tuy nhiên, trái với sự khốc liệt ấy, vẫn có luồng tư tưởng kỳ lạ, thậm chí là sự sùng bái người chiến thắng. Họ luôn xây dựng tâm lý rằng một cầu thủ hay HLV vĩ đại trước đây vẫn có thể tạo nên kỷ nguyên mới, ngay cả khi họ đã hết thời. Trường hợp của HLV Mourinho trong những năm qua là ví dụ điển hình.
Hoàn cảnh của Barcelona còn tệ hơn Juventus ở thời điểm này. Messi đã gắn bó với mái nhà này trong 21 năm qua. Làm sao ai đó có thể quyết định đây là thời điểm thích hợp để đẩy đi một cầu thủ không chỉ là người xuất sắc nhất thế giới, mà còn là một thành viên trong gia đình ấy? Nhưng rõ ràng, có thực tế rằng, Messi không còn ở trên đỉnh cao nữa.
Từ năm 2017, khi Barcelona thảm bại 0-4 trước PSG và 0-3 trước Juventus, ai cũng thấy được những vấn đề cơ bản của CLB. Trước những đối thủ đẳng cấp, hàng tiền vệ của họ trở nên chết cóng.
Mỗi năm, Barcelona đều nhận được sự nhắc nhở như vậy. Đó là thất bại 0-3 trước AS Roma vào năm 2018, 0-4 trước Liverpool vào năm 2019 và 2-8 trước Bayern Munich vào năm ngoái.
Một phần đó là kết quả của một hàng tiền vệ già cỗi và đang dần chậm lại. Nhưng mọi chuyện không chỉ có vậy. Nó cũng liên quan tới một người (Messi) không thể gây áp lực trong việc tranh cướp bóng, một điều không thể thiếu trong triết lý của huyền thoại Johan Cruyff.
Ngay cả khi có C.Ronaldo và Messi, Juventus và Barcelona vẫn mong manh ở những trận đấu lớn. Họ không có nhiều đóng góp trong việc giành lại bóng. |
Theo thống kê, trong mùa giải 2019/20, Messi chỉ có 2,1 lần tắc bóng và đánh chặn trong mỗi trận ở La Liga. Sang mùa này, con số ấy giảm xuống còn 0,7 lần mỗi trận. Nên nhớ, Barcelona càng ngày không thể kiểm soát bóng tốt như trước nên việc giành lại bóng là nhiệm vụ quan trọng.
Sự chói sáng của Messi đôi khi là màn che đậy hoàn hảo cho những vết nứt nhưng anh ấy cũng "đóng góp" không nhỏ cho sự đi xuống của Barcelona. Messi sắp bước sang tuổi 34. Điều quan trọng nhất với anh ấy là tiết kiệm năng lượng. Nếu như Messi tham gia tắc bóng, có nghĩa rằng năng lượng dành cho ghi bàn và kiến tạo sẽ bị giảm đi.
Có thể, nhiều người sẽ thỏa hiệp với điểm yếu này bởi Messi là thiên tài nhưng Barcelona phải trả cho Messi mức lương siêu khổng lồ. Trong khi đó, CLB đang gồng gánh những khoản nợ khổng lồ, lên tới 1,1 tỷ bảng.
Trong khi đó, Juventus cũng đang phải đối diện với gánh nặng. Quyết định chi 100 triệu bảng để chiêu mộ C.Ronaldo vào năm 2018 (khi ấy bước sang tuổi 33) thực sự là canh bạc với Juventus. Họ hy vọng rằng những bàn thắng của CR7 sẽ giúp Juventus tìm thấy ánh hào quang ở Champions League.
Nhưng có một thực tế rằng những đóng góp của C.Ronaldo không bằng Messi. Trung bình, mỗi trận đấu ở mùa giải này, C.Ronaldo chỉ thực hiện 0,4 cú tắc bóng và đánh chặn. Rõ ràng, việc những tiền đạo không chủ động giành bóng đang đi ngược với xu thế phát triển của bóng đá hiện đại. Pirlo biết điều đó nhưng ông vẫn đặt trọn niềm tin vào canh bạc này.
Sau khi C.Ronaldo xuất hiện, Juventus đã hứng chịu thất bại trước Ajax (ở tứ kết) và Lyon (ở vòng 1/8) Champions League. Thậm chí, họ cảm thấy đỉnh vinh quang ở đấu trường này càng xa hơn thời điểm trước khi ký hợp đồng với C.Ronaldo (khi ấy Juventus 2 lần lọt vào trận chung kết).
Tất nhiên, bóng đá không thể nói trước được điều gì. Rất có thể C.Ronaldo có thể đưa Juventus tới trận chung kết Champions League mùa này. Nhưng rõ ràng, những gì CR7 thể hiện ở trận lượt đi với Porto tại Dragao, khiến người ta có quá ít niềm tin điều đó sẽ xảy ra.
Giống như Messi, C.Ronaldo là "ông hoàng" về lương. Mức lương cơ bản mà CR7 nhận được ở Juventus lên tới 28 triệu bảng/năm, lớn hơn tổng số tiền lương của 4 cầu thủ được trả lương cao tiếp theo ở Juventus cộng lại. Thậm chí, mức lương của CR7 bằng lương của toàn đội của 4 CLB ở Serie A. Chính điều này đã khiến CLB gặp khó khăn ở những khoản đầu tư tiếp theo, khi số nợ đã tăng lên 350 triệu bảng.
Dù chưa hết thời nhưng họ cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới lối chơi chung của toàn đội. |
Đại dịch Covid-19 bùng phát càng làm tăng thêm gánh nặng kinh tế với các CLB. Khoản nợ của Barcelona vào năm ngoái tăng thêm 73 triệu bảng và Juventus tăng thêm 68 triệu bảng. Chẳng ai nói trước được điều gì nếu như mọi thứ bùng phát "quá sức chịu đựng". Việc nhà vô địch Trung Quốc, Jiangsu Suning giải thể chỉ 3 tháng sau khi vô địch là minh chứng điển hình.
Theo giáo sư Peter Frankopan của trường đại học Oxford, đại dịch Covid-19 là "bài kiểm tra kinh tế với thế giới bóng đá". Đương nhiên, không chỉ mình CLB Jiangsu Suning chịu ảnh hưởng. Nói đơn cử như vậy CLB Inter cũng đang có chung chủ sở hữu với đội bóng này (tập đoàn bán lẻ Suning). Và khi tập đoàn này đang khủng hoảng kinh tế (sắp vỡ nợ) thì CLB Inter cũng chịu ảnh hượng nặng nề.
Giáo sư Peter Frankopan chia sẻ: "Những cuộc khủng hoảng vừa qua là động thái nhắc nhở về việc chi tiêu tiết kiệm, đi vào giá trị cốt lõi.
Ông Frankopan đã chỉ ra tác động tiềm ẩn không chỉ đối với Inter (năm ngoái lỗ 85 triệu bảng) mà còn đối với Premier League do đài truyền hình PPLive thuộc sở hữu của Suning vừa hủy bỏ tiền truyền hình với giải đấu này trị giá 564 triệu bảng.
Đó là lý do tại sao vấn đề của Messi và Ronaldo lại trở nên bức thiết. Dù Barcelona và Juventus có đường hướng phát triển khác nhau nhưng họ chịu tác động giống nhau. Họ đang phải trả số tiền cực lớn cho những cầu thủ bị "hạn chế" về cách chơi bóng, ít nhất ở những trận đấu đỉnh cao. Nhưng tệ hơn là CLB vẫn phải gồng mình trả lương cho họ dù đang chịu những khoản nợ khổng lồ.
Hợp đồng của Messi sẽ hết hạn vào mùa Hè này, và của C.Ronaldo vào năm 2022. Có lẽ đã đến lúc giã từ những siêu sao này. Họ đã có sự nghiệp vĩ đại nhưng giờ thật khó để chi trả những mức lương khổng lồ cho họ.
Theo Dân trí