Vì sao "bầu" Kiên bị đề nghị truy tố 4 tội danh?
>> Dư chấn “bầu” Kiên khiến tài sản của ACB giảm 67.000 tỉ đồng
>> Ai đã bảo kê cho giao dịch “ma” của “bầu” Kiên?
>> Nghe đoạn băng ghi âm để biết vì sao ông Trần Xuân Giá và 3 'sếp' ACB bị khởi tố
>>“Trận đồ bát quái” thị trường tài chính - ngân hàng!?
>> ACB lỗ 659 tỉ đồng vì... vàng
Theo kết luận điều tra của cơ quan Công an: “Bầu” Kiên và 7 đồng phạm bị đề nghị truy tố 4 tội danh là kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế và Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Với quyết định này, bộ mặt thật của vị đại gia vốn nổi tiếng một thời này chính thức đã lộ diện.
Kết luận điều tra nêu rõ: 7 đồng phạm của “bầu” Kiên gồm Trần Xuân Giá (SN 1939, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB; Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Phạm Trung Cang (SN 1954), Trịnh Kim Quang (SN 1954), cùng là Phó Chủ tịch HĐQT và Lý Xuân Hải (SN 1965), nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng ACB và Trần Ngọc Thanh (SN 1952), Giám đốc Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969), kế toán trưởng Cty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội.
Trước đó, sau khi “bầu” Kiên bị bắt ngày 21/8/2012, một loạt thông tin về các hoạt động kinh doanh sai trái của nhân vật này đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đáng chú ý là những nghi vấn làm “trò” mua bán cổ phiếu, lập các ma trận đầu tư thông qua các công ty do chính ông “bầu” này lập ra.
Tại thời điểm đó, hình ảnh một “bầu” Kiên “cáo già”, một siêu lừa đã được rất nhiều người hình dung tới. Và thực tế, sau quãng thời gian gần 1 năm tiến hành điều tra, bộ mặt thật của “bầu” Kiên đã chính thức lộ diện.
Cũng theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra, sau nhiều năm gắn bó với ACB, “bầu” Kiên đã có một vị trí khá quan trọng tại ngân hàng này và có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của ACB. Tuy nhiên, vì làm việc tại ngân hàng nhiều năm và cũng đã leo lên chiếc ghế Phó Chủ tịch HĐQT nên “bầu” Kiên hiểu hơn ai hết rằng, nếu tiếp tục ở lại, những tham vọng đầu tư, mở rộng kinh doanh sẽ khó thực hiện bởi quy định hạn chế vốn vay. Chính vì vậy, “bầu” Kiên đã rút khỏi ACB.
Tuy nhiên, để duy trì sự ảnh hưởng của mình tại ACB, Hội đồng sáng lập ACB theo sáng kiến của “bầu” Kiên đã được lập ra và do Kiên làm Phó Chủ tịch. Vốn đã có tham vọng, lại có kinh nghiệm và cũng có những quan hệ nhất định trong giới đầu tư tài chính – ngân hàng, “bầu” Kiên hiểu hơn ai hết phải làm gì để duy trì ảnh hưởng của mình đối với ACB.
Và thực tế, sau khi rời ghế Phó Chủ tịch HĐQT, “bầu” Kiên đã thành lập một loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản… là: Công ty cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (Công ty AFG); Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI); Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (Công ty ACI); Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI-HN) và Công ty CP đầu tư thương mại B & B (Công ty B & B). Trong số các công ty này, “bầu” Kiên làm Chủ tịch HĐQT của 4 công ty.
Có công ty trong tay cộng với những ảnh hưởng của mình tại ACB, “bầu” Kiên đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các qui định của ngân hàng Nhà nước về kinh doanh vàng, qui định về cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời điểm... để thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể:
Cuối năm 2009, khi giá cổ phiếu của Ngân hàng ACB bị giảm sút, “bầu” Kiên và thường trực HĐQT ACB đã bàn nhau dùng tiền của ngân hàng này thông qua Công ty ACBS (Công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) để mua cổ phiếu của ACB. Theo đó, ngân hàng ACB cấp cho ACBS 1.500 tỉ đồng rồi Công ty này tiếp tục chuyển cho 2 Công ty của "bầu" Kiên là ACI và ACI – HN để 2 Công ty này đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB.
Tính đến thời điểm này, mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc, còn lại 1.193 tỷ đồng chưa thu về được, trong khi cổ phiếu ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng.
Trong kết luận điều tra, Cơ quan điều tra cũng cho biết, việc ACB chuyển “lòng vòng” 1.500 tỉ đồng để mua chính cổ phiếu của mình đã gây thiệt hại hơn 74 tỉ đồng và người chịu trách nhiệm về hành vi này là “bầu” Kiên và các thành viên thường trực HĐQT ACB.
Xung quanh đến những lình xình về việc mua bán cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Cơ quan điều tra xác định: “Bầu” Kiên đã chỉ đạo ACBI ký hợp đồng thế chấp hơn 22 triệu cổ phần Công ty cổ phần Thép Hòa Phát vào ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty này phát hành trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng. Mặc dù chưa được sự đồng ý của ACB và ACBS, nhưng khi giao dịch với Tập đoàn Hòa Phát, “bầu" Kiên không thông báo cho họ biết số cổ phần này đã bị thế chấp.
Đồng thời chỉ đạo cấp dưới lập khống một số giấy tờ để bán số cổ phần đã thế chấp ngân hàng cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát để chiếm đoạt 264 tỉ đồng.
Ngoài ra, “bầu” Kiên còn bị cáo buộc có hành vi trốn thuế với số tiền 25 tỉ đồng trong phi vụ kinh doanh vàng giữa B&B và ngân hàng ACB.
Mặt khác, CQĐT xác định, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB, "bầu" Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu ACB sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng đến chính sách tài chính, tiền tệ, thu lời bất chính cho nhóm cổ đông ngân hàng ACB hơn 256 tỉ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB hơn 1.400 tỉ đồng. Việc "bầu" Kiên chỉ đạo uỷ thác cho 19 nhân viên ngân hàng ACB gửi tiền vào Vietinbank Chi nhánh TP HCM và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 719 tỉ đồng...
Nhóm phóng viên PetroTimes
>> Dư chấn “bầu” Kiên khiến tài sản của ACB giảm 67.000 tỉ đồng
>> Ai đã bảo kê cho giao dịch “ma” của “bầu” Kiên?
>> Nghe đoạn băng ghi âm để biết vì sao ông Trần Xuân Giá và 3 'sếp' ACB bị khởi tố