Từ nguyên của "bù nhìn" là chuyện còn dài
Năng lượng Mới số 380
Học giả An Chi: Trước nhất, xin nói mấy chuyện ngoài rìa. Bạn 阮大瞿越 mở đầu:
“Sau bài báo thứ hai, tôi cũng đã phân vân xem có nên trả lời hay không, vì trộm nghĩ, tất cả chỉ là giả thuyết mà thôi, đúng sai ai quyết mà phân cho rành. Nhưng sau lại sợ người trên có lòng quyến cố đến kẻ hậu học, nếu không thưa gửi đàng hoàng, thì không hợp với lễ. Vậy nên gắng gỏi thưa lại vài dòng với bác, nhưng trong lòng nơm nớp sợ chuyện chữ nghĩa gây thành sự không vui. Xin bác hai chữ đại xá trước”.
Thật ra thì trước đó, chính chúng tôi, An Chi, cũng đã quan niệm tất cả chỉ là giả thuyết nên mới kết luận: “Với chúng tôi thì việc truy tầm từ nguyên của hai tiếng bù nhìn vẫn chưa chấm dứt tại đây”. Câu này có hàm ý là chính An Chi cũng chưa hài lòng với nguyên từ “môn nhân” mà mình đưa ra, hoặc cũng chưa hài lòng với cách biện luận đã có của mình về nguyên từ này. Chúng tôi cũng e ngại khi đọc câu của bạn 阮大瞿越, viết rằng “người trên có lòng quyến cố đến kẻ hậu học, nếu không thưa gửi đàng hoàng, thì không hợp với lễ”. Thực ra, ngay từ khi chập chững bước vào trường văn trận bút, chúng tôi cũng đã quan niệm rằng trong học thuật, dứt khoát phải có dân chủ và bình đẳng. Và chúng tôi luôn luôn tâm niệm rằng, trong lĩnh vực này thì hậu sinh khả úy. Với An Chi thì đây là một điều tuyệt đối. Chúng tôi lại không thấy thoải mái khi bạn 阮大瞿越 viết rằng: “Vậy nên gắng gỏi thưa lại vài dòng với bác, nhưng trong lòng nơm nớp sợ chuyện chữ nghĩa gây thành sự không vui”. Điều này cũng không đúng với phong cách và nhân cách của An Chi vì chúng tôi quan niệm rằng chỉ có những kẻ rởm đời mới sợ người khác phản biện lại những gì mình đã viết. Nếu người phản biện đúng thì ta phải chấp nhận để học hỏi; nếu người phản biện sai thì ta phải chỉ ra cái sai của người một cách kiên quyết và triệt để. Vậy, xin bạn 阮大瞿越 cứ an lòng thảo luận với An Chi một cách thoải mái.
Bây giờ, xin đi vào chuyện chính là phản - phản biện. Sau đây là những ý chính mà bạn 阮大瞿越 đưa ra để phản bác chúng tôi. Bạn viết:
“Ví dụ thứ nhất liên quan đến Mumbai và Bombay. “Bombaim” là cái tên địa danh do người Bồ Đào Nha phiên âm, mà nếu phiên âm đúng, nó sẽ gần với Mumbai hơn. Ta hãy liên hệ về Việt Nam. Người Bồ Đào Nha nghe thấy âm nào để gọi Hội An là Faifo? Có thể là Hoài Phố, có thể là Hải Phố, nhưng liệu dựa vào cứ liệu phiên âm như đây, để suy nghĩ về khả năng trong tiếng Việt có h(u) > f, thì có phiêu lưu quá chăng?”.
Lập luận của bạn 阮大瞿越 ở đây không thể đứng vững được. Một là “Faifo” không nhất thiết đến từ “Hoài Phố” hay “Hải Phố, vì nó có thể đến từ một nguyên từ (etymon) khác mà ta chưa biết. Hai là H(w) trong “Hoài” hoặc “Hải” là một phụ âm họng còn F trong “Faifo” thì lại là một phụ âm môi - răng; hai bên khác nhau rất xa trong khi B của “Bombaim” và M của “Mumba+Aai” (mà chúng tôi đưa ra) đều là những phụ âm hai môi nên rất dễ trở thành “cặp đôi hoàn hảo”.
Bạn 阮大瞿越 viết tiếp:
“Ví dụ thứ hai cũng liên quan đến phiên âm, là áo “bà lai” và món ăn “bà lai chanh”, mà theo bác An Chi là có liên quan đến từ “Mã Lai”. Phương ngữ Nam Bộ thì tôi không rành. Nhưng dựa vào hai từ khóa bác An Chi nêu để tìm hiểu, thì tôi không tìm được thông tin về món “bà lai chanh”/ “bà la chanh”. Còn về áo “bà lai”, các kết quả tìm kiếm đều trả về là áo “bà ba”. Về nguồn gốc của loại áo này, thì theo ý kiến cá nhân của nhà văn Sơn Nam, có liên quan đến người Bà ba (Babas) ở Mã Lai. Nhưng ý kiến này cũng chỉ được coi như một giả thiết của một người, chứ không phải kết luận khả tín (…). Tóm lại, nếu áo “bà lai” chính là áo “bà ba”, thì việc nó liên quan đến một nhóm người có tên gọi Bà ba (Babas) ở Mã lai, cũng chỉ là một giả thiết, khả năng nó được gọi là “áo Mã lai” rồi biến thành “áo bà lai” cũng không có gì chắc chắn. Sử dụng giả thiết chưa được chứng minh, biến nó thành luận cứ phục vụ cho lập luận khác, thao tác này vẫn được sử dụng trong tư biện, nhưng nó yếu và dễ bị phản bác (An Chi mạn phép in nghiêng). “Bạn 阮大瞿越 vội vàng khẳng định rằng chúng tôi “tự biện” nhưng thực ra thì chính bạn mới “tự biên” vì không có thực tế chứ chúng tôi thì đang nắm chắc thực tế ở trong tay.
Trước nhất là về khái niệm “bà lai chanh”. Đây là một loại nước chấm, pha chế theo kiểu nước mắm Nam Bộ, nghĩa là có ớt đâm (giã), tỏi đâm (giã), chanh vắt, đường, nước (để làm cho loãng), nhưng thay vì nước mắm (dứt khoát không chơi nước mắm) thì bà lai chanh lại chỉ xài mắm ruốc. Dĩ nhiên là có thể còn có cải biên tùy theo cá nhân hoặc địa phương. Ngay trong Nam Bộ thì bây giờ cũng ít người còn biết đến món này, nhất là lớp trẻ, nhưng nhiều người cao tuổi, hoặc những người kinh doanh ngành ăn uống thì vẫn biết đến nó. Tuy cái vật thật được biết đến nhưng tên của nó bây giờ đã bị nhiều người nói trẹo thành “bà la chanh”, kể cả những người trong ngành ăn uống. Tại trang Đặc sản Vũng Tàu - BOA, bạn có thể đọc thấy câu “Gỏi cá mai (Bà la chanh). Các bạn thành phố ăn món này chưa? Bạn cũng có thể xem "Video xóm nhà lá - Tiệc cá trich + bà la chanh 29-9-2012". Nhưng thú vị nhất là bạn có thể thấy trong “Dzè món ngon quê nhà” (hoctroxubien.blogspot.com) thì vế thứ 12 là “bà la chanh”:
“Ngát kho tiêu - Trứng cá thiều - Tiêu hành nấu (cá hành tiêu) - Mấu nướng than (cá mối đen) - Gan cá sòng - Lòng cá ó - Mó chiên me - Ghẹ cốm luộc - Ruột đấu (đối) dầu - Đầu cá út - Nục kho cà - Bà la chanh - Chim sành hấp (cá chim đen) - Đập con hào - Xào con ngao (…)”.
Đó là về món “bà lai/ la chanh”. Thứ hai là về khái niệm “người Bà Ba” mà Sơn Nam đã nhắc đến. Đây là một sự thật lịch sử chứ không phải ý kiến của một người. New Crown Dictionary of National Language (Malay - English ; English - Malay) của Dr. S. Santoso và Y. K. Lee (Kathay Press & Traders, Singapore, 1964) đã ghi nhận danh từ “Baba(h)” và giảng là “a Chinese born in Indonesia or in Malaya”(người Tàu sinh ra ở Indonesia hoặc ở Mã Lai). Kamus Indonesia Inggeris của Drs. Wojowasito, W. J. S. Poerwadarminta, S. A. M. Gaastra (Djakarta, 1959) cũng ghi nhận danh từ “Babah” và giảng là “Chinese born in Indonesia” (người Tàu sinh ra ở Indonesia). Vậy đây là một sự thật hiển nhiên chứ không phải ý kiến riêng của Sơn Nam.
Thứ ba là “áo bà ba” cũng không liên quan gì đến “cổ (áo) Bà Lai” mà chúng tôi đã nêu vì đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Mà Sơn Nam cũng không hề nói rằng “áo cổ Bà Lai” có liên quan đến người Bà Ba. Ông đã phân biệt rõ ràng “áo bà ba” với “áo cổ Bà Lai”. Sơn Nam viết: “Áo bà ba đen phổ biến trong giới trung lưu sớm lắm là khoảng cuối đời Tự Đức, vải đen do người Anh dệt, đưa sang Mã Lai, Xin-ga-po (…). Thứ bánh bột hấp, nhưn đậu, gói lá, chan nước cốt dừa, gọi là bánh gói bà ba, theo chúng tôi nghĩ, có lẽ du nhập rất trễ, cũng như kiểu áo cổ Bà Lai (Indonesia) hình trái tim, viền vải ngang”. (Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr.51). An Chi nói đến “cổ (áo) Bà Lai” còn Sơn Nam thì nói đến “áo cổ Bà Lai”, nghĩa là hai chúng tôi đều chỉ nói đến một kiểu cổ áo gọi là “cổ Bà Lai”còn bạn 阮大瞿越 thì lại nghĩ ra loại “áo Bà Lai”, mà trước đó thì là “áo Mã Lai”! Bạn đã đi hơi xa nên nếu muốn quay về với thực tế thì bạn có thể tham khảo về“cổ Bà Lai”ở vài mục giới thiệu sau đây:
- “Cổ Bà Lai là dạng cổ trái tim có cặp nẹp viền rời bọc mép suốt cổ dọc hết đường đinh của thân áo trước.” (catmay.vn).
- Áo nữ cổ bà lai, Áo nữ cổ tròn tay ngắn kẻ 2 màu (detlentuantrinh.com).
- Áo dài cách tân cổ bà lai sát nách (aodaitreem.net).
Đặc biệt về cái tên “Bà Lai” thì Sơn Nam đã viết: “Bà Lai hoặc Bà-Lai-Du là tên thông dụng để gọi khu vực gần Su-ra-bai-da (Surabaya) ở Indonesia.”(Sđd, tr.7). Mà “Bà-Lai-Du” là hình thức phiên âm của tiếng Mã Lai “Melayu”, dùng để chỉ xứ, người hoặc tiếng Mã Lai chứ không phải là cái gì khác. Vậy, với sự “tư biện” của An Chi thì ở đây ta có một sự thật hiển nhiên tuyệt đối không bác bỏ được là: M > B. Xin thêm một cứ liệu nữa: Bạn Cong Minh Do (Q.10, TPHCM) cũng chẳng “tư biện” chút nào khi dẫn chứng rằng “Khôn sống mống chết” cũng nói thành “Khôn sống bống chết”. Ở đây cũng hiển nhiên là M > B vì “mống” hiển nhiên là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ
[蒙] mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “mông”, có nghĩa là ngu dại, đần độn. Mathews’ Chinese English Dictionary đối dịch là “dull, stupid”. Với từ nguyên như thế này thì dứt khoát “mống” phải có trước “bống”.
Trong bài trước, chúng tôi có viết:
“Nếu Tàu đi mượn cái tên mà họ ghi bằng hai chữ [無患] thì điều này chỉ có nghĩa là tiếng thứ nhất trong cái tên mà họ mượn phải có phụ âm đầu M vì chữ vô [無] vốn đọc với phụ âm đầu M. Vậy phụ âm đầu của âm tiết thứ nhất trong cái tên bằng tiếng Việt mà ta giả định là Tàu đã mượn vẫn cứ là M và ta vẫn cứ có mồ hòn > bồ hòn”.
Bạn đã phản bác:
“Đoạn lập luận này thì, tiếc thay, không chặt chẽ về logic. Vì không có lý do nào chỉ ra rằng chiều biến đổi nhất định là từ mồ hòn > bồ hòn. Câu chuyện có thể như thế này được không: bồ hòn và mồ hòn tồn tại song song (tương tự như mồ hôi// bồ hôi, mồ côi// bồ côi), người Tàu mượn âm “mồ hòn”, viết thành “vô hoạn”. Không chỗ nào trong lập luận trên đây chỉ ra rằng, vào thời điểm người Tàu mượn chữ “mồ hòn”, chỉ có duy nhất một cách đọc là “mồ hòn” và “bồ hòn” là cách đọc xuất hiện sau đó”.
(Xem tiếp kỳ sau)
A.C
- Tử vi ngày 24/11/2024: Tuổi Mão mở rộng đầu tư, tuổi Dậu tài chính suôn sẻ
- Tử vi ngày 23/11/2024: Tuổi Sửu chứng minh năng lực, tuổi Thân gặt hái thành công
- Tử vi ngày 22/11/2024: Tuổi Tý thể hiện khả năng, tuổi Ngọ tinh thần hăng hái
- Tử vi ngày 21/11/2024: Tuổi Tỵ thành quả xứng đáng, tuổi Dần vị thế nổi bật
- Tử vi ngày 20/11/2024: Tuổi Mão cơ hội tiềm năng, tuổi Dậu ứng biến nhanh nhạy
- Tử vi ngày 18/11/2024: Tuổi Mùi đào hoa nở rộ, tuổi Thân vận may tìm đến