Tự chủ trong sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành nhà máy thủy điện
Nhà máy Thủy điện Trung Sơn: Xanh, chất lượng và tiến độ | |
Đakđrinh đang bừng sáng |
Công ty Thủy điện Ialy |
Là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Thủy điện Ialy hiện đang quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện trên sông Sê San gồm thủy điện Ialy công suất 720MW, thủy điện Sê san 3 công suất 260 MW và thủy điện Pleikrông công suất 100 MW. Và trong những năm qua, để công tác quản lý, vận hành các nhà máy được an toàn, hiệu quả, rất nhiều phong trào thi đua đã được Công ty phát động tạo nền tảng, động lực phát triển sản xuất-kinh doanh.
Với nhiệm vụ tham mưu giúp Giám đốc chỉ đạo, quản lý kỹ thuật thiết bị điện, thiết bị tự động, đồng thời trực tiếp thực hiện công tác sửa chữa (xử lý sự cố, bảo dưỡng, trung tu, đại tu, cải tạo, nâng cấp) các thiết bị điện thuộc dây chuyền sản xuất của các nhà máy thuộc Công ty quản lý, những năm qua, Phân xưởng sửa chữa Điện-Tự động luôn là đơn vị dẫn đầu trong Công ty, lập được nhiều thành tích.
Phân xưởng đã xử lý nhanh, kịp thời và đạt chất lượng cao các khiếm khuyết, sự cố thiết bị trong quá trình vận hành, đảm bảo cho các tổ máy vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả, trong đó nổi bật là việc xử lý triệt để các hư hỏng bộ truyền động của máy cắt đầu cực máy phát; máy cắt 220kV; hư hỏng hệ thống kích từ gây dao động điện áp rotor và gây sự cố dừng tổ máy; hư hỏng hệ thống điều khiển trung tâm; hệ thống điện một chiều; các sự cố do thiên tai như cháy nổ, sạt đá, đổ cây gây sự cố nghiêm trọng cho đường dây như gãy trụ, đứt dây, vỡ sứ...
Đặc biệt, đội ngũ công nhân, kỹ sư Phân xưởng đã xử lý thành công sự cố rò dầu tại hộp đầu nối cáp dầu 500kV của nhà máy thủy điện Ialy. Đây là một việc làm đầu tiên và hết sức phức tạp, đòi hỏi tính kỹ thuật và độ an toàn cao, lực lượng sửa chữa của Phân xưởng đã tự thực hiện được mà không cần phải có chuyên gia và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Ngoài việc tổ chức thực hiện xử lý tốt các hư hỏng, khiếm khuyết thiết bị, Phân xưởng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tự động hóa nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của thiết bị như cải tạo nâng cấp hệ thống điều tốc; nâng cấp hệ thống kích từ cho các tổ máy thuỷ điện Ialy; thiết kế, lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa cho cầu trục 125 tấn thuỷ điện Sê San 3, Thủy điện Pleikrông; thiết kế, lắp đặt, thí nghiệm và đưa vào vận hành hệ thống tự động điều khiển cho các trạm tự dùng trong toàn Nhà máy...
Báo cáo tại Đại hội thi đua yêu nước EVN lần thứ III, đại diện Phân xưởng cho biết, trong 5 năm qua, Phân xưởng đã tổ chức thực hiện được 155 danh mục sửa chữa lớn các thiết bị, trong đó có 43 hạng mục sửa chữa lớn thuộc các tổ máy, 112 hạng mục thuộc các hệ thống phụ trợ thuộc 3 Nhà máy thủy điện Ialy, Thủy điện Sê San 3 và Nhà máy thủy điện Pleikrông. Tất cả các hạng mục sửa chữa Phân xưởng tổ chức thực hiện đều đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ và tiết kiệm so với chi phí được duyệt.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ được giao, Phân xưởng đã chủ động tổ chức thực hiện lập chương trình đào tạo phù hợp với từng chức danh, biên soạn giáo trình đào tạo theo từng lĩnh vực cụ thể. Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành theo tỷ lệ phù hợp, trong đó thực hành được coi trọng chiếm 80% thời gian đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo thì yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy bằng trực quan cũng như thực hành trên thiết bị mô phỏng là điều kiện cần phải có.
Thực hiện yêu cầu này, Phân xưởng đã tự thiết kế và thi công mô hình điều khiển tổ máy bằng PLC có chất lượng rất tốt. Với cách thức này Công ty vừa có thiết bị để thực hành mà không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất điện, vừa tiết kiệm được nhiều chi phí.
Phòng điều khiến trung tâm nhà máy thủy điện Ialy. |
Hưởng ứng phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, ngay từ những ngày đầu thành lập, Phân xưởng đã tích cực nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tế công tác để đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc. Tính từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của cán bộ công nhân viên được công nhận và đưa vào áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng, trong đó có 3 sáng kiến đạt giải trong các lần tham gia “Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh Gia Lai”.
Theo định hướng phát triển nguồn nhân lực của Công ty, để nâng cao trình độ chuyên môn, vững về tay nghề đặt biệt là trong công tác sửa chữa, Công ty có thêm chức năng làm dịch vụ kỹ thuật, trong đó việc sửa chữa và thí nghiệm, hiệu chỉnh các thiết bị điện cho các nhà máy điện là chủ yếu, Phân xưởng đã tổ chức thực hiện tốt các công việc như: Công tác tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị, Thí nghiệm thiết bị cho các công trình thủy điện mới; thí nghiệm định kỳ và thí nghiệm sau 1 năm đưa vào vận hành; thực hiện công tác sửa chữa lớn, sửa chữa sự cố cho nhiều Nhà máy điện trong và ngoài Tập đoàn.
Với những nỗ lực, tinh thần học hỏi của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty Thủy điện Ialy, trong đó có Phân xưởng sửa chữa Điện-Tự động, Công ty đã Tập đoàn tin tưởng và giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực sửa chữa. Ví như tháng 11/2013, mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây lũ quét, làm cho 2 tổ máy 2x80 MW của Nhà máy thủy điện An Khê bị ngập hoàn toàn trong bùn nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã điều động nhiều đơn vị khẩn trương xử lý để sớm đưa 2 tổ máy vào vận hành khai thác hết lượng nước.
Nhiều đơn vị đã được cử đến, trong đó Công ty thuỷ điện Ialy được giao nhiệm vụ xử lý khôi phục hai tổ máy. Đây là công việc khó khăn, phức tạp nhất, bởi đối với những thiết bị khác thì việc vệ sinh, bảo dưỡng rồi sấy khô, kiểm tra, thử nghiệm đưa vào vận hành được thực hiện tương đối dễ dàng, còn đối với tổ máy của thủy điện An Khê do các khe hở, khoản trống trong tổ máy rất chật hẹp, cực từ của tổ máy lại không rút ra ngoài được, cho nên việc vệ sinh sạch bùn, cát và bảo dưỡng stator, rotor là rất khó khăn.
Đứng trước khó khăn thách thức này, với tinh thần trách nhiệm cao, Phân xưởng đã khảo sát tỉ mỉ cấu tạo của tổ máy Thuỷ điện An Khê, lập phương án xử lý không tháo rotor và báo cáo đề xuất, giải trình với Ban Chỉ đạo phương án khả thi này. Khi phương án xử lý không tháo rotor được chọn, Phân xưởng đã chủ trì tổ chức xử lý thành công, đưa 2 tổ máy vào vận hành an toàn với tổng thời gian chỉ 45 ngày. Các thông số kỹ thuật của 2 tổ máy sau khi xử lý tương đương với lúc mới đưa vào vận hành.
Đây là một thành quả rất lớn, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỉ đồng, bởi nếu theo thông lệ thì phải chọn phương án xử lý tháo toàn bộ rotor, lúc đó thời gian sẽ kéo dài, tỷ lệ rủi ro và chi phí xử lý sẽ cao hơn rất nhiều.
Những kết quả trên là sự cố gắng, nỗ lực của cả tập thể Phân xưởng đã không quản ngại khó khăn, thửu thách, vượt qua chính mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ghi nhận thành tích xuất sắc đó, Phân xưởng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được các cấp các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen...
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành