TS Nguyễn Trí Hiếu: Khó phục hồi nhanh khi chưa giải quyết được sở hữu chéo
Năng lượng Mới số 301
Tỷ lệ nợ xấu cao phần lớn nằm ở các ngân hàng cổ phần nhỏ
PV: Chặng đường tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trong năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước còn rất nặng nề và đối tượng vẫn là các ngân hàng cổ phần nhỏ phải không, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong quá trình tái cơ cấu, dĩ nhiên người ta rất quan tâm tới tái cơ cấu ngân hàng cổ phần nhỏ. Nhưng thực sự nếu chỉ tập trung tái cơ cấu trong ngân hàng cổ phần nhỏ thì không đủ, ngay cả những ngân hàng lớn cũng rất cần tái cơ cấu. Trước tiên chúng ta đề cập đến vấn đề tái cơ cấu những ngân hàng CP nhỏ. Ngân hàng CP nhỏ là những ngân hàng có vốn thấp. Từ quản trị tới nhân sự đều có những giới hạn, thị trường của họ cũng có giới hạn, khả năng cạnh tranh yếu kém. Thành ra những ngân hàng nhỏ dễ bị tổn thương hơn những ngân hàng lớn khi mà nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn.
Trên thực tế thì những ngân hàng CP nhỏ họ phải làm kinh doanh rất cật lực không như những ngân hàng lớn đã có khách hàng tầm cỡ. Thậm chí, có những ngân hàng có vốn của Nhà nước thì được chỉ định luôn những khách hàng để phục vụ. Trong khi các ngân hàng CP nhỏ phải đi tìm những khách hàng để cho vay, phải tìm được khách hàng tốt. Nhưng khách hàng tốt không phải là dễ và nhiều, thành ra họ thường phải gánh chịu nhiều rủi ro bởi các doanh nghiệp yếu kém. Chính vì thế mà nợ xấu trong các ngân hàng nhỏ là rất lớn. Thứ nữa là đồng vốn của họ hạn chế, khả năng huy động vốn của họ cũng hạn chế. Họ phải chạy đôn chạy đáo huy động, nâng lãi suất lên, rồi chi phí cao… Huy động vốn đã khó, cho vay cũng khó, hai điều này đã đưa họ vào tình trạng buộc phải chấp nhận rủi ro rất lớn và phải chịu nhiều hậu quả.
PV: Như vậy có nghĩa là nợ xấu hiện tập trung phần lớn ở các ngân hàng CP nhỏ?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Về số lượng nợ xấu thì các ngân hàng lớn chiếm một tỷ trọng rất lớn của toàn ngành, nhưng về tỷ lệ nợ xấu của từng ngân hàng thì tỷ lệ nợ xấu thực tế (không phải tỷ lệ báo cáo chính thức) tại những ngân hàng nhỏ được xem là rất cao. Riêng về các ngân hàng nhỏ thì một trong những vấn đề khiến họ trở nên khó khăn là nợ xấu. Vấn đề tái cơ cấu tất nhiên là phải nhắm đầu tiên vào vấn đề giải quyết nợ xấu thế nào. Có nghĩa là điều chỉnh lại tài sản có qua việc xử lý những tài sản xấu (nợ xấu) chẳng hạn như thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, xóa nợ… Trong việc xử lý nợ xấu cái hậu quả lớn nhất của nợ xấu để lại cho các ngân hàng là nợ xấu ăn vào lợi nhuận và vốn, vì tại những ngân hàng ở Việt Nam thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn 100% thường là nhóm nợ có dư số lớn nhất trong những nhóm nợ xấu (nhóm 3 - nhóm 5). Nếu nợ xấu lên tới 20% thì chưa đến nỗi âm, nhưng mà lên tới 30% thì có khả năng ngân hàng đó đang hoạt động với vốn âm. Mà ngân hàng có vốn âm thì ngân hàng đó coi như bị phá sản.
Theo kinh nghiệm của tôi với nhiều ngân hàng trên thế giới thì khoảng 50% của tổng dư nợ xấu (nhóm 3 - nhóm 5) được xem là mất trắng.
PV: Theo ông, trong hệ thống có ngân hàng nào vốn về gần như âm không?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Không ai biết được. Mà cũng không ai dám cho họ phá sản. Thật ra, như ở bên Mỹ, các ngân hàng có vốn âm hoặc vốn của họ xuống khoảng 2-3% là các ngân hàng Trung ương bắt đầu đóng cửa rồi, sau khi đóng cửa thì bán tài sản có và tài sản nợ đi. Ngay tài sản nợ cũng có thể bán được, chẳng hạn như tiền gửi của khách hàng cũng có thể bán cho những ngân hàng khác, họ chia nhỏ những thực thể của các ngân hàng yếu đi, phần nào tốt thì được bán. Tiền gửi tại một ngân hàng được công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) bảo hiểm cho đến 250.000USD cho mỗi khách hàng. Thế nhưng ở mình thì khó mà nắm rõ thực chất một ngân hàng vốn thực sự của họ là bao nhiêu nên bị lúng túng trong vấn đề giải thể. Chưa kể giải thể thì ai là người chịu thiệt hại, khách hàng chịu thiệt hại, cổ đông thiệt hại rồi cơ quan bảo hiểm tiền gửi thiệt hại hay đến cuối cùng là chính phủ và công quỹ thiệt hại.
Chính vì thế mà cho đến bây giờ thì giữ tất cả yếu cũng như mạnh. Ngân hàng nào yếu quá thì bơm thêm vốn vào. Cũng có trường hợp ngân hàng Trung ương chỉ đạo các ngân hàng khác góp vốn cho vay cho những ngân hàng yếu để giúp nó sống. Thực ra, đây là những biện pháp, tình huống giải quyết được, giữ được tính ổn định của hệ thống ngân hàng, tức là cho đến giờ này, chưa có anh nào phá sản. Thế nhưng thực tế về lâu về dài thì ai đó, đâu đó phải chịu hậu quả của nợ xấu hoặc là dân chúng hoặc là chính phủ hoặc là cả đất nước.
PV: Chưa phá sản nhưng để sống và phát triển được thì theo ông trong thời điểm khó khăn này những ngân hàng nhỏ phải làm gì?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nói đến phát triển của một ngân hàng CP nhỏ thì cái đầu tiên là vốn. Vốn rất quan trọng vì đó là xương sống để ngân hàng đó tồn tại. Điều thứ 2 quan trọng nữa về vốn là giới hạn cho vay. Như ở ta thì trong quy định của luật tổ chức tín dụng, cho vay một doanh nghiệp không thể quá 15% vốn tự có. Thành ra muốn phát triển thì vốn tự có phải lớn thì mới có thể cho vay được với anh lớn. Còn nhỏ thì với 15% chỉ cho cho các doanh nghiệp hạng trung vay mà thôi. Thành ra vốn quan trọng ở chỗ nó là cột mốc để làm kinh doanh. Ngoài ra, vốn thật sự là cái đĩa đệm cho những sự tổn thất. Chẳng hạn mình có nợ xấu, nhưng vốn của mình cao thì mình vẫn an toàn còn vốn mỏng thành ra chỉ một vài cái nợ to mà xấu là mất vốn rồi. Chính vì những khía cạnh đó nên vốn là cái cột sống của ngân hàng. Nếu chính phủ muốn giúp các ngân hàng thì ngân hàng trung ương phải xem anh nào vốn yếu. Như ở bên Mỹ, những ngân hàng nào mà vốn yếu, chính phủ thấy rằng những ngân hàng đó vẫn phải phục vụ cái địa phương nào đó thì họ cứu những ngân hàng đó bằng cách là tái cấp vốn.
Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính thế giới và Mỹ xảy ra thì họ đã dùng 2 biện pháp, là những ngân hàng nào phá sản họ cho phá sản, còn những ngân hàng nào thấy có thể cầm cự được thì họ tái cấp vốn qua chương trình yêu cầu các ngân hàng đó phát hành cổ phiếu ưu đãi. Chính phủ Mỹ đã dùng cái cổ phiếu ưu đãi đó để tái cấp vốn cho một số ngân hàng. Tức là cấp vốn thôi chứ họ không tham gia vào quản trị các ngân hàng đó và để các ngân hàng đó tự quản trị và điều hành. Việt Nam mình có lẽ phải đi đến giải pháp như thế, những ngân hàng nhỏ mà thấy khả năng họ có thể vững trở lại thì sẽ tái cấp vốn theo hình thức như một cổ phiếu ưu đãi và được hưởng lãi suất cố định, nói đúng ra là cổ tức cố định ngay từ ban đầu, nhưng không tham gia HĐQT.
PV: Với kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy hiện tại các ngân hàng CP nhỏ mắc phải những tồn tại nào trong quá trình hoạt động?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Ưu điểm của ngân hàng nhỏ là họ phục vụ một phân khúc thị trường nhỏ rất tốt, họ nắm bắt nhu cầu các doanh nghiệp và dân cư trong địa phương của họ. Các lãnh đạo ngân hàng có thể tham gia vào các lĩnh vực như công tác xã hội văn hóa, thành ra họ sâu sát trong các địa bàn của họ. Nhưng cái nhược điểm của các ngân hàng nhỏ là rất dễ bị tổn thương khi mà vòng quay của nền kinh tế đi vào chu kỳ suy thoái và rõ ràng từ năm 2011 đến giờ khi mà nền kinh tế đang đi vào chu kỳ suy thoái thì các ngân hàng nhỏ bị tổn thương đến mức mà không được cứu thì họ sẽ bị phá sản. Một số ngân hàng sắp bị phá sản đã được cứu bằng cách là bắt buộc sát nhập vào các ngân hàng lớn. Nhưng ngoài những ngân hàng này liệu có ngân hàng nhỏ nào đang đứng trước bờ vực phá sản chúng ta không biết.
Phải giải quyết sở hữu chéo
PV: Tới đây, cũng có thể có những ngân hàng nhỏ phải sáp nhập với nhau, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo như Ngân hàng Nhà nước thì hiện tại sau khi cứu 9 ngân hàng lại có một số được xem là yếu kém. Với những ngân hàng đó cần có biện pháp rất mạnh, thứ nhất là họ phải chứng tỏ là họ có khả năng sinh lời, họ có quản lý, quản trị rủi ro tốt… Đặc biệt ngân hàng đó phải chứng minh một chuyện là họ không phải ở đây để phục vụ nhóm lợi ích nào, hoặc cổ đông liên quan, nhóm liên quan. Vì đã từng có trường hợp họ dựa vào thế lực tài chính của cổ đông lớn hoặc doanh nghiệp nào đó và rất nhiều trường hợp họ là công cụ, bị doanh nghiệp sử dụng như sân trước hay sân sau.
Đó là điểm rất dễ bị tổn thương của các ngân hàng. Họ không phải phục vụ đại chúng. Ở nước ngoài ngân hàng giữ trách nhiệm là phục vụ đại chúng, còn ở Việt Nam nhiều khi là của cá nhân, gia đình, phục vụ một nhóm nào nên phát sinh nhiều vấn đề.
Sở hữu chéo, nợ xấu đang là mối đe dọa cho hệ thống ngân hàng
Sở hữu chéo cũng là nguyên nhân khiến nợ xấu phát sinh dễ dàng. Vì khi nền kinh tế suy thoái những công ty liên quan đi vào suy thoái thì các ngân hàng không mặn mà đóng cửa công ty đó, thanh lý tài sản mà chấp nhận nợ xấu và kéo dài ra và chờ khi kinh tế tốt trở lại thì công ty có thể trả lại cho họ. Chính vì thế nợ xấu được gia hạn, được giấu đi, được để dưới gầm bàn để mà hy vọng các món nợ xấu sẽ trở thành nợ tốt một ngày nào đấy.
PV: Trong tiến trình này liệu có xảy ra hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé”không, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Chưa thấy. Hiện tại chỉ thấy hiện tượng cá bé nuốt nhau, sáp nhập với nhau nhiều hơn. Chưa thấy môt ông rất lớn tìm đến một ông nhỏ để mua, thâu tóm.
PV: Chứng tỏ các ngân hàng nhỏ hoạt động không được tốt, chứ nếu đó là miếng đất sinh lời thì các ông lớn sẽ lập tức nhảy xổ vào ngay, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Một trong những trở ngại thâu tóm là sổ sách ngân hàng. Ở bên Mỹ nếu có một ngân hàng thâu tóm một ngân hàng khác thì họ điều tra rất kỹ và gọi tiến trình đó là “due diligence” và cả 2 bên cùng sẵn sàng hợp tác điều tra, về nợ xấu tồn đọng…
Trong trường hợp của mình sổ sách không rõ ràng, ông lớn nhìn ông nhỏ thấy cơ thể ông này không lành mạnh, nhưng ở chỗ nào lại không có khả năng điều tra, chính vì thế mà ông lớn ngại vào điều tra rồi thành “ôm rơm nặng bụng”, không biết lợi được bao nhiêu nhưng phải giải quyết nợ xấu thì cũng chết. Thế nên, các ông lớn hiện nay cũng không có nhu cầu, không mặn mà gì đến chuyện mua hay sáp nhập với ông bé
PV: Nghĩa là các ngân hàng lớn đang rất “ngại” sáp nhập, vì sao vậy, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy. Các ngân hàng lớn không mặn mà lắm trong việc sáp nhập trừ khi họ được chỉ định. Nhưng muốn để các ngân hàng tự tìm đến nhau thì bước đầu cần thực hiện là thi hành chỉ thị của Thủ tướng là các ngân hàng phải niêm yết hết. Hiện nay các ngân hàng niêm yết là ngân hàng đại chúng, báo cáo tài chính của họ là báo cáo có kiểm toán độc lập. Đó là quy định của Ủy ban Chứng khoán. Từ báo cáo minh bạch như thế thì khách hàng và dân chúng sẽ có thông tin chính xác, từ đó phát hiện ra ngân hàng thật sự yếu kém, ngân hàng có sức mạnh, từ đó điều chỉnh tái cơ cấu mới thực hiện được. Đây là bước thứ 1, sắp được thực hiện.
Thứ hai vấn đề sở hữu chéo. Thật sự đã có nhiều người có ý kiến nhưng đến giờ giải quyết sở hữu chéo vẫn rất nan giải vì chồng chéo nhiều quá, chân rết quá lớn. Thành ra để giải quyết tận gốc vấn đề này sẽ rất phức tạp, chính vì thế đây là điểm ai cũng thấy cần phải giải quyết nhưng chưa ai dám đụng tay vào.
PV: Theo ông, sở hữu chéo có phải là lý do khiến cho tỷ trọng lớn của nợ xấu nằm ở các ngân hàng CP?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đã có quy định một cổ đông không được sở hữu quá bao nhiêu % vốn điều lệ của ngân hàng. Tuân thủ theo luật hiện hành, ngân hàng không được sở hữu chéo nhau, ông A sở hữu ông B thì được, ông B sở hữu trở lại ông A không được phép. Nhưng ở mình do hệ thống pháp lý còn nhiều kẽ hở nên có không ít các cổ đông khai báo bừa bãi. Thành ra hệ thống pháp luật cần phải điều chỉnh ở điểm đó, là phải có luật cấm những người đưa ra thông tin không đúng sự thật. Từ đó có cơ sở yêu cầu các cổ đông khai báo và tuân thủ theo luật hiện hành. Đúng là vì một số người có thế lực và tiền của đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp để sở hữu chéo và tạo ra thế lực rất mạnh qua vốn đầu tư của họ trong hệ thống ngân hàng. Từ thế lực này họ đã dùng một số ngân hàng làm sân sau của họ để tài trợ những công ty liên quan. Khi nền kinh tế đi vào suy thoái thì những món nợ này trở nên nợ xấu. Thí dụ điển hình là trường hợp của Bầu Kiên. Do đó có thể nói sở hữu chéo là một trong những nguyên nhân chủ yếu đưa đến nợ xấu tại các ngân hàng CP.
PV: Có nghĩa là hệ thống ngân hàng hiện tại đang tồn tại vấn đề cần giải quyết là đầu tư chéo, sở hữu chéo, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề sở hữu chéo, vấn đề vốn được thể hiện một cách minh bạch thì sẽ nói vấn đề tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, vấn đề quản trị rủi ro...
Không giải quyết được vấn đề sở hữu chéo thì chỉ mỗi việc họ cho vay lòng vòng nhau không phải bằng vốn thực, mà là vốn ảo và tiền cứ lên nhưng lên ảo cũng đã giết chết nền kinh tế.
Sau nữa là quản trị các ngân hàng. Chính vì sở hữu chéo nên người cổ đông lớn có quyền lực lớn trong một ngân hàng. Phải làm thế nào để hội đồng quản trị ở trong một ngân hàng thực sự phải là những nhà quản trị. Phải giải quyết sở hữu chéo để những thành viên cũng có uy quyền, đặc biệt chức năng của thành viên độc lập của HĐQT. Chứ như bây giờ nhiều thành viên của HĐQT không có thực quyền vì sở hữu chéo vô hiệu hóa các nguyên tắc về quản trị doanh nghiệp. Rồi bên cạnh đó là vấn đề quản lý rủi ro… Tất cả những cái đó cứ từng bước một, Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra một lộ trình cho các ngân hàng. Cho tới bây giờ ai cũng nói tới tái cấu trúc, vấn đề đầu tiên mình đạt được là sát nhập một số ngân hàng yếu kém và tìm cách loại bỏ nhưng hình như mới dừng ở mức đó thôi. Vẫn chưa nói tới tái cấu trúc thế nào về vốn, về sở hữu chéo, quản trị công ty thế nào, quản trị rủi ro thế nào… Hình như tất cả kế hoạch mới ở vài điểm, mặc dù có tiến triển tốt thế nhưng không có tính toàn bộ và hệ thống.
PV: Ông có tin rằng chúng ta sẽ giải quyết được sở hữu chéo?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Cái vấn đề không phải là có xử lý được hay không, mà là phải xử lý, bắt buộc phải xử lý. Nếu không giải quyết được thì các ngân hàng CP khó mà “hồi sinh”. Nếu không xử lý được 1 năm thì cùng lắm là 3 năm, vấn đề không phải có nên hay không mà phải bắt buộc. Đó là con đường duy nhất để có hệ thống ngân hàng lành mạnh và cùng hội nhập trong thị trường thế giới bởi cho đến giờ này, hệ số tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam còn rất thấp. Đó là điều ảnh hưởng xấu đến sự hồi phục và phát triển kinh tế.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tiến hành tái cơ cấu toàn diện trên tất cả các mặt về tài chính, quản trị, hoạt động và ở tất cả các nhóm tổ chức tín dụng (TCTD) với trọng tâm là các TCTD yếu kém, ngân hàng thương mại Nhà nước và TCTD phi ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên nguyên tắc tự nguyện để xử lý các TCTD yếu kém và nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh của các TCTD; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế tham gia vào quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu. |
Thái Linh (thực hiện)
-
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
-
Tin tức kinh tế ngày 11/11: Các "ông lớn" công nghệ nộp hơn 8.600 tỷ đồng tiền thuế
-
Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng lên 4,55%
-
MBBank lãi sau thuế hơn 16.000 tỷ đồng, nợ xấu vượt 15.000 tỷ đồng
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp