Trong cơn tháo chạy hỗn hoạn, ai đã đổ tiền “thu gom” cổ phiếu?
Phiên giao dịch ngày 3/1 trôi qua với nhiều cảm xúc của giới đầu tư. Giảm sâu trong phiên sáng và có thời điểm, thị trường bị “thổi bay” hơn 5 tỷ USD vốn hoá, tuy nhiên, cầu bắt đáy gia tăng mạnh mẽ đã giúp các chỉ số hồi phục dần vào phiên chiều.
Kết phiên, VN-Index thu hẹp đà giảm, chỉ còn mất 8,48 điểm tương ứng 0,91% còn 928,14 điểm. HNX-Index giảm 1,05 điểm tương ứng 1,03% còn 101,31 điểm và UPCoM-Index giảm 0,75 điểm tương ứng 1,37% còn 54,38 điểm.
Một lượng tiền lớn đã đổ vào bắt đáy và góp phần giúp các chỉ số phục hồi đáng kể trong phiên 3/1 (ảnh minh hoạ) |
Thanh khoản bật tăng rất mạnh với khối lượng giao dịch trên HSX lên tới 275,51 triệu cổ phiếu tương ứng dòng tiền 5.053,37 tỷ đồng đổ vào mua cổ phiếu “sale off” (giảm giá).
Trên HNX, với 63,44 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch ở mức 594,17 tỷ đồng và con số này trên thị trường UPCoM là 14,66 triệu cổ phiếu tương ứng 182,1 tỷ đồng. Tổng giá trị dòng tiền đổ vào thị trường hôm qua lên tới gần 5.700 tỷ đồng.
Số lượng mã giảm giá trên thị trường vẫn áp đảo, lên tới 526 mã và có 76 mã giảm sàn. Trong khi đó, bên tăng có 139 mã và vẫn có 30 mã tăng trần.
Trong khi nhiều cổ phiếu kịp “thoát sàn” vào phiên chiều thì kết phiên hôm qua, HAG của Hoàng Anh Gia Lai lại giảm sàn 250 đồng xuống còn 3.390 đồng/cổ phiếu, không có dư mua và vẫn còn dư bán sàn hơn 20 nghìn đơn vị.
VHC của Thuỷ sản Vĩnh Hoàn giảm sàn 2.400 đồng xuống còn 32.500 đồng/cổ phiếu, cuối phiên cũng không có dư mua, dư bán sàn hơn 14 nghìn đơn vị.
ROS của FLC Faros giảm sàn 650 đồng còn 8.680 đồng/cổ phiếu, cuối phiên cũng trắng bên mua và dư bán sàn hơn 369 nghìn đơn vị.
Cùng với đó, một số mã lớn như VHM, GAS, PLX, VJC, BVH vẫn giảm giá khá mạnh và ảnh hưởng kém tích cực đến VN-Index. Ảnh hưởng từ VHM là 2,24 điểm; từ GAS là 1,84 điểm và từ PLX là 0,75 điểm. Dù vậy, mức độ tác động này đã cải thiện đáng kể so với các thời điểm trước đó diễn ra trong phiên.
Nhóm cổ phiếu dược hôm qua có phần hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn đạt được trạng thái tăng giá tốt. Chẳng hạn DHG của Dược Hậu Giang tuy không còn duy trì được mức giá trần song vẫn tăng giá lên 102.600 đồng và nằm trong top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index.
Đáng kể nhất về tốc độ hồi phục phải đề cập tới cặp cổ phiếu ngân hàng BID - CTG. Cụ thể, BID tăng giá 2.000 đồng lên 53.500 đồng còn CTG tăng 750 đồng lên 25.150 đồng/cổ phiếu. Hai mã này lần lượt đóng góp 2,34 điểm và 0,81 điểm cho chỉ số chính.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, VN-Index đã hình thành vùng hỗ trợ mạnh ở 898-910 điểm sau phiên hôm qua.
Mặc dù chỉ số có sự hồi phục tương đối tích cực về cuối phiên và có thể hướng đến thử thách vùng kháng cự 931-936 điểm trong phiên kế tiếp nhưng về tổng thể chuyên gia BVSC vẫn cho rằng áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu trong ngắn hạn.
Đồng thời, BVSC cũng lưu ý đến khả năng chỉ số sẽ lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 898-910 điểm trong những phiên tiếp theo. Sau nhịp sụt giảm mạnh, đà giảm của thị trường dự kiến sẽ dần chậm lại và có thể xuất hiện các phiên hồi phục kỹ thuật đan xen.
Nhóm phân tích khuyến nghị, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng lớn nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng.
Do rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu nên nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao chỉ cân nhắc giải ngân ở các vùng hỗ trợ mạnh như 898-910 điểm hay 860-870 điểm. Đồng thời, hạn chế các hoạt động mua đuổi giá cao khi thị trường hồi phục mạnh.
Theo Dân trí
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt
-
Nhà sản xuất pin xe điện Trung Quốc đóng cửa toàn bộ hoạt động tại Châu Âu
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 30/10: Giá dầu thế giới trở lại sắc xanh
-
Giá dầu hôm nay (30/10): Dầu thô tăng trong phiên