“Triệt hạ” vùng mỡ bụng không khó
Mỡ bụng là một hiện tượng trớ trêu. Có thể bạn đã có cân nặng đúng mong muốn, nhưng vòng eo vẫn không thon gọn, mà dường như mỡ cứ dồn vào bụng, còn vòng 1 và vòng 3 lại chẳng nảy nở như ý. Trong trường hợp đó, tìm cách ăn kiêng hay tập thêm nhiều môn thể dục không phải là một phương án tốt. Thậm chí, bạn sẽ càng rối loạn hơn với cảm giác thèm ăn liên tục, tinh thần không thoải mái, và có thể dẫn đến tăng cân, tích trữ thêm mỡ ở bụng. Bạn nên hiểu rõ rằng, riêng mỡ ở vùng bụng, đùi, mông và hông bám rất chắc trong cơ thể, nên việc tập trung giảm mỡ bụng sẽ cần những “kỹ thuật” đặc biệt.
1. Ngủ nhiều hơn và tìm cách giảm căng thẳng
Một nghiên cứu đã cho thấy phần lớn những phụ nữ có vòng eo to (kể cả là thiếu cân hay thừa cân) đều có dấu hiệu căng thẳng thần kinh. Vì vậy, kể cả khi bạn đã cố gắng ăn ít đi, thì mỡ bụng vẫn tích trữ ở vòng eo.
Để giảm căng thẳng, hãy sắp xếp để có thể ngủ nhiều hơn. Bạn đừng quá ám ảnh với lời đồn “càng ngủ nhiều thì càng béo”. Nếu bạn thực sự thấy mình thuộc tình trạng ăn ít nhưng vẫn béo bụng, thì hãy dành thời gian để ngủ. Bạn hoàn toàn có thể cắt giảm 1 giờ tập thể dục thành 1 giờ để ngủ. Và khi ngủ, hãy quên đi những lo lắng về kế hoạch giảm cân hay ăn kiêng, hãy thư giãn hoàn toàn và tin rằng “thần ngủ” sẽ giúp xua đuổi đám mỡ bụng cứng đầu.
2. Cân bằng lại hormone
Các hormone trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến vị trí tích trữ mỡ thừa. Cụ thể, hormone insulin và cortisol sẽ ảnh hưởng đến việc tích trữ mỡ bụng của cả phụ nữ và nam giới. Đối với phụ nữ thì cortisol có tầm ảnh hưởng nhiều hơn. Ngược lại, hai hormone là estrogen và progesterone sẽ kết hợp để ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực của insulin và cortisol đến việc tích trữ mỡ bụng. Bản thân nữ giới sẽ có lợi thế hơn nam giới vì có nhiều estrogen hơn, nên bạn sẽ hiểu tại sao nam giới thường dễ bị béo bụng hơn.
Để giữ được hormone cân bằng, cụ thể là không làm giảm lượng estrogen, bạn cần phải giữ tinh thần thoải mái để tránh căng thẳng, đồng thời lựa chọn một chế độ ăn không quá kiêng khem, khắt khe. Bởi một chế độ ăn khiến bạn cảm thấy ngon miệng và thỏa mãn sẽ tự động giúp cơ thể cân bằng lượng estrogen so với testosterone và cortisol. Ngoài ra, bạn có thể tìm cách giảm insulin bằng cách hạn chế ăn đồ ngọt.
3. Ăn ít và tập thể dục ít
Một số người thường mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn: tập thể dục nhiều → ăn nhiều hơn → lại tiếp tục tập thể dục nhiều hơn. Điều này khiến việc giảm cân kéo dài và mệt mỏi. Số khác lại cho rằng kết hợp chế độ khắt khe “ăn ít, tập nhiều” sẽ giúp giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, chế độ này dễ dẫn đến việc mất cân bằng hormone như đã nói ở trên, khiến mỡ bụng tích tụ nhiều hơn.
Vì vậy, hãy thử với chế độ “tập thể dục ít, ăn ít”. Bạn có thể đi bộ 10 nghìn bước mỗi ngày, và tập tạ khoảng 2 buổi mỗi tuần. Chế độ luyện tập nhẹ nhàng này đặc biệt hiệu quả với nữ giới, giúp tăng cường hiệu quả thư giãn và phục hồi cho cơ thể, hỗ trợ giảm mức cortisol trong cơ thể, thúc đẩy quá trình làm tan mỡ bụng.
4. Chọn thực phẩm chức năng phù hợp
Thay vì chọn các loại thuốc giảm cân, bạn nên chọn uống các loại thực phẩm chức năng có chứa các thành phần giúp hỗ trợ đặc biệt đến việc làm tan mỡ bụng:
- Vitamin nhóm B, kẽm, magie: Giúp làm giảm căng thẳng và chống tăng insulin trong cơ thể.
- Chiết xuất từ quả cà phê xanh (khoảng 1000 milligram mỗi ngày): Giúp hỗ trợ làm giảm insulin, từ đó chống tình trạng tích mỡ thừa ở bụng (hiệu quả tương tự với nước trà xanh).
- Chiết xuất từ củ nghệ (khoảng 1000 - 4000 milligram mỗi ngày): Giúp tăng cường trao đổi chất, giảm căng thẳng, ngăn ngừa các enzyme gây ảnh hưởng đến việc tích mỡ và ảnh hưởng đến việc giảm cân.
P.Linh
Fitbie.com