Total “tấn công” năng lượng tái tạo
Thương vụ trên trị giá 237,5 triệu euro, là một bước đi mới trong chiến lược phát triển năng lượng xanh của Total.
Eren Re được thành lập năm 2012 bởi David Corchia và Paris Moratoglou, một là sáng lập viên, một là người đứng đầu Chi nhánh EDF Energies nouvelles của Tổng Công ty Điện lực Pháp (EDF).
Trụ sở của Total tại Paris, Pháp |
Công ty Eren Re chuyên về năng lượng mặt trời, gió và thủy điện, đã và đang xây dựng được các cơ sở sản xuất điện với tổng công suất 650MW. Eren Re chủ yếu có mặt tại các nước đang phát triển như Brazil, Argentina, Ấn Độ, Nam Phi... Mục tiêu của Eren Re trong 5 năm tới là xây dựng và lắp đặt được 3GW điện.
Đối với Total, thương vụ mua lại Eren Re đem lại lợi đơn lợi kép, vì từ nay Total có đầy đủ các công ty sản xuất năng lượng tái tạo. Total có Chi nhánh SunPower tại Mỹ, chuyên sản xuất các tấm pin mặt trời. Việc mua lại Eren Re sẽ cho phép Total đặt chân vào điện gió, thủy triều, Tổng giám đốc Total, Patrick Pouyanné giải thích cho AFP.
Sau khi thương vụ được hoàn tất vào cuối năm nay, Eren Re sẽ được đổi tên thành Total Eren. Kế hoạch tiếp theo của Total là mua thêm cổ phần để nắm quyền điều hành Eren Re. “Chúng tôi sẽ kiểm soát Eren Re trong 5 năm nữa với một thương vụ từ 1 đến 2 tỉ euro”, ông Pouyanné khẳng định.
Theo ước tính của Hãng Wood Mackenzie, các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới phải đầu tư 350 tỉ USD cho năng lượng gió và mặt trời trong giai đoạn từ nay đến năm 2035. |
Kể từ khi tiếp quản SunPower năm 2011, Total đã phát triển mạnh mẽ trong phân khúc thị trường năng lượng tái tạo với các dự án nhiên liệu sinh học, thương vụ mua lại công ty của Pháp chuyên sản xuất ắc quy Saft năm ngoái, hay hồi đầu năm 2017 thành lập một công ty chuyên về năng lượng mặt trời, Total Solar. Ngoài ra, ngày 19-9, Total cũng thông báo việc mua lại của công ty Pháp GreenFlex, chuyên về hiệu suất năng lượng. Giá trị giao dịch này chưa được tiết lộ nhưng GreenFlex dự kiến sẽ đạt doanh thu 350 triệu euro trong năm nay.
Điều đáng nói là Total không phải là tập đoàn dầu khí duy nhất trên thế giới đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như hồi đầu năm 2016, Statoil, nhà sản xuất dầu khí lớn nhất Na Uy cho biết, sẽ đầu tư 200 triệu USD vào năng lượng tái tạo trong 4-7 năm. Hiện nay, Staloil đang tham gia xây dựng dự án nhà máy phong điện nổi ngoài khơi Hywind Scotland Pilot Park (Hywind) với quy mô thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Dự án sẽ chính thức được khởi công vào cuối năm 2017 với tổng mức đầu tư lên tới 232 triệu USD. Tập đoàn Eni của Italia gần đây thông báo sẽ đầu tư 1 tỉ euro vào các dự án điện năng lượng mặt trời. Shell cũng đã thành lập 2 chi nhánh chuyên về năng lượng tái tạo và dự kiến sẽ đầu tư vào hai chi nhánh này 1 tỉ USD mỗi năm từ nay cho đến năm 2020...
Tuy vậy, trong bối cảnh chính phủ nhiều nước đang hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, đầu tư cho năng lượng tái tạo, hạn chế xe hơi chạy bằng xăng và dầu diesel, ưu tiên cho phát triển xe điện, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu các tập đoàn dầu khí lớn không chịu đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, chắc chắn họ sẽ bị tụt hậu. “Các hãng năng lượng truyền thống cần hành động nhanh chóng nếu không muốn đi lùi trong thế giới mà nhu cầu dầu thô đã lên đến đỉnh điểm. Năng lượng gió và mặt trời đang ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường”, đánh giá của Hãng Wood Mackenzie được kênh CNN trích dẫn. Theo ước tính của Hãng Wood Mackenzie, các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới phải đầu tư 350 tỉ USD cho năng lượng gió và mặt trời trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 thì mới có được thị phần trong mảng năng lượng tái tạo bằng thị phần mà họ đang nắm giữ trong ngành dầu khí.
Total tham vọng trở thành nhà phân phối điện
Cuối tháng 8-2017, Chủ tịch Total Patrick Pouyanné tuyên bố từ nay tới cuối năm, tập đoàn sẽ thực hiện dự án phân phối điện và khí đốt cho 2 triệu khách hàng trên toàn nước Pháp. Từ lâu, Total đã có tham vọng trở thành nhà sản xuất và phân phối điện chính ở Pháp. Tháng 5-2016, tập đoàn này đã thành lập một chi nhánh gom lại tất cả các hoạt động về điện, khí đốt và năng lượng tái tạo. 2 tháng sau đó, Total đã mua lại Công ty Lampiris của Bỉ chuyên về phân phối điện và khí đốt cho khách hàng cá nhân ở Bỉ và ở Pháp. Thương vụ này trị giá 180 triệu euro. Lampiris, ngoài lĩnh vực phân phối các nguồn điện được sản xuất bằng năng lượng sạch, cũng cung cấp các dịch vụ năng lượng khác như bảo trì hệ thống cách nhiệt, cách điện.... Tính tới đầu năm 2016, Lampiris có tổng cộng hơn 1 triệu khách hàng, trong đó 200.000 ở Pháp và 850.000 ở Bỉ. Bằng việc mua lại Lampiris, Total tính sẽ cạnh tranh với các công ty như EDF và Engie về phân phối điện. “Trước mắt chúng tôi mới nhắm tới các khách hàng tại Pháp. Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ khí đốt và điện với giá rẻ và bằng hệ thống phân phối rất hiện đại. Chúng tôi sẽ thâm nhập sâu thị trường Pháp trong vài tháng tới”, Chủ tịch Total nói trên kênh BFM Business. Sau khi mua Lampiris, cho đến nay Total có 500.000 khách hàng Pháp mua khí đốt và điện. Mục tiêu của tập đoàn này là đạt được 2 triệu khách hàng trong thời gian tới. |
S.Phương
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh