Toàn văn phát biểu của Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội
TS Lê Mạnh Hùng - đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam |
Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp, kính thưa Quốc hội!
Qua nghiên cứu Hồ sơ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và trực tiếp tham gia nhiều cuộc họp trong quá trình chuẩn bị, tôi thấy rằng việc triển khai sửa đổi Luật Dầu khí đã bám sát chủ trương của Đảng nêu tại các Nghị quyết số 41 (Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035), Nghị quyết số 36 (Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”), Nghị quyết số 55 (Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện thể chế cho Ngành Dầu khí.
Thực hiện đúng theo Nghị quyết số 17/2021/QH15, các Nghị quyết của Chính phủ, trình tự, thủ tục, thông qua tổng kết, đánh giá thực tiễn áp dụng Luật Dầu khí 1993 và các sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2008, trên cơ sở đó đã đưa ra 06 nhóm chính sách nhằm giải quyết những thay đổi, vướng mắc phát sinh mới mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, sự chồng chéo giữa Luật Dầu khí và các Luật khác, cũng như những điều chỉnh cơ chế ưu đãi cần thiết để thu hút đầu tư cho các dự án dầu khí. Vì vậy tôi thống nhất cao với Hồ sơ trình của Chính phủ.
Có thể nói Luật Dầu khí năm 1993 đã tạo ra khung pháp lý quan trọng cho Ngành Dầu khí để triển khai mạnh mẽ các hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến năm 2021, đã ký kết được 108 hợp đồng dầu khí với 112 phát hiện dầu khí, khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí, tạo ra doanh thu là 430 tỷ USD, đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 115 tỷ USD, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm An ninh năng lượng và Chủ quyền quốc gia trên biển. Hình thành ngành công nghiệp Dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ Thăm dò - Khai thác, Công nghiệp khí, Lọc hóa dầu, Điện, năng lượng tái tạo và Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, đã tạo nên tài sản tích lũy đến tháng 12 năm 2021 là 893,9 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 486,3 nghìn tỷ đồng, khoảng 60 nghìn lao động kỹ thuật. Tuy nhiên, suốt những năm qua, Việt Nam mới chỉ khai thác được trên 750 triệu m3 quy dầu trên tổng trữ lượng dầu khí đã được xác minh khoảng 1,5 tỷ m3 dầu khí quy đổi. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn khoảng 1,5-2,2 tỷ m3 quy dầu ở khu vực tiềm năng chưa được khai thác và phát huy do các khó khăn vướng mắc, trong đó, có vướng mắc về cơ chế.
Việt Nam là nước nhập khẩu ròng về năng lượng từ năm 2015, nhu cầu về năng lượng sơ cấp và sản phẩm dầu khí ở nước ta khá cao, tăng trưởng 3-5% năm. Tổng nhu cầu xăng dầu lên tới trên 20 triệu tấn/năm, so với sản lượng khai thác 8-10 triệu tấn dầu thô/năm. Trong khi đó, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã và đang suy giảm tự nhiên, rất cần phải đẩy mạnh gia tăng trữ lượng để tăng sản lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển năng lượng trên thế giới đang diễn ra tác động đến lộ trình, cơ cấu sử dụng các dạng năng lượng đã tạo áp lực rất lớn về mặt thời gian và sự chuyển đổi đối với năng lượng hóa thạch. Bối cảnh nêu trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết và cấp bách phải sửa đổi Luật Dầu khí để tạo cơ chế thu hút đầu tư và phân cấp quyết định, nhằm đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các mỏ dầu khí vào khai thác, sử dụng.
Để Luật Dầu khí sau khi ban hành có tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tôi đề nghị điều chỉnh, bổ sung 03 vấn đề cụ thể sau:
1. Các quy định trong Luật Dầu khí cần phản ánh tính đặc thù của Hoạt động dầu khí (đầu tư lớn; rủi ro cao – chỉ thành công 20%; công nghệ hiện đại, phức tạp; an toàn cháy nổ; thị trường biến động; hoạt động gắn với an ninh quốc phòng; và chịu tác động lớn của địa chính trị,..., do vậy cần bổ sung quy định tại Điều 1 và Điều 3, sửa đồng bộ với Khoản 4 Điều 34 cho dự án đồng bộ, siêu lớn được triển khai theo mô hình “chuỗi”.
Ngoài ra, việc áp dụng Luật Dầu khí trong hoạt động đầu tư, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cần được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 4 và Điều 14 để tránh chồng chéo, hiểu nhầm khi áp dụng. Tương tự như vậy, cần xem xét bổ sung quy định việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí sẽ áp dụng theo quy định của Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí, đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, cạnh tranh. Đồng thời, đề nghị loại bỏ Khoản 3 Điều 34 quy định về việc dự án dầu khí thực hiện theo quy trình Luật Đầu tư công vì không thể thực hiện được.
2. Về ưu đãi cho hoạt động dầu khí cần bảo đảm tính khả thi trong thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm cạnh tranh ngang bằng khu vực, phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư và Nhà nước. Trong Dự thảo Luật đã phản ánh ưu đãi thuế và mức thu hồi chi phí (tuy nhiên còn thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực). Do vậy, đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện nhưng phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên, nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian. Theo đó, đề nghị bổ sung tại Điều 64 “Trường hợp quy định ưu đãi đầu tư mới cao hơn thì nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi đầu tư mới từ thời điểm Luật Dầu khí có hiệu lực đến khi kết thúc hợp đồng dầu khí. Trường hợp quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn mức mà nhà thầu dầu khí được hưởng trước đó thì nhà thầu dầu khí được tiếp tục áp dụng quy định tại hợp đồng dầu khí”.
3. Cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại các Điều 52 và Điều 53: (i) Khi PVN thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí theo ủy quyền của Chính phủ, thì PVN thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động dầu khí do Chính phủ giao một cách rõ ràng, cụ thể (ví dụ ký hợp đồng dầu khí; phê duyệt dự án dầu khí;...); và (ii) Khi PVN là nhà thầu dầu khí thì quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của PVN được quy định và áp dụng như với các nhà thầu dầu khí khác trong Luật Dầu khí.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Dầu khí sửa đổi.
Tôi xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội!
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng