Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tiếp tục quản lý, theo sát mùa lễ hội xuân 2013: Không buông lỏng quản lý

07:00 | 22/02/2013

1,129 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đã có một số tín hiệu tốt đẹp của lễ hội xuân Quý Tỵ 2013. Đã có những hiệu quả ban đầu trong công tác quản lý, tổ chức, điều hành lễ hội. Nhưng cùng với đó còn có cả một số tiêu cực tái diễn. Và những nguy cơ vẫn tiềm ẩn, sẵn sàng lộ diện theo mức độ buông lỏng, vô trách nhiệm, vô ý thức, vụ lợi của những người quản lý, tổ chức, tham gia lễ hội.

Đẹp và chưa đẹp

Mùa lễ hội và các hoạt động hội, lễ của xuân Quý Tỵ 2013 đang diễn ra sôi nổi tại nhiều vùng miền, địa phương, kéo lượng công chúng rất đông đảo vào những cuộc kính cáo, hành hương, tưởng niệm, vui chơi, thưởng lãm.

Hội Đống Đa 2013

Đã có nhiều thông tin, hình ảnh phản ánh kịp thời về không khí các lễ hội diễn ra thời gian qua. Theo đó, cùng với sự chỉ đạo, theo dõi, giám sát của các cấp ngành, công chúng thấy được nhiều khởi sắc trong công tác tổ chức, duy trì các hoạt động của lễ hội. Tại nhiều nơi, tình hình được cải biến, tốt hơn hẳn những mùa hội trước. Tại lễ hội Đống Đa - Hà Nội vào mùng 5 tết, không gian bên trong và bên ngoài gò Đống Đa được sắp xếp quy củ, gọn gàng hơn. Ở phía ngoài, khu vui chơi, giải trí đã tập trung hơn, bớt chiếm khoảng đi lại của người dự hội, âm thanh loa máy từ khu vực này cũng đã tiết chế ở mức độ vừa phải. Không còn thấy cảnh có nhà vệ sinh mà ở góc tường bên chân gò vẫn có người… tự do giải quyết. Không còn một số người bán hàng rong ngồi tự do.

Chuẩn bị cho hội Lim 2013, để phòng chống những tiêu cực lễ hội, những hình ảnh không đẹp đã xuất hiện đều đặn những năm trước, bị báo chí, dư luận phản đối mạnh mẽ như hình ảnh quan họ ngả nón nhận tiền, tỉnh và địa phương đã đưa ra chỉ đạo nghiêm cấm để tái diễn đối với các nghệ sĩ, diễn viên quan họ của các đơn vị nghệ thuật, văn hóa trực thuộc. Phía huyện Tiên Du, Phòng VHTT huyện cũng đã tổ chức ký cam kết với các CLB quan họ tham gia biểu diễn trong hội Lim và Chủ tịch UBND các xã nơi có các CLB đó để cùng có trách nhiệm theo dõi, giám sát thực hiện. Để chống các tiêu cực lễ hội khác như ô nhiễm môi trường do quán ăn vặt tràn lan các vỉa hè, ô nhiễm âm thanh do các quầy vui chơi có thưởng thỏa sức “đua tiếng”, cảnh ăn xin, ăn mày “tung hoành”, cảnh ùn tắc giao thông… tại Lim đã có nhiều phương án điều phối cũng như quy hoạch rõ ràng hơn về các điểm gửi xe từ vòng ngoài, các khu vực trung tâm lễ hội, dịch vụ. Một lực lượng đông đảo công an, bộ đội, dân quân, cán bộ, nhân viên các ngành đã sẵn sàng vào cuộc.

Tuy nhiên, vẫn còn những hình ảnh không đẹp, không sạch, thiếu văn minh, vô ý thức gây phản cảm trong các hoạt động hội, lễ. Như ở Văn miếu Quốc Tử Giám trong những ngày đầu xuân, dù đội ngũ bảo vệ ở đây đã túc trực thường xuyên tại khu vực nhà bia nhưng cũng không ngăn cản hết được những công chúng quá vô tư vi phạm. Nhiều người, từ trẻ em đến thanh niên và các phụ huynh có con nhỏ thường “tranh thủ” lúc bảo vệ quay đi hoặc đứng ở chỗ khác, lại nhoài người hoặc bước hẳn qua dây vào sờ, xoa đầu linh vật đội bia. Khu vực nhà bia cũng là điểm cần giữ trang nghiêm, sạch sẽ nhưng nhiều người vẫn thoải mái vứt, rắc, thả tiền lên các linh vật đội bia, thậm chí còn gài, đặt tiền kín những tấm bảng giới thiệu. Tiền lẻ nhiều vương vãi cả xuống đất. Mọi năm, báo chí phê phán hình ảnh nhiều người thả tiền xuống mái ngói nhà Thái học. Năm nay cảnh này vẫn tái diễn, buổi chiều phải có người lên quét xuống.

Vẫn còn nhiều hình ảnh phản cảm tại Văn miếu Quốc Tử Giám

Dù không tràn lan nhưng cảnh lôi thôi, nhếch nhác vẫn xuất hiện đây đó từ nơi diễn ra lễ hội to đến những không gian di tích tâm linh, tín ngưỡng nhỏ, lẻ. Ngay ở chùa Trầm thuộc xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội, dù địa bàn không rộng lớn nhưng những quán hàng chăng bạt vẫn chiếm nhiều vị trí trong sân chùa. Nhiều rác vẫn vương vãi xung quanh khiến cho không gian nơi đây ít nhiều bị ảnh hưởng.

Cần phòng ngừa tiếp những gì?

Tái diễn những tiêu cực thường niên ở các kỳ lễ hội, gây những cảnh nhức nhối mà báo chí phê phán năm này qua năm khác. Một trong những nguyên nhân, tác động cơ bản chính là ảnh hưởng giữa các hoạt động dịch vụ với công tác tổ chức, điều hành lễ hội. Không khí ồn ã, bừa bãi, mất vệ sinh và giá cả “lên giời” của nhiều nhà hàng, quán ăn, quầy hàng lưu niệm, “đặc sản”, hoa quả, quà bánh, các ki-ốt vui chơi có thưởng… vẫn đã, đang và sẽ gặm nhấm sự thiêng liêng, nghiêm túc, thanh lịch của các lễ hội. Nhiều năm qua, vấn nạn này vẫn không hết hoặc được tiết chế, cải thiện một cách chậm chạp. Điều này, đương nhiên có sự tác động bởi nhu cầu đa dạng của một lượng người đi hội khổng lồ về ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm, vệ sinh... Và chính các dịch vụ đó, khi đăng ký hoạt động trong lễ hội, đương nhiên, sẽ phải đóng góp những khoản phí nhất định.

Nhưng còn phải bàn nhiều đến công chúng, khách thập phương đổ về các lễ hội mỗi mùa xuân. Rõ ràng rất nhiều tiêu cực lễ hội được gây ra bởi không ít người đi hội - một bộ phận cơ bản tạo nên không khí lễ hội nhưng nhiều khi cũng trở thành trung tâm của nhiều rắc rối. Ăn uống la liệt, vệ sinh, xả rác bừa bãi, giải trí ồn ào, gài, rắc, vứt tiền lẻ khắp chốn… những hành vi này đều do rất đông người kém ý thức tạo nên.

Cảnh tại sân chùa Trầm đầu xuân 2013

Để lễ hội bị ảnh hưởng, bị lũng đoạn và tha hóa, một trong những hạn chế và cũng chính là thực trạng, đó chính là công tác quản lý lễ hội ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn, trật tự, vệ sinh, văn minh lễ hội. Không hiểu mỗi năm các địa phương dành bao nhiêu thời gian để tập huấn, nâng cao cho đội ngũ cán bộ văn hóa về nghiệp vụ quản lý, tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa. Cũng như không hiểu mức độ sát sao của việc kiểm tra và độ nặng của việc xử lý đến đâu mà vấn nạn hàng năm vẫn tái diễn. Đã có nhiều lễ hội dường như đang diễn ra tình trạng tiêu cực “nhờn” với luật pháp, với các quy định của địa phương, của BTC. Và lực lượng chức năng thì đứng trước những vi phạm, tái diễn tiêu cực, có lẽ còn xử lý nhẹ tay. Mấy năm qua, ngành VH-TT&DL đã tăng cường, tích cực hơn trong công tác thanh kiểm tra lễ hội. Nhưng tính chất bí mật, bất ngờ xem chừng cũng đã bị  bỏ qua. Nếu chỉ thuần túy thanh kiểm tra theo kế hoạch, theo sự thông báo trước thì liệu những “con sâu”, những vết bẩn trong lễ hội, những tồn tại, yếu kém có còn ở lại trên địa bàn để đợi các cơ quan chức năng đến “bắt”?

Tiếp tục quản lý thường xuyên, chặt chẽ và quyết liệt…

Nên chăng ngành VH-TT&DL từ bộ đến các sở, ngay trong mùa hội xuân Quý Tỵ này, cần nhanh chóng xây dựng một cơ chế rà soát, kiểm tra liên tục và bí mật trong các lễ hội, xử lý quyết liệt những vi phạm, trong đó nếu lực lượng hay cá nhân quản lý liên quan vô trách nhiệm hay dung túng cho tiêu cực sẽ bị phạt nặng?

Cách thức tổ chức, quản lý lễ hội ở các cấp địa phương, cơ sở, các biện pháp theo dõi, giám sát có vai trò lớn, quyết định nhiều đến mức độ nghiêm túc, văn minh hay lộn xộn, xuống cấp tại lễ hội. Nhiều năm dư luận đã đặt vấn đề nếu các nơi thực sự nêu cao ý thức trách nhiệm, thực thi đúng theo các văn bản pháp luật và các quy định về văn minh lễ hội thì thực tế sẽ không xảy ra nhiều vấn nạn lễ hội như đã thấy. Sẽ không thấy hoặc thấy rất ít những vi phạm trong lễ hội nếu có sự lường trước, sắp xếp, túc trực và phản ứng, xử lý kịp thời của các lực lượng kể cả từ lãnh đạo cho đến các ban ngành. Tại lễ hội Đống Đa vừa qua, bà Hà Thị Lê Nhung – Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, để giữ được sự quy củ của lễ hội, loại bỏ được những yếu tố xô bồ, hỗn tạp, các cơ quan, lực lượng của địa phương đã phối hợp chặt chẽ và kiên quyết trong theo dõi, kiểm tra, vận động, nhắc nhở người dân làm dịch vụ thực hiện nghiêm văn minh lễ hội.  

Về vấn đề tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, theo dõi đối với công chúng, khách thập phương đi hội, cũng như liên quan đến thực trạng dịch vụ tràn lan, sẽ không có gì khó khăn và nhiêu khê nếu các không gian, hoạt động của lễ hội được quy hoạch tốt, hoạt động lễ, hoạt động hội, các dịch vụ được phân khu và điều hành quy củ, dịch vụ không được lấn sân, không gây ảnh hưởng đến hội và lễ về diện tích, âm thanh, mùi vị. Đồng thời, với những đối tượng vô ý thức, quá bất lịch sự nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến bầu không khí thiêng liêng của lễ hội, không nên chỉ tuyên truyền, nhắc nhở mà cần có những chế tài xử phạt đích đáng.

Mùa hội xuân Quý Tỵ 2013, dù đang có những dấu hiện khả quan nhờ sự tích cực trong chỉ đạo, tổ chức, rút kinh nghiệm từ những hiệu quả và tồn tại của mùa hội 2012, nhưng vẫn đòi hỏi và yêu cầu cao đối với các cấp quản lý, lực lượng chức năng từ trung ương đến xã, phường. Nếu chỉ buông lỏng một chút hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định, biện pháp như kế hoạch đã đề ra, thì nhiều tiêu cực lễ hội bắt nguồn từ thương mại hóa, tư lợi, vi phạm pháp luật, quy định, vô ý thức, vô tổ chức, ấu trĩ, kém hiểu biết… sẽ có cơ hội lấn lướt, tiếp tục làm xấu, làm bẩn lễ hội như đã từng và xóa nhòa đi những thành quả đáng ghi nhận.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Tổ chức quản lý bất cập - Ý thức người dân thiếu hụt.

Bên cạnh những tín hiệu được xem là tiến bộ thì vẫn còn đó rất nhiều bất cập trong các lễ hội của chúng ta hiện nay. Tôi không nói đến những con số, nhưng quả thực là nước ta quá nhiều lễ hội. Đó là một điều đáng mừng khi văn hóa vẫn giữ được nhiều di sản lễ hội độc đáo nhưng đáng lo lại nhiều hơn khi tồn đọng quá nhiều bất cập. Không thể giải quyết những vấn đề này trong ngày một ngày hai, vì thực tế các nhà nghiên cứu văn hóa cũng từng nói rất nhiều, bản thân tôi cũng nói đến...phát chán. Nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng về quản lý văn hóa lễ hội chúng ta còn yếu kém và người dân thì còn thiếu cả tri thức lẫn ý thức khi tham gia lễ hội. Nên để khắc phục hiện trạng này đòi hỏi quá trình lâu dài và bền bỉ.

Về phía nhà quản lý thực chất còn nhiêu khê và có khi là bất lực. Chúng ta đưa ra những chính sách “trên trời” không thiết thực. Rất nhiều các quy định này, nghị định kia không có khả năng thực thi, thậm trí còn nặng về vấn đề cấm đoán. Theo tôi thì lễ hội không nên đặt nặng vấn đề cấm đoán, nhất là vấn đề tâm linh, tín ngưỡng. Vì thế việc nhà quản lý cần một mặt quản lý sát sao, một mặt phổ biến trí thức cũng như ý thức cho người dân. Mới đây thôi ở chùa Bái Đính hình ảnh người dân nhét tiền vào miệng các vị La Hán khiến tôi thực sự đau lòng. Tôi không hiểu hành vi đó chuyển tải cái gì, bởi truyền thống thì chắc chắn không phải vậy. Nói về tín ngưỡng thì họ cầu mong cái gì? Hay chăng là hối lộ, “bịt miệng ăn tiền” nơi cửa Phật hay sao? Tôi nghĩ đó là hành vi của những người thiếu hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo. Những người thiếu tri thức thì sẽ dẫn đến những hành động lệch chuẩn, dể bị trục lợi. Nên cần lắm những nhà quản lý văn hóa và sự vào cuộc của các phương tiện truyền thông đại chúng thông tin cho người dân hiểu, đến chùa thì cầm làm gì và làm như thế nào.

Ghi nhận đôi nét tiến bộ của các lễ hội năm nay, nhưng đáng tiếc chưa là những đột phá. Tôi mong rằng bên cạnh khắc phục về mặt quản lý cần sát sao hơn, triệt để hơn thì người dân cũng phải tự trang bị kiến thức cho mình để hành xử đúng mực ở những khu lễ hội.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Thần quyền và Chính quyền đang “bật đèn xanh” cho nhau:

Điều phải công nhận rằng chúng ta có quá nhiều lễ hội nên tình trạng ô hội là không tránh khỏi, đặc biệt là xu hướng a dua, ăn theo nên những đặc trưng lễ hội đang bị đe dọa. Việc trùng tu lại các di tích văn hóa cũng như khôi phục lại lễ hội cũng rơi vào tình trạng rập khuôn. Vô hình chung làm mất đi bản sắc tại các vùng miền. Bên cạnh đó việc thương mại hóa ở các lễ hội cũng đang là vấn đề nhức nhối. Dù là lễ hội lớn hay nhỏ thì đều có những hàng quán, vật phẩm... trao đổi buôn bán. Xét đúng mức thì nỗi đau và trách nhiệm thuộc niềm chung, không của riêng ai.

Có tình trạng các nhà quản lý lễ hội ở địa phương ganh đua để gặt hái, tăng thêm thu nhập cho địa phương, thậm trí xuất hiện những lợi ích nhóm... Nói không ngoa rằng: Thần quyền và chính quyền đang bật đèn xanh cho nhau để trục lợi. Nếu quản lý lễ hội tại các địa phương thực hiện triệt để và sát sao hơn thì chắc chắn tình trạng thương mại hóa tại các lễ hội sẽ không hoặc giảm thiểu xuất hiện. Song song với đó là việc nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, nhận thức của người đứng đầu để có những chủ trương sát thực, đem lại sự lành mạnh vốn có cho bộ mặt của các lễ hội.

Xét về “chất” thì trách nhiệm thuộc về nhà quản lý lễ hội, là những người đứng đầu nhưng cộng đồng cũng không phải không mắc lỗi. Việc hành xử ở các lễ hội trở nên nhuộm nhoạm cũng thuộc vào ý thức người dân. Có cung, ắt có cầu nếu người dân không tiếp tay cho việc thương mại hóa ở các lễ hội thì tình trạng ô hội sẽ giảm thiểu. Không nói đến các tổ chức mang tính chất vĩ mô, tôi kỳ vọng vào các ban, ngành, đoàn địa phương...nên có những hoạt động thiết thực tác động trực quan đến người dân để mọi người biết, hiểu và hành động chuẩn mực khi tham gia vào lễ hội.

GS Trần Lâm Biền: Người dân không hiểu thấu đáo về lễ hội

Tình trạng lễ hội vẫn tiếp diễn nhiều tiêu cực trong những năm liên tiếp bởi khá nhiều nguyên nhân. Từ rất lâu nay người ta cứ tổ chức lễ hội nhưng không hiểu lễ hội là gì? Người ta đã nhầm tưởng hội là vui chơi còn lễ là cúng bái. Bộ lễ ngày xưa bao gồm cả bộ ngoại giao, văn hóa, giáo dục… không dính dáng đến cúng bái. Còn hội mang tính chất tập hợp chứ không phải vui chơi. Lễ là căn bản trong lễ hội. Có thể tạm hiểu, lễ là ứng xử có văn hóa. Trước hết là mối ứng xử với thần linh. Trong nhận thức của người Việt được ghi trên tấm bia của chùa Bối Khê “Anh Tú của đất trời là sông núi. Anh tú của sông núi là thần linh”. Thần linh có trách nhiệm làm mưa thuận gió hòa, như vậy thần linh mang lại ước nguyện mùa màng tươi tốt cho nhân dân. Vì thần linh là không nhìn thấy nên người ta phải thông qua cúng bái với thần linh, mong muốn thần linh hỗ trợ cho con người. Thứ hai về lễ đó là sự ứng xử con người với cộng đồng. Con người đi tìm vai trò và trách nhiệm của mình với cộng đồng, kinh tế tiểu nông ít có mối quan hệ cộng đồng và lễ hội dẫn con người đến cộng đồng. Ứng xử thứ ba là với tông tộc họ hàng. Ứng xử thứ tư là với chính mình. Lễ hội giúp cho con người thoát khỏi tính cá nhân để vượt lên chính mình. Suy cho cùng lễ hội ngày xưa giúp cho con người thống nhất cùng cộng đồng và cuối cùng dẫn đến điều quan trọng nhất là tinh thần yêu nước. Nhưng đến nay nhìn vào lễ hội không còn tinh thần này mà người ta đề cao cúng bái. Và khi đã nằm trên đường ray sai lầm thì nó trượt dài trên đường ray ấy, không đúng đắn với tâm linh ắt sẽ dẫn đến tiêu cực.

Người dân mất đi ứng xử truyền thống về lễ hội mà rơi vào ứng xử đề cao thần linh theo một chế độ bất công cũ: đến lễ hội nào cũng thấy rước và tế. Rước là hình thức bắt nguồn từ vua chúa còn tế là sinh hoạt của triều đình. Đây không phải là những nghi lễ của nhân dân. Người dân không hiểu thấu đáo về một lễ hội truyền thống mà cứ đên lễ hội lại  là một khoán ước đặt cược với thần linh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hiểu sai lệch về lễ hội cũng có khởi nguồn từ một số nhà nghiên cứu với nhận định: cần phải tăng cường hội và giảm lễ. Và việc không hiểu thấu đáo về lễ hội cũng là một nguyên nhân để mê tín dị đoan núp bóng tín ngưỡng, là nơi để những kẻ không phải là nhà tu hành chân chính lợi dụng kiếm tiền bất chính, làm kinh tế qua tôn giáo tín ngưỡng.

Nhóm PV