Tiến sĩ Võ Trí Thành: Không phải “lo” doanh nghiệp Việt bị thâu tóm
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Võ Trí Thành. |
PV: Thưa ông, xin ông cho biết khái quát về đầu tư và dịch chuyển thương mại?
Tiến sĩ Võ Trí Thành: Trước khi bàn về làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, đầu tiên phải hiểu rõ tại sao doanh nghiệp nước ngoài lại đầu tư vào Việt Nam và ngược lại tại sao chúng ta lại luôn phải thu hút đầu tư.
Thứ nhất, doanh nghiệp đem tiền ra nước ngoài đầu tư nhằm khai thác thị trường bản địa bởi người dân bản xứ sẽ giúp họ tăng sức mua, tăng quy mô doanh nghiệp. Thứ đến, họ tận dụng lợi thế của quốc gia địa phương, tránh các hàng rào thương mại khi xuất nhập khẩu. Thêm nữa là đầu tư ra nước ngoài để tận dụng doanh nghiệp đó như một cái “trục” để xoay chuyển tình thế.
Ví dụ như một quốc gia tham gia vào một hiệp định thương mại tự do với một số quốc gia mà Công ty Mẹ của doanh nghiệp không có những lợi thế, bởi quốc gia của họ không tham gia vào hiệp định thương mại đó, thì doanh nghiệp sẽ nhắm vào các lợi thế đó để đầu tư vào. Đặc biệt là “né” được các hàng rào bảo hộ mà quốc gia khác đang đưa ra áp dụng vào quốc gia của họ.
Doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể đầu tư dưới dạng đầu cơ. Rõ nhất là các quỹ đầu tư ngắn hạn, chỉ trong thời gian ngắn, có lợi nhuận họ sẽ nhanh chóng rút vốn…
Trò chơi thị trường phụ thuộc vào cách mở cửa của quốc gia, tất nhiên có ảnh hưởng từ bối cảnh quốc tế khác giữa các quốc gia khác để doanh nghiệp nước ngoài hướng đến đầu tư.
Ngược lại, cũng cần phải suy nghĩ tại sao các nước trên thế giới lại liên tục muốn tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các nước kém phát triển hay đang phát triển như Việt Nam. Nguyên nhân bởi các nước thiếu vốn phát triển, qua làn sóng đầu tiên quốc gia mới nổi có thể học hỏi về công nghệ, kỹ năng và cuối cùng là giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
PV: Xin ông phân tích rõ hơn về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam?
Tiến sĩ Võ Trí Thành: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể nhanh chóng kết thúc nhưng cũng có thể kéo dài, nó có tác động trực tiếp và gián tiếp đối với Việt Nam bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tác động trực tiếp sẽ làm tăng hoặc giảm giá trị xuất nhập khẩu của nước ta. Mặt khác, cả hai quốc gia đều là nhà đầu tư nằm trong Top 10 vào Việt Nam. Tác động gián tiếp bởi đây là hai quốc gia lớn nhất về kinh tế trên thế giới nên “sức khỏe” của hai nền kinh tế này sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế có độ mở khá lớn của Việt Nam từ đầu tư, thương mại đến tài chính…
Trong các tác động nêu trên thì “trong nguy có cơ - trong cơ có nguy”, đây có thể là thời điểm “đục nước béo cò” nhưng cũng có thể trở thành “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Trong ngắn hạn, đây là cơ hội dịch chuyển đầu tư đối với doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng nếu cuộc chiến này bùng phát, tác động xấu đến kinh tế thế giới thì tác động tiêu cực sẽ nhiều hơn. Đơn giản như nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ vẫn thế, nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc thì có thể nhập khẩu từ các quốc gia khác. Nhưng nếu kéo dài sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ giảm, dẫn tới ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ.
Khi sự dịch chuyển đầu tư mà hầu hết các doanh nghiệp tập trung vào việc “né” hàng rào kỹ thuật về thương mại thì cần lưu ý đến phạm vi về một loạt cam kết của Việt Nam như trong các hiệp định thương mại tự do như FTA, ASEAN - Trung Quốc…
Cụ thể, khi Trung Quốc muốn phát triển lên một nấc thang cao hơn thì việc doanh nghiệp của họ đầu tư ra nước ngoài có thể đem theo những công nghệ, kỹ thuật không tốt. Bởi vậy phải lưu ý tránh là nơi để họ “đổ” công nghệ kém, trở thành “bãi rác công nghiệp”. Câu chuyện này không chỉ là doanh nghiệp Trung Quốc mà của bất cứ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nào vào Việt Nam.
Thứ hai, nếu doanh nghiệp đầu tư với mục đích cơ bản chỉ dùng để “né” sự phong tỏa hàng rào kỹ thuật của một số quốc gia thì sức lan tỏa, kỹ năng của họ không hề cao. Theo nghĩa kết nối với doanh nghiệp bản địa.
Vấn đề thứ ba là mục đích đầu tư chỉ để gian lận xuất xứ. Hàng hóa của họ chỉ dùng nhãn mác Việt Nam để tránh né sự phong tỏa. Để xảy ra vấn đề này sẽ kéo theo một loạt sự áp đặt các biện pháp hạn chế, tự vệ của các quốc gia đang hợp tác với Việt Nam như tự vệ thương mại, điều tra xuất xứ, điều tra bán phá giá… Đây sẽ là nguy hại cực lớn đối với các ngành hàng sản xuất Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của hàng vạn doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang kinh doanh chân chính.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề thâu tóm doanh nghiệp hay không?
T.S Võ Trí Thành: Cùng với các dịch chuyển đầu tư do cuộc chiến thương mại là về vấn đề thâu tóm doanh nghiệp. Phải nói rõ về bản chất đây là một cuộc chơi công bằng trong thị trường do xuất phát từ nhu cầu thực tế của cả hai bên mua và bán.
Thế nhưng có hai lý do cần quan tâm sâu xa nếu thực sự mong muốn sự lớn lên của doanh nghiệp trong nước. Nếu doanh nghiệp phát triển bình thường, chủ đầu tư có thể bán đi, lấy vốn để đầu tư doanh nghiệp mới… Nhưng ngược lại cũng có những trường hợp thâu tóm không phải để tái đầu tư hay phát triển mà dòng tiền ấy không được sử dụng hiệu quả để kinh doanh phát triển là không tốt.
Đáng lưu tâm hơn khi đây là “cuộc chơi” không mang tính thuần túy thị trường mà trở thành một phương thức “len lỏi" gây ảnh hưởng đến sự vận hành lành mạnh của nền kinh tế nước ta hay các doanh nghiệp trong nước. Đây thực ra không phải là câu chuyện mới mà là vấn đề an ninh kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Có thể kể ra rất nhiều dự án sáp nhập doanh nghiệp của Mỹ, Anh, Pháp… cũng phải đưa ra Quốc hội xem xét, đánh giá bởi liên quan đến an ninh, năng lượng, công nghệ, kỹ thuật độc quyền…
Tóm lại, thị trường có sự vận động và quy luật của nó. Cái khéo, cái giỏi, cái khôn ở đây là biết tận dụng cơ hội để các doanh nghiệp Việt phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng ta đã có cách thức mở cửa hội nhập, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế. Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng cạnh tranh, phù hợp các cam kết quốc tế nhưng vẫn phải tạo được dư địa chính sách để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đất nước ta nay đã khác, lực lượng doanh nhân cũng khác nên cần là doanh nhân “xả thân” hơn vì chính doanh nghiệp của mình, cần học hỏi để “biết chơi” bài bản và chuyên nghiệp hơn chứ không phải lo sợ bất cứ sự thâu tóm nào.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thành Công (thực hiện)
-
Lối đi nào để doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
-
Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang sau quyết định tăng thuế?
-
Cơ chế “xanh hóa” của EU và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt
-
Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại