Tiềm năng và rủi ro
Cắm biển, nuôi ngao thu tiền tỉ
Theo đánh giá của Viện Tài nguyên Môi trường biển, Hải Phòng hiện có 23.000ha bãi triều đá nổi và ngập nước rất phong phú về tài nguyên, đa dạng sinh học, có giá trị kinh tế lớn. Những năm gần đây, khu vực bãi triều được nhiều hộ dân khai thác, phát triển nghề nuôi ngao, đem lại nguồn thu lớn cho người dân, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Con ngao sinh sống chủ yếu nhờ phù du, thực vật và quá trình lên xuống của thủy triều, không tốn nhiều công chăm sóc, nhất là ở các vùng cửa biển của Hải Phòng thường cho cho năng suất cao, bởi thời tiết thuận lợi và vùng biển có nguồn thức ăn dồi dào.
Nuôi ngao ở ven biển Hải Phòng thu lợi nhuận tiền tỉ mỗi năm |
Theo tính toán thực tế của những hộ nuôi ngao tại Hải Phòng thì nghề này đem lại giá trị kinh tế lớn và cao gấp nhiều lần so với nghề đi biển: Chỉ cần đầu tư 35 nghìn đồng, mua 2.000 con ngao giống, sau 18 tháng, cho thu hoạch 2 tạ ngao, trừ chi phí, với giá bán khoảng 10-11 nghìn đồng/kg, người nuôi lãi 2 triệu đồng.
Thống kê của Sở NN&PTNT TP Hải Phòng cho biết, hiện tại có hàng trăm hộ thuộc 6 quận, huyện ven biển của Hải Phòng là Cát Hải, Đồ Sơn, Hải An, Kiến Thụy, Dương Kinh và Tiên Lãng đã mạnh dạn đầu tư trên diện tích 1.500ha bãi biển để nuôi ngao. Đồng thời, số hộ nuôi ngao đặc biệt tăng nhanh từ 2011 đến nay.
“Một ví dụ cụ thể cho thấy, nếu năm 2011, tại huyện Kiến Thụy chỉ có một vài hộ nuôi ngao với diện tích vài chục héc-ta, đến nay đã có tới 37 hộ cắm vây bãi với diện tích lên đến hơn 500ha. Còn tại quận Đồ Sơn, hiện có 13 hộ nuôi ngao trên diện tích 140ha” - Đại tá Nguyễn Minh Quang, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hải Phòng cho biết thêm.
Tự phát, tranh chấp, bất an
Việc nhiều hộ dân ven biển TP Hải Phòng tận dụng các bãi biển nuôi ngao đem lại thu nhập cao và việc làm cho hàng nghìn lao động được ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng, nghề này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây bất ổn do tính tự phát và tranh chấp diện tích từ các bãi nuôi ngao.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, trong tổng số khoảng 200 hộ và 1 hợp tác xã nuôi thả ngao ở khu vực bãi triều ven biển thì chỉ có có 96 trường hợp được xã, phường cấp phép, còn 106 trường hợp khác tự khoanh vùng diện tích bãi triều để nuôi ngao. Trong đó huyện Cát Hải có 34 hộ nuôi ngao không phép; khu vực Đoàn Xá (Kiến Thụy) 45 trường hợp nuôi ngao không phép; xã Vinh Quang (Tiên Lãng) có 7 hộ không phép.
Thống kê của lực lượng chức năng cho thấy, từ năm 2015 đến nay, có 15 vụ gây mất an ninh trật tự ở các khu vực bãi triều ở phường Tràng Cát (Hải An); xã Đại Hợp (Kiến Thụy); phường Bàng La (Đồ Sơn) và xã Quang Vinh (Tiên Lãng)... Trong đó, cơ quan chức năng xử lý hình sự 3 vụ với 13 đối tượng và xử phạt vi phạm hành chính nhiều vụ.
Trước tình trạng trên, các quận, huyện có bãi triều ven biển tại Hải Phòng đều rất sốt sắng đề xuất các phương án quản lý bãi triều ven biển nhằm ổn định an ninh trật tự và địa phương cũng có nguồn thu từ cho thuê mặt nước. Tuy nhiên, tất cả đều đang vướng mắc bởi chưa có phân định địa giới hành chính vùng quản lý mặt nước tại các địa phương.
“Trước mắt, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế thủy sản của thành phố, quy định tạm giao quản lý hành chính trên biển, các địa phương tiếp tục lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền tới từng tổ chức, hộ nuôi ngao, để họ hiểu và chấp hành, yên tâm sản xuất, kinh doanh, hạn chế những vụ việc về an ninh trật tự, từng bước lập lại trật tự trong lĩnh vực trên” - ông Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói.
Hiện tại có hàng trăm hộ thuộc 6 quận, huyện ven biển của Hải Phòng là Cát Hải, Đồ Sơn, Hải An, Kiến Thụy, Dương Kinh và Tiên Lãng đã mạnh dạn đầu tư trên diện tích 1.500ha bãi biển để nuôi ngao. |
An An
-
Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững
-
Bất chấp hạn hán, lợi nhuận của kênh đào Panama tăng mạnh
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Cảng biển Việt Nam có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Hoa Kỳ, châu Âu
-
Khánh Hòa: Xem xét đầu tư tuyến đường ven biển tại Khu Kinh tế Vân Phong