Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thủy sản Quảng Ngãi, “mũi nhọn” cần “mài dũa” thêm

09:14 | 13/09/2017

Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, thủy sản được xác định là “mũi nhọn”. Trong 3 năm “tái cơ cấu” lại ngành nông nghiệp, thủy sản đã đạt được những kết quả tương đối ấn tượng, song rất cần phải được “mài dũa” thêm…

Kết quả đáng ghi nhận

Ngày 17-8 mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Báo cáo cho thấy, trong lĩnh vực thủy sản, đang có những chuyển dịch tích cực với hai định hướng lớn là: tăng khai thác xa bờ và tăng tàu cá có công suất lớn từ 400CV trở lên.

Nếu như năm 2016, sản lượng thủy sản toàn tỉnh khai thác ước đạt 170.400 tấn, thì 6 tháng đầu năm 2017 sản lượng khai thác thủy sản tăng 3,2% so với cùng kỳ và bằng 63,4% kế hoạch năm.

Có được kết quả trên là do sự điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp. Cùng với sự mạnh dạn đầu tư của ngư dân trong việc đóng mới, nâng cấp, áp dụng tiến bộ công nghệ trong khai thác, số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngày càng hiện đại. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đối mặt với những nguy hiểm cả về thiên tai và sự uy hiếp của các lực lượng nước ngoài… song ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển.

thuy san quang ngai mui nhon can mai dua them
Tàu, thuyền của ngư dân Quảng Ngãi phần lớn có công suất nhỏ

Nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành được các hợp tác xã dịch vụ khai thác hải sản xa bờ. Đây chính là lực lượng hậu cần tiếp sức cho ngư dân bám biển. Cùng với đó, trên 300 tổ đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, cũng chính là sự liên kết sức mạnh để đối phó với các tình huống bất trắc xảy ra.

Cùng với nghề khai thác, nghề nuôi trồng thủy sản cũng có những tiến bộ đáng kể. Tính đến cuối năm 2016, diện tích nuôi thủy sản ước đạt 1.440ha (tăng 75ha so với năm 2013), trong đó nuôi nước lợ khoảng 800ha, nước ngọt khoảng 890ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 6.400 tấn, tăng 0,4% so với năm 2013, trong đó tôm nước lợ 4.600 tấn, cá nước ngọt 1.500 tấn và thủy sản khác là 250 tấn.

Vẫn chưa tương xứng với tiềm năng

Mặc đù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên, song nhìn một cách tổng thể, nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ngãi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá, tổng số tàu được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt 6 đợt là 103 chiếc, UBND tỉnh đã quyết định xóa tên 25 chiếc, số được phê duyệt còn hiệu lực là 78 chiếc… Tuy nhiên, đến nay mới đóng được 9 tàu cá vỏ thép (trong đó có 3 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ).

Lực lượng tàu cá đến cuối năm 2016 đã tăng 335 chiếc so với năm 2013, đưa tổng số tàu cá trên toàn tỉnh lên 5.568 chiếc, với tổng công suất ước đạt 1.218.000CV. Tuy nhiên, đang thiếu lực lượng tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại để khai thác dài ngày ở các ngư trường xa.

Nghề nuôi trồng thủy sản đang đứng trước sự phát triển theo chiều hướng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ra những hệ lụy cho cả người sản xuất và xã hội. Đã có không ít lồng, bè nuôi tôm của ngư dân ở ven biển bị nhiễm bệnh, không chỉ gây tổn thất về kinh tế, mà còn làm ô nhiễm môi trường.

Cũng do tự phát, mà việc nuôi trồng “chồng lấn” trong vùng quy hoạch các công trình khác, nên không chỉ gây khó khăn cho việc thi công, mà chính các hộ nuôi trồng bị thiệt hại do việc thi công các công trình gây ra.

Tiếp tục “tái cơ cấu”

Vấn đề đặt ra đối với ngành thủy sản Quảng Ngãi là phải tiếp tục “tái cơ cấu” cả về khai thác và nuôi trồng. Bên cạnh đó phải xây dựng cho được mối liên kết chuỗi sản xuất, từ khai thác, đến nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020 của tỉnh Quảng Ngãi, phấn đấu đến năm 2020, ngành khai thác giữ ổn định sản lượng ở mức 150.000-160.000 tấn/năm; giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên. Cùng với đó, giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống 25%, tăng nghề rê khơi từ 26,18% lên 30%; tăng nghề câu lên 18%; tăng nghề lưới vây lên 13%.

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Quảng Ngãi, thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, việc đánh bắt thủy hải sản theo hướng hiện đại, bền vững gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản đạt 2.500ha. Tập trung vào tôm thẻ chân trắng và cá rô phi đơn tính. Ngoài ra, phát triển nuôi biển khoảng 30 lồng bè, với diện tích 4.500-5.000m2, chủ yếu là nuôi tôm hùm.

Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư chế biến, phải có sự chuyển biến mạnh mẽ để đa dạng hóa các sản phẩm. Nếu không nâng cao được tỷ trọng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, mà vẫn cứ sơ chế và xuất thô, thì công cuộc “tái cơ cấu” không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Muốn vậy, ngành thủy sản Quảng Ngãi phải bắt tay ngay vào việc áp dụng quy trình, hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP... tại các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản. Chỉ có như vậy thì đề án “tái cơ cấu” mới thành công một cách trọn vẹn.

Lâm Quý