Thị trường bán lẻ Việt Nam liên tiếp rớt hạng
Hãng tư vấn danh tiếng của Mỹ A.T. Kearney vừa công bố báo cáo thường niên về chỉ số phát triển mảng kinh doanh bán lẻ (GRDI) trên toàn cầu năm 2011. Theo đó, Việt Nam rớt 9 bậc xuống thứ hạng 23 trong tổng số 30 nền kinh tế mới nổi được khảo sát, sau cả Sri Lanka, Marốc, Kazakhstan và thua xa Trung Quốc hay Ấn Độ.
Các chuyên gia A.T.Kearney cho rằng yếu kém trong cơ sở hạ tầng và chi phí thuê mặt bằng quá cao đang là rào cản với các nhà bán lẻ nước ngoài. Trong khi các kênh phân phối truyền thống trong nước vẫn thống lĩnh thì các mô hình bán lẻ mới bắt đầu xuất hiện và ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường. Mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt này càng khiến các nhà đầu tư nước ngoài khó tham gia.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp thị trường bán lẻ Việt Nam bị rớt hạng. Năm 2008, Việt Nam tăng 3 bậc, vượt qua Ấn Độ để trở thành thị trường hấp dẫn nhất thế giới, nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, thể chế chính sách cải tiến theo hướng thân thiện với nhà đầu tư nước ngoài và nhu cầu của người tiêu dùng về những mô hình bán lẻ hiện đại. Đến 2009, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ đứng thứ 6 về mức độ hấp dẫn, và rời xa Top 10 vào năm 2010.
Tuy nhiên, hãng tư vấn đến từ Mỹ đánh giá Việt Nam vẫn còn sức hút nhất định, nhờ quy mô thị trường cũng như số lượng người tiêu dùng. Dự báo đến 2012, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt quy mô 113 tỷ USD và dân số lên tới gần 89 triệu người.
Từ năm 2009, Việt Nam đã mở cửa cho phép các hãng bán lẻ 100% vốn nước ngoài hoạt động. Các hãng danh tiếng của Anh như Tesco hay Singapore như FairPrice đang lên kế hoạch tham gia thị trường Việt Nam ngay năm nay. Tuy nhiên A.T.Kearney cũng cảnh báo kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi sau suy thoái, nên các công ty đa quốc gia vẫn còn thận trọng khi mở rộng mạng lưới hoạt động của mình.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước năm 2010 đạt 1.561,6 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 80 tỷ USD). 5 tháng đầu năm nay, quy mô thị trường đạt 762,7 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD), tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,4%.
Các hãng quản lý bất động sản cũng nhiều lần nhận định giá mặt bằng bán lẻ Việt Nam quá cao, cho dù nguồn cung đang tăng lên và giá có xu hướng giảm nhẹ ở một số khu vực.
2011 là năm thứ 10 liên tiếp hãng A.T.Kearney công bố chỉ số GRDI toàn cầu trong đó đánh giá về mức độ hấp dẫn của các thị trường bán lẻ mới nổi đang phát triển mạnh mẽ nhất thế giới. Các nghiên cứu này đơợc tiến hành tại 30 nền kinh tế mới nổi và đánh giá dựa trên các nhân tố: mức độ rủi ro quốc gia, quy mô dân số, mức độ thịnh vượng và mức độ bão hòa của thị trường bán lẻ.
Tình hình kinh tế bất ổn cùng với sự gia tăng áp lực tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã tạo ra sự thay đổi trong top 10 thị trường bán lẻ phát triển nhất của năm nay. Theo đó, các thị trường bán lẻ Mỹ Latin đang phất lên nhờ mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 6% trong suốt cuộc khủng hoảng. Đáng chú ý, Brazil đã nhảy 5 bậc để lần đầu tiên trở thành thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nhiều nước Nam Mỹ khác cũng có mặt trong Top 10 như Uruguay, Chile và Peru.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn ở châu Á đang giảm dần độ hấp dẫn với nhà bán lẻ nước ngoài. Trung Quốc đã bị soán ngôi đầu và tụt 5 hạng xuống vị trí số sáu trong danh sách. Ấn Độ ngày càng rời xa vị trí số một đạt được năm 2007, và chỉ đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng năm nay.
Chỉ số GRDI A.T. Kearney 2011:
-
Ngân hàng Thế giới dự báo giá dầu giảm kỷ lục vào năm 2025
-
Trung và Đông Nam Âu chuẩn bị gì khi Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine?
-
Giới chuyên gia nói gì về rủi ro giá dầu sau bầu cử Mỹ?
-
Giá dầu hôm nay (2/11): Giá dầu tăng nhẹ trong phiên
-
Sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các vướng mắc hiện nay