Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thêm một góc nhìn về những người làm điện

07:00 | 18/08/2013

518 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ biết chấp nhận hy sinh lợi ích doanh nghiệp vì mục tiêu chung của nền kinh tế, trong những năm qua, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một ví dụ điển hình.

Theo ông Lê Văn Chuyển, Phó ban Kinh doanh EVN, sau nhiều năm liền buộc phải bán điện dưới giá thành nhằm phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của kinh tế cũng như những chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… ngành điện đang rất thiếu vốn.

Theo tính toán của các chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế, ngành điện cần tới hàng trăm tỉ đồng tiền vốn đầu tư mỗi năm. Mặc dù vậy, EVN luôn đặt công tác an sinh xã hội lên mục tiêu ưu tiên. Chỉ tính riêng giai đoạn 2009-2011, thực hiện các chương trình hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, EVN đã dành 132,587 tỉ đồng để hỗ trợ cho 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên. Bên cạnh việc phát triển mở rộng lưới điện nông thôn, EVN đã cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho 2.495 hộ đình với tổng kinh phí là 13,115 tỉ đồng và tích cực triển khai xây dựng “nhà bán trú dân nuôi”, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, y tế… ở 3 địa phương trên.

Đường vào Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Ông Chuyển cũng cho biết: Trong giai đoạn 2012-2015, EVN đề ra mục tiêu đến cuối năm 2015, cả 3 huyện đạt 90% hộ dân có điện. Và để hoàn thành mục tiêu này, EVN dự kiến sẽ cần khoảng 420 tỉ đồng vốn đầu tư. Riêng năm 2012, EVN đã triển khai thi công trên địa bàn 28 xã của 3 huyện và đóng điện được trên 1.000 hộ dân. Trong năm 2013, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vay vốn ADB và đóng điện đến 6.400 hộ dân với tổng giá trị 250 tỉ đồng.

Qua đó để thấy rằng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngành điện vẫn đang cố gắng không chỉ hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện phát triển kinh tế đất nước mà còn cả các mục tiêu an sinh xã hội. Đây chính là câu chuyện trách nhiệm cộng đồng mà hầu hết các DNNN vẫn đã và đang thực hiện nhiều năm qua. Cứ thử hình dung với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng đầu tư phát triển lưới điện ở 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên thì ngoài EVN, sẽ chẳng có đơn vị nào khác có thể thực hiện. Thứ nữa, nhằm thực hiện chương trình ưu tiên phát triển cho đồng bào miền núi, xử lý linh hoạt về giá bán điện đối với những vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, chính sách… của Chính phủ, dù giá bán điện đã ở mức thấp nhưng EVN vẫn dành mức giá ưu đãi cho những nhóm đối tượng này. Thống kê của EVN cho thấy, tính đến 31/12/2012, EVN đã bán điện cho hơn 2,34 triệu hộ áp giá bán điện cho hộ nghèo, hộ thu nhập sử dụng điện dưới 50kWh/tháng, chiếm 11,2% số hộ sử dụng điện, sản lượng điện bán cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện dưới 50kWh/tháng là 2.332,9 triệu kWh.

Nhìn lại câu chuyện phát triển hệ thống lưới điện theo Quy hoạch điện VI, Quy hoạch điện VII có thể thấy: Mặc dù có sự góp mặt khá tích cực của các nguồn lực kinh tế vào đầu tư các dự án điện nhưng đó đều là những dự án “ngon nhất”, thuận lợi nhất và quy mô cũng thuộc dạng khiêm tốn nhất. Còn toàn bộ những dự án “khó nhằn” nhất, vốn đầu tư lớn, đòi hỏi công nghệ cao thì gần như đều do các DNNN như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và EVN thực hiện. Người ta có thể lý giải vì các doanh nghiệp tư nhân vốn ít nên không thể thực hiện được các dự án quy mô lớn, điều này không sai nhưng cũng không phải là hoàn toàn đúng. Cứ thử nhìn cái cách những doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án phát triển hệ thống điện là thấy, họ vẫn đặt rất “nặng” yếu tố lợi nhuận trong quá trình triển khai. Mà như đã đề cập ở trên, với cơ chế giá hiện hành, thật khó để mang yếu tố kinh doanh vào ngành điện vào thời điểm hiện tại. Và hệ quả thì đã thấy rõ, vì coi trọng yếu tố kinh doanh nên một loạt sự cố do thi công ẩu của nhà thầu, sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư… đã xảy ra.

Thực tế này cho thấy rõ một điều, với những chương trình, dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích cộng đồng thì sẽ chỉ được triển khai thành công bởi “bàn tay” của các DNNN. Điều này chúng tôi cũng đã không ít lần đề cập tới bởi chỉ có DNNN mới xem những lợi ích trên là trách nhiệm, là sứ mệnh buộc phải thực hiện. Câu chuyện đầu tư hàng ngàn tỉ đồng trong bối cảnh tổng vốn đầu tư còn rất hạn chế của ngành điện vào 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên ở trên là một ví dụ.

Trong một cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí), ông cho biết: Dự án Thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế là 180MW, với tổng vốn đầu tư lên tới 7.000 tỉ đồng và là dự án khá đặc biệt. Dự án đặt tại huyện Quế Phong - một huyện biên giới nghèo của tỉnh Nghệ An và theo ký ức của những người đầu tiên có mặt trên công trường của dự án này thì chỉ là số “0” tròn trĩnh, không điện và cũng chẳng có đường, khí hậu thì vô cùng khắc nghiệt như muốn thử thách lòng người. Nhưng vượt lên trên tất cả, với sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt từ PVN, từ Tổng Công ty Điện lực Dầu khí và từ phía chính quyền địa phương, dự án đã xuất sắc về đích đúng hẹn.

Ông dẫn chứng: Trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn; kinh phí bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng vượt gần 600 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt (suất đầu tư từ 600 triệu đồng/hộ tăng lên 1,1 tỉ đồng/hộ) nhưng lãnh đạo Tập đoàn, tổng công ty vẫn kiên quyết chỉ đạo phải tập trung lực lượng, trí tuệ và tiền bạc cùng với địa phương không những thực hiện tốt chính sách tái định cư mà còn làm tốt công tác an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

“Dự án Thủy điện Hủa Na không chỉ thể hiện trí tuệ của người dầu khí mà còn cho thấy trách nhiệm với xã hội, với cộng động, với nền kinh tế của những người dầu khí làm điện” - ông Hùng nói.

Những câu chuyện rất thực tế đó đã và đang diễn ra ở khắp mọi miền đất nước, từ miền hải đảo với những dự án điện gió, điện mặt trời của PVN và EVN, đến tận cùng cực Nam của Tổ quốc với Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau đang từng ngày làm thay đổi bộ mặt mảnh đất này. Định hướng nhất quán được Đảng và Chính phủ khẳng định là sớm đưa nước ta tiến lên cơ chế thị trường, đa dạng hóa các thành phần kinh tế. Nhưng Đảng và Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của DNNN trong việc dẫn dắt, định hướng phát triển của nền kinh tế cũng như thực hiện các mục tiêu, chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân! Với riêng ngành điện - ngành đang phải phục vụ cho hơn 90 triệu khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế thì vai trò đó càng trở lên vô cùng quan trọng, không thể thay thế!

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na, tính tới thời điểm này, công ty đã phối hợp với Đảng bộ, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng 13 điểm tái định cư với diện tích hơn 13.000ha; bồi thường, hỗ trợ và di chuyển 1.362 hộ dân ra khỏi khu vực lòng hồ; giải ngân cho tái định cư hơn 1.000 tỉ đồng.

Thanh Ngọc