Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thắp sáng “nơi đầu sóng”

15:49 | 17/01/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến hết năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp nhận quản lý, vận hành và đảm bảo cung cấp điện tại 11/12 huyện đảo, góp phần to lớn trong việc đánh thức tiềm năng, phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. 

Huyện đảo đặc biệt nhất

EVN chính thức tiếp nhận quản lý vận hành hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ ngày 1-8-2017. Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là đơn vị được EVN giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này.

Do vị trí địa lý cách xa đất liền và bao gồm nhiều đảo, điểm đảo trải dài trên vùng biển rộng lớn, nên việc cấp điện cho quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 khó khăn hơn rất nhiều so với các đảo khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Đức - Phó tổng giám đốc EVNSPC cho biết: “Cán bộ, nhân viên tổng công ty luôn xem nhiệm vụ cấp điện cho quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là một vinh dự, qua đó chúng tôi như góp một phần nhỏ bé để đảm bảo điều kiện sống của người dân trên đảo gần hơn với đất liền, đồng thời củng cố an ninh quốc phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc”.

thap sang noi dau song
Đóng điện cho xã đảo Cái Chiên (Quảng Ninh)

Trước khi được bàn giao, EVN và EVNSPC cũng đã cử đoàn công tác ra các đảo, nhà giàn để khảo sát thực tế. Về nguồn điện, các đảo đều đang sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Theo đánh giá thực tế, 70% tấm pin năng lượng mặt trời vẫn còn tốt, nhưng hệ thống ắc-quy đã xuống cấp trầm trọng. Với hệ thống điện gió, 80% thiết bị không còn khả năng cung cấp điện, các trục quay và bo mạch điều khiển turbine điện gió bị hư hỏng vì không được bảo trì và bảo dưỡng định kỳ.

4 tháng kể từ khi tiếp nhận, EVNSPC đang gấp rút phối hợp với các cơ quan quản lý là Lữ đoàn 146 và Tiểu đoàn DK1 thực hiện cải tạo hệ thống điện hiện hữu tại các đảo và nhà giàn để thực hiện cấp điện 24/24h trước tết Nguyên đán năm nay. Giai đoạn tiếp theo sẽ thay thế các turbine gió cũng như kế hoạch cấp điện bằng diesel. Tổng vốn dự kiến thực hiện hai giai đoạn trên khoảng 145 tỉ đồng.

Theo lộ trình, EVNSPC cũng sẽ thống kê các thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng, để có kế hoạch thay thế, thực hiện các giải pháp vận hành hợp lý, góp phần tăng công suất phát, nâng cao hiệu suất sử dụng các thiết bị trên đảo.

Ông Nguyễn Phước Đức cho biết thêm, do huyện đảo quá xa đất liền, việc đi lại khó khăn không thuận tiện, nên định kỳ hằng quý, đoàn công tác ngành điện sẽ ra các cụm đảo, nhà giàn, tiến hành thực hiện công tác kiểm tra, bảo trì thiết bị, với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các đảo, nhà giàn. Tại huyện đảo này, việc cung cấp dịch vụ về điện, giá điện cũng giống như trên các đảo khác và thống nhất giá bán như ở đất liền.

Đảo xa… không còn xa

Theo ông Dương Quang Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN: Ngoài trách nhiệm chính đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, EVN còn thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trước khi được EVN tiếp nhận, hệ thống điện trên các đảo (chủ yếu là máy phát điện dầu, một số nơi có điện mặt trời) đều do lực lượng quân đội hoặc chính quyền địa phương quản lý. Khách hàng chỉ được cấp điện trung bình 6-10 giờ/ngày và chỉ sử dụng điện cho sinh hoạt.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng để cấp điện liên tục, ổn định cho các đảo. Bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ, EVN còn huy động nguồn vốn theo hình thức xã hội hóa: Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia đầu tư.

Các dự án đưa điện ra biển đảo được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tạo đà cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết: Đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) sau khi có điện lưới quốc gia, huyện đã định hướng đưa dịch vụ - du lịch lên hàng đầu thay cho ngư nghiệp vốn là ngành kinh tế mũi nhọn trước đây. Hiện nay, toàn huyện có 1.253 hộ với 1.769 lao động tham gia lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tăng 291 hộ với 326 lao động so với cùng kỳ năm 2016. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 38,01%...

Điện sáng trên các đảo tiền tiêu không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế biển đảo mà còn góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mặc dù vẫn còn khó khăn về nguồn vốn, lại cách xa đất liền, nhưng xác định rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm nguồn năng lượng, góp phần đắc lực cho quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, EVN vẫn bố trí đầy đủ nhân lực, vật lực, quyết tâm hoàn thành xuất sắc trọng trách này.

Chỉ trong 5 năm (2012-2017), EVN đã đưa điện “vượt trùng dương” đến hầu khắp các huyện đảo toàn quốc. Cụ thể:

Tháng 10-2013, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) trở thành đảo đầu tiên trên cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia.

Tháng 2-2014, tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển dài nhất Đông Nam Á được xây dựng tại Việt Nam, đưa điện từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Năm 2016, cùng với việc xây dựng đường dây và TBA đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), ngành điện còn lập thành tựu mới với đường dây 110kV trên không vượt biển dài nhất Việt Nam (24,5km) đưa điện lưới ra đảo Lại Sơn (tỉnh Kiên Giang).

Đến hết năm 2017, với việc tiếp nhận quản lý và cung ứng điện tại Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), EVN đã đưa điện đến 11/12 huyện đảo của cả nước.

Quang Vinh