Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thăm chùa Ngọc Hồi

14:55 | 18/05/2020

1,150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chùa Ngọc Hồi gọi theo tên làng và tên chữ là Ngọc Hồi tự, tọa lạc ven sông Tô Lịch, xưa thuộc tổng Cổ Điển (huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông) nay thuộc xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).    
tham chua ngoc hoi"Miếu Gàn" - Tôn vinh đạo thầy trò cao đẹp
tham chua ngoc hoiĐền và bến Chương Dương - Bản hùng ca chống ngoại xâm phương Bắc
tham chua ngoc hoiHà Nội: Khám phá cuốn sách bằng đồng - cổ vật tại đình Vũ

Vùng đất Ngọc Hồi đã đi vào lịch sử khi Hoàng đế Quang Trung tự dẫn đại quân bao vây và hạ đồn Ngọc Hồi lúc rạng sáng ngày 30/1/1789. Phía quân Thanh, phó tướng của Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị là đề đốc Hứa Thế Hanh cùng tướng tiên phong Trương Triều Long đều bị chết. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến lên và giải phóng hoàn toàn kinh thành Thăng Long vào chiều mồng 5 Tết Kỷ Dậu, trước khi nhân dân hạ nêu. 200 năm sau, ngay cạnh chùa Ngọc Hồi, một Đài chiến thắng khá lớn đã được dựng lên để kỷ niệm trận đánh oai hùng.

tham chua ngoc hoi
Cổng Tam quan chùa Ngọc Hồi

Theo truyền thuyết, chùa Ngọc Hồi được dựng vào thời nhà Trần. Khi ấy, Ngọc Hồi đã là một ngôi làng đông đúc có tên Vĩnh Khang, được cai quản bởi ông Bảo Công, Ả Mô nương và Nhị Mô nương là ba anh em. Sợ họ trở thành một thế lực quân sự đối địch, nên Trần Thủ Độ đã mang quân đến đánh, song thất bại. Rồi Bảo Công tự đem quân về với triều đình, được phong tướng và lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau khi ba anh em mất, vua Trần phong tặng họ là Quảng hoá đại vương, Ả Mô công chúa và Nhị Mô công chúa, giao cho làng Ngọc Hồi đời đời thờ phụng. Hiện trong đình Ngọc Hồi còn lưu giữ 16 đạo sắc phong cho 3 anh em.

Chùa Ngọc Hồi nằm ven sông Tô Lịch, cổng mở về hướng Nam ra con đường đi Lạc Thị. Tam quan cũ của chùa có kết cấu kiến trúc đặc biệt gồm ba lối đi. Ở lối đi chính là phiên bản của tòa Cửu phẩm liên hoa, có nghĩa là chín tầng hoa sen hay còn gọi là Cửu phẩm liên hoa đài. Cửu phẩm liên hoa tịnh sát… một biểu tượng cho những bậc tu hành của Tịnh độ tông, vì vậy còn gọi là Cửu phẩm Tịnh độ, nên tòa này còn hàm nghĩa chín phẩm tu hành khác nhau của cõi Tịnh độ mà đức Phật A Di Đà là giáo chủ cõi này. Ở phương diện dân dã thì "tháp này có công năng chủ yếu là dùng để vãng sinh Tịnh độ cho dân gian giải thoát khỏi bể khổ trầm luân với những phương thức thực hành đơn giản. Thường các nghi lễ vãng sinh này do các nhà sư trụ trì tổ chức vào các dịp như ngày rằm hàng tháng, hoặc ngày xá tội vong nhân rằm tháng Bảy hằng năm’’. Hai bên là 2 lối đi nhỏ, phía trên là lầu chuông, lầu khánh, hai tầng hài hòa, cân đối.

tham chua ngoc hoi
Toàn cảnh chùa Ngọc Hồi

Chùa Ngọc Hồi có kết cấu kiến trúc chữ Đinh gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường là tòa nhà 5 gian hồi bít đốc, từ hai hồi phía trước nối ra trụ biểu bằng bức tường lửng. Nhìn phía trên, bờ nóc đắp dải hoa chanh, chính giữa là ô hình vuông nổi, bên trong đề tên chữ của chùa. Vào bên trong, sáu bộ vì được làm trên bốn hàng chân cột theo kiểu thượng giá chiêng, hạ chồng rường con nhị, kẻ hiên. Tiền đường là nơi bài trí ban thờ Đức Ông bên trái và ban thờ Thánh Tăng bên phải. Đáng chú ý là hai bức phù điêu Hộ Pháp rất đẹp với những nét chạm trau chuốt toát lên nét uy nghiêm của một vị hộ Phật. Thường thì ở các ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, tượng Hộ Pháp được tạo tác rất lớn như ở chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê hay ở chùa Bút Tháp… cao gần bằng mái chùa trong trang phục như võ tướng, đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp, thân thể vạm vỡ, ngồi trên sư tử, có sẵn khí giới để bảo vệ đạo pháp, nhưng ở chùa Ngọc Hồi, Hộ Pháp lại được chạm phù điêu cưỡi sư tử, nhìn có vẻ hiền hòa hơn.

Với bức phù điêu bên trái, khuôn mặt thần Hộ Pháp được tô màu trắng, nét mặt thanh thản, trên tay cầm viên ngọc minh châu để khích lệ mọi người noi theo, vì thế vị Hộ Pháp này được gọi là Khuyến Thiện, bên phải là Hộ Pháp với khuôn mặt đỏ tạo tác khuôn mặt giận dữ như răn đe mọi người lánh xa con đường sa ngã nên thường gọi là vị Trừng Ác.

Tại tòa Tiền đường cũng là nơi bài trí bộ Thập Điện Diêm Vương, đó là 10 vị vua cai quản cõi chết và phán xét con người ở địa ngục căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống cũng nhằm mục đích khuyến giáo chúng sinh tu tâm sửa mình. Ngoài ra, ở Tiền đường còn treo quả chuông đồng Ngọc Hồi tự chung niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 5 (1824) và nhiều di vật có giá trị như hoành phi, câu đối.

tham chua ngoc hoi

Chùa Ngọc Hồi còn lưu giữ hơn 40 pho tượng tròn rất phong phú và đa dạng, có kích thước tương đối lớn và mang phong cách tượng thế kỷ XIX khá đẹp; một quả chuông “Ngọc Hồi tự chung” đúc năm Minh Mệnh thứ 5 (1824). Bên cạnh đó, chùa còn lưu giữ được hệ thống bi ký, phù điêu, câu đối, hoành phi và nhiều đồ tự khí.

Chùa Ngọc Hồi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990.

Nguyễn Hoan