Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Thách thức lưới điện truyền tải

08:00 | 06/02/2015

430 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Điện phải đi trước”, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tiêu thụ điện phát triển kinh tế - xã hội đất nước là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Chính phủ đề ra cho ngành điện phải thực hiện. Và để hoàn thành nhiệm vụ này, bên cạnh việc đầu tư, phát triển nguồn điện mới, hệ thống lưới điện quốc gia cũng không ngừng được nâng cấp, mở rộng, tăng khả năng truyền tải, tạo sự cân bằng cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, do lưới điện ở nhiều khu vực, đặc biệt trên tuyến Bắc - Nam luôn quá tải nên việc đảm bảo sự cân bằng này đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).

Năng lượng Mới số

Chống quá tải, giảm sự cố

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015, ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, thực hiện chủ đề “điện cho miền Nam” và kết quả 3 năm 2012-2014 đầu tư xây dựng các công trình cấp bách cấp điện miền Nam, năm 2014, miền Nam đã được đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện, trong đó trên 20% sản lượng điện tiêu thụ ở miền Nam được truyền tải từ miền Bắc và miền Trung. Và đây chính là thách thức mà ngành điện sẽ phải đối diện trong năm 2015, đặc biệt trong bối cảnh lưới truyền tải luôn phải vận hành quá tải ở nhiều khu vực miền Bắc cũng như các vùng trọng điểm khu vực miền Nam.

Sửa chữa đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông

Thực tế đánh giá công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải của EVNNPT cũng cho thấy, tình trạng quá tải của hệ thống điện truyền tải vẫn diễn ra do nhiều công trình lưới điện, nguồn điện không đạt tiến độ đề ra khiến lưới truyền tải luôn phải vận hành đầy tải. Một số thời điểm còn quá tải ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Việc truyền tải cao trên các đường dây 500kV Bắc - Nam cũng gây khó khăn trong công tác vận hành, dẫn đến nguy cơ sự cố và tổn thất điện năng tăng cao. Trong khi đó, chất lượng thiết bị lưới điện và trạm biến áp (TBA) của nhiều hãng khác nhau, không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong thao tác, sửa chữa, thay thế. Ngoài ra, nhiều thiết bị, công trình đưa vào vận hành trên 20 năm như các TBA 500kV Hà Tĩnh, Phú Lâm, Pleiku, Đà Nẵng, Hòa Bình, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã xuống cấp, chất lượng vận hành không tin cậy.

Để khắc phục những bất cập này, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, EVNNPT đã quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm tra, tăng cường công tác sửa chữa lớn, theo dõi vận hành xử lý kịp thời các khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện, chống quá tải các trạm 500-220kV hiện có. Theo ông Vũ Ngọc Minh, Tổng giám đốc EVNNPT, các đơn vị đã tập trung thực hiện các biện pháp quản lý kỹ thuật, kỷ luật vận hành, tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm thiểu vi phạm hành lang an toàn lưới điện và phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc xử lý vi phạm. Chính vì vậy, năm 2014, mặc dù khối lượng quản lý lưới điện có tăng thêm nhưng số sự cố đã giảm 31 vụ so với năm 2013. Trong năm không để xảy ra sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến quá trình cung cấp điện cho phụ tải và gây mất điện trên diện rộng. Tuy nhiên, sự cố do sét đánh và vi phạm hành lang tuyến phát sinh trong quản lý vận hành, nghiệm thu lại tăng lên. Đặc biệt, hành lang đường dây 500kV Pleiku - Cầu Bông, Đắk Nông - Cầu Bông, Sơn La - Hiệp Hòa mặc dù đưa vào vận hành đã lâu nhưng chưa được xử lý dứt điểm nên vẫn còn sự cố do cây đổ vào hành lang tuyến.

Chính vì vậy, theo EVNNPT, vấn đề đặt ra đối với tổng công ty trong năm 2015 và những năm tiếp theo là tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, vận hành và giám sát trong đầu tư để giảm sự cố trong quá trình vận hành lưới điện. Đồng thời tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu sự cố do sét đánh và tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, xử lý vi phạm hành lang tuyến để giảm thiểu các sự cố do vi phạm hành lang lưới điện.

Được biết trong năm 2014 EVNNPT đã được Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho phép đưa vào vận hành thử nghiệm trung tâm điều khiển xa ứng dụng công nghệ trạm không người trực đối với hai TBA 220kV Mỹ Phước và Bến Tre. Trong thời gian tới, tổng công ty sẽ tập trung đánh giá để có kế hoạch triển khai đồng bộ trên diện rộng đối với các đơn vị khác, đem lại hiệu quả trong công tác đầu tư và nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và EVN.

Để miền Nam không thiếu điện

Để vận hành an toàn các đường dây truyền tải và TBA, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong bối cảnh tiếp tục truyền tải tăng cao để cấp điện cho miền Nam từ năm 2015, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Đặng Phan Tường, tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị thành viên tăng cường quản lý kỹ thuật, trang bị các thiết bị tiên tiến để theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống lưới điện truyền tải nhằm chủ động phát hiện, ngăn ngừa và giảm thiểu sự cố trên lưới điện. Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ tự động hóa để đơn giản hóa thao tác và kiểm soát trình tự thao tác cho người vận hành.

Cùng với việc kiểm tra hệ thống điều khiển bảo vệ tại các TBA nhằm hạn chế sự cố, đảm bảo độ tin cậy trên các tuyến đường dây liên tục vận hành mang tải cao, các đơn vị truyền tải cũng thường xuyên theo dõi tình trạng làm việc của các máy biến áp 220kV, 500kV để báo cáo kịp thời các cấp điều độ điều chỉnh tải phù hợp. Mặt khác, giám sát chế độ vận hành thiết bị, không để vận hành quá điện áp, quá tải, giữ thiết bị trong trạng thái vận hành bình thường. Thực hiện nghiêm các quy trình vận hành và hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm phát hiện kịp thời các khiếm khuyết của thiết bị để xử lý.

Song song với đó, Tổng giám đốc Vũ Ngọc Minh đề nghị các ban quản lý dự án và các công ty truyền tải điện kiên quyết không cho phép đóng điện và không tiếp nhận đối với các công trình không đủ tiêu chuẩn vận hành.  Đặc biệt, tập trung phân loại, đánh giá về chất lượng thiết bị vận hành trên lưới truyền tải để có giải pháp ngăn ngừa đối với các nhà thầu cung cấp thiết bị có chất lượng không đảm bảo.

Ngoài ra, tổng công ty còn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ đường dây 500kV, chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần hành lang đường dây cao áp để nắm bắt thông tin về đốt rừng, nương rẫy, thi công gần hành lang an toàn lưới điện nhằm chủ động phối hợp xử lý. Hoàn thành việc ký cam kết phòng cháy chữa cháy rừng với tất cả các hộ có rẫy dọc hành lang đường dây 220kV, 500kV và ký biên bản phối hợp phòng cháy chữa cháy rừng với hạt kiểm lâm tại các khu vực tuyến đường dây đi qua. Riêng các công ty truyền tải tổ chức xử lý các tồn tại trên lưới điện như phát quang, chặt cây cao trong và ngoài hành lang tuyến, vét mương thoát nước, vá kè móng, bảo dưỡng dây dẫn, dây chống sét, kiểm tra siết phụ kiện... để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định.

Riêng đối với giải pháp giảm tổn thất điện năng, tổng công ty phối hợp chặt chẽ với các Tổng Công ty phân phối cập nhật kịp thời nhu cầu phát triển phụ tải khu vực. Trên cơ sở đó, tính toán và đề xuất phương thức vận hành, kể cả điều chuyển thiết bị để hạn chế tối đa tình trạng quá tải, non tải liên tục trong vận hành của một số TBA và đường dây, gây tổn thất tăng cao trong lưới truyền tải.

Trần Phương