Tập trung rà soát các dự án điện gió, mặt trời, thủy điện có trong quy hoạch
Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An vừa ký văn bản gửi các địa phương rà soát danh mục các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch.
Dự án điện gió Tân Thuận (Ảnh minh họa) |
Theo đó, Bộ Công Thương cho biết hiện nay đang rà soát đánh giá việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, rà soát các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch (kể cả các dự án đã vận hành và các dự án chưa đưa vào vận hành tính đến tháng 2/2022).
Đối với các dự án đã vận hành, Bộ Công Thương đề nghị rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã vận hành, đánh giá tình hình vận hành khai thác các nhà máy, các khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Đối với các dự án chưa vận hành, Bộ Công Thương đề nghị rà soát, thống kê danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có quy hoạch nhưng chưa đưa vào vận hành, cập nhật tình hình triển khai thực hiện chi tiết và tiến độ dự kiến vận hành.
Trước đó, Tổng thanh tra Chính phủ đã có Quyết định Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Đến hết năm 2020, tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà là 16.500MW. Trong đó nguồn điện mặt trời nối lưới đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW (trong đó tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hơn 3.500MW); gần 8.000MW điện mặt trời mái nhà đã được vận hành đến hết năm 2020. Trước đó, tính đến năm 2019 công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà toàn quốc chỉ là 272MW.
Trong khi đó, tại quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tổng công suất của nguồn điện mặt trời tập trung và phân tán trên mái nhà chỉ đặt ra là khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.
Các dự án điện gió đã vận hành trên toàn quốc đến nay là khoảng hơn 4.000MW. Tuy nhiên, con số đã bổ sung quy hoạch và đang nghiên cứu đầu tư lớn hơn nhiều. Trong khi đó, tại quy hoạch điện 7 điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện gió chỉ đặt ra khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.
M.C
-
Giảm phát thải khí nhà kính - Giải pháp nào cho ngành phân bón
-
Bản tin Năng lượng xanh: Sự trở lại của Tổng thống Trump có thể làm chậm lại chứ không ngăn sự bùng nổ năng lượng sạch của Mỹ
-
Bài cuối: Những khuyến nghị quý giá để phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý