Tập đoàn Điện lực khởi động dự án “Phân phối hiệu quả”
EVN: Hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện để nâng cao khả năng cung cấp điện an toàn, hiệu quả.
Được biết, Dự án bao gồm việc xây dựng và củng cố lưới điện phân phối, giới thiệu những công nghệ lưới điện thông minh trong phân phối và hỗ trợ kỹ thuật cũng như phương tiện để xây dựng năng lực cho Cục Điều tiết điện lực Việt Nam (ERAV) và 5 tổng công ty điện lực (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVN NPC, Tổng Công ty Điện lực miền Trung - EVN CPC, Tổng Công ty Điện lực miền Nam - EVN SPC, Tổng Công ty Điện lực TPHCM - EVN HCMC và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội - EVN Hanoi) nhằm phát triển các loại mức giá hợp lý cho ngành điện và thiết kế chương trình quản lý truyền tải điện hiệu quả.
Theo ông Thiều Kim Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc EVN NPC, Dự án Phân phối hiệu quả - khu vực phía Bắc do EVN NPC làm chủ đầu tư sẽ triển khai trong 5 năm (2013-2017) với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng (tương đương 201 triệu USD). Trong đó, chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ODA là 3.358 tỷ đồng, tương đương 161,4 triệu USD. Vốn đối ứng của EVN NPC khoảng 865 tỷ đồng, tương đương 29,6 triệu USD.
Nguồn vốn vay ODA sử dụng cho mua sắm thiết bị, phương tiện, vật liệu điện và thanh toán cho các hợp đồng xây lắp. Vốn đối ứng của chủ đầu tư chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án, chi phí đền bù và thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, đóng các loại thuế, phí.
Giai đoạn 1, dự án DEP sẽ xây dựng và củng cố hệ thống lưới điện 110kV (bao gồm các công trình đường dây và trạm biến áp) tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang; các công trình trung, hạ áp tại 211 xã/42 huyện, thị trấn thuộc 6 tỉnh là Nam Định, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn và Tuyên Quang.
Giai đoạn 2, EVN NPC tiếp tục thi công các công trình 110kV tại 15 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh....; các công trình trung, hạ áp tại 19 tỉnh và 2 tiểu dự án cải tiến công nghệ nhằm hiện đại hóa hệ thống lưới điện phân phối.
Ông Quỳnh khẳng định sau khi hoàn thành dự án, lưới điện phân phối khu vực phía Bắc sẽ nâng cao hiệu quả và khả năng cung cấp điện an toàn, ổn định cho khách hàng, tăng cường độ tin cậy cho hệ thống lưới điện, giảm tổn thất điện năng trên lưới phân phối, đồng thời tăng cường khả năng truyền tải của hệ thống điện trung và hạ áp nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực nông thôn và cận nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng điện nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng.
Trước đó, ngày 7/1/2013, Chính phủ đã phê duyệt cơ chế tài chính cho Dự án DEP; đồng thời giao cho EVN chịu trách nhiệm thẩm định khả năng trả nợ, giám sát Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng khoản vay đúng mục đích và có văn bản bảo lãnh cam kết trả nợ thay trong trường hợp hai Tổng công ty này không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định.
Đây là dự án sử dụng vốn vay WB lớn nhất dành cho lưới điện phân phối ở Việt Nam. Và cũng là dự án được ông Văn Tiến Hùng, Giám đốc dự án thuộc WB tại Việt Nam đánh giá là dự án có thời gian chuẩn bị nhanh nhất từ trước đến nay (chỉ trong vòng một năm) so với các dự án trước thường là 2-3 năm.
Mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả hệ thống lưới điện phân phối, tăng khả năng cung cấp dịch vụ điện năng chất lượng và tin cậy cho các Tổng công ty Điện lực của Việt Nam, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc điều chỉnh nhu cầu phụ tải.
Thanh Ngọc
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
VPBank lọt Top 10 Doanh nghiệp vốn hóa lớn có Quản trị công ty tốt nhất năm 2024
-
Agribank đẩy mạnh cho vay qua tổ vay vốn - tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
-
Kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm rủi ro thiên tai và khuyến nghị cho Việt Nam
-
Giá vàng hôm nay (15/11): Phục hồi sau phiên giảm sâu