Tài ứng biến của HLV Park ở SEA Games
Tình huống cố định là bệ phóng thành công cho Việt Nam tại SEA Games 30, với chín trong tổng số 24 bàn thắng được thực hiện theo phương pháp này. Phần lớn được ghi từ quả treo bóng ở phạt góc hoặc phạt trực tiếp. Đoàn quân của thầy Park đều ghi bàn từ tình huống cố định trong các trận quan trọng với Singapore, Thái Lan, Campuchia và hai lần đụng độ Indonesia.
Thành công của Việt Nam ở SEA Games có dấu ấn đậm nét của HLV Park Hang-seo. Ảnh: Giang Huy. |
Tình huống cố định từng khiến thầy trò Park Hang-seohai lần thủng lưới ở chung kết U23 châu Á 2018. Dưới trời mưa tuyết và mặt sân trơn trượt, phối hợp bóng sống không phải lựa chọn tối ưu. Ở các giải chính thức cho đến vòng loại U23 châu Á tháng 3/2020, U23 hay đội tuyển Việt Nam không ghi bàn nào ở những pha tạt bóng chết. Khi đó, đội quân của Park cũng chỉ ghi một bàn nhờ công của trung vệ Nguyễn Thành Chung trong đại thắng Thái Lan 4-0. Ở vòng loại World Cup 2022, Việt Nam cũng có một bàn theo kịch bản tương tự, nhờ công của Đỗ Duy Mạnh, trận gặp Indonesia.
SEA Games 30 được tổ chức trên sân cỏ nhân tạo, và phần lớn đội bóng đều không quen mặt cỏ này. Phối hợp bóng sống sẽ kém hiệu quả hơn với họ, trong đó có Việt Nam. HLV Park và trợ lý Lee Young-jin chuyển sang luyện bài đá phạt góc hay phạt trực tiếp cho học trò. Bóng chết trở thành vũ khí sát thương của Việt Nam. "Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là pha cố định. Các cầu thủ đã được thực hành rất nhiều tình huống như vậy trong các buổi tập", trợ lý Lee nói sau khi Việt Nam giành HC vàng SEA Games.
Văn Hậu (số 5) đánh đầu mở tỷ số trong trận chung kết với Indonesia. Ảnh: Đức Đồng. |
Không chỉ biết ghi bàn từ cố định, đoàn quân của HLV Park còn ngăn chặn được đòn tấn công này, nếu không tính bàn thua ở trận gặp Lào khi tỷ số đã an bài. Myanmar không ghi bàn nào từ pha cố định tại SEA Games, còn Thái Lan ghi ba bàn từ bóng chết nhưng đều vào lưới đối thủ yếu như Brunei. Indonesia - bại tướng của Việt Nam ở chung kết chuẩn bị tốt hơn ở những tình huống này. Họ ghi sáu bàn từ bóng chết. Trong những quả phạt góc hay phạt trực tiếp, tiền vệ nhỏ con Egy Maulana là quân bài tẩy. Với chiều cao 168 cm, anh thường lẻn vào cấm địa và chạy cắt mặt đánh đầu do ít bị hậu vệ theo kèm. Indonesia ghi được bàn như vậy ở trận bán kết gặp Myanmar. Nhưng, HLV Park bắt thóp phương án này ngay trước thềm chung kết. "Indonesia mạnh ở hai cánh, khi ghi tới 17 bàn từ những vị trí đó. Họ đá phạt theo bài, thường đưa bóng đến cầu thủ số 10 - Egy Maulana", ông nói. Ở chung kết, Việt Nam hóa giải trọn vẹn những tình huống cố định của Indonesia.
Thầy Park cũng áp dụng nhiều bài đá phạt cho học trò. Những cầu thủ cao và đánh đầu tốt nhất như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung, Nguyễn Tiến Linh và Huỳnh Tấn Sinh đứng trên vạch 5,5 mét. Thành Chung thường đứng ở cột gần, còn Văn Hậu đứng ở cột xa. Thông thường, cầu thủ đá phạt khi giơ cao hai tay, sẽ đá về phía cột gần, như tình huống dẫn tới bàn ấn định thắng lợi 3-0 của Văn Hậu ở chung kết. Nếu không, bóng sẽ hướng tới cột xa, như bàn mở tỷ số của Văn Hậu cũng trong trận đó. Nếu bóng đến cột gần, cầu thủ sẽ cố gắng tiếp xúc để đưa bóng tới cột xa, hoặc vị trí phía trước cột xa để đồng đội đằng sau ập vào dứt điểm. Còn nếu bóng tới cột xa, cầu thủ có thể đánh đầu ngay nếu thuận lợi, hoặc chuyền lại về cột gần. Cầu thủ cột gần hiểu bài và sẽ chuẩn bị để dứt điểm. Cũng có lúc cầu thủ đá phạt nhả bóng về tuyến hai để Quang Hải hoặc Hoàng Đức vô lê. Sự biến hóa của các pha bóng cố định nơi Việt Nam khiến đối thủ khó bắt bài.
10 năm trước, khi Trọng Hoàng lần đầu dự chung kết SEA Games, đội hình xuất phát của Việt Nam cao trung bình gần 174 cm. Trọng Hoàng, cao 172 cm, thuộc dạng trung bình khi đó. Tại chung kết SEA Games 30, Trọng Hoàng là cầu thủ thấp thứ hai trong đội hình xuất phát, sau đội trưởng Đỗ Hùng Dũng - 170 cm. Chiều cao trung bình 11 cầu thủ đá chính của Việt Nam trước Indonesia là hơn 180 cm. HLV Park tận dụng triệt để điểm mạnh thể hình của học trò và được đền đáp. Tình huống cố định đã giúp Việt Nam gỡ hòa Indonesia, thắng Singapore, trước khi hạ gục Indonesia một lần nữa ở chung kết.
HLV Park không chỉ khởi tạo chiến thuật kết liễu đối thủ, mà còn khai phá tử huyệt của họ. Tình huống cố định chỉ là một trong những giải pháp của Việt Nam. Đội ngũ của ông còn xem băng hình, nghiên cứu đối thủ trước mỗi trận để lựa đấu pháp phù hợp. Chẳng hạn ở bán kết gặp Campuchia, Việt Nam dẫn 3-0 trong hiệp một nhờ vào những tình huống bóng dài, phá bẫy việt vị đối thủ.
Campuchia sở hữu đội hình có xu hướng dâng cao nhất ở SEA Games 30. Họ luôn muốn cướp lại bóng ngay khi vừa để mất. Phối hợp nhỏ và ngắn trước đội quân của Felix Dalmas sẽ ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Điểm yếu của Campuchia nằm ở hàng thủ, đặc biệt cặp trung vệ Sovann Ouk và Sambath Tes - không mạnh tranh chấp tay đôi. Nhận biết hai điểm yếu của Campuchia là hàng thủ dâng cao và trung vệ thiếu quyết đoán, HLV Park chỉ đạo học trò chuyển trạng thái nhanh với những đường chuyền dài, để tiền đạo phá bẫy việt vị.
Hàng thủ Campuchia bất lực trước khả năng di chuyển và tốc độ của Đức Chinh. Ảnh: Đức Đồng. |
Nhờ chỉ đạo của Park và Lee, cục diện trận bán kết ngã ngũ ngay trong hiệp một, hay chính xác hơn là trong sáu phút. Từ phút 20 đến phút 26, Việt Nam tạo ra ba tình huống chuyển trạng thái trong trung bình 10 giây, ghi hai bàn. Ở bàn đầu tiên phút 20, thời gian từ lúc Việt Nam có bóng đến lúc bóng vào lưới Campuchia là 13 giây. Một phút sau, Tiến Linh có cơ hội đối mặt sau khi Sovann phá bóng hụt, nhưng anh sút trúng thủ môn Soksela Keo. Đợt phản công này bắt nguồn từ đường chuyền dài của Hoàng Đức ở sân nhà, chỉ mất chín giây để đến tay thủ môn. Đến phút 26, Văn Hậu chuyền dài từ sân nhà cho Đức Chinh bứt tốc vượt qua Safy Yue và ghi bàn chỉ trong tám giây.
Minh họa bàn mở tỷ số của Việt Nam ở bán kết với Campuchia. Hùng Dũng vừa chuyền cho Tiến Linh. Cùng thời điểm, Đức Chinh chạy lên trong khi Tiến Linh chỉ vừa liếc thấy đồng đội. |
Tiến Linh chuyền ngay một chạm, khi Đức Chinh đã tăng tốc. Ba cầu thủ phòng ngự Campuchia hoàn toàn không quan sát Đức Chinh. Đây là điểm yếu của hàng thủ Campuchia. Đức Chinh thoát xuống, có nhiều thời gian và khoảng trống để chỉnh bóng trước khi tạt vào cho Tiến Linh đánh đầu mở tỷ số. |
Chiến thuật chỉ là một phần trong thành công của Việt Nam tại SEA Games 30. Về mảng này, người luôn cầm sa bàn chiến thuật - trợ lý Lee - góp công không nhỏ. Thầy Park còn gây ấn tượng ở cách sử dụng, thay đổi và xoay vòng nhân sự. Việt Nam là đội duy nhất ở SEA Games 30 để cả 20 cầu thủ thi đấu, ít nhất hai trận.
SEA Games có lẽ là giải đấu khắc nghiệt bậc nhất hành tinh, xét theo mật độ thi đấu. Các đội phải đá xấp xỉ hai ngày một trận. Còn HLV chỉ được mang tối đa 20 cầu thủ, so với 23 cầu thủ như các giải đấu chính thức của FIFA và AFC. Park cho thấy niềm tin ở tất cả học trò khi không để cầu thủ nào bị bỏ quên trên ghế dự bị, nhất là vị trí thủ môn.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng được coi là lựa chọn số một của Việt Nam tại SEA Games, khi anh bắt chính ở trận ra quân gặp Brunei và trận quan trọng đầu tiên với Indonesia. Nhưng, kể từ sai lầm ở trận gặp Indonesia, Bùi Tiến Dũng phải nhường khung thành cho đàn em Nguyễn Văn Toản. Văn Toản, 20 tuổi, tiếp tục mắc lỗi dẫn đến bàn thua đầu tiên ở trận quyết định vòng bảng trước Thái Lan. Sai lầm của Văn Toản đến từ việc thiếu may mắn hơn chuyên môn, giúp anh được tin tưởng cho đến cuối Đại hội. Những pha ra vào bắt bóng bổng gọn gàng của thủ môn cao 186 cm đã chinh phục ông Park. Anh không mắc sai lầm nào nữa.
Văn Toản chiếm vị trí chính thức từ Tiến Dũng chơi tốt, trong đó có pha cản phạt đền ở trận bán kết. Ảnh: Đức Đồng. |
Thầy Park không hề bảo thủ trong các quyết định nhân sự. Không chỉ Văn Toản, Nguyễn Đức Chiến cũng giống như viên ngọc được ông khai phá ở SEA Games 30. Cầu thủ gốc Hải Dương đã khẳng định được chỗ đứng ở CLB Viettel tại V-League 2019, ở cả vị trí trung vệ lẫn tiền vệ phòng ngự. Bước tới SEA Games, anh vẫn chỉ là phương án dự phòng khi bộ ba trung vệ Tấn Sinh, Thành Chung và Văn Hậu được trọng dụng.
Đức Chiến bắt đầu khẳng định chỗ đứng ở hiệp hai trận gặp Thái Lan, khi anh vào sân thế chỗ Triệu Việt Hưng. Việt Hưng chơi tốt trong hai trận đầu với Brunei và Lào, nhưng sa sút thể lực khi đá trọn 90 phút ở trận thắng sát nút Singapore. Thái Lan có những cầu thủ biết cách thoát người ở giữa sân, đòi hỏi Việt Nam một tiền vệ trung tâm có thể lực tốt để ập vào đối thủ nhanh và quyết liệt hơn. Quyết định thay Việt Hưng bằng Đức Chiến đầu hiệp hai là hợp lý.
Đức Chiến (số 21) là máy quét chất lượng của U22 Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng. |
Ông cắt cử Đức Chiến theo sát Supachok Sarachat - cầu thủ thích luồn vào khoảng trống để nhận bóng và qua người. Chỉ trong 45 phút, Đức Chiến cắt bóng thành công bốn lần, hai lần tắc bóng và hai lần phạm lỗi chống phản công. Thể lực và thể hình tốt giúp Đức Chiến hoàn thành nhiệm vụ. Cầu thủ 21 tuổi chiếm luôn vị trí chính thức kể từ đó. Trùng hợp là cũng từ đó, Việt Nam không thủng lưới thêm bàn nào ở Đại hội.
So với Văn Toản và Đức Chiến, bài toán nhân sự khó khăn hơn với thầy Park là cách sử dụng tiền đạo Hà Đức Chinh. Nhà cầm quân Hàn Quốc muốn sử dụng cả hai tiền đạo: Tiến Linh và Đức Chinh. Họ sẽ giúp lối chơi tấn công trực diện của Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn. Đức Chinh là một trong số ít cầu thủ thi đấu cả bảy trận, dù chỉ được coi là phương án dự phòng cho Tiến Linh trong sơ đồ 3-4-3. HLV Park không thể làm ngơ một tiền đạo đã lập "poker" trong trận mở màn với Brunei. Niềm tin ông dành cho Đức Chinh được đền đáp khi tiền đạo Phú Thọ ghi tám bàn ở Đại hội.
Thầy Park tìm ra cách kết hợp cả Đức Chinh lẫn Tiến Linh. Ảnh: Đức Đồng. |
Thầy Park cũng mắc sai lầm nhân sự, nhưng sửa chữa kịp thời. Ông loay hoay tìm người thế chỗ Quang Hải sau khi đội trưởng Việt Nam chấn thương nặng ở hiệp một trận gặp Singapore. Ông dùng Trọng Hoàng thế chỗ Quang Hải trước Thái Lan, nhưng chỉ sau 18 phút, ông đưa Đức Chinh vào sân. Trong những phút còn lại của hiệp một, Đức Chinh chủ yếu hỗ trợ phòng ngự và anh vẫn làm tốt nhiệm vụ. Sang hiệp hai, Đức Chinh mới được đẩy lên và Việt Nam dùng sơ đồ 3-5-2 cho tới khi vô địch. Sẽ không bất ngờ nếu 3-5-2 tiếp tục được sử dụng ở vòng chung kết U23 châu Á tháng 1/2020.
Theo VNE