Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Tai nạn đường sắt: Báo động ôtô “tông” tàu hỏa

08:55 | 17/04/2015

934 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong quý I/2015, tai nạn giao thông đường sắt có dấu hiệu gia tăng và diễn biễn phức tạp. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở những đường ngang không có người gác chắn, đặc biệt là những vụ ôtô đâm vào đoàn tàu tại đường ngang cho thấy lái xe ôtô bất chấp mọi quy định khi tham gia giao thông.

Ôtô "bất chấp" tàu hỏa

Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), tình hình tai nạn giao thông đường sắt quý I/2015 diễn biến hết sức phức tạp ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương đều tăng so với cùng kỳ. Số liệu thống kê của ngành Đường sắt Việt Nam cho thấy, toàn quốc xảy ra 116 vụ tai nạn giao thông đường sắt (so với cùng kỳ tăng 30 vụ; số người chết tăng 14 người; số người bị thương tăng 10 người).

Nguyên nhân các vụ tai nạn nêu trên chủ yếu là do người dân, các phương tiện đường bộ (xe máy, ôtô) đi ngang qua đường sắt không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn. Đặc biệt đã có 47 vụ ôtô đâm vào đoàn tàu, trong đó 14 vụ có người chết và bị thương.

Phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, khoảng 66,9% số vụ tai nạn trên xảy ra tại các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, mà nguyên nhân chủ yếu là do lối đi dân sinh tự mở trái phép qua đường sắt.

Ông Đoàn Duy Hoạch. 

“Trong các tuyến đường sắt thì tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh có số vụ tai nạn cao nhất, chiếm 80% tổng số vụ; tuyến Hà Nội - Lào Cai chiếm 6%, Hà Nội - Hải Phòng chiếm 4%, còn lại là các tuyến khác. Tai nạn xảy ra đối với xe ôtô chiếm khoảng 10%, xe máy là 50%, xe đạp là 15%, phương tiện khác và người đi bộ chiếm khoảng 35%” - ông Đoàn Duy Hoạch đưa ra dữ liệu thống kê.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Đường sắt cũng chỉ ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ tai nạn giao thông là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang, như: Không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu tại đường ngang, tín hiệu của nhân viên gác chắn; Không làm chủ được tốc độ đâm vào tàu khi tàu đang chạy qua đường ngang hoặc cố tình vượt qua đường ngang khi thiết bị tín hiệu cảnh báo tự động đã báo hiệu có tàu sắp đến hoặc không chú ý quan sát tàu hỏa trước khi vượt qua đường ngang (đối với đường ngang không có người gác chắn).

“Có thể thấy, sự gia tăng tai nạn giao thông đường sắt trong một thời gian ngắn không chỉ do hạ tầng mà còn do ý thức của người tham gia giao thông. Đây là điều đáng báo động khi nguyên nhân xảy ra tai nạn phần lớn do người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và vi phạm quy định an toàn giao thông. Mật độ đường ngang dân sinh mọc lên dày đặc dọc các tuyến cũng là nguyên nhân khiến gia tăng tai nạn đường sắt” - ông Đoàn Duy Hoạch nói.

Khó xóa những nút giao “tử thần”

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trên toàn mạng lưới đường sắt hiện có 5.751 đường ngang giao cắt. Trong đó, chỉ có 1.516 vị trí đường ngang hợp pháp (có mặt lát đường bộ qua đường sắt bằng tấm đan bê tông hoặc láng nhựa cấp phối), còn lại là 4.268 đường ngang dân sinh (chiếm 74%). Mật độ bình quân gần 2km đường sắt chính tuyến có 1 đường ngang.

Trong số các đường ngang hợp pháp, có đến 86% không đủ điều kiện an toàn, như: tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định theo tiêu chuẩn quản lý đường ngang, đặc biệt là đường ngang tại các vị trí đường bộ song song, liền kề đường sắt và ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp...

Bên cạnh đó, trang thiết bị tại các đường ngang có gác chắn lạc hậu, phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng nhân công. Do kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư các đường ngang có lắp thiết bị tự động đóng chắn và cảnh báo tự động rất hạn chế. Tại vị trí các đường ngang dân sinh do người dân địa phương tự mở, ngành Đường sắt đã tổ chức rào chắn nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc tự tháo dỡ của người dân để lấy lối đi chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng gia tăng tai nạn đường sắt trong thời gian qua.

Hình ảnh vụ tai nạn đường sắt giữa ôtô tải và tàu hỏa tại Quảng Nam.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành Đường sắt cũng nhấn mạnh, các vụ tai nạn thời gian qua có diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến ngành đường sắt và gây áp lực về mặt tinh thần rất lớn đến tài xế tàu. “Để xảy ra tai nạn đau lòng, ngành cũng chịu rất nhiều sức ép. Mọi người đừng nói trách nhiệm của ai cả mà là trách nhiệm của tất cả mọi người. Chỉ một người làm thì không thể” - ông Đoàn Duy Hoạch bày tỏ quan điểm.

Đề cập đến việc lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt, theo ông Đoàn Duy Hoạch, cuối năm 2014, Tổng Công ty đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện nâng cấp cải tạo 63 đường ngang với kinh phí khoảng hơn 170 tỉ đồng và xây dựng 50 đường ngang để xóa các “điểm đen” về tai nạn giao thông. Ngành Đường sắt đang nghiên cứu lập chủ trương đầu tư trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư Công.

“Tại các đường ngang ở các thành phố lớn, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống phát thanh để tuyên truyền, cảnh báo người tham gia giao thông, kết hợp với các ngã tư đường sắt giao cắt với đường bộ. Các đường cảnh báo tự động đều có chuông reo khi tàu đang đến gần và có biển đỏ để người tham gia giao thông chú ý, thậm chí một số điểm đặt các gờ cưỡng bức giảm tốc độ khi qua đường sắt” - ông Đoàn Duy Hoạch nói.

Cũng theo ông Đoàn Duy Hoạch, việc giải tỏa các công trình nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt, ảnh hưởng đến tầm nhìn cả hai phía đường bộ và đường sắt gặp nhiều khó khăn do chưa bố trí được kinh phí đền bù, giải tỏa. Các địa phương cũng khó khăn trong việc bố trí kinh phí để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới và chốt gác tại các đường ngang, lối đi dân sinh có nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

“Tổng Công ty kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với các địa phương trong khi chưa xóa bỏ được các lối đi dân sinh, đề nghị các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn, tăng cường rà soát kiểm tra, xoá  bỏ các đường ngang trái phép, duy trì, nhân rộng thêm các điểm cảnh giới do địa phương đảm nhận. Thực hiện kết nối tín hiệu giao thông đường bộ với tín hiệu đường sắt tại các điểm. Và như vậy, tại các đường ngang dân sinh, mỗi lái tàu đều thầm cầu nguyện tử thần không cướp đi sinh mạng của những người cố tình vi phạm an toàn đường ngang bởi linh hồn của họ đã được gửi gắm hoàn toàn vào tiếng còi tàu. Ranh giới mong manh của sự sống và cái chết phụ thuộc rất nhiều vào việc chấp hành luật pháp của ý thức người đi đường” – ông Đoàn Duy Hoạch nhấn mạnh.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1856/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, phải xử lý được 6.000 điểm giao cắt với đường dân sinh. Đối với các điểm giao cắt đường quốc lộ với đường ngang dân sinh, kế hoạch đưa ra mục tiêu phải xây dựng các cầu vượt giao cắt lập thể, vượt đường sắt hoặc hầm chui qua điểm giao cắt.

Giai đoạn 2011-2015 tập trung cho tuyến đường sắt Bắc - Nam và giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung cho tất cả các tuyến đường sắt trên cả nước. Số kinh phí dự tính cần để xóa bỏ các điểm giao cắt đường ngang dân sinh là hơn 4.000 tỉ đồng.

Thiên Minh (theo Năng lượng Mới)