Sức mạnh từ “Kỷ luật và Đồng tâm”
Năng lượng Mới số 364
Bước phát triển mạnh mẽ
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên tự hào nhấn mạnh, trong 2 thập niên qua, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của TKV đạt mức tăng trưởng cao. Nếu như năm 1995, sản lượng than nguyên khai của TKV đạt 9,4 triệu tấn, tổng doanh thu 2,5 nghìn tỉ đồng, thì tính đến năm 2013, sản lượng than nguyên khai của TKV đã đạt hơn 42 triệu tấn, tổng doanh thu đạt hơn 100 nghìn tỉ đồng. Công tác quản lý kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đã được TKV không ngừng đổi mới, hiện đại hóa công tác sản xuất kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và sản xuất an toàn hơn, hiệu quả hơn và sạch hơn ở các đơn vị.
Trong quản lý tài nguyên, TKV đã đẩy mạnh thăm dò, xác minh thêm trữ lượng than ở Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và đặc biệt là đẩy mạnh điều tra, thăm dò than ở Bể than Đồng bằng sông Hồng, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất của từng khoáng sàng và vùng mỏ, đảm bảo dữ liệu vững chắc cho quy hoạch và thiết kế phát triển các mỏ than lâu dài. Đối với các mỏ hầm lò, TKV đã thiết kế, xây dựng các mỏ hầm lò với mức độ cơ giới hóa cao, thiết bị hiện đại, công suất lớn (Hà Lầm, Núi Béo, Khe Chàm II - IV…); tăng cường phát triển cơ giới hóa khai thác than trong lò chợ sử dụng các loại vì chống thủy lực thay thế gỗ, áp dụng máy khấu than, đồng bộ thiết bị cơ giới hóa khai thác ở các mỏ Khe Chàm, Vàng Danh, Nam Mẫu, Mạo Khê, Hồng Thái với các loại giàn chống tự hành như ZZ, VINAALTA, KDT, ANSA… Các mỏ than có hệ số an toàn hơn, thông qua việc TKV thành lập Trung tâm An toàn mỏ, với công nghệ tiên tiến do Nhật Bản giúp đỡ, tập trung nỗ lực chống cháy nổ khí mỏ và bục nước mỏ, xây dựng mạng lưới quan trắc, kiểm soát khí mỏ quản lý tập trung…
Đối với các mỏ lộ thiên, TKV đã đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn như ôtô 100 tấn (CAT 95), máy khoan đường kính lớn, máy khoan thủy lực, sử dụng dịch vụ nổ mìn, máy xúc thủy lực gầu ngược để đào sâu đáy mỏ và xúc chọn lọc than, hệ thống vận tải liên hợp ôtô - băng tải, ôtô khung mềm cho đáy mỏ sâu, dùng máy cày xới giảm khoan nổ mìn (DR10).
Ngoài ra, các loại khoáng sản, kim loại màu khác cũng được TKV phát triển mạnh mẽ. TKV đã đặt nền móng cho nền công nghiệp nhôm nước ta qua hai dự án khai thác và tuyển alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Phát triển mạnh mẽ và hiệu quả tổ hợp khai thác, tuyển và luyện đồng tấm tại Lào Cai với sản lượng 10.000 tấn đồng tấm mỗi năm. Nhiều kim loại màu như chì, kẽm, thiếc thỏi được đẩy mạnh phát triển tại các vùng Việt Bắc, miền Trung v.v... Các ngành nghề hóa chất, cơ khí cũng được TKV chú trọng phát triển, đáp ứng việc tự lo nhu cầu của các đơn vị sản xuất khoáng sản về thuốc nổ, thiết bị điện phòng nổ, thiết bị cơ khí v.v...
Đặc biệt TKV đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện thông qua việc ứng dụng công nghệ tầng sôi tuần hoàn (CFB) đốt than phẩm cấp thấp (than xấu, khó bán) để tận dụng tài nguyên, giảm phát thải ô nhiễm và khí nhà kính biến đổi khí hậu nóng lên toàn cầu. Hiện nay, sản lượng điện của TKV đã đạt 5% sản lượng điện toàn quốc.
Công tác bảo vệ môi trường được TKV quan tâm sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tại tất cả các khu vực nhạy cảm các mỏ, thực hiện đo đạc thông số môi trường hàng quý để nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời, lập ra quỹ môi trường tập trung để phục vụ các công trình bảo vệ môi trường trọng điểm…
Tầm nhìn 15 năm sau
Cũng theo ông Lê Minh Chuẩn, quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì TKV sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính là sản xuất than, khoáng sản, điện, hóa chất, cơ khí… Trong đó than là mục tiêu trọng tâm với sản lượng tăng cao trong một vài năm tới. Sản xuất than toàn ngành sẽ đạt 60-65 triệu tấn vào năm 2020 và đạt trên 75 triệu tấn vào năm 2030. Sản lượng này chủ yếu tại vùng than Quảng Ninh. Đến năm 2020 sẽ có sự tham gia sản lượng của bể than Đồng bằng sông Hồng.
Bể than Đồng bằng sông Hồng hiện nay đang tiến hành đầu tư khai thác thử nghiệm một số dự án để làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển. Phấn đấu đạt sản lượng than khoảng 1 triệu tấn vào năm 2020 và trên 10 triệu tấn vào năm 2030. Sản lượng than thương phẩm toàn ngành có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn, kể cả việc xuất, nhập khẩu than, nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành than từ nay đến năm 2020 khoảng trên 300 ngàn tỉ đồng, bình quân 35 ngàn tỉ đồng mỗi năm.
TKV đặt ra hướng đi của các ngành dựa trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than, khoáng sản của đất nước, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặt khác, TKV sẽ đẩy mạnh thăm dò khai thác và chế biến, phát triển gia tăng sản lượng một số ngành khai thác khoáng sản khác như nhôm, sắt, đồng, chì, kẽm, đất hiếm v.v… cũng như đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện, hóa chất, cơ khí… Dự kiến đến năm 2020, sản lượng điện của TKV sẽ đóng góp 10% sản lượng điện toàn quốc. Các ngành hóa chất, cơ khí sẽ đáp ứng được yêu cầu thuốc nổ và máy móc thiết bị cơ khí theo sự phát triển chung của than, khoáng sản, giảm mua ngoài và nhập khẩu nhiên liệu v.v...
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (trước đây là Tổng Công ty Than việt Nam) TKV được thành lập theo Quyết định số 563/QĐ-TTg ngày 10-10-1994 và Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg ngày 26-12-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Cơ cấu tổ chức của Tập đoàn gồm công ty mẹ với 20 đơn vị trực thuộc, 68 công ty con bao gồm: 23 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 4 công ty ở nước ngoài, 34 công ty cổ phần và 7 đơn vị sự nghiệp. Ngoài ra còn có 12 công ty liên kết của Tập đoàn. * Ngành, nghề kinh doanh chính: - Công nghiệp than: Khảo sát, thăm dò, đầu tư, xây dựng, khai thác, vận tải, sàng tuyển, chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm than, khí mỏ, nước ngầm ở mỏ và các khoáng sản khác đi cùng với than. - Công nghiệp khoáng sản - luyện kim: Khảo sát, thăm dò, đầu tư, xây dựng, khai thác, vận tải, sàng tuyển, làm giàu quặng, luyện kim, gia công, chế tác, mua, bán. xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm khoáng sản. - Vật liệu nổ công nghiệp: Sản xuất, mua, bán, dự trữ, xuất nhập khẩu các loại vật liệu nổ công nghiệp và nitơrat amôn. - Công nghiệp điện: Đầu tư, xây dựng, sản xuất điện; mua, bán điện. * Ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính: - Công nghiệp cơ khí. - Công nghiệp hóa chất và vật liệu xây dựng. - Quản lý, khai thác cảng; vận tải, kho bãi. - Xây dựng công trình mỏ, dân dụng, công nghiệp, giao thông. - Thăm dò, khảo sát địa chất; tư vấn khoa học công nghệ và đầu tư; giám định hàng hóa; đào tạo; y tế. |
Hà Trang