Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác
Tại cuộc gặp gỡ các cơ quan báo chí và các đơn vị chăn nuôi ngày 17/3, xung quanh vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lơn, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác, và để giải quyết căn cơ vấn đề trên trước hết phải chấn chỉnh lại ngành chăn nuôi.
Trong khi đó ông Trần Văn Quang, phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai đặt vấn đề “bảo vệ người tiêu dùng hay bảo vệ người chăn nuôi”. Theo ông Quang, phải làm sao để người chăn nuôi luôn ý thức được rằng chăn nuôi chân chính sẽ mang lại những giá trị bền vững. Cái gốc của vấn đề trên chính là người chăn nuôi, khi họ biết những sản phẩm họ tạo ra là những sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường, thì ý nghĩ về việc sử dụng chất cấm sẽ được loại bỏ.
Giá thịt lợn rớt thê thảm
Ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty Cổ phần súc sản Đồng Nai cho rằng, để tạo ra một con lợn giống có nạc theo tiêu chuẩn phải mất rất nhiều thời gian và công sức, từ khâu chọn giống, lựa chọn thức ăn, môi trường chăn nuôi… Do đó, chỉ những người hám lợi mới sử dụng chất cấm để kích thích bung đùi, nở vai, tạo nạc chỉ trong một thời gian rất ngắn. Đây là một kiểu cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường chăn nuôi. Ngoài ra, việc làm trên còn ảnh hưởng rất lớn đến những người chăn nuôi chân chính. Bởi giá cả xuống thấp sẽ kéo theo sự ảnh hưởng đến cả ngành chăn nuôi, trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Trí Công cho biết, khi có thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để tạo nạc trên lợn, đã khiến giá thịt lợn rớt thê thảm. Trước đó giá lợn ở mức 52.000 – 55.0000 đồng/kg, thì nay giá chỉ còn 40.000 – 42.000 đồng/kg. Ngoài ra lượng thịt lợn tiêu thụ tại thị trường hiện đang giảm rõ rệt, người tiêu dùng đang e ngại và quay lưng với sản phẩm thịt lợn tại thời điểm hiện nay.
Trong khi nhiều người tham dự cuộc họp cho rằng, người tiêu dùng có quyền từ chối những sản phẩm không an toàn, và đây là phản ứng dễ hiểu. Ông Trần Văn Quang cho rằng, không thể vì lợi ích của một số đối tượng mà làm ảnh hưởng đến cả ngành chăn nuôi và người tiêu dùng. Do đó, ngành chăn nuôi cần có một cuộc cải tổ, phải thực hiện các cam kết nói không với chất cấm, lúc đó mới lấy lại được lòng tin từ người tiêu dùng.
Xử lý chưa đủ sức răn đe
Theo ông Trần Văn Quang, công tác quản lý nhà nước trong vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể là Nghị định 08 về việc xử phạt vi phạm trong thức ăn chăn nuôi lại cho rằng mỗi năm chỉ kiểm tra không quá 2 lần đối với một cơ sở, đồng thời phải thông báo trước bằng văn bản. Trong khi đó, đối với việc kiểm tra đột xuất thì Nghị định 08 lại quy định chỉ khi nào phát hiện dấu hiệu vi phạm mới tiến hành kiểm tra đột xuất. Ông Quang cho rằng với những quy định như vậy sẽ rất khó cho các cơ quan quản lý chuyên môn trong quá trình thanh kiểm tra và phát hiện vi phạm.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình, cho rằng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một hành vi gian dối nghiêm trọng. Do đó khi phát hiện những đối tượng sử dụng thì cần truy tố hình sự để làm gương, còn biện pháp xử lý hành chính như hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Nhiều người cho rằng, ngoài các cơ quan như thú y, quản lý thị trường thì lực lượng công an cũng cần vào cuộc để điều tra những đối tượng nào cung cấp chất cấm cho người chăn nuôi và số chất cấm được tuồn vào Việt Nam bằng những đường nào để có biện pháp ngăn chặn từ gốc.
Ông Bình nói, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không phải hiện nay mới có mà đã ngấm ngầm từ lâu, tuy nhiên việc phát hiện và xử lý không đến nơi đến chốn và không đủ sức răn đe nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay. Nhiều người cũng đề xuất chính quyền địa phương và các đơn vị chăn nuôi cần thực hiện những cam kết về việc nói không với chất cấm, nếu hộ nào, đơn vị nào vi phạm sẽ áp dụng biện pháp đóng trại và phạt thật nặng. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, đang đề xuất mức xử phạt đối với những đơn vị chăn nuôi sử dụng chất cấm với mức phạt 200 triệu đồng và rút giấy phép chăn nuôi.
T. Tâm
-
[Chùm ảnh] Lớp tập huấn nghiệp vụ cho chủ tịch công đoàn cơ sở tham quan cảng Vietsovpetro
-
[PetroTimesTV] Cảm xúc kỳ bảo dưỡng
-
“Mùa xuân và người lính biển” - cảm xúc đong đầy của người dầu khí
-
[PetroTimesTV] Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau
-
[PetroTimesTV] Hoàn thành vượt tiến độ đại tu tổ máy H2 tại Thuỷ điện Đakđrinh